1-Điều quan trọng nhất trên sân chơi hội nhập chính là khả năng cạnh tranh. Đây là một điều đáng lo ngại cho Việt Nam. TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương ở Hà Nội từng nhận định:
“Hiện nay thì khu vực kinh tế tư nhân những doanh nghiệp có đăng ký tức là hoạt động hợp pháp chỉ chiếm khoảng 12% GDP thôi, còn nền kinh tế hộ gia đình thì chiếm đến 52%. Kinh tế hộ gia đình thì quá bé không có tiền vốn cho nên họ không có năng lực cạnh tranh gì cả. Cho nên nếu Việt Nam cạnh tranh quốc tế mà lại cạnh tranh với các hộ gia đình quá nhỏ thì điều ấy là một nguy cơ quá lớn.”
2-Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) có thể là gã khổng lồ đến chậm, mà Việt Nam kỳ vọng vào lúc đó sẽ tăng tổng sản phẩm nội địa GDP mỗi năm từ 1,4 đến 2,9 tỷ USD, theo tính toán của các chuyên gia nhà nước. Nhưng ngược lại 10 triệu hộ chăn nuôi gia đình sẽ mất kế sinh nhai nếu không chuyển sang lĩnh vực khác. Ông Tống Xuân Chinh, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi thuộc Bộ Nông nghiệp Phát triển Nông thôn nói với báo chí rằng, ngành chăn nuôi gần như là vật hy sinh cho TPP.
3-Thiếu chuẩn bị:
Chỉ trong nội bộ các nước ASEAN mà Việt Nam sớm tham gia khu mậu dịch tự do, hàng tiêu dùng Việt Nam đã yếu thế rất nhiều so với các nước láng giềng. Ở lĩnh vực dịch vụ, hàng loạt đại gia bán lẻ thâu tóm các công ty siêu thị và trong tương lai gần, khi lộ trình cắt giảm thuế đã hết ân hạn cho Việt Nam thì chắc chắn các quầy hàng sẽ tràn ngập hàng hóa vừa rẻ vừa tốt hơn sản phẩm cùng loại của Việt Nam.
Bà Phạm Chi Lan, nguyên thành viên Ban tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ cũng từng dóng tiếng chuông báo động về việc hội nhập nhanh mà thiếu chuẩn bị:
“Tôi cũng có mối lo ngại như vậy, không phải chỉ những cam kết sâu và mạnh như TPP hoặc là FTA với EU không thôi, mà ngay sự việc hình thành cộng đồng kinh tế ASEAN. Các doanh nghiệp Việt Nam cho đến nay có vẻ thiếu sự chuẩn bị cần thiết cho nên rất có thể họ sẽ gặp khó khăn. Ngoài ra khu vực RCEP cũng đang được bàn thảo và hình thành giữa 10 nước ASEAN và 6 nước ở khu vực Châu Á Thái Bình Dương, bao gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Australia, New Zealand và Ấn Độ cũng sẽ đặt sức ép cạnh tranh rất lớn cho doanh nghiệp.”
Sau đổi mới cuối thập niên 1980, Việt Nam đã đẩy mạnh tiến trình hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế. Ngoài việc chính thức tham gia WTO Tổ chức Thương mại Thế giới, cho đến nay Việt Nam đã ký kết gần một chục Hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương. Mới nhất vào ngày 3/8/2015 chính phủ Việt Nam cùng lúc loan báo đã kết thúc đàm phán FTA với Liên minh Châu Âu EU, cũng như hoàn tất đàm phán song phương với tất cả các nước thành viên tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP.
Việt Nam theo cơ chế chính trị một đảng độc quyền cai trị, Hiến pháp 2013 khẳng định đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo nhà nước và toàn xã hội. Theo các chuyên gia, đây chính là nguyên nhân của tình trạng thiếu giám sát, thiếu trách nhiệm giải trình và thiếu công khai minh bạch nói chung. Nền chính trị của Việt Nam cho đến nay không có sự cạnh tranh hoặc giám sát của các đảng đối lập.
Dẫu sao thì hội nhập khởi sự sau giai đoạn đổi mới 1986, cũng đã giúp Việt Nam tăng tổng sản phẩm nội địa / GDP đầu người gấp 10 lần từ hơn 200 USD năm 1977 lên mức 2.000 USD hiện nay. Mặt tích cực của hội nhập được nhìn nhận, cho dù xã hội hình thành hố sâu giàu nghèo càng ngày càng lớn.