TẦM NHÌN "ĐỊA-VĂN-CHÍNH-CÔNG-KINH"
QUYẾT ĐỊNH THÀNH CÔNG

I FORESEE TO WIN
NOTHING IS PERMANENT EXCEPT CHANGE

              Diễn biến tại một phiên tòa — Ayn Rand, Atlas Shrugged

– Anh giờ có thể đưa ra bất cứ lời bào chữa nào anh muốn để biện hộ cho mình.

– Tôi không có gì để bào chữa cả.

– Có phải anh…. Có phải anh muốn phụ thuộc tất cả vào lòng nhân đạo của tòa án này?

– Tôi không công nhận thẩm quyền của tòa án này đối với việc xét xử tôi.

– Anh nói gì?

– Tôi không công nhận thẩm quyền của tòa án này đối với việc xét xử tôi.

– Nhưng, thưa anh Rearden, đây là tòa án đã được pháp luật ủy quyền để xét xử các tội danh thuộc thể loại này.

– Tôi không nhìn nhận điều tôi làm là một tội hình.

– Nhưng anh đã thú nhận là đã vi phạm các quy định quản lý việc buôn bán Kim Loại Rearden của anh.

– Tôi không nhìn nhận quyền quản lý của các ông đối với việc buôn bán kim loại của tôi làm ra.

– Chúng tôi có cần nhấn mạnh lại cho anh rõ rằng việc anh nhìn nhận là không cần thiết hay không?

– Không, tôi nhận thức rõ điều đó và đang hành xử dựa trên nhận thức đó.

– Có phải anh đang nói rằng anh không chịu tuân thủ pháp luật hay không?

– Không. Tôi hiện đang tuân thủ pháp luật – đến tận từng chữ được ghi trong đó. Pháp luật của các ông buộc rằng cuộc sống của tôi, sự nghiệp của tôi, và tài sản của tôi có thể bị thanh lý mà không cần đến sự đồng ý của tôi. Được lắm, giờ các ông có thể thanh lý tôi, không cần đến sự hợp tác của tôi trong việc này. Tôi sẽ không đóng vai trò biện hộ cho bản thân tôi khi mà không có lời nào có thể biện hộ được cả, và tôi sẽ không vờ tạo ra ảo tưởng là mình đang đối mặt với một tòa án công minh.

– Nhưng, thưa anh Rearden, pháp luật định rõ rằng anh phải được trao cho cơ hội để tường trình sự vụ từ phía của anh và để bào chữa cho anh.

– Một tù nhân bị đem ra xử có thể biện hộ cho anh ta chỉ khi nào một nguyên tắc khách quan của công lý được các thẩm phán công nhận, một nguyên tắc tôn trọng quyền lợi của anh ta, nguyên tắc mà họ không thể vi phạm, mà anh ta có thể dùng đến. Còn luật pháp mà các ông đang dựa vào để xét xử tôi cho thấy rằng trong đó không có nguyên tắc nào cả, rằng tôi không có quyền lợi gì, rằng các ông có thể làm bất cứ điều gì với tôi cũng được. Tốt thôi, các ông cứ làm đi.

– Anh Rearden, pháp luật mà anh đang tố cáo được đặt ra từ nguyên tắc cao cả nhất – nguyên tắc về điều tốt cho quần chúng.

– Quần chúng là ai? Quần chúng có gì gọi là điều tốt ở đây? Con người đã từng một thời tin rằng “điều tốt” là một khái niệm được định nghĩa bởi một quy tắc về các giá trị đạo đức và không một người nào có quyền tìm điều tốt cho mình qua việc xâm hại các quyền lợi của người khác. Nếu giờ đây mọi người tin rằng các đồng nghiệp của tôi có thể tuỳ tiện hy sinh tôi theo kiểu họ muốn để đối lấy những gì họ tin là điều tốt cho riêng họ, nếu họ tin rằng họ có thể tịch thu tài sản của tôi đơn thuần vì họ cần số tài sản đó – thì, mỗi thằng ăn cướp khác cũng nghĩ vậy thôi. Chỉ có một điều khác biệt là: thằng ăn cướp không đòi hỏi tôi phải thừa nhận, tán thành hành động của nó.

– Chúng tôi có nên hiểu là anh đặt lợi ích của riêng mình lên trên lợi ích của công chúng hay không?

– Tôi thấy rằng câu hỏi đó thật sự không nên có, ngoại trừ trong xã hội của những kẻ ăn thịt đồng loại.

– Cái gì? Ý của anh là gì?

– Tôi tin rằng xung đột lợi ích sẽ không xảy ra giữa những con người không đòi hỏi những gì họ không xứng đáng và đồng thời không có văn hóa dùng người khác tế thần.

– Chúng tôi có nên hiểu rằng là nếu công chúng nghĩ cần phải hạn chế lợi nhuận của anh, anh không nhìn nhận họ có quyền để làm?

– Tại sao? Tôi nhìn nhận chứ. Công chúng có thể hạn chế lợi nhuận của tôi bất cứ lúc nào họ muốn – bằng cách từ chối thu mua sản phẩm của tôi.

– Chúng tôi đang nói về… những cách khác.

– Tất cả những cách khác để hạn chế lợi nhuận là phương cách của những kẻ cướp – và tôi nhìn nhận những cách đó là cướp giật.

– Anh Rearden, đây không phải là cách để anh biện hộ cho mình.

– Tôi đã nói rằng tôi sẽ không biện hộ cho tôi.

– Nhưng chúng tôi chưa bao giờ nghe ai nói vậy cả. Anh có biết là tội danh anh bị cáo buộc nghiêm trọng đến mức nào không?

– Tôi không quan tâm đến điều đó.

– Anh có nhận thức được hậu quả có thể xảy ra đối với lựa chọn này của anh hay không?

– Hoàn toàn nhận rõ.

– Chúng tôi quan niệm rằng tòa án này sẽ không khoan dung chút nào trước các chứng cứ được trình bày bởi phía công tố viên. Hình phạt tòa án này có thẩm quyền để áp đặt đối với anh sẽ rất nghiêm trọng.

– Cứ tự nhiên.

– Anh nói gì?

– Các ông cứ việc kêu án.

– Chưa từng thấy ai như anh cả. Chẳng bình thường chút nào. Pháp luật đòi hỏi anh phải phúc trình lời bào chữa cho phần biện hộ của anh. Sự lựa chọn còn lại là tuyên bố nhận tội và trông cậy vào sự khoan hồng của pháp luật.

– Tôi sẽ không làm vậy.

– Nhưng anh phải chọn lựa.

– Các ông đang nói rằng các ông chờ đợi ở tôi một sự tình nguyện gì đó à?

– Đúng vậy.

– Tôi sẽ không tự nguyện làm gì cả.

– Nhưng pháp luật quy định rằng phải có phần biện hộ của bị cáo trình bày để ghi vào tài liệu của vụ án.

– Các ông đang nói rằng các ông cần sự giúp đỡ của tôi để hợp thức hóa thủ tục tố tụng này à?

– Uh… không… vâng… đó là việc cần thiết theo thủ tục.

– Tôi sẽ không giúp các ông.

– Thật là kỳ quặc và chẳng công bằng chút nào! Anh muốn làm ra vẻ như là một người thành đạt nổi bật như anh đã bị đẩy ra rìa không cần đến một…. (im bặt)

– Tôi muốn tính chất của phiên tòa này được tỏ rõ đúng với bản chất của nó. Nếu các ông cần đến sự giúp đỡ của tôi để che đậy nó, tôi sẽ không giúp các ông đâu.

– Nhưng chúng tôi cho anh cơ hội để bào chữa cho mình – và chính anh lại là người từ chối nó.

– Tôi sẽ không giúp các ông giả vờ như tôi có cơ hội. Tôi sẽ không giúp các ông duy trì cái vỏ bọc chính nghĩa khi các quyền lợi cơ bản đều không được nhìn nhận. Tôi sẽ không giúp các ông duy trì cái vỏ bọc hợp lý trong một cuộc tranh luận mà lý lẽ cuối cùng là một khẩu súng. Tôi sẽ không giúp các ông làm ra vẻ như các ông đang thực thi công lý.

– Nhưng pháp luật bắt buộc anh phải trình ra phần biện hộ.

– Đó là lổ hổng trong lý thuyết của các ông, các ngài thẩm phán ạ, và tôi sẽ không giúp gì cho các ông về điều này. Nếu các ông chọn đối xử với người khác bằng các phương thức ép buộc, các ông cứ tự nhiên. Nhưng rồi bằng nhiều cách khác nhau so với hiện nay, các ông sẽ khám phá ra rằng các ông sẽ cần đến sự hợp tác tự nguyện từ các nạn nhân của mình. Và các nạn nhân của các ông sẽ nhận ra chính ý chí của họ – thứ mà các ông không thể ép buộc – mới là điều khiến các ông có thể ngồi đây. Tôi chọn lựa để thích ứng và tôi sẽ vâng lời các ông trong phương thức các ông đòi hỏi. Các ông muốn tôi làm điều gì, tôi sẽ làm điều đó trước nòng súng. Nếu các ông xử tù tôi, các ông sẽ phải cho người có võ trang đến để khiêng tôi đi – tôi sẽ không tự ý bước đi. Nếu các ông phạt tiền tôi, các ông sẽ phải tịch thu tài sản của tôi để thanh lý tiền phạt – tôi sẽ không tự ý giao nộp. Nếu các ông tin rằng các ông có quyền bắt buộc tôi – hãy sử dụng vũ lực công khai. Tôi sẽ không giúp các ông ngụy trang bản chất và hành động của mình.

– Anh phát biểu như là anh đang tranh đấu cho một nguyên tắc nào đó, thưa anh Rearden. Nhưng điều anh đang tranh đấu cho thật sự chỉ là tài sản của anh, có phải không?

– Vâng, tất nhiên. Tôi đang đấu tranh để bảo vệ tài sản của mình. Các ông có biết điều đó tượng trưng cho nguyên tắc nào hay không?

– Anh biểu lộ bản thân như là một nhà vô địch của tự do, nhưng sự tự do mà anh đeo đuổi đó chỉ là tự do làm ra tiền mà thôi.

– Ồ, tất nhiên. Tôi chỉ muốn được tự do làm ra tiền mà thôi. Các ông có biết thứ tự do đó hàm chứa nghĩa gì hay không?

– Chắc chắn rồi, thưa anh Rearden, anh không muốn thái độ của mình bị người ta hiểu sai lệch. Anh không muốn hỗ trợ cho cái ấn tượng đang lan rộng rằng anh là một người hoàn toàn thiếu lương tâm xã hội, một người không quan tâm gì đến phúc lợi của đồng loại và làm việc không với mục đích gì ngoài lợi nhuận của bản thân.

– Tôi là việc không vì mục đích gì ngoài việc sinh lợi cho bản thân. Tôi xứng đáng với nguồn lợi đó. Không. Tôi không muốn thái độ của mình bị hiểu lầm. Tôi vui lòng nhìn nhận điều này để nó được ghi xuống. Tôi hoàn toàn đồng ý với tất cả những gì được viết về tôi trên báo chí – với các chi tiết, chứ không phải với những bình luận. Tôi làm việc chỉ vì lợi nhuận cho cá nhân tôi, lợi nhuận tôi có được từ việc buôn bán một sản phẩm người ta cần cho những người tự nguyện muốn mua nó và có khả năng mua nó. Tôi không làm ra sản phẩm vì lợi ích của họ khi đổi bằng sự thất thoát của tôi, và họ không mua nó vì lợi ích của tôi và bằng sự thất thoát của họ. Tôi đã không hy sinh lợi ích của tôi cho họ, và họ đã không hy sinh lợi ích của họ vì tôi; chúng tôi giao dịch ngang hàng bằng sự tình nguyện của đôi bên và lợi ích song phương – và tôi lấy làm hãnh diện với từng xu tôi làm ra bằng cách này. Tôi giàu có và tôi tự hào với từng đồng xu tôi sở hữu. Tôi làm ra tiền bằng chính công sức và nỗ lực của tôi, bằng tự do giao dịch và qua sự đồng ý tự nguyện của từng người tôi giao dịch với – sự đồng ý tự nguyện từ từng người thuê mướn tôi khi tôi bắt đầu vào nghề, sự đồng ý tự nguyện từ từng người hiện đang làm việc cho tôi, sự đồng ý tự nguyện từ từng người mua sản phẩm của tôi. Tôi nên công khai trả lời tất cả các câu hỏi các ông đặt ra cho tôi. Tôi có muốn trả lương cho nhân viên cao hơn sức lao động mà họ phục vụ cho tôi? Không. Tôi có muốn bán sản phẩm của mình với giá thấp hơn giá khách hàng tôi muốn trả hay không? Không. Tôi có muốn bán với giá lỗ hoặc cho không sản phẩm của mình? Không. Nếu như vậy là xấu xa, các ông muốn làm gì tôi cũng được, dựa trên các tiêu chuẩn các ông đặt ra. Còn đây là những tiêu chuẩn của tôi. Tôi chính tay làm nên cuộc sống của mình, như những người thành thật khác cần phải làm. Tôi từ chối xem việc mình làm chủ cuộc sống của mình và việc mình cần phải làm việc để đài thọ cho đời sống là tội lỗi. Tôi từ chối xem việc mình có thể làm chủ cuộc sống và đã làm rất tốt là điều tội lỗi. Tôi từ chối xem việc tôi đã làm tốt hơn nhiều người khác là tội lỗi – về việc mà sản phẩm của tôi tốt hơn sản phẩm của nhiều người khác và đa số đã tự nguyện trả tiền cho tôi. Tôi từ chối xin lỗi về khả năng của mình – tôi không xin lỗi cho sự thành công của tôi – tôi từ chối xin lỗi vì số tiền tôi có được. Nếu đây là điều tồi tệ, xấu xa, hãy sinh lợi tối đa từ đó. Nếu đây là những gì công chúng xem như có hại đến lợi ích của họ, hãy để công chúng diệt trừ tôi. Đây là quy tắc của tôi – và tôi không chấp nhận điều gì khác hơn. Tôi có thể nói với mọi người rằng tôi đã đem phúc lợi đến cho đồng loại của tôi ở mức mà các người chỉ có thể mơ tưởng đạt được thôi – nhưng tôi sẽ không phát biểu như vậy, bởi vì tôi không dùng cái tốt cho người khác để thừa nhận quyền hiện hữu của tôi, cũng như tôi sẽ không xem cái tốt cho người khác để biện hộ cho việc họ chiếm lấy tài sản của tôi hay diệt trừ đường sống của tôi. Tôi sẽ không nói điều tốt cho người khác là mục đích của việc tôi làm – điều tốt cho tôi mới là mục đích, và tôi khinh rẻ người nào chối bỏ những gì tốt cho mình. Tôi có thể nói với các ông rằng các ông không phục vụ điều tốt cho công chúng – rằng không có gì tốt cho ai khi cái giá phải trả là bắt người khác phải hy sinh – rằng khi các ông xâm phạm quyền cơ bản của một người, các ông xâm phạm quyền cơ bản của tất cả; và một công chúng gồm những sinh vật không có quyền cơ bản nào cả là một đám đông sắp bị hủy diệt. Tôi có thể nói với các ông rằng các ông sẽ và chẳng thể đạt được gì ngoài một sự sụp đổ toàn diện – như số phận của mọi kẻ cướp giật khi họ không tìm ra nạn nhân nào nữa. Tôi có thể nói thẳng như vậy, nhưng tôi sẽ không nói. Tôi không thử thách chính sách của các ông, tôi thử thách cơ sở đạo đức của các ông. Nếu sự thật là con người có thể đạt được điều tốt đẹp bằng cách biến một số người thành những con vật hy sinh và tôi được yêu cầu phải tự tàn sát bản thân mình để những sinh vật nào đó có thể sống nhờ vào máu của tôi, nếu tôi được yêu cầu phải phục vụ cho lợi ích của xã hội, không phải và rất xa vời lợi ích của tôi – tôi sẽ không đồng ý. Tôi sẽ từ chối như đó là một điều xấu xa đáng khinh, tôi sẽ chống đối nó bằng tất cả sức lực tôi có, tôi sẽ đối chọi với cả nhân loại. Nếu tôi sống còn chỉ một phút trước khi bị giết chết, tôi vẫn sẽ đấu tranh với đầy đủ niềm tin và công lý của trận chiến này và công lý của quyền được sinh tồn của một sinh vật. Đừng có những suy nghĩ sai lầm về tôi. Nếu đồng nghiệp của tôi, những người đang gọi họ là quần chúng nhân dân, giờ có niềm tin như vậy, rằng họ cần đến những nạn nhân, thì tôi sẽ nói: Đi chết đi, những gì tốt cho công chúng. Tôi sẽ không dính dáng gì đến nó!”

– Anh Rearden, thật đáng tiếc khi anh hoàn toàn hiểu lầm ý của chúng tôi như vậy. Vấn đề là ở đó, giới doanh nhân từ chối tiếp cận với chúng tôi trong niềm tin và tình bạn. Họ có vẻ như xem chúng tôi là kẻ thù. Sao anh lại đề cập đến việc dùng người khác làm vật hy sinh? Điều gì đã đẩy anh vào một thái cực như vậy? Chúng tôi không có ý định chiếm đoạt tài sản của anh hoặc hủy diệt đời sống của anh. Chúng tôi không muốn phương hại đến lợi ích của anh. Chúng tôi hoàn toàn nhận thức được những thành tựu của anh. Mục đích của chúng tôi là quân bình các sức ép của xã hội và thực thi công lý cho tất cả. Mục đích của buổi sơ thẩm này, không như một phiên tòa mà như một buổi làm việc thân mật nhằm hướng đến một sự cảm thông và hợp tác.

– Tôi không hợp tác trước mũi súng chĩa vào mình.

– Sao anh lại nói đến súng ống? Chuyện này không nghiêm trọng đến mức phải đề cập đến những thứ như vậy. Chúng tôi hoàn toàn nhận thức được lỗi lầm của sự việc này chủ yếu là ở ông Kenneth Danagger, kẻ đã xúi giục dẫn đến sự vi phạm pháp luật này, kẻ đã tạo áp lực lên anh và đã gián tiếp nhận tội khi đột nhiên mất tích để không phải hiện diện trước tòa án.

– Không. Chúng tôi giao dịch với nhau một cách bình đẳng, trong sự đồng thuận, và tự nguyện.

– Anh Rearden, tuy anh và chúng tôi không có cùng một vài ý tưởng với nhau nhưng cuối cùng thì cả đôi bên chúng ta đều phục vụ với cùng một động cơ: những gì tốt đẹp cho mọi người. Chúng tôi nhìn ra rằng anh đã bị thúc đẩy bỏ qua các vấn đề chuyên môn pháp lý vì tình hình nghiêm trọng của các mỏ than và tầm quan trọng của năng lượng đối với phúc lợi của công chúng.

– Không, tôi đã bị thúc đẩy bởi lợi tức và lợi ích của bản thân tôi. Mức ảnh hưởng đối với các mỏ than và phúc lợi của công chúng là chuyện ước tính của các ông. Đó không phải là động cơ của tôi.

– Anh Rearden, chúng tôi chắc rằng anh, và cả công chúng, không thật sự tin rằng chúng tôi muốn đối xử với anh như một vật hy sinh. Nếu có ai đã và đang ngộ nhận như vậy, chúng tôi rất muốn chứng minh rằng sự thật không phải như vậy.

 

Nguyên tác: Ayn Rand, Atlas Shrugged
Bản in kỷ niệm 50 của tác phẩm (trang 441-447)
Dịch: 
Hoàng Triết

Nói về “Suối Nguồn” của Ayn Rand – Chủ nghĩa vị nhân sinh

 “Nếu bạn nghĩ bạn đang xây nhà cho người nghèo, bạn sẽ xây lên toàn ổ chuột.” – khuyết danh

Từng có một dạng xã hội mà mọi cá nhân trong xã hội ấy đều đi theo chủ nghĩa vị nhân sinh, họ đi theo một cách triệt để và mù quáng, họ sống và ham muốn những giá trị mà họ biết những người khác trân trọng, họ làm những việc mà những khác kêu họ làm, họ sung sướng theo cách mà người khác sung sướng, họ vui vẻ trong niềm vui mà người khác bảo là đáng vui mừng, “anh sẽ hiểu ý nghĩa tác phẩm này nếu anh đủ đức hạnh để hiểu nó” và thế là mọi người ai cũng cố tỏ ra là mình cảm được tác phẩm, có dạng còn thay thế đức hạnh đó bằng một đức hạnh khiêm tốn phô trương: “tôi không hoàn toàn hiểu được vở kịch đó muốn nói gì, nhưng tôi cảm được sự thiêng liêng từ nó” “tôi dám chắc là anh ấy sẽ nổi tiếng với tài năng đó, tác phẩm đó của anh ấy quá xuất sắc còn tầm cảm nhận của tôi thì hạn chế, nhưng tôi vẫn dám chắc điều đó”. Dù các tác phẩm ấy có thể toàn là rác rưởi, và được lên sân khấu, viết thành sách, hay dựng lên bởi các thế lực phía sau. Họ sẽ không dám làm nếu người hàng xóm của họ chưa làm, không dám lên tiếng nếu người hàng xóm của anh ta im lặng, và người này sống theo đạo đức và hành vi của người kia, người kia sống theo đạo đức và hành vi của người kia nữa, cứ như thế.

Chủ nghĩa vị nhân sinh dạy cho họ các giá trị về niềm tin vào làm việc tập thể, rằng mỗi người đều tài giỏi về một mặt và sự kết hợp lại là sự hoàn thiện lẫn nhau cho con người về mọi mặt, con người luôn đầy khiếm khuyết và dã tâm, cần làm việc với tập thể để có sự điều độ, tránh sự độc đoán “anh không nghĩ cho tôi là tôi cũng có ý kiến riêng của tôi đấy chứ” “anh đừng nghĩ mình quá tài giỏi mà không chấp nhận ý kiến người khác chứ”. Và chủ nghĩa vị nhân sinh dạy họ rằng các giá trị từ xa xưa là các khuôn mẫu không thể phá vỡ, là tiêu chuẩn mà anh chỉ cần thêm vài nét của riêng anh là anh đã có một kiệt tác của riêng anh, “anh là ai mà mong muốn sự thay đổi trên những tín điều mà xã hội ai cũng coi là tiêu chuẩn chân thiện mỹ”, dạy cho họ cách sở hữu những giá trị siêu việt chỉ bằng vài ngón nghề sao chép và chế biến. Và cuối cùng, chủ nghĩa vị nhân sinh chủ yếu dạy họ sống vì người khác, vì luôn khẳng định con người luôn là những cá thể mang đầy vấn đề, mang đầy khuyết điểm, đến cả những cá thể bất hạnh, khuyết tật về thể chất hoặc tâm hồn, tìm đến những cá thể đó mà ban phát sự giúp đỡ, an hưởng và khoái lạc trên sự ban phát đó, họ tự cho mình quyền giúp đỡ không điều kiện đối với những cá thể mà họ cho là yếu kém hơn, cảm nhận hạnh phúc như kẻ bề trên, dạy họ sống hi sinh bản thân vì những giá trị mà họ được dạy là sự cứu rỗi cho tâm hồn họ bằng việc luôn tìm đến những cá nhân bất hạnh, không hề xuất phát tự ý chí tự thân mà xuất phát từ cám dỗ của một thứ “thuốc phiện” được rao giảng “hãy sống vì người khác”.

Và rồi khi cả xã hội nhuần nhuyễn thứ thuốc phiện đó, điều gì sẽ xảy ra? Mọi thứ đều tốt đẹp hơn? Con người có tình yêu bao la quên mình? Mọi người hòa đồng tương ái?

Đó chỉ là vẻ ngoài đẹp đẽ của cái xã hội bong bóng rỗng toác từ giá trị sống đến vật chất sống. Ở đó tất cả các loại văn chương hổ lốn vô nghĩa đều được đưa ngang tầm với những kiệt tác thật sự, các vở kịch sáo rỗng sao chép đều được tán thưởng nhiệt liệt không thua gì các vở kịch bị nó sao chép, các công trình kiến trúc nhạt nhẽo nhàm chán luôn được ca ngợi là “thật phá cách trong tinh thần thống nhất”. Và mọi sự xuất sắc siêu việt đều bị chỉnh sửa sao cho hợp với phong cách số đông, tất cả chúng bị ném đá nếu chúng được làm ra dưới tên của một người, nhưng lại được coi là kỳ quan nếu được làm ra dưới tên một hội đồng, mà hội đồng thì luôn đảm bảo nó được làm nên bởi nhiều ý tưởng, các ý tưởng chắp ráp làm nên một quái thai. Tất cả thuộc tính đặc sắc của mỗi cá nhân đều bị nhào nặn và cho sáp nhập chung với tập thể xã hội, học lấy tâm lý bầy đàn, học lấy các giá trị chung mà chủ yếu là chủ nghĩa vị nhân sinh rao giảng, loại bỏ cái tôi, loại bỏ cái vị kỷ, họ chết khi 25 và được chôn ở tuổi 75. Ở đó các sự siêu việt thiêng liêng kỳ vĩ không bị báng bổ bởi việc đập phá hay dẹp bỏ, mà bị báng bổ bởi việc đưa các thứ rác rưởi, trống rỗng, sao chép lên ngang bằng các đỉnh cao, một xã hội rồi không có đỉnh cao trong bất cứ hệ giá trị nào. Ở xã hội đó, con người được mặc định là sinh vật yếu kém, khiếm khuyết, chỉ có sự liên kết cùng nhau mới có thể tạo nên một giá trị nào, họ cam nhận ý chí sống bám vào đám đông coi như một đức hạnh, cam nhận ý thức sao chép ăn cắp cái không do họ làm ra như một nghĩa vụ xã hội giao cho. Nó giả dối làm sao trong việc vinh danh quần chúng lên án các sự khác biệt, giả dối làm sao trong việc mang vào mình những chức danh đã bị làm rỗng hay dị dạng, giả dối làm sao khi vinh danh đức hi sinh, vị nhân sinh để tìm lấy đức hạnh tâm hồn do số đông định nghĩa. Hãy làm mọi việc vì nhu cầu tự thân.

Ayn Rand – Nguồn gốc của chiến tranh

 Nhiều người nói rằng vũ khí nguyên tử làm cho chiến tranh trở thành khủng khiếp đến mức buộc người ta phải suy nghĩ. Nhưng tất cả các dân tộc trên thế giới đều cảm thấy hốt hoảng và bất lực trước viễn cảnh là chiến tranh có thể xảy ra.

Tuyệt đối đa số người dân – những người sẽ chết trên chiến trường hay chết đói hoặc chết trong những đống đổ nát – không muốn có chiến tranh. Không bao giờ muốn. Nhưng từ thế kỉ này đến thế kỉ khác chiến tranh vẫn thường xuyên nổ ra, giống như một vệt máu dài song hành với lịch sử loài người vậy.

Người ta sợ chiến tranh có thể xảy ra vì họ biết, một cách hữu thức hay vô thức, rằng họ không bao giờ có thể từ bỏ được cái học thuyết vốn là nguyên nhân của các cuộc chiến tranh trong quá khứ và có thể là nguyên nhân của những cuộc chiến tranh trong hiện tại và tương lai – đấy là học thuyết nói rằng sử dụng vũ lực (dùng vũ lực chống lại những người khác) để đạt mục đích là chấp nhận được hay là biện pháp thực tiễn hoặc cần thiết nữa và có thể được biện hộ nếu đấy là mục đích “tốt”. Học thuyết này cho rằng vũ lực là một thành tố hợp pháp hoặc không thể tránh được của cuộc sống của con người và xã hội loải người.

Hãy xem một trong những đặc điểm xấu xa nhất của thế giới hôm nay: sự chuẩn bị chiến tranh điên cuồng nhất đi liền với sự tuyên truyền cho hoà bình cũng điên cuồng không kém. Và cả hai hiện tượng này đều xuất phát từ cùng một nguồn gốc – từ cùng một triết lí chính trị. Mặc dù đã bị phá sản, cái triết lí chính trị gọi là chủ nghĩa quốc gia vẫn giữ thế thượng phong trong thời đại chúng ta.

Xin xem xét bản chất của cái gọi phong trào gọi là hoà bình hiện nay. Tự nhận là nhân bản và lo lắng cho sự tồn vong của nhân loại, phong trào này kêu gào chấm dứt chạy đua vũ trang hạt nhân, từ bỏ vũ khí như là phương tiện giải quyết bất đồng giữa các quốc gia và đưa chiến tranh ra ngoài vòng pháp luật. Nhưng những phong trào hoà bình này lại không chống lại các chế độ độc tài, còn quan điểm chính trị của các thành viên của nó thì muôn màu muôn vẻ, từ nhà nước phúc lợi đến chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa phát xít và chủ nghĩa cộng sản. Điều đó có nghĩa là họ chống lại việc dân tộc này sử dụng vũ lực chống lại dân tộc khác chứ không chống lại việc chính phủ của một nước sử dụng vụ lực nhằm chống lại các công dân của chính nó; điều đó cũng có nghĩa là họ chống lại việc sử dụng vũ lực nhằm chống lại kẻ thù có vũ trang, nhưng không chống lại việc sử dụng vũ lực nhằm chống lại những người tay không tấc sắt.

Các chế độ độc tài đã cướp bóc, phá hoại, gây ra nạn đói, tình cảnh dã man, trại lao động khổ sai, phòng tra tấn, giết người hàng loạt. Đấy chính là cái mà những người tự nhận là yêu hoà bình hiện nay sẵn sàng biện hộ hoặc chịu đựng – nhân danh tình yêu nhân loại.

Rõ ràng là cội nguồn tư tưởng của chủ nghĩa quốc gia (hay chủ nghĩa tập thể) là quan niệm bầy đàn của những người nguyên thuỷ, những kẻ không thể nhận thức được các quyền của cá nhân con người, những kẻ tin rằng bộ lạc là tối thượng, bộ lạc là kẻ nắm quyền toàn trí toàn năng, có quyền sinh quyền sát đối với các thành viên của nó và có thể hi sinh các thành viên bất cứ khi nào và cho bất cứ thứ gì mà nó cho là “tốt”. Không nhận thức được bất kì nguyên tắc xã hội nào, ngoại trừ nguyên tắc vũ lực bạo tàn, những người như thế tin rằng bộ lạc có thể ước muốn bất cứ thứ gì, miễn là có đủ sức và các bộ lạc khác chỉ là những con mồi, phải bị chinh phục, cướp bóc, bắt làm nô lệ hoặc xoá sổ hoàn toàn. Lịch sử của các dân tộc bán khai chính là một loạt những cuộc chiến tranh giữa các bộ lạc và tàn sát lẫn nhau. Sự kiện là cái hệ tư tưởng nguyên thuỷ đó vẫn còn điều khiển các quốc gia được trang bị vũ khí hạt nhân phải làm cho bất cứ ai quan tâm tới sự sống còn của nhân loại để tâm suy nghĩ.

Chủ nghĩa quốc gia là bạo lực đã được định chế hoá và cuộc nội chiến không bao giờ dứt. Nó không cho người ta bất cứ lựa chọn nào ngoài việc chiến đấu để giành quyền lực – tức là cướp hay là bị cướp, giết hay là bị giết. Khi vũ lực bạo tàn trở thành thước đo duy nhất đối với các hành vi của xã hội và không kháng cự nghĩa là chết thì ngay một hèn kém nhất, ngay cả con vật, thậm chí con chuột cũng sẽ chiến đấu. Một dân tộc bị nô dịch thì không thể có hoà bình được.

Nội chiến, tức là chiến tranh huynh đệ tương tàn giữa những người không thể tìm được luật pháp và công lí bằng con đường hoà bình, chứ không phải chiến tranh giữa các dân tộc mới là những cuộc đụng độ đẫm máu nhất trong lịch sử. Lịch sử của các nhà nước chuyên chế thường bị gián đoạn bởi những cuộc nổi dậy đẫm máu – những vụ bùng nổ của nỗi tuyệt vọng mù quáng, không cần hệ tư tưởng. không cần cương lĩnh hay kế hoạch nào hết – những vụ bạo loạn thường bị đàn áp bằng những vụ hành quyết dã man những kẻ phản loạn.

Trong chế độ chuyên chế tuyệt đối, cuộc “chiến tranh lạnh” do chủ nghĩa quốc gia sinh ra thường diễn ra dưới hình thức những cuộc thanh trừng đẫm máu, đấy là khi băng đảng này lật được băng đảng kia, như đã từng xảy ra ở nước Đức quốc xã hay ở Liên Xô. Trong nền kinh tế hỗn hợp, cuộc chiến tranh này diễn ra dưới hình thức cuộc chiến đấu giữa các nhóm lợi ích, mỗi nhóm đều chiến đấu cho việc thông qua những đạo luật có lợi cho họ và tước đoạt lợi ích của các nhóm khác .

Đất nước càng chia thành các nhóm đối địch nhau và làm cho người nọ chống báng người kia thì tinh thần quốc gia trong hệ thống chính trị của nước đó càng cao. Khi quyền cá nhân không còn thì cũng không thể nào xác định ai được làm gì, không thể nào xác định được đòi hỏi, ước mong hay quyền lợi của một người nào đó là đúng hay không. Lúc đó sẽ phải trở về với tiêu chuẩn của bộ lạc: anh có thể ước muốn bất cứ thứ gì, miễn là băng nhóm của anh có đủ sức. Muốn sống sót trong một hệ thống như thế người ta buộc phải sợ hãi, căm thù và giết hại lẫn nhau; đấy là hệ thống của những mưu đồ, những âm mưu bí mật, những vụ thông đồng, bao che, phản bội và đảo chính đẫm máu. Hệ thống này không đưa người ta đến tình huynh đệ, sự an toàn, thái độ hợp tác và hoà bình.

Chủ nghĩa quốc gia – cả trên nguyên tắc lẫn thực tế – chỉ là quyền lực của băng đảng. Chế độ độc tài chính là băng đảng được quyền cướp đoạt thành quả lao động của các công dân của chính đất nước mình. Sau khi đã làm khánh kiệt nền kinh tế của đất nước, kẻ cầm quyền có tinh thần quốc gia sẽ tấn công các nước láng giềng. Đấy là cách duy nhất giúp hắn trì hoãn vụ sụp đổ và kéo dài quyền lực của chính hắn. Một đất nước giày xéo lên quyền của các công dân nước mình thì cũng sẽ không tôn trọng quyền của các nước khác. Những kẻ không tôn trọng quyền của cá nhân con người thì cũng sẽ không công nhận quyền của các quốc gia khác: quốc gia là do nhiều cá nhân mà thành.

Chủ nghĩa quốc gia cần chiến tranh, còn đất nước tự do thì không. Chủ nghĩa quốc gia sống nhờ cướp bóc, đất nước tự do sống nhờ sản xuất.

Tất cả những cuộc chiến tranh lớn trong lịch sử đều là do các nước có nền kinh tế bị kiểm soát chặt chẽ hơn phát động nhằm chống lại những nước tự do hơn. Thí dụ Chiến tranh Thế giới I do nước Đức quân chủ và nước Nga Sa hoàng phát động, hai nước này đã lôi kéo các đồng minh tự do hơn của mình vào cuộc chiến. Chiến tranh Thế giới II là do liên minh Xô-Đức và cuộc tấn công phối hợp của họ vào nước Ba Lan gây ra.

Chúng ta thấy rằng trong Chiến tranh Thế giới II cả Đức và Liên Xô đều chiếm và tháo dỡ các nhà máy tại các nước mà họ chiếm được và chở về nhà, trong khi nước có nền kinh tế hỗn hợp tự do nhất là Mĩ, tức là nước nửa tư bản chủ nghĩa, thì chuyển thiết bị trị giá hàng tỉ dollar, trong đó có cả những nhà máy hoàn chỉnh, cho các nước đồng minh. (Xin đọc: Keller W. East Minus West = Zero. N.Y.: G.P. Putnam’s Sons, 1962 để biết toàn bộ câu chuyện về sự cướp bóc của Liên Xô.)

Nước Đức và nước Nga cần chiến tranh, còn Mĩ thì không và cũng chẳng được lợi lộc gì. (Thực ra Mĩ đã thua về mặt kinh tế mặc dù đã giành thắng lợi trong cuộc chiến: chiến tranh đã để lại món nợ khổng lồ cho nhà nước, nợ lại càng gia tăng vì chính sách giúp đỡ các nước đồng minh và kẻ thù cũ mà chẳng mang lại lợi ích gì). Thế mà ngày hôm nay những người yêu chuộng hoà bình lại chống báng chủ nghĩa tư bản và ủng hộ chủ nghĩa quốc gia.

Chủ nghĩa tư bản laissez-faire là hệ thống xã hội duy nhất đặt căn bản trên nguyên tắc công nhận quyền cá nhân và vì vậy mà là hệ thống duy nhất loại bỏ vũ lực ra khỏi các mối quan hệ xã hội. Đây là hệ thống duy nhất chống lại chiến tranh, nếu xét về bản chất các nguyên tắc và quyền lợi căn bản của nó.

Tất cả những người được tự do sản xuất đều không có động cơ cướp bóc, chiến tranh chỉ làm cho họ thua thiệt chứ chẳng mang lại lợi lộc gì. Về mặt ý thức hệ, nguyên tắc tôn trọng quyền con người không cho phép người ta dùng vũ khí làm kế sinh nhai, cả ở trong cũng như ngoài nước. Vế mặt kinh tế, chiến tranh rất tốn kém: trong nền kinh tế tự do, nơi mà tài sản là sở hữu tư nhân, chiến phí sẽ phải lấy từ thu nhập của các công dân – không thể bơm ngân quĩ lên mà che đậy được – các công dân cũng không hi vọng chiến thắng sẽ bù đắp được thiệt hại về mặt tài chính (thuế khoá, sản xuất gián đoạn và tài sản bị phá huỷ). Như vậy là, quyền lợi kinh tế làm cho người công dân đứng về phía hoà bình.

Trong nền kinh tế nhà nước, nơi tài sản là “của công”, người công dân không có nhu cầu bảo vệ hoà bình về mặt kinh tế – anh ta chỉ là một giọt nước trong biển cả mà thôi – trong khi chiến tranh cho anh ta hi vọng (giả tạo) là sẽ được chủ cho thêm. Về mặt ý thức hệ, anh ta được dạy phải coi người là những con vật dùng để hiến tế, anh ta cũng là một trong số những người như thế: anh ta không hiểu được vì sao lại không được giết người nước ngoài trên chính cái bệ thờ nhân danh lợi ích của chính nhà nước.

Trong suốt chiều dài của lịch sử, nhà buôn và chiến binh vẫn là kẻ thù không đội trời chung với nhau. Thương mại không thể phát triển trên bãi chiến trường, nhà máy không thể sản xuất dưới trận mưa bom, lợi nhuận không thể sinh ra trên đống gạch vụn. Chủ nghĩa tư bản là xã hội của các thương nhân – vì vậy mà những kẻ sẵn sàng cướp bóc bao giờ cũng coi thương mại là “ích kỉ”, còn chinh phục là “cao thượng”.

Tất cả những người quan tâm đến hoà bình cần phải thấy rằng chủ nghĩa tư bản đã tạo ra cho nhân loại giai đoạn hoà bình dài nhất trong lịch sử – một giai đoạn không có những cuộc chiến tranh bao trùm lên toàn bộ thế giới văn minh – đấy là giai đoạn từ sau những cuộc chiến tranh của Napoleon vào năm 1815 cho đến khi nổ ra Chiến tranh Thế giới I vào năm 1914.

Nên nhớ rằng hệ thống chính trị thế kỉ XIX không phải là chủ nghĩa tư bản thuần tuý mà là nền kinh tế hỗn hợp. Nhưng dù sao thành phần tự do cũng là yếu tố chủ đạo, chưa bao giờ loài người tiến gần đến “thời đại tư bản chủ nghĩa” đến như thế. Nhưng thành tố quốc gia chủ nghĩa vẫn tiếp tục phát triển trong suốt thế kỉ XIX và đến năm 1914, tức là khi nó làm thế giới nổ tung, phần lớn chính sách của các chính phủ đã mang màu sắc quốc gia là chính.

Nếu như trong lĩnh vực đối nội, tất cả những điều xấu xa do chủ nghĩa quốc gia và sự kiểm soát của chính phủ gây ra đều được gán cho chủ nghĩa tư bản và thị trường tự do thì trong lĩnh vực đối ngoại, tất cả những điều xấu xa do chính sách mang màu sắc quốc gia chủ nghĩa gây ra đều được gán cho chủ nghĩa tư bản. Những huyền thoại như là “chủ nghĩa đế quốc tư bản”, “trục lợi bằng chiến tranh” hay quan niệm cho rằng chủ nghĩa tư bản giành được thị trường bằng những cuộc chinh phục vũ trang là những thí dụ về sự thiển cận hoặc thiếu thận trọng của các nhà bình luận và các nhà sử học theo trường phái quốc gia chủ nghĩa.

Bản chất của chính sách đối ngoại của chủ nghĩa tư bản là thương mại tự do – nghĩa là bãi bỏ tất cả các rào cản thương mại, bãi bỏ thuế khoá mang tính bảo hộ, bãi bỏ đặc quyền đặc lợi – mở những con đường giao thương trên khắp hành tinh cho việc trao đổi tự do trên bình diện quốc tế và cạnh tranh giữa các công dân của tất cả các nước buôn bán trực tiếp với nhau. Trong thế kỉ XIX, chính tự do thương mại đã giải phóng thế giới khỏi những tàn dư của chủ nghĩa phong kiến và chế độ chuyên chế của các chế độ quân chủ.

“Thế giới chấp nhận đế quốc Anh, cũng như trước đây từng chấp nhận đế chế Rome, vì nó hướng năng lượng của con người vào lĩnh vực tương mại. Mặc dù việc cai trị hà khắc, với những kết quả khủng khiếp, vẫn còn được áp đặt đối với Ireland, nhưng nói chung luật pháp và tự do thương mại là những món hàng xuất khẩu “vô hình” đã xâm nhập vào nước này. Trên thực tế, khi nước Anh còn làm chủ các đại dương, bất kì người nào thuộc bất kì dân tộc nào đều có thể mang hàng và tiền một cách an toàn đến bất kì đâu”. (Isabel Paterson, The God of the Machine, Caldwell, Idaho: Caxton Printers, 1964, p. 121. Xuất bản lần thứ nhất năm 1943.)

Cũng như Rome, khi thành tố áp bức của nước Anh với nền kinh tế hỗn hợp phát triển đến mức trở thành chính sách giữ thế thượng phong và trở thành chủ nghĩa quốc gia thì đế chế tan rã. Không phải lực lượng vũ trang đã làm cho đế chế trở thành thực thể gắn bó với nhau.

Nhờ cạnh tranh mà chủ nghĩa tư bản giành và giữ được thị trường, cả trong cũng như ngoài nước. Thị trường giành được bằng chiến tranh chỉ có giá trị (tạm thời) đối với những người ủng hộ nền kinh tế hỗn hợp, tức là những người tìm cách bế quan toả cảng, không cho cạnh tranh quốc tế, áp đặt các biện pháp hạn chế và như vậy cũng chính là giành đặc quyền đặc lợi bằng vũ lực. Chính những doanh nhân nhờ bàn tay của chính phủ để tìm những khoản ưu tiên ưu đãi ở trong nước cũng lại là những kẻ dùng bàn tay của chính phủ để tìm những thị trường đặc biệt ở nước ngoài. Ai phải trả giá? Đa số các doanh nhân, những người đóng thuế cho những vụ phiêu lưu nhưng chẳng được gì, sẽ phải trả giá. Kẻ nào biện hộ và quảng bá những chính sách như thế ra xã hội? Đấy là những người trí thức có tinh thần quốc gia chủ nghĩa, họ chính là những người sáng tác ra các học thuyết gọi là “quyền lợi của xã hội” hay “uy tín quốc gia”, hoặc “sứ mệnh đặc biệt”.

Trong tất cả các nền kinh tế hỗn hợp, những kẻ nhờ chiến tranh mà được lợi là: những người có thế lực chính trị, họ kiếm được tài sản nhờ sự ưu đãi của chính phủ cả trong và sau chiến tranh – họ không thể nào kiếm được số tài sản như thế trên thị trường tự do.

Xin nhớ rằng các công dân – nghèo hay giàu, chủ doanh nghiệp hay công nhân thì cũng thế – không có quyền phát động chiến tranh. Đấy là đặc quyền của chính phủ. Chính phủ loại nào có nhiều khả năng đẩy đất nước vào cuộc chiến hơn: chính phủ với những quyền lực hạn chế được qui định trong khuôn khổ của hiến pháp – hay chính phủ có quyền lực vô hạn, dễ dàng bị những nhóm có tư tưởng hiếu chiến hoặc những nhóm sẽ giàu lên nhờ chiến tranh gây áp lực, chính phủ có thể buộc quân đội lên đường theo ý thích nhất thời của một người đứng đầu duy nhất?

Nhưng những người yêu chuộng hoà bình hiện nay lại không ủng hộ chính phủ hạn chế. (Không cần phải nói rằng chủ nghĩa hoà bình đơn phương cũng chẳng khác gì mời gọi bọn xâm lược. Nếu như mỗi người đều có quyền tự vệ thì đất nước tự do cũng có quyền đó nếu bị tấn công. Nhưng điều đó cũng không cho phép chính phủ quyền buộc toàn dân phải thi hành luật nghĩa vụ quân sự – đấy chính là sự vi phạm trắng trợn quyền của con người được tự ý định đoạt đời sống của mình. Không có gì mâu thuẫn giữa đức hạnh và thực tiễn ở đây hết: quân đội tình nguyện là đội quân hữu hiện nhất, nhiều chuyên gia quân sự có uy tín đã nói như thế. Đất nước tự do không bao giờ thiếu người tình nguyện một khi bị tấn công. Nhưng chẳng mấy người tình nguyên tham gia những vụ phiêu lưu như chiến tranh ở Triều Tiên hay Việt Nam. Không có lực lượng quân dịch, chính sách đối ngoại của những người theo phái quốc gia hay những nền kinh tế hỗn hợp sẽ trở thành bất khả thi.)

Khi đất nước vẫn còn tự do, thậm chí nửa tự do, thì những người được hưởng lợi từ nền kinh tế hỗn hợp sẽ không phải là nguồn gốc của chính sách kích động chiến tranh và cũng không phải là nguyên nhân đầu tiên đẩy đất nước vào vòng chiến. Họ chỉ là những con kền kền chính trị kiếm chác được trong xu hướng chung của xã hội mà thôi. Những nhà trí thức ủng hộ cho nền kinh tế hỗn hợp chính là những người tạo ra xu hướng đó.

Xin xem xét mối liên hệ giữa chủ nghĩa quốc gia và chủ nghĩa quân phiệt trong lịch sử tư tưởng thế kỉ XIX và XX. Cũng như việc phá huỷ chủ nghĩa tư bản và sự ngóc đầu dậy của nhà nước toàn trị không phải là do các doanh nhân hay giới lao động hoặc bất kì quyền lợi kinh tế nào khác mà là do hệ tư tưởng quốc gia đang giữ thế thượng phong của những người trí thức gây ra – việc hồi sinh học thuyết biện hộ cho việc chinh phục và những cuộc “thập tự chinh” bằng vũ lực nhân danh các “lí tưởng” chính trị cũng là sản phẩm của những người trí thức, những người tin rằng có thể đạt được điều “tốt” bằng vũ lực.

Sự ngóc đầu dậy của tinh thần đế quốc dân tộc chủ nghĩa ở Mĩ không xuất phát từ cánh hữu mà xuất phát từ cánh tả, không xuất phát từ quyền lợi của những doanh nghiệp lớn mà xuất phát từ những nhà cải cách theo xu hướng chủ nghĩa tập thể, những người có ảnh hưởng đối với chính sách của các tổng Theodore Roosevelt và Woodrow Wilson. (Những ai muốn tìm hiểu lịch sử của những ảnh hưởng như thế xin đọc: Arthur A. Ekirch, Jr. The Decline of American Liberalism, New York: Longmans, Green, 1955.)

Giáo sư Ekirch viết: “Khi những người cấp tiến càng tích cực ủng hộ chế độ quân dịch bắt buộc và quan niệm “nghĩa vụ của người da trắng” thì đấy rõ ràng là biểu hiện của chế độ gia trưởng, tương tự như những đạo luật về cải cách kinh tế của họ. Chủ nghĩa đế quốc, theo một nghiên cứu gần đây về chính sách đối ngoại của Mĩ, chính là cuộc nổi dậy chống lại chủ nghĩa tự do. Tinh thần của chủ nghĩa đế quốc đưa nghĩa vụ lên trên quyền lợi, đưa lợi ích tập thể lên trên lợi ích cá nhân, đặt những giá trị anh hùng lên trên vật chất, đặt hành động cao hơn tư duy, đặt các xung động tự nhiên lên trên trí tuệ trần trụi” (Tác phẩm đã dẫn, trang 189. Trích lại từ: R. E. Osgood, Ideals and Self-Interest in America’s Foreign Relations, Chicago: University of Chicago Press, 1953, trang 47.)

Giáo sư Ekirch viết về Woodrow Wilson như sau: “Wilson chắc chắn muốn nền ngoại thương của Mĩ phát triển như là kết quả của sự cạnh tranh tự do trên bình diện quốc tế, nhưng do những tư tưởng về đạo lí và trách nhiệm, ông dễ dàng thực hiện những biện pháp can thiệp trực tiếp của Mĩ và coi đấy là phương tiện bảo vệ quyền lợi quốc gia (sách đã dẫn, trang 199). Và: “Có vẻ như ông cảm thấy rằng nước Mĩ có sứ mệnh truyền bá những định chế của nó – mà ông cho là dân chủ và tự do – tới những khu vực còn tăm tối hơn trên thế giới (như trên). Không phải những người ủng hộ chủ nghĩa tư bản đã giúp Wilson đẩy một dân tộc yêu chuộng hoà bình vào cơn cuồng loạn “thập tự chinh” bằng quân sự mà chính là tờ tạp chí theo đường lối “tự do” The New Republic đã làm việc đó. Biên tập viên tờ tạp chí này, ông Herbert Croly, nói như sau: “Dân tộc Mĩ cần một vụ phiêu lưu mang tính đạo đức sâu sắc, đấy chính là liều thuốc bổ”.

Trong khi Wilson, một nhà cải cách “theo đường lối tự do” đấy nước Mĩ vào Chiến tranh Thế giới I nhằm “làm bảo vệ nền dân chủ trên thế giới” thì Franklin D. Roosevelt, một nhà cải cách “theo đường lối tự do” khác nhân danh “bốn quyền tự do” đã đẩy nước Mĩ vào Chiến tranh Thế giới II. Thế mà trong cả hai trường hợp, tuyệt đại đa số những người “bảo thủ” và đại diện cho các doanh nghiệp lớn đều chống lại chiến tranh, nhưng họ đã bị bịt miệng. Trong trường hợp Chiến tranh Thế giới II họ đã bị bôi nhọ bằng những từ ngữ như: “những kẻ theo chủ nghĩa biệt lập”, “bọn phản động”, “nước Mĩ trên hết”..v.v..

Chiến tranh Thế giới I không dẫn tới dân chủ mà lại tạo ra ba chế độ độc tài, đấy là nước Nga Xô-viết, nước Ý phát xít và nước Đức Quốc xã. Chiến tranh Thế giới II không dẫn tới “bốn quyền tự do” mà lại đưa một phần ba nhân loại vào vòng nô lệ cộng sản.

Nếu hoà bình là mục đích của những người trí thức hiện nay thì tưởng như những thất bại trên bình diện rộng lớn như thế và bằng chứng về những đau khổ không nói được nên lời của biết bao nhiêu người như thế sẽ buộc họ phải suy nghĩ và đánh giá lại những luận điểm mang tính quốc gia chủ nghĩa của mình. Nhưng họ vẫn là những người đui mù trước tất cả, trong họ chỉ có mỗi lòng hận thù chủ nghĩa tư bản mà thôi, bây giờ họ khẳng định rằng “nghèo đói sinh ra chiến tranh” (và biện hộ cho chiến tranh theo cách đó). Nhưng vấn đề là: cái gì sinh ra nghèo đói? Nếu bạn nhìn vào thế giới ngày hôm nay và nếu bạn nhìn lại lịch sử thì bạn sẽ tìm được câu trả lời: mức độ tự do của một nước chính là mức độ thịnh vượng của nước đó.

Nhiều người hiện nay cũng hay phàn nàn rằng thế giới bị chia thành nước “giàu” và nước “nghèo”. Nhưng xin nhớ rằng nước giàu là nước tự do, còn nước nghèo là nước không có tự do.

Người nào muốn chống chiến tranh thì phải chống chủ nghĩa quốc gia trước đã. Khi người ta vẫn giữ trong đầu quan niệm có từ thời ăn lông ở lỗ rằng cá nhân chỉ là “bia đỡ đạn” cho tập thể, rằng một số người có thể dùng vũ lực để cai trị những người khác, và rằng một số điều (bất kì điều gì) có thể biện hộ cho việc cai trị như thế thì khi đó trong nước vẫn không có hoà bình và giữa các dân tộc cũng không thể có hoà bình.

Đúng là vũ khí nguyên tử làm cho chiến tranh trở thành khủng khiếp đến mức buộc người ta phải suy nghĩ. Nhưng đối với một người thì chết vì bom hạt nhân, hay chết vì bom làm bằng thuốc nổ thông thường hoặc chết vì cú đánh của một cái dùi cui cũng đều là chết cả. Đối với người đó, bao nhiêu người chết và mức độ tàn phá cũng thế mà thôi. Thật là kinh tởm khi thấy những người coi số người chết là điều đáng sợ, trong khi họ sẵn sàng đưa một số thanh niên vào chỗ chết vì bộ lạc của họ, nhưng lại la toáng lên khi cả bộ lạc có thể bị diệt vong. Hơn nữa: họ tỏ sẵn sàng tha thứ cho việc giết hại hàng loạt những người tay không tấc sắt nhưng lại đứng lên phản đối chống chiến tranh giữa các quốc gia được trang bị đến tận răng.

Khi người dân còn bị nô dịch bằng vũ lực thì họ còn chống cự và sẽ sử dụng tất cả các loại vũ khí mà họ có trong tay. Khi người ta bị bọn Quốc xã đưa vào lò hơi ngạt hay bị những người cộng sản đem ra trường bắn mà không thấy ai lên tiếng bảo vệ thì người ta có còn yêu nhân loại hay còn quan tâm đến sự tồn vong của nhân loại nữa hay không? Hay người ta sẽ cảm thấy có lí khi nghĩ rằng cái nhận loại đang tự ăn thịt mình như thế, cái nhân loại chấp nhận nền độc tài như thế, chẳng nên sống làm gì?

Nếu vũ khí nguyên tử là mối đe doạ chết người và nhân loại không thể chịu đựng được chiến tranh nữa thì nhân loại cũng không thể chịu được được chủ nghĩa quốc gia nữa. Bất kì người có thiện chí nào cũng không được biện hộ cho việc sử dụng vũ lực – cả trong cũng ngoài nước . Tất cả những ai thực sự quan tâm tới hoà bình – những người yêu nhân loại và lo lắng cho sự sống còn của nó – cần phải thấy rằng đưa chiến tranh ra ngoài vòng pháp luật cũng có nghĩa là đưa việc sử dụng vũ lực ra ngoài vòng pháp luật.

*********

Nguồn: “The Roots of War”, The Freeman. Vol. 16. № 11 (November 1966)

Phạm Nguyên Trường dịch

OTHER NEWS

 “Tay trong tay, tôi đã bên người. Tôi chẳng nói điều chi về vĩnh viễn. Vì mỗi sáng khi mặt trời hiển hiện. Là một ngày tôi lại bắt đầu yêu…”.

Read more
Read more