1- Tỷ lệ thực nợ xấu có khả năng ở mức hai con số với số tuyệt đối có thể gây kinh ngạc bất cứ bạn đọc nào.
Hơn 70% tài sản thế chấp cho các khoản nợ đã bán cho VAMC là bằng bất động sản, mà VAMC đã mua 245.000 tỉ đồng nợ xấu, thử hỏi giá trị tài sản thế chấp không sinh lời của hệ thống hiện bao nhiêu?
2-“Lỗ hổng” tài sản không sinh lời cũng nghiêm trọng không kém nợ xấu hay lãi dự thu.
3-Những tưởng bốn “đại gia” quốc doanh và nửa quốc doanh bán nợ cho VAMC nhiều nhất, hóa ra không phải. + Đứng đầu danh sách bán nợ cho VAMC, theo nguồn tin từ Ngân hàng Nhà nước, là một ngân hàng cổ phần ở TPHCM sau khi nhận sáp nhập một ngân hàng khác với con số hơn 14.000 tỉ đồng tính đến cuối năm 2015.
+ Số nợ bán cho VAMC chắc chắn sẽ không dừng lại ở mức đó bởi ngân hàng này đang có khoản phải thu, các khoản lãi và phí phải thu tới 42.000 tỉ đồng theo báo cáo tài chính quí 4-2015 công bố trên trang web của Hose.
4-Tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu và trên tổng tài sản của không ít ngân hàng rõ ràng đang ở mức đáng lo ngại.
5- Nợ xấu và lãi dự thu (các khoản phải thu, các khoản phí và lãi phải thu) là hai yếu tố như a xít đang ăn mòn lợi nhuận, đồng thời làm gia tăng chi phí huy động vốn, đẩy lãi suất cho vay mà hậu quả cuối cùng không chỉ ngân hàng, mà cả doanh nghiệp và nền kinh tế phải gánh chịu.
6- Ngoài hai yếu tố có thể nhìn rõ ấy, các tổ chức tín dụng còn đang phải đối mặt với một yếu tố thứ ba: tài sản không sinh lời trong tổng tài sản.
+ Tài sản không sinh lời bao gồm nhiều khoản mục:
- Trước hết đó là trái phiếu đặc biệt của VAMC. Khi bán nợ xấu cho VAMC (thường theo giá gốc), các ngân hàng nhận trái phiếu của VAMC và hàng năm phải trích lập dự phòng 20% tổng giá trị trái phiếu. Trên sổ sách, nợ xấu của ngân hàng giảm xuống sau khi bán cho VAMC, nhưng về bản chất nó vẫn còn nguyên đó. Nếu không được thu hồi, xử lý bằng cách phát mãi tài sản thế chấp, nó là thứ tài sản không sinh lời lớn của nhiều ngân hàng.
-Về nguyên tắc, các ngân hàng có thể được tái cấp vốn bằng trái phiếu VAMC, nhưng đến nay, sau gần ba năm VAMC mua nợ, chỉ duy nhất một ngân hàng được tái cấp vốn 5.000 tỉ đồng vì lý do đặc biệt.
-Bán nợ cho VAMC càng nhiều, nhận về trái phiếu VAMC càng nhiều, tài sản không sinh lời của ngân hàng càng lớn.
-Trên báo cáo tài chính của nhiều ngân hàng, gần đây xuất hiện mục “tài sản có khác”. Theo một kiểm toán viên giàu kinh nghiệm, trong “tài sản có khác” thường có các khoản repo, ủy thác đầu tư, các khoản phải thu, tài sản cấn trừ nợ nhưng chưa sang tên cho ngân hàng...
-Nghiệp vụ repo hay ủy thác đầu tư thực chất cũng là cho vay. Nhiều khoản ủy thác đầu tư đã không đòi được, còn repo thì đáo hạn khách hàng có thể “bỏ của chạy lấy người” nếu giá trị tài sản đảm bảo trở nên thấp hơn giá trị khoản vay.
- Gian nan không kém là tài sản cấn trừ nợ cho ngân hàng, nhưng chưa sang tên cho ngân hàng. Thí dụ ông A thế chấp căn nhà (hoặc xe cộ, máy móc) vay 1 tỉ đồng, nay ông không trả được gốc và lãi, ông cấn trừ căn nhà hoặc xe hoặc máy móc cho ngân hàng, nhưng căn nhà, xe, máy móc ông A vẫn còn đứng tên. Thủ tục sang tên đâu có nhanh gọn, chưa kể còn phải định giá.
-Một tổ chức tín dụng có trụ sở ở quận 11, TPHCM, trước khi sáp nhập vào một ngân hàng to khác, trên báo cáo tài chính những năm trước chỉ ra có tới hàng chục dự án bất động sản cấn trừ nợ nhưng chưa sang tên cho ngân hàng. Số tài sản này đã cấn trừ nợ cho hàng ngàn tỉ đồng vay đến nay vẫn chưa sang tên được cho ngân hàng.
-Một thứ tài sản không sinh lời phổ biến khác là tài sản đảm bảo bằng bất động sản. Thị trường bất động sản chưa phục hồi như cách đây 5-7 năm, nhiều dự án vẫn còn đắp chiếu, khách hàng không trả được nợ và bất chấp đã được đảo, gia hạn không chỉ một lần, nợ vẫn có nguy cơ trở thành nợ xấu.
6-Đối với ngân hàng đã đề cập ở trên, chỉ riêng nợ bán cho VAMC cộng các khoản phải thu, các khoản lãi và phí phải thu đã 56.000 tỉ đồng. Nếu tính các tài sản không sinh lời khác, thì tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ đâu còn ở mức 2-3%?
7-Hệ lụy của tài sản không sinh lời trước mắt là gì?
+ Đó là thu nhập lãi thuần của ngân hàng tụt giảm, trích lập dự phòng rủi ro cao, đồng thời phải liên tục huy động vốn ở mức cao để bù đắp cho các tài sản không sinh lời.
+ Điều này kéo dài sẽ dẫn đến việc vi phạm các tỷ lệ an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng, nhất là hệ số an toàn vốn.
+ Ngoài ra, nó không thể không tác động đến chất lượng tài sản chung của ngân hàng, vốn được săm soi kỹ càng bởi các tổ chức định giá và xếp hạng tín nhiệm trong nước và quốc tế.
+ Nói cách khác, nó là một trong những nhân tố cấu thành uy tín ở các mức độ khác nhau của một tổ chức tín dụng và khả năng tồn tại của tổ chức tín dụng đó.