1-Ông Hong Sun, Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam đã nhắc đi nhắc lại nhiều lần rằng, FTA Hàn Quốc – Việt Nam có hiệu lực, nhiều nhà đầu tư Hàn Quốc sẽ tới Việt Nam đặt nhà máy rồi xuất khẩu trở lại Hàn Quốc. “Nếu chỉ sản xuất và hướng vào thị trường Việt Nam thì không đủ, nên các nhà đầu tư sẽ hướng tới việc sản xuất để xuất ngược trở lại Hàn Quốc, khi được hưởng lợi từ thuế suất thấp theo cam kết FTA”, ông Hong Sun nói.
2-Câu chuyện nằm ở chỗ, khi vốn đầu tư vào, nhu cầu nhập nguyên vật liệu đầu vào, máy móc thiết bị cũng sẽ lớn và đó có thể là lý do khiến nhập siêu từ Hàn Quốc tiếp tục tăng mạnh. Lợi ích chỉ được cân bằng khi doanh nghiệp Việt Nam, trong đó có cả các doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư tại Việt Nam, cũng thúc đẩy được xuất khẩu sang Hàn Quốc, cũng như khi Việt Nam phát triển được công nghiệp hỗ trợ để thu được giá trị gia tăng cao hơn từ phần xuất khẩu của các nhà đầu tư Hàn Quốc. “Tôi chỉ lo rằng, người được hưởng lợi chỉ là các nhà đầu tư nước ngoài”, GS. Nguyễn Mại trăn trở.
3-Trong khi đó, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan thẳng thắn chỉ ra những con số cho thấy, các doanh nghiệp Việt Nam mới tận dụng được rất ít những lợi thế do các FTA mang lại. Nếu doanh nghiệp Việt không tận dụng được, chênh lệch cán cân thương mại sẽ càng lớn.
4-Hiện tại, có thể chưa phải đáng lo ngại khi việc Việt Nam nhập siêu từ Hàn Quốc chủ yếu là do nhập khẩu nguyên vật liệu, máy móc phục vụ sản xuất. Nhưng nếu cứ đà này, nhất là khi ngày càng nhiều người Việt Nam mê phim, thực phẩm và hàng tiêu dùng Hàn Quốc…, thì có thể đến một ngày, thị trường này sẽ trở thành một mối lo ngại thực sự đối với chúng ta giống như Trung Quốc hiện tại.