TẦM NHÌN "ĐỊA-VĂN-CHÍNH-CÔNG-KINH"
QUYẾT ĐỊNH THÀNH CÔNG

I FORESEE TO WIN
NOTHING IS PERMANENT EXCEPT CHANGE

BCTC quý II-2016 của Gỗ Trường Thành (TTF) do Ernst & Young (E&Y) kiểm toán đã gây sốc cho rất nhiều người khi phát hiện hàng tồn kho bị thiếu khi kiểm kê lên đến 980 tỷ đồng.

Con voi chui lọt lỗ kim

Trước hết, cần khẳng định 980 tỷ đồng là một con số rất lớn dựa trên bất cứ tương quan gì. Chẳng hạn, số tiền này lớn gấp 3,6 lần tổng lợi nhuận của TTF trong 5 năm 2011-2015 (272 tỷ đồng); tương đương hơn 1/4 giá trị tổng tài sản của TTF (gần 3.600 tỷ đồng) tại thời điểm giữa năm 2016; tương đương 1/3 giá trị vốn hóa và 2/3 vốn điều lệ (1.446 tỷ đồng) của TTF tính đến thời điểm 3-8-2016 (xấp xỉ 2.700 tỷ đồng).  

Sai lệch về sổ sách dù bất kỳ lý do gì cũng sẽ gây ra những tác động về niềm tin, không chỉ dừng lại ở câu chuyện của NĐT, cổ đông của TTF. Liệu sẽ còn bao nhiêu TTF? Trước khi công bố việc hàng tồn kho bốc hơi, lỗ khủng, TTF cũng được xem là hình mẫu của các công ty vượt khó, tái cấu trúc thành công, nhưng nay xem chừng khó vẫn hoàn khó, thậm chí còn khó hơn.

Quý II-2016, doanh thu thuần của TTF chỉ đạt 222 tỷ đồng, giảm 2/3 so với cùng kỳ năm trước (gần 620 tỷ đồng); trong khi giá vốn hàng bán của quý II-2016 lại tăng lên 1.166 tỷ đồng, gấp hơn 2 lần so với cùng kỳ năm trước (545 tỷ đồng). Và cũng phải nói thêm rằng, nguyên nhân chủ yếu làm đội giá vốn hàng bán của TTF do đã hạch toán 980 tỷ đồng hàng tồn kho bị thiếu vào khoản mục này. Hệ quả là TTF bị thua lỗ nặng với 1.125 tỷ đồng. Đến đây, sẽ có một loạt câu hỏi liên quan đến hàng tồn kho được đặt ra như: Hàng tồn kho gồm những gì? Vì sao lại bị thiếu? Phát hiện thiếu như thế nào?

 Trên BCTC của TTF liệt kê hàng tồn kho gồm: Hàng mua đang đi trên đường; nguyên vật liệu, phụ liệu; công cụ, dụng cụ; chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang; thành  phẩm; hàng hóa; hàng gửi bán. Trong mỗi loại hàng tồn kho tất nhiên là còn có nhiều chủng loại khác nhau và dễ thấy là số lượng hàng tồn kho thường rất nhiều, nhất là đối với một DN có quy mô lớn như TTF. Khi kiểm toán viên xác định giá trị hàng tồn kho, ngoài những nghiệp vụ cơ bản thì… đếm là điều bắt buộc. Nói đến đây hẳn sẽ có thắc mắc rằng với khối lượng hàng tồn kho lớn làm sao đếm xuể? Trong thực tế, kiểm toán viên sẽ tiến hành đếm mẫu thay vì đếm tất cả, tuy nhiên việc kiểm đếm sẽ thực hiện một cách kỹ lưỡng đối với loại hàng tồn kho có giá trị lớn, cho dù giá trị có như thế nào kiểm toán viên cũng phải thu thập được những bằng chứng có tính xác thực cao nhất. Chẳng hạn, đối với nguyên vật liệu, có thể xem xét các hóa đơn đầu vào, còn đối với giá trị của thành phẩm, ngoài việc xem xét số lượng cũng cần đối chiếu cả về giá thành, giá bán như thế nào.

 
 

Còn bao nhiêu TTF?

Một vấn đề cũng cần lưu ý đó là giá trị sẽ được xác định bằng công thức: Giá trị = Đơn giá (hoặc giá thành) x Số lượng (hoặc khối lượng). Như đã nói ban đầu, 980 tỷ đồng là một con số rất lớn, tương ứng đơn giá và số lượng cũng rất lớn. Với giá trị, khối lượng lớn như vậy, có lẽ không quá khó đối với dân kiểm toán có nghề để phát hiện nếu xảy ra sự thiếu sót. Nhưng tại sao một khối lượng lớn như vậy lại có thể dễ dàng biến mất, đúng là một câu hỏi không dễ trả lời. Một mất mười ngờ, và tất nhiên có nhiều giả thiết, suy đoán, võ đoán liên quan đến 980 tỷ đồng hàng tồn kho bị thiếu, chẳng hạn: Công tác quản lý lỏng lẻo, dẫn đến hàng hóa bị thất thoát hoặc giá trị hàng tồn kho bị thổi phồng và đến lúc làm rõ thì “xì hơi”… Muốn có câu trả lời đúng nhất có lẽ phải đợi TTF giải trình, hoặc cơ quan quản lý lên tiếng. Nhưng với nguyên nhân nào cũng chứng tỏ rằng hoạt động quản trị của TTF có vấn đề và thiếu tính bền vững. Một hệ thống quản trị, kiểm soát chặt chẽ sẽ giảm thiểu đáng kể các rủi ro bị thất thoát, chứ chưa nói đến chuyện thất thoát với quy mô lớn như vậy.

Trước khi BCTC quý II-2016 được E&Y kiểm toán công bố, nhiều người vẫn còn đoán già đoán non về việc đáy của TTF sẽ là bao nhiêu. Nhưng nay với việc hàng tồn kho bốc hơi như vậy, có lẽ niềm tin của NĐT đối với TTF cũng bốc hơi theo. Niềm tin không còn hẳn chẳng mấy ai muốn mua CP, và như vậy hàng triệu CP bị chất bán với giá sàn theo từng phiên sẽ rất khó để thoát ra ngoài và thiệt hại là điều không thể đong đếm. Tính đến ngày 3-8, TTF đã có 12 phiên giảm sàn liên tiếp và chỉ còn 18.600 đồng/CP, mức giá này thấp hơn mức giá đỉnh của TTF lập hôm 18-7 (43.600 đồng/CP) đến 57%. Cũng trong khoảng thời gian này, giá trị vốn hóa của TTF đã bốc hơi gần 3.600 tỷ đồng, tức trung bình 300 tỷ đồng/phiên. Điều đáng nói hơn nữa, thanh khoản của TTF cũng giảm luôn khi phiên 3-8 chỉ có đúng 10 CP được giao dịch. Cuối tuần trước còn xuất hiện thông tin một thành viên HĐQT của TTF đăng ký mua 3 triệu CP trong khoảng thời gian từ 2-8 đến 31-8, nhưng không rõ sẽ mua kiểu gì với giá nào, khối lượng ra sao. Khi nào TTF sẽ xử lý được 980 tỷ đồng hàng tồn kho bị thiếu xem chừng là một câu hỏi khó. Nhưng khi nào TTF có thể vãn hồi niềm tin của NĐT xem ra còn khó hơn. 

OTHER NEWS