TẦM NHÌN "ĐỊA-VĂN-CHÍNH-CÔNG-KINH"
QUYẾT ĐỊNH THÀNH CÔNG

I FORESEE TO WIN
NOTHING IS PERMANENT EXCEPT CHANGE

 Trong hoạt động giao dịch với đối tác quốc tế, hợp đồng mua bán đóng vai trò rất quan trọng và luôn tiềm ẩn rủi ro xảy ra các tranh chấp. Thế nhưng, các DN nhỏ và vừa (NVV) ở nước ta đối với vấn đề này vẫn chưa có sự quan tâm đúng đắn.

Chủ quan

Thực tế cho thấy, nhiều DN NVV Việt Nam vẫn tỏ ra khá thờ ơ và chủ quan khi cho rằng, DN đều đang làm việc với khách hàng quen thuộc, lâu năm nên có thể tin tưởng lẫn nhau và không e ngại những rủi ro có thể phát sinh. Một ví dụ cụ thể, mới đây nhất, báo chí trong nước đã đưa tin về khả năng thua kiện và phải bồi thường hợp đồng của Công ty dệt 19-5 Hà Nội (Hatexco) trong vụ tranh chấp với Ecom Agroindustrial Corp. Ltd (Thụy Sỹ) do Hatexco đơn phương hủy hợp đồng mua bán.

Nói về hoạt động pháp lý của DN, theo ông Chu Văn Trọng, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần XNK Khoáng sản Hà Nam, khách hàng của Công ty đã thiết lập được mối quan hệ thân thiết, có văn phòng đại diện tại Việt Nam nên chưa gặp phải rủi ro gì. Hơn nữa, các hợp đồng của Công ty được soạn theo những điều khoản có sẵn của Luật Thương mại quốc tế, dù có thêm những điều khoản riêng nhưng cũng không gây nhiều ảnh hưởng.

Còn theo ông Phạm Xuân Pha, Giám đốc Công ty TNHH sản xuất XNK Phương Thanh (DN chuyên XK hàng thủ công mỹ nghệ), chi phí để thuê luật sư theo sát các hợp đồng của DN là rất lớn. Vì thế, Công ty chỉ thuê kiểm soát và hướng dẫn trong thời gian đầu hoạt động, sau đó Công ty sẽ tự trau dồi kiến thức để giao dịch với DN nước ngoài. Điều quan trọng là DN phải làm ăn chân chính, thực hiện từng bước theo đúng hợp đồng và quy định pháp luật, không vì lợi ích trước mắt mà ảnh hưởng đến cả quá trình hoạt động sau này.

Nhận xét về mức độ quan tâm và khả năng nhận thức của DN Việt Nam trong việc soạn thảo hợp đồng, bà Hoàng Nguyễn Hạ Quyên, Luật sư tại Công ty TNHH LNT & Thành viên cho biết, các DN vẫn rất thờ ơ và gần như không biết gì về Luật Thương mại quốc tế hay dựa vào luật sư để soạn thảo hợp đồng. Hơn nữa, khi ký kết hợp đồng với đối tác, đặc biệt là DN nước ngoài, nhiều DN còn không đọc kỹ hợp đồng hoặc không hiểu thuật ngữ quốc tế mà họ sử dụng đã đặt bút ký kết. Chính những kẽ hở như vậy đã khiến tranh chấp về hợp đồng trong thương mại quốc tế xảy ra và DN Việt Nam là người dễ bị thua kiện.

“Phòng cháy hơn chữa cháy”

DN nước ngoài thường coi trọng và am hiểu về luật pháp không chỉ trong nước mà còn là quốc tế. Còn các DN Việt Nam, theo luật sư Hoàng Nguyễn Hạ Quyên, DN lo ngại chi phí cho các vấn đề pháp lý như đào tạo kiến thức pháp luật, thuê riêng luật sư… sẽ rất tốn kém, nhưng khi để xảy ra tranh chấp thì việc chạy theo vụ kiện, thuê luật sư còn chịu nhiều thiệt hại hơn nữa, chưa kể đến tổn thất nặng nề nếu DN bị thua kiện. Vì thế, DN phải “phòng cháy hơn chữa cháy, không được chủ quan trong bất kỳ tình huống nào.

Chia sẻ về kinh nghiệm của DN mình, bà Đinh Thị Thức, Giám đốc Công ty Cổ phần chè Tân Phong cho hay, bên cạnh việc nâng cao ý thức về pháp luật cho nhân viên, DN còn thuê riêng luật sư để tư vấn, hỗ trợ đến từng hợp đồng mua bán của DN. Có luật sư đứng ra đảm bảo, cộng thêm hệ thống khách hàng thân thiết lâu năm nên DN cũng yên tâm phần nào trước sự phức tạp của vấn đề tranh chấp thương mại quốc tế.

Còn theo ông Chu Văn Trọng, tuy Công ty không thuê luật sư, nhưng việc quản lý hợp đồng, Công ty phải tìm nhân viên am hiểu về pháp luật. Bên cạnh đó, để đảm bảo hợp đồng không bị phá vỡ theo thỏa thuận, Công ty sẵn sàng chịu lỗ khi giá cả có sự biến động hoặc chấp nhận chịu phạt nếu giao hàng không đúng thời hạn.

Để giúp DN “an toàn” hơn khi ký kết hợp đồng với đối tác quốc tế, luật sư Hoàng Nguyễn Hạ Quyên cho rằng, các DN nên đầu tư thuê riêng luật sư của nước sở tại để giúp tìm hiểu, đọc kỹ hợp đồng, tránh được những sai sót. Bên cạnh đó, khi soạn thảo hợp đồng, 2 điều quan trọng nhất để tránh được những tranh chấp thương mại là lựa chọn nguồn luật hợp lý và cơ quan giải quyết tranh chấp.

“Theo pháp luật quy định, hàng hay tài sản về đâu thì phải dựa theo luật pháp nước đó. Nên DN phải tìm được luật sư sở tại để nhờ tư vấn hoặc phải hiểu luật nước đó. Tuy nhiên, cũng có trường hợp DN thỏa thuận được với đối tác theo luật của Việt Nam. Đây là cách làm thuận lợi nhất nhưng rất khó thuyết phục được đối tác thực hiện theo. Vì thế, cách tốt nhất là 2 bên lựa chọn một bộ luật của nước thứ 3 (chọn quốc gia có trình độ tiên tiến) để trung hòa lợi ích. Điều này cũng tương tự khi DN lựa chọn cơ quan tài phán để giải quyết tranh chấp”, Luật sư Quyên nói.

Có thể thấy, các DN cần có biện pháp phòng ngừa và nhận thức đúng tầm quan trọng của những điểu khoản trong hợp đồng để đưa ra ký kết. Bên cạnh đó, điều quan trọng là DN phải tìm được đối tác uy tín, thiết lập mối quan hệ thân thiết, tin tưởng lẫn nhau để giảm thiểu những rủi ro có thể gặp phải. 

OTHER NEWS