TẦM NHÌN "ĐỊA-VĂN-CHÍNH-CÔNG-KINH"
QUYẾT ĐỊNH THÀNH CÔNG

I FORESEE TO WIN
NOTHING IS PERMANENT EXCEPT CHANGE

1-Thống nhất pháp nhân đăng ký kinh doanh

Tại Điều 3 về “Áp dụng Luật DN và các luật chuyên ngành”, Luật DN năm 2014 quy định như sau: “Trường hợp luật chuyên ngành có quy định đặc thù về việc thành lập, tổ chức quản lý, tổ chức lại, giải thể và hoạt động có liên quan của DN thì áp dụng quy định của Luật đó”. Mặc dù hiện nay, hoạt động luật sư, công chứng, đấu giá, giám định, giáo dục, đào tạo, trọng tài thương mại… cũng đã được xác định rõ là các ngành, nghề đầu tư kinh doanh theo Luật Đầu tư năm 2014. Tuy nhiên, các ngành, nghề này lại không được đăng ký kinh doanh tại Cơ quan đăng ký kinh doanh, mà chỉ được thực hiện việc cấp giấy phép và đăng ký hoạt động riêng theo Luật Luật sư, Luật Công chứng, Luật Giáo dục đại học, Luật Giáo dục nghề nghiệp, Luật Trọng tài thương mại… Hậu quả là nhiều Cty như Cty luật và pháp nhân khác hoạt động như một DN, nhưng lại hoàn toàn không có thông tin trên “cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký DN”.

Ngoài ra còn một thực tế, các ngân hàng thương mại, Cty tài chính thì đăng ký DN như các DN khác. Trong khi đó, Cty bảo hiểm, là một DN điển hình, thì lại không thực hiện thủ tục này. Vì đoạn 2, Điều 65 về “Thời hạn cấp giấy phép”, Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2010) quy định: “Giấy phép thành lập và hoạt động đồng thời là giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.” Nhưng đáng chú ý hơn, hộ kinh doanh hay hợp tác xã, tuy không được xác định là DN theo theo quy định của Luật DN hay Luật Hợp tác xã năm 2012, nhưng vẫn thực hiện việc đăng ký kinh doanh như đối với DN.

2-Trách nhiệm của người đại diện theo pháp luật

Theo Khoản 2, Điều 13 về “Người đại diện theo pháp luật của DN”, Luật DN năm 2014 quy định:“Cty TNHH và Cty cổ phần có thể có một hoặc nhiều người đại diện theo pháp luật. Điều lệ Cty quy định cụ thể số lượng, chức danh quản lý và quyền, nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật của DN”. Tuy nhiên trên thực tế, DN có thể tìm cách trốn tránh trách nhiệm trong các trường hợp bất lợi. Đồng thời gây khó khăn và rủi ro rất lớn cho đối tác giao dịch với DN, vì không phải lúc nào cũng tiếp cận được Điều lệ và không bảo đảm việc xác định được chính xác nội dung phân quyền cũng như bản Điều lệ nào có hiệu lực thật sự.

Chính vì vậy, Luât DN sửa đổi theo hướng Cty hợp danh có nhiều người đại diện theo pháp luật. Cty TNHH và Cty cổ phần có thể có một hoặc nhiều người đại diện theo pháp luật. Trong trường hợp này, người đại diện theo pháp luật có quyền, nghĩa vụ như nhau và Điều lệ Cty phải quy định cụ thể số lượng và chức danh quản lý của các đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp và phải đăng ký với Cơ quan đăng ký DN.

3-Xem xét lại việc quản lý, sử dụng con dấu

Theo Khoản 3 và 4, Điều 44 về “con dấu của DN”, Luật DN năm 2014 quy định: “3. Việc quản lý, sử dụng và lưu giữ con dấu thực hiện theo quy định của Điều lệ Cty. 4. Con dấu được sử dụng trong các trường hợp theo quy định của pháp luật hoặc các bên giao dịch có thỏa thuận về việc sử dụng dấu”. Tuy nhiên, Khoản 3, Điều 1 về “Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng”, Nghị định số 96/2015 ngày 19/10/2015 “Quy định chi tiết một số điều của Luật DN” đã quy định không áp dụng quy định của Điều luật trên đối với 6 đạo luật, gồm Luật Công chứng, Luật Luật sư, Luật Giám định tư pháp, Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật Chứng khoán và Luật Hợp tác xã, là trái với quy định của Luật DN năm 2014. Đồng thời không hợp lý giữa các loại hình DN, như ngân hàng thương mại thì được quyền quyết định về con dấu, trong khi Cty chứng khoán thì không. Trên thực tế, DN tư nhân không bao giờ có Điều lệ, vì vậy quy định tại khoản 3 là không hợp lý. Đồng thời, khoản 1, Điều 25 về “Điều lệ Cty”, Luật DN năm 2014 cũng không quy định việc quản lý, sử dụng con dấu là những nội dung bắt buộc phải có trong Điều lệ .

Quy định “con dấu được sử dụng trong các trường hợp theo quy định của pháp luật” gây khó khăn lớn cho DN, các bên giao dịch và các cơ quan nhà nước. Đa số các trường hợp pháp luật quy định phải đóng dấu cũng chỉ là về kỹ thuật soạn thảo, chứ không phải là bắt buộc phải có. Theo quy định tại Điều 1, Nghị định 58/2001/NĐ-CP ngày 24/8/2001 của Chính phủ “Về quản lý và sử dụng con dấu”, đã được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định số 31/2009/NĐ-CP ngày 01/4/2009, quy định việc đóng dấu của các DN là nhằm “thể hiện vị trí pháp lý và khẳng định giá trị pháp lý đối với các văn bản, giấy tờ”. Vậy, giá trị pháp lý như thế nào đối với trường hợp bắt buộc phải đóng dấu theo quy định của Luật DN?

Do vậy, Luật DN cần xem xét quy định, việc quản lý, sử dụng con dấu được thực hiện theo quy định của Điều lệ hoặc văn bản của Cty. Luật cũng cần bỏ hẳn việc bắt buộc phải đóng dấu theo một trong 2 cách sau: Thứ nhất, quy định không bắt buộc phải đóng dấu trong mọi trường hợp. Thứ hai, sau 3 năm, chỉ phải đóng dấu trong trong trường hợp có quy định của Luật, đồng thời các nghị định, thông tư không được quy định mới về việc bắt buộc phải đóng dấu.

OTHER NEWS

Read more

Trước đây doanh nghiệp trong nước hoạt động theo Luật Công ty (1990), Luật Doanh nghiệp tư nhân (1990) và sau đó gộp chung thành Luật Doanh nghiệp (1999). Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hoạt động theo Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, lần đầu tiên ra đời năm 1988, […]

Read more