Tuy nhiên, điều đáng nói hơn nữa là tại sao với NH từng có cổ đông chiến lược chiếm đến 20% vốn điều lệ là một Tập đoàn lớn nhất VN, lại có ngày bị liệt vào nhóm các NH yếu kém? Cũng theo các chuyên gia, nói đi lại phải nói lại, ở đây cần xác định GP.Bank có còn được PVN góp vốn và có còn là cổ đông chiến lược nữa hay không? Bởi năm 2008, khi PVN tính chuyển vốn từ Ngân hàng Hồng Việt sang GP.Bank và Ocean Bank, thì tại thời điểm đó, PVN đã nắm giữ trên 9% vốn điều lệ của GP.Bank.
Như vậy, với tổng vốn mà PVN dự kiến góp vào Ngân hàng Hồng Việt là 1.000 tỉ đồng, sau đó đã trình xin Thủ tướng Chính phủ sẽ chuyển số vốn góp này sang 2 NH, nếu trừ 400 tỉ đồng đã thực góp cho Ocean Bank, có nghĩa số vốn góp mới dành cho GP.Bank sẽ là 600 tỉ đồng. Vậy tại sao báo cáo thường niên 2010 lại xác định cổ đông lớn nhất của GP.Bank tính đến thời điểm đó là Cty Cổ phần Quản lý quỹ đầu tư FPT với tỉ lệ sở hữu 5,84% (17,62 triệu cổ phần). Có phải trong 2 năm từ 2008 đến 2010, từ một tỉ lệ sở hữu GP.Bank khá lớn, PVN đã thoái vốn khỏi GP.Bank mà thị trường không hề hay biết?
Một điều khó hiểu khác là trước đó, năm 2008, khi thị trường có thông tin Petro VN rục rịch rút vốn khỏi GP.Bank, Chủ tịch HĐQT của GP.Bank đã có thông điệp gửi đến toàn thể CNCNV “PVN và GP.Bank đã ký Hợp đồng góp vốn cổ phần và Hợp tác chiến lược số 1210/HĐGB–DKVN ngày 12/10/2006. Trên cơ sở Hợp đồng này, hai bên đã thống nhất đổi tên Ngân hàng TMCP Toàn Cầu (G-Bank) thành Ngân hàng TMCP Dầu khí Toàn Cầu (GP.Bank) và đã được NHNN phê duyệt. Bước đầu, PVN đóng góp 20% vốn điều lệ và theo lộ trình PVN có thể đạt mức đóng góp 40% vốn điều lệ của GP.Bank…”. Còn bản thân Petro VN cũng đã thông cáo báo chí khẳng định tiếp tục làm đối tác của GP.Bank vào tháng 8/2008, ngay sau thông điệp này phát ra.