TẦM NHÌN "ĐỊA-VĂN-CHÍNH-CÔNG-KINH"
QUYẾT ĐỊNH THÀNH CÔNG

I FORESEE TO WIN
NOTHING IS PERMANENT EXCEPT CHANGE

1-Charles Ponzi

Năm 1919, Charles Ponzi, một người nhập cư gốc Italy sống ở Boston, đã có âm mưu làm giàu bất chính bằng cách mua phiếu hồi đáp quốc tế (international reply coupons) với giá thấp ở nước ngoài và sau đó, bán lại với giá cao để kiếm lợi nhuận ở Mỹ.

Ponzi đã thuyết phục được nhiều nhà đầu tư tin tưởng xuống tiền dù công việc kinh doanh thực tế của ông đang phải gánh những khoản nợ khổng lồ do khó khăn về hậu cần và chi phí cao. 

Mánh khóe nổi tiếng của Ponzi chỉ đơn giản là sử dụng các khoản tiền được cung cấp bởi các nhà đầu tư mới để trả cho những người ủng hộ phía sau và chính mình. 

Dù không phải là vụ lừa đảo đầu tiên áp dụng hình thức này nhưng quy mô khổng lồ và mức thiệt hại khủng khiếp khi đó đã sinh ra thuật ngữ 'âm mưu Ponzi' được áp dụng cho tới ngày nay.

2-Vụ phá sản của tập đoàn Enron

Tạp chí Fortune từng đánh giá doanh nghiệp năng lượng Enron có trụ sở tại Texas là công ty sáng tạo nhất ở Mỹ trong 6 năm liên tiếp (1995 - 2000). Tuy nhiên, đến tháng 11/2001, giá cổ phiếu của tập đoàn này giảm xuống dưới 1 USD sau khi khoản nợ trị giá hàng tỉ USD bị bại lộ. 

Enron không còn lựa chọn nào khác ngoài tuyên bố phá sản và kéo theo đó là sự sụp đổ của Arthur Andersen, một trong 5 đối tác kiểm toán và kế toán lớn nhất thế giới của tập đoàn. Ngoài danh hiệu là vụ phá sản liên doanh lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ vào thời điểm đó, bê bối Enron còn được coi là thất bại kiểm toán lớn nhất mọi thời đại.

3-Bê bối của tập đoàn Worldcom

Worldcom đã giật danh hiệu vụ phá sản doanh nghiệp lớn nhất trong lịch sử Mỹ khỏi tay Enron chỉ một năm sau đó. Hơn 7 tỉ USD bốc hơi do 'lỗi kế toán' được phát hiện đã trở thành tài sản riêng của tập đoàn. 

Cựu giám đốc điều hành của Worldcom, Bernard Ebbers, sau đó lĩnh mức án 25 năm tù do vụ bê bối và được mệnh danh là một trong những CEO tham nhũng nhiều nhất mọi thời đại.

Chính vụ phạm pháp trắng trợn này là nguyên nhân Đạo luật Sarbanes-Oxley ra đời vào tháng 7/2002 tăng cường các yêu cầu minh bạch và hình phạt cho hình thức kế toán gian lận. Bê bối WorldCom đã để lại vết nhơ cho mọi công ty kế toán, ngân hàng đầu tư và các tổ chức xếp hạng tín dụng có liên quan đến nhiều năm sau.

4-Bernard Madoff và vụ lừa đảo gần 65 tỉ USD ở phố Wall

Sở hữu công ty đầu tư ở Phố Wall, Bernard Madoff đã lập kế hoạch lừa đảo theo phong cách Ponzi với qui mô lớn nhất mọi thời đại, lừa gạt các nhà đầu tư số tiền ước tính trị giá 64,8 tỉ USD. 

Nhiều người cho rằng trò lừa đảo này đã được khởi động từ những năm 1980 nhưng sụp đổ sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Vào tháng 12 năm đó, Madoff thú nhận với các con trai rằng công việc kinh doanh của mình chỉ là một lời nói dối. Trong phiên tòa xét xử, Madoff nhận bản án 150 năm tù.

Vụ gian lận của Madoff ước tính gây ra thiệt hại lên tới 50 tỉ USD tiền mặt và chứng khoán. Các ngân hàng tại Tây Ban Nha, Pháp, Thụy Sĩ, Italia, Hà Lan, Nhật Bản và một số quốc gia khác tuyên bố mất hàng tỉ USD trong vụ lừa đảo này. Như vậy, đây là vụ gian lận tài chính lớn nhất trong lịch sử chỉ liên quan tới một nhân vật duy nhất.

5-Lehman Brothers và cuộc đại suy thoái năm 2008

Sự sụp đổ của Lehman Brothers chính là biểu tượng của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu cuối những năm 2000. Công ty dịch vụ tài chính này đã tồn tại hơn 150 năm nhưng việc sử dụng các thủ thuật kế toán để gian lận đã bị phơi bày bởi cuộc khủng hoảng thế chấp dưới chuẩn và buộc phải nộp đơn tuyên bố phá sản. 

Tập đoàn tài chính Lehman Brothers cũng được xem là nạn nhân lớn nhất của cuộc khủng hoảng tài chính Mỹ và lan rộng ra ngành tài chính toàn cầu trong năm 2008. 

Sự sụp đổ của Lehman Brothers đã làm gia tăng khủng hoảng năm 2008 và gây thiệt hại 10 nghìn tỉ USD vốn hóa thị trường từ thị trường vốn cổ phần toàn cầu vào tháng 10/2008 - mức giảm trong tháng lớn nhất được ghi nhận tại thời điểm đó.

 

OTHER NEWS