TẦM NHÌN "ĐỊA-VĂN-CHÍNH-CÔNG-KINH"
QUYẾT ĐỊNH THÀNH CÔNG

I FORESEE TO WIN
NOTHING IS PERMANENT EXCEPT CHANGE

Gần 52% người dân Anh đã bỏ phiếu chọn Brexit, nhưng thực ra chính phủ Anh hoàn toàn có quyền bỏ qua kết quả này và không làm gì cả.

Theo nhận định từ báo The Guardian, câu trả lời đơn giản nhất về tính hiệu lực pháp lý của cuộc trưng cầu dân ý là “không có”. Theo luật Anh, Quốc hội giữ chủ quyền tối cao, và các cuộc trưng cầu thường không mang tính ràng buộc về luật pháp.

Năm 2011, khi nước Anh trưng cầu dân ý về việc áp dụng hình thức bầu cử mới, đã có một điều luật ghi rõ rằng chính phủ phải sửa lại luật dựa theo kết quả của trưng cầu. Tuy nhiên, với cuộc trưng cầu dân ý về việc rời EU (còn gọi là Brexit) kỳ này lại không có một luật nào quy định như vậy cả.

Hồi năm 1975, nước Anh cũng từng tổ chức trưng cầu dân ý về việc có nên ở lại trong EEC (tiền thân của EU) hay không và đại đa số người dân chọn “ở lại”. Khi đó, nghị sĩ Enoch Powell, vốn ủng hộ việc rời EEC, đã tuyên bố rằng kết quả trưng cầu dân ý chỉ mang tính tạm thời vì không có tính ràng buộc pháp lý với Quốc hội.

Giờ đây, sau khi gần 52% người dân Anh đã chọn Brexit, Thủ tướng David Cameron có quyền vận dụng điều luật 50 trong Hiệp ước Lisbon của EU: “Bất kỳ một quốc gia thành viên nào cũng có thể quyết định rời EU dựa theo các quy định của hiến pháp nước đó”. Trước đó, ông Cameron đã nói ông sẽ phải ngay lập tức vận dụng điều luật này sau khi có kết quả trưng cầu, nhưng theo Guardian bình luận thì đó có thể chỉ là một cách để thuyết phục người dân chọn việc ở lại EU.

Dù sao đi nữa, cũng không có ràng buộc pháp lý nào về việc Thủ tướng Anh phải làm điều này. Về mặt lý thuyết, ông Cameron hoàn toàn có quyền bỏ qua kết quả trưng cầu và kêu gọi một cuộc bỏ phiếu mới trong Quốc hội, vốn chiếm đa số bởi các nghị sĩ ủng hộ EU. Một nhóm các nghị sĩ ủng hộ EU đã chuẩn bị trước cho một kế hoạch như vậy, theo những nguồn tin của BBC. Đây sẽ là một nghịch lý đầy thú vị, vì một trong những luận điểm được những người ủng hộ Brexit đưa ra là họ muốn bảo vệ chủ quyền của Quốc hội Anh khỏi những cơ quan lập pháp của EU.

Đó là mới nói chuyện pháp lý trong nội bộ nước Anh, còn nếu xét tới EU thì mọi chuyện sẽ phức tạp hơn nhiều nữa. Nước Anh sẽ phải tiến hành đàm phán với EU về các điều khoản của Brexit, và những điều khoản này cần phải được chấp nhận bởi cả Hội đồng Châu Âu và Nghị viện Châu Âu. Cho tới lúc đó, nước Anh vẫn sẽ tiếp tục là thành viên EU. Giáo sư Damian Chalmers ở Đại học Kinh tế London (LSE) bình luận: “Đây là một quá trình khó khăn, vì nó sẽ phải đi qua các khâu lập pháp của EU, nơi mà mỗi nước đều có động cơ chính trị riêng”.

Những người ủng hộ Brexit cho rằng quá trình này sẽ không dài quá 2 năm, vốn là thời gian tối đa để thực hiện đàm phán. Tuy nhiên, hầu hết các chuyên gia luật đều tin rằng thời gian cần thiết sẽ dài hơn 2 năm rất nhiều, và phía EU có quyền kéo dài thời hạn 2 năm nếu cả hai bên cùng đồng ý.

Theo bình luận từ chuyên gia pháp lý David Allen Green của tờ The Financial Times, những gì xảy ra sau cuộc trưng cầu kỳ này sẽ là vấn đề mang tính chính trị nhiều hơn là pháp lý. Chính phủ Anh có nhiều lựa chọn: hoàn toàn bỏ qua kết quả trưng cầu; để cho Quốc hội bỏ phiếu nội bộ quyết định; đàm phán lại với EU để lấy các điều khoản có lợi cho nước Anh và tiến hành trưng cầu dân ý lần thứ nhì. Dù sao đi nữa, việc các nước EU tiến hành trưng cầu nhiều lần liên tiếp cho đến khi nhận được kết quả “đúng” cũng đã từng diễn ra không ít lần.

OTHER NEWS