TẦM NHÌN "ĐỊA-VĂN-CHÍNH-CÔNG-KINH"
QUYẾT ĐỊNH THÀNH CÔNG

I FORESEE TO WIN
NOTHING IS PERMANENT EXCEPT CHANGE

Trước khi phải “bán mình” cho một tổ chức khác vào ngày 26/02/1995, Barings PLC là một ngân hàng bán buôn lâu đời nhất tại Vương quốc Anh và nổi bật hơn so với các ngân hàng bán buôn khác.

Mặc dù không phải là ngân hàng lớn nhất hoặc quan trọng nhất của Vương quốc Anh, nhưng Barings từng được xem là một trong những tổ chức uy tín nhất tại đất nước này nhờ gây dựng uy tín từ đầu những năm 1800. Cụ thể, Barings đã từng giúp một nước Mỹ non trẻ giàn xếp thương vụ tài trợ cho Louisiana Purchase trong năm 1803. Bên cạnh đó, khách hàng của Barings còn có cả Nữ hoàng Anh và các thành viên khác của gia đình hoàng gia.

Được cho là một tổ chức được điều hành vô cùng cẩn trọng, thế nhưng danh tiếng đó đã bị phá vỡ vào ngày 24/02/1995 khi ngân hàng này rơi vào tình trạng thua lỗ nặng nề do vụ đầu cơ của một chuyên viên giao dịch ở chi nhánh Singapore – Nick Leeson.

Lúc đầu, Leeson được cấp trên phê chuẩn việc thực hiện kinh doanh chênh lệch giá (arbitrage), cụ thể là tìm lợi nhuận từ sự chênh lệch giá của các hợp đồng tương lai chỉ số Nikkei 225 (Nikkei stock index futures contract) được niêm yết trên thị trường chứng khoán Osaka của Nhật và Sở giao dịch tiền tệ quốc tế Singapore. Tuy nhiên, thay vì thực hiện kinh doanh chênh lệch giá giữa các sàn giao dịch khác nhau để có những khoản lợi nhuận từ chênh lệch giá nhỏ với rủi ro thấp, Leeson lại tiến hành thiếp lập các chiến lược mang tính chất đầu cơ dựa trên các phán đoán của mình về tương lai.

Các phán đoán sai lầm

Chiến lược chính của ông Leeson bao gồm bán các quyền chọn (option) dựa trên tài sản cơ sở là các hợp đồng tương lai chỉ số Nikkei 225.

Người bán một quyền chọn sẽ nhận được khoản phí và đổi lại họ phải chịu trách nhiệm bán hoặc mua tài sản cơ sở tại mức giá thực hiện trong hợp đồng theo ý muốn của người mua quyền chọn. Nếu quyền chọn kết thúc trong vùng mất tiền (out of the money) – tức giá thực hiện cao hơn giá tài sản cơ sở đối với quyền chọn bán hoặc giá thực hiện thấp hơn giá tài sản cơ sở đối với quyền chọn mua – thì người mua quyền chọn sẽ không thực hiện quyền và do đó, người bán quyền chọn sẽ hưởng phí quyền chọn. Tuy nhiên, nếu giá biến động nhiều hơn dự kiến thì khoản lỗ tiềm ẩn của người bán quyền chọn dường như là không giới hạn.

Và tại một vài thời điểm trong năm 1994, ông Leeson đã bắt đầu bán một lượng lớn các quyền chọn “straddles” – một chiến lược bao gồm bán đồng thời cả quyền chọn mua lẫn quyền chọn bán dựa trên tài sản cơ sở là hợp đồng tương lai chỉ số Nikkei 225.

Từ các sản phẩm phái sinh trên, ông Leeson đã xây dựng một chiến lược để đặt cược rằng thị trường chứng khoán Nhật Bản sẽ không giảm điểm hoặc tăng quá mạnh – bất kỳ một sự sụt giảm hoặc sự gia tăng quá mức trong giá cổ phiếu Nhật Bản sẽ dẫn tới thua lỗ cho ông Leeson. Cụ thể, vào ngày 01/01/1995, ông Leeson đã bán đồng thời 37,925 quyền chọn mua Nikkei 225 và 32,967 quyền chọn bán Nikkei 225. Ngoài ra, ông còn nắm giữ vị thế mua 1,000 hợp đồng tương lai chỉ số Nikkei 225 – một chiến lược đem lại lợi nhuận nếu thị trường chứng khoán Nhật Bản tăng cao.

Tuy nhiên, vào ngày 17/01/1995, một cơn động đất kinh hoàng đã diễn ra ở Kobe (Nhật Bản), đẩy thị trường chứng khoán Nhật Bản tụt dốc không phanh. Chỉ trong vòng 5 ngày sau khi cơn động đất xảy ra, chỉ số Nikkei 225 sụt hơn 1,500 điểm – các vị thế quyền chọn của ông Leeson bị thua lỗ gần 68 triệu bảng Anh và các hợp đồng tương lai chỉ số Nikkei 225 của ông cũng lỗ nặng.

Và khi giá cổ phiếu đang trên đà giảm sút, ông Leeson bắt đầu mua thêm một lượng lớn các hợp đồng tương lai chỉ số Nikkei 225. Đồng thời, ông cũng thực hiện vụ đặt cược nhỏ về lãi suất Nhật Bản, bằng cách bán hàng ngàn các hợp đồng tương lai trái phiếu Chính phủ Nhật Bản với kỳ vọng lãi suất sẽ tăng lên.

Chiến lược của ông Leeson dường như tỏ ra hiệu quả trong một khoản thời gian ngắn. Cụ thể, vào ngày 06/02/1995, thị trường chứng khoán Nhật Bản đã hồi phục hơn 1,000 điểm, qua đó giúp ông bù đắp phần lớn khoản lỗ do sự sụt giảm của thị trường chứng khoán Nhật Bản trong những ngày xảy ra trận động đất ở Kobe. Tính tới thời điểm này, khoản lỗ tích lũy của ông là 253 triệu bảng Anh, tăng 20% so với thời điểm đầu năm.

Tuy nhiên, chỉ trong vài ngày kế tiếp, thị trường lại bắt đầu sụt giảm, khoản lỗ của ông Leeson lại tăng theo cấp số nhân. Ông tiếp tục mua vào hợp đồng tương lai khi thị trường giảm sút. Cụ thể, vào ngày 23/02, ông Leeson đã mua hơn 61,000 hợp đồng tương lai chỉ số Nikkei 225. Đồng thời, ông còn nắm giữ vị thế bán 26,000 hợp đồng tương lai trái phiếu Chính phủ Nhật Bản. Bên cạnh đó, ông còn mở vị thế vào các hợp đồng Euroyen tương lai. Trong năm 1995, ông đã bắt đầu mở vị thế mua hợp đồng Euroyen tương lai (với kỳ vọng lãi suất Nhật Bản sẽ giảm) nhưng sau đó lại chuyển sang vị thế bán hợp đồng này. Tuy nhiên, mọi thứ đều không diễn ra đúng như phán đoán của ông Leeson.

Biểu đồ dưới đây cho thấy các khoản lỗ từ hoạt động giao dịch của ông Leeson từ năm 1992 tới hết tháng 2/1995. Vào cuối năm 1992 – một vài tháng sau khi ông Leeson bắt đầu giao dịch – ông đã có khoản lỗ tích lũy là 2 triệu bảng Anh. Con số này vẫn không thay đổi và cho tới tháng 10/1993 thì khoản thua lỗ tăng mạnh. Ông đã mất thêm 21 triệu bảng Anh trong năm 1993 và 185 triệu bảng Anh trong năm 1994. Tổng khoản lỗ tích lũy cho tới cuối năm 1994 là 208 triệu bảng Anh. Và trong năm 1995, ông lại thua lỗ thêm 619 triệu bảng Anh. Và con số tổng cộng cuối cùng là 827 triệu bảng, lớn hơn rất nhiều so với vốn chủ sở hữu của Barings là 440 triệu bảng Anh.

Với việc không thể bù đắp nổi khoản thua lỗ do ông Leeson gây ra, Barings đã phải cầu cứu tới Bank of England. Tuy nhiên, vào ngày 26/02/1995, Bank of England đã buộc phải thực hiện tiến trình tương tự với chương 11 (tái cấu trúc) của bộ luật phá sản Mỹ.

Cuối cùng, Barings đã được Internationale Nederlanden Groep (IGN) – một tập đoàn tài chính của Hà Lan – mua lại./.

OTHER NEWS