TẦM NHÌN "ĐỊA-VĂN-CHÍNH-CÔNG-KINH"
QUYẾT ĐỊNH THÀNH CÔNG

I FORESEE TO WIN
NOTHING IS PERMANENT EXCEPT CHANGE

 Giá dầu khí và giá US dollar

 

Gần đây, hai yếu tố đã tạo những biến động ảnh hưởng mọi vận hành của nền kinh tế toàn cầu: đó là giá dầu khí và giá đồng US dollar. Có nhiều lý do tác động, ít hoặc nhiều, trực tiếp hay gián tiếp; nhưng phần lớn các chuyên gia kinh tế độc lập đều đồng ý về các nguyên nhân chính:

 

Về sự sụt giảm của giá dầu khí: Do việc tiếp tục tăng lượng sản xuất của Saudi Arabia để đánh phá kinh tế Iran và các nước Shiite; giá và lượng sản xuất của shale oil tại Mỹ; địa chính trị giữa Âu Mỹ và Nga; nhu cầu thế giới sụt giảm; đồng USD lên giá…

 

Về việc tăng giá của đồng UD dollar: Do ngân hàng trung ương Liên Âu (EU) bắt đầu chính sách QE kích cầu; kinh tế Mỹ hồi phục tốt hơn các khối quốc gia vùng miền (châu Âu, Nhật và Trung Quốc); thông báo về dự định tăng lãi suất của Federal Reserve (US)….

 

Những ảnh hưởng chính từ hai yếu tố trên:

 

-          Những quốc gia sản xuất và ngành nghề liên quan đến dầu khí đã bị thiệt hại nặng (như Nga, Iran, Venezuela, Saudi Arabia..).cũng như lợi nhuận của các công ty oil fracking, máy móc, dịch vụ cho kỹ nghệ về dầu khí.

 

-          Người tiêu dùng và những quốc gia phải nhập khẩu dầu khí như châu Âu, Nhật Bản và Trung Quốc sẽ có thêm khoản thu nhập mà không bị lạm phát soi mòn, vì mức phát triển kinh tế vẫn chậm chạp khắp thế giới.

 

-          Phần lớn ngành nông nghiệp sẽ hưởng lợi vì chi phí sản xuất tùy thuộc nhiều vào giá phân bón, giá nhiên liệu và vận chuyển.

 

-          Việc đồng US dollar tăng giá coi như sẽ ảnh hưởng đến cán cân thương mại của mọi nền kinh tế, tích cực hay tiêu cực, tùy vào lượng xuất nhập khẩu.

 

-          Vì là tiền tệ dùng cho phần lớn dịch vụ tài chánh, các khoản nợ bằng US dollar sẽ tạo thêm phí trả nợ nhất là với các nền kinh tế mới nổi như Indonesia, Brasil, South Africa…Nguy hiểm hơn, các cá cược về tiền tệ trên thị trường F/X (gọi là carry trade, tổng cộng khoảng 12 ngàn tỷ USD) có thể bị nổ tung, tạo một khủng hoảng tài chánh mới.

 

-          Với Mỹ, việc tăng giá US dollar cũng đồng nghĩa với sự giảm khả năng cạnh tranh của hàng xuất khẩu, tạo thua hụt cho doanh nghiệp Mỹ. Chứng khoán Mỹ liên tiếp tụt điểm vì lợi nhuận sẽ bị ảnh hưởng. Đây cũng là lý do cơ quan Fed phải ngưng tạm chương trình tăng lãi suất tháng vừa rồi vì sợ tạo một giá US dollar quá cao .

 

Tất cả những tác động trên đều có cơ hội tạo sóng tương tự cho nền kinh tế Việt Nam nhưng điều khác biệt là Việt Nam vẫn còn điều hành một hệ thống nửa nạc nửa mỡ, kiểu đầu voi tư bản với đuôi chuột xã hội. Do đó, chúng ta phải phân tích ảnh hưởng của chúng trên từng góc cạnh và ngành nghề độc đáo của Việt Nam.

 

Trước hết, phải hiểu rõ cốt lõi của loại kinh tế chỉ huy mà chúng ta đã copy từ Trung Quốc.

 

3 điều căn bản và sẽ không thay đổi trong thập niên tới

 

1. Cơ chế chính quyền của Việt Nam dựa trên sự ủng hộ và trung thành của gần 4 triệu đảng viên và công chức (cùng với gia đình) nên bộ máy chỉ có thể bành trướng chứ không thể thu hẹp. Do đó, ngân sách sẽ tiếp tục gia tăng và gánh nặng này phải do thuế và nợ công cân đối. Việc tăng trưởng GDP khoảng 5% mỗi năm không đủ để bù vào số lạm chi (theo ước tính sơ khởi, GDP phải tăng ít nhất là 8%).

 

2. Quyền lực các cấp lãnh đạo  từ làng xã đến trung ương đến từ những đặc quyền đặc lợi ban phát cho các doanh nghiệp nhà nước và công ty sân sau của lãnh đạo. Do đó, mọi cố gắng để cổ phần hóa hay tư nhân hóa chỉ là phần nổi của vở kịch để làm vừa lòng các đòi hỏi của nhóm “kinh tế thị trường” từ Âu Mỹ; mọi sở hữu thực về tài sản vẫn do phe ta ôm chặt.

 

3. Trong 10 năm tới, kinh tế Việt vẫn có cá thể là gia công và nông nghiệp. Những hạ tầng cần để xây dựng một nền kinh tế hiện đại sẽ không thể hoàn tất vì những giải pháp đều đi ngược với quyền lợi của lãnh đạo. Chẳng hạn như nợ xấu của hệ thống ngân hàng, tính minh bạch của thị trường chứng khoán, việc thả nổi tỷ giá và liên thông tiền tệ….

 

3 dấu hiệu có thể gọi là “tích cực”   

 

Sau những thất bại và trì trệ gần đây với các đầu cơ vào bất động sản, chứng khoán và thi công cho chánh phủ, các đại gia Việt bắt đầu đổ tiền vào ngành sản xuất và nông nghiệp (khá nhiều tiền đi qua kênh kiều-hối-quay-đầu và FDI). Đây có thể coi như là những “đánh cược” dài hạn do sự tin tưởng vào tiến bộ của nền kinh tế. (Cũng có thể những quyền lực phía sau đang ép buộc các đại gia lớn về việc đầu tư này để cứu vãn cash flow, nhưng phỏng đoán này không có bằng chứng).

 

Một tầng lớp trung lưu đang hình thành với thu nhập ổn định nhờ những cải tiến về công nghệ, giáo dục toàn cầu và sự du nhập của các doanh nghiệp nước ngoài. Nếu số lượng của tầng lớp này đạt hơn 25% dân số, những đột phá về cơ chế và cân bằng quyền lực có thể xẩy ra. Tuy nhiên, không ai nghĩ là quy trình sẽ hoàn tất trước 2030.

 

So với các quốc gia đối thủ, Việt Nam vẫn là một lựa chọn tốt của nhà đầu tư FDI. Nhân công nhiều và rẻ, ưu đãi từ chánh phủ cao, chính sách thuế và môi trường dễ thao túng, thị trường nội địa trẻ và nhiều hứa hẹn, cơ hội từ các FTA (free trade agreements) tốt…là những nguyên nhân hấp dẫn dòng tiền FDI.

 

Phải ghi nhớ thêm là nhìn từ lăng kính cao, qua những gam mầu sáng tối vừa kể, đời sống của đại đa số người dân vẫn phải chịu “sống với lũ” có tên là ô nhiễm môi trường, giao thông ùn tắc, y tế nguy hiểm, giáo dục lụn bại…

 

Những tác động đặc biệt đến các kênh đầu tư tại Việt Nam

 

Trong ngắn hạn (hai năm tới) nên lưu ý đến quyết định về tỷ giá của Ngân Hàng Nhà Nước. Hoặc giữ biên độ 2% mỗi năm, hoặc cho VN đồng tăng giảm theo giá trị thực tế sẽ ảnh hưởng nhiều đến dòng tiền FDI, lượng xuất siêu hay nhập siêu, giá trị tài sản, mức độ lạm phát so với tăng trưởng của thu nhập…. Chẳng hạn khi FDI và lạm phát tăng vì tỷ giá US đô la cao, giá trị bất động sản sẽ bắt kịp với giá trị thực và cục máu đông nợ xấu có thể diễn biến tốt đẹp hơn. Xuất khẩu, du lịch… cũng gia tăng đem nhiều cơ hội về việc làm và khởi nghiệp.

 

Về dài hạn, những hiệp định về mậu dịch tự do (FTA) sẽ ảnh hưởng tốt đến dòng tiền FDI; nhưng cũng đem lại nhiều cạnh tranh từ các đối thủ nước ngoài. Nhưng đây có thể là một cơ hội tốt cho doanh nghiệp nội học hỏi và cải tiến.

 

Tóm lại, các yếu tố vĩ mô toàn cầu có thể ảnh hưởng đến những tài sản và đầu tư lớn; nhưng với đa số doanh nghiệp nhỏ vừa hay các nhân viên không nằm trong bộ phận quản lý, cuộc sống dù chật vật nhưng cũng sẽ trôi qua như chiếc lá giữa dòng nước lũ. Quay đi quay lại, rồi 40 năm nữa sẽ theo sau. 

Tôi không phải là thầy bói nên không biết lá số tử vi của các lãnh đạo Việt Nam và con cháu họ sẽ an bài như thế nào. Nhưng không ai có thể từ chối khả năng thay đổi của từng cá nhân chúng ta, vẫn còn trước mặt rất nhiều giải pháp sáng tạo, đặc thù… để xứng đáng vui hưởng những ân phúc mà Định Mệnh đã  dành sẵn.

 

Alan Phan

 

(Blog Alan Phan)

 

(Chú giải:

 

-          Bài viết là một dự đoán hoàn toàn do phân tích chủ quan. Tác giả xin minh xác là mình đã sai về nhiều dự đoán trong quá khứ;

 

-          Các số liệu dựa vào thống kê của chính phủ VN mà nhiều lãnh đạo, chuyên gia vẫn bầy tỏ công khai sự nghi ngờ;

 

-          Bài viết ngắn gọn theo lối business memo dành cho nội bộ BCA; không pha trộn màu mè triết thuyết hàn lâm. Bạn nào đọc mà vẫn không hiểu thì nên bỏ ngay nghiệp dư đầu tư; đưa tiền cho vợ hay gái tiêu xài có lẽ là giải pháp tốt nhất.)

OTHER NEWS

Các hoạt động kinh doanh, thương mại tại Trung Quốc đang trong tình trạng trì trệ đã khiến doanh thu của các ngân hàng tại Hồng Kông và Singapore đối mặt với mức giảm nhanh nhất trong vòng một thập kỷ qua.

Read more
Read more