1-Rủi ro kinh doanh thấp vs cơ cấu kinh doanh :
Thống kê về tỷ lệ thu nhập lãi cận biên (NIM) năm 2015 cho thấy, cả 3 ngân hàng Vietcombank, VietinBank và BIDV đều khá tương đồng về hiệu quả sinh lời từ hoạt động tín dụng và thu lãi từ chứng khoán nợ (phần lớn là trái phiếu) khi tỷ lệ này ở 3 ngân hàng trên lần lượt là 2,81%, 2,80% và 2,78%.
Tuy nhiên, khi xét sang tỷ lệ thu nhập ngoài lãi cận biên (NNIM) mới thấy sự vượt trội của Vietcombank. Tỷ lệ NNIM năm 2015 của Vietcombank, VietinBank và BIDV lần lượt là 0,69%, 0,25% và 0,37%.
Nguyên nhân là do Vietcombank tỏ ra vượt trội trong hoạt động kinh doanh ngoại hối và vàng khi lãi thuần trong hoạt động này của Vietcombank đạt mức 1.572 tỷ đồng trong năm 2015. Con số này ở VietinBank và BIDV chỉ là 19,7 tỷ đồng và 293,9 tỷ đồng.
Cơ cấu kinh doanh của Vietcombank cân đối hơn nhiều VietinBank và BIDV
Thực ra thì không cần đến những chỉ số tài chính như NIM hay NNIM mà chỉ cần nhìn vào hoạt động kinh doanh của “tam trụ” ngành ngân hàng cũng có thể dễ dàng nhận thấy, cơ cấu sinh lời của Vietcombank là cân đối nhất khi ngoài thu nhập lãi từ tín dụng, chứng khoán nợ và tiền gửi (thu nhập lãi thuần) thì các hoạt động kinh doanh khác như dịch vụ, ngoại hối vàng, mua bán chứng khoán kinh doanh hay mua bán chứng khoán đầu tư cũng đều tạo ra lợi nhuận đáng kể. Nhờ vậy mà rủi ro kinh doanh đối với Vietcombank cũng giảm bớt đi nhiều so với VietinBank và BIDV.
2-Nợ xấu vs tính minh bạch:
Tỷ lệ nợ xấu của Vietcombank không phải là thấp. Tại thời điểm kết thúc 6 tháng đầu năm 2016, tỷ lệ nợ xấu của Vietcombank ở mức 1,75%. Con số này thấp hơn một chút con số 2% của BIDV nhưng lại cao hơn đáng kể con số 0,91% của VietinBank.
Tuy nhiên, xem xét về nợ xấu mà chỉ sử dụng đến chỉ tiêu tỷ lệ nợ xấu thì chưa đủ. Tình trạng “giấu” nợ xấu hoặc báo lãi ảo để tăng trích lập dự phòng nhằm làm giảm nợ xấu là nỗi nhức nhối đối với ngành ngân hàng. Nơi lý tưởng nhất để “giấu” nợ xấu và tiếp tay cho lãi ảo chính là các khoản phải thu và các khoản lãi, phí phải thu của các ngân hàng.
Nhưng không một nhà đầu tư nào phải lo lắng đến tính minh bạch trong nợ xấu của Vietcombank khi các khoản phải thu và các khoản lãi, phí phải thu của Vietcombank luôn duy trì ở mức thấp nhất cả về giá trị tương đối lẫn giá trị tuyệt đối. Đây là điều đáng kinh ngạc vì với một ngân hàng thuộc hàng lớn nhất Việt Nam như Vietcombank thì thường giá trị tuyệt đối của bất kỳ khoản mục nào cũng sẽ lớn hơn các ngân hàng tầm trung khác.
Cụ thể, tính đến hết nửa đầu năm 2016, tổng các khoản phải thu và các khoản lãi phí phải thu của Vietcombank chỉ ở mức 8.150 tỷ đồng, thấp hơn nhiều con số 16.433 tỷ đồng của BIDV và con số 25.494 tỷ đồng của VietinBank. Con số này thậm chí còn thấp hơn cả MBBank, Techcombank, SHB và đương nhiên thấp hơn SCB và Sacombank bởi 2 ngân hàng này có giá trị các khoản phải thu và lãi, phí phải thu quá lớn.
Tỷ lệ các khoản phải thu và các khoản lãi, phí phải thu trên tổng tài sản của Vietcombank tính đến hết ngày 30/06/2016 thấp nhất ngành ngân hàng, chỉ ở mức 1,2%.
3-Đòn bẩy tài chính:
Vietcombank là một trong những ngân hàng sử dụng đòn bẩy tài chính ở mức thấp nhất. Tính đến hết ngày 30/06/2016, nợ phải trả của Vietcombank gấp khoảng 12,9 lần vốn chủ sở hữu. Trong khi đó, nợ phải trả của VietinBank gấp khoảng 13,3 lần vốn chủ sở hữu. Con số này ở BIDV lên tới 19,9 lần.
Vì đặc thù ngành ngân hàng là đi vay và cho vay nên một trong những chỉ số khác thường dùng hơn và cũng hàm ý mức độ sử dụng đòn bẩy tài chính, đó là tỷ lệ LDR. Tạm tính tỷ lệ LDR bằng cách lấy cho vay khách hàng chia cho tiền gửi khách hàng thì tỷ lệ này ở Vietcombank thời điểm kết thúc nửa đầu năm 2016 chỉ khoảng 80%, một tỷ lệ rất hợp lý. Trong khi tỷ lệ này ở VietinBank và BIDV lần lượt là 103% và 95%.
Đương nhiên việc sử dụng ít đòn bẩy tài chính hơn sẽ làm giảm đáng kể rủi ro tài chính cho Vietcombank.
4-Trả cổ tức:
Hiện nay, đa số các ngân hàng không chia cổ tức, hoặc là để dành tiền tái đầu tư vào chính ngân hàng, hoặc là để xử lý các vấn đề tồn tại, đặc biệt là nợ xấu, hoặc cả hai.
Tuy nhiên, Vietcombank lại tỏ ra rất khác biệt khi đều đặn trả cổ tức bằng tiền mặt hàng năm với tỷ lệ từ 10% trở lên. Thậm chí năm 2016, ngoài việc trả cổ tức năm 2015 bằng tiền mặt với tỷ lệ 10%, ngân hàng này còn trả cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ lên tới 35%.
Điều này cho thấy Vietcombank rất minh bạch và sòng phẳng trong vấn đề phân chia lợi nhuận với các cổ đông. Nếu không chia cổ tức, hẳn Vietcombank sẽ phải đối mặt với sự nghi ngờ, chỉ trích từ phía cổ đông và nhà đầu tư như nhiều ngân hàng đang phải chịu.
Đó là một số lý do quan trọng cho thấy Vietcombank là một ngân hàng rất “sạch” và minh bạch. Và đó cũng là lý do mà các nhà đầu tư trong và ngoài nước chọn Vietcombank làm điểm đến đầu tư hàng đầu trong lĩnh vực ngân hàng.
Không phải ngẫu nhiên mà cơ quan xếp hạng tín dụng Moody’s đánh giá rằng: “các chỉ số về chất lượng tài sản của Vietcombank là vượt trội hơn hầu hết các ngân hàng còn lại trong ngành”. Vietcombank cũng là ngân hàng Việt duy nhất được Moody’s xếp hạng tín nhiệm cơ sở ở mức b2, trong khi VietinBank ở hạng b3; BIDV, MBBank và Sacombank cùng xếp hạng caa1. Sắp tới, Moody’s dự tính sẽ nâng hạng tín nhiệm cơ sở cho một loạt các ngân hàng, trong đó có Vietcombank và VietinBank nhưng không có BIDV.
5-Cảm nhận của thị trường :
Không phải ngẫu nhiên mà cơ quan xếp hạng tín dụng Moody’s đánh giá rằng các chỉ số về chất lượng tài sản của Vietcombank là vượt trội hơn hầu hết các ngân hàng còn lại trong ngành.
Mới đây, Vietcombank ký thỏa thuận hợp tác với GIC, – quỹ đầu tư quốc gia của Singapore ký thỏa thuận ghi nhớ mua 7,73% cổ phần của Vietcombank trong đợt tăng vốn thứ 2 trong năm 2016 của ngân hàng này.
Cách đây gần 5 năm, một trong những sự kiện đáng nhớ của ngành ngân hàng cũng đã xảy ra khi Vietcombank chính thức bán 15% cổ phần cho tập đoàn tài chính Mizuho của Nhật Bản, qua đó khép lại quá trình thí điểm cổ phần hóa ngân hàng với nguồn lực từ đối tác ngoại và mở ra hàng loạt thương vụ hợp tác, đầu tư vào ngân hàng Việt của các nhà đầu tư nước ngoài sau này.
Nhưng không chỉ có các nhà đầu tư nước ngoài, các nhà đầu tư trong nước cũng cực kỳ ưa thích lựa chọn đầu tư vào Vietcombank hơn bất cứ ngân hàng nào khác. Bằng chứng là mặc dù vốn chủ sở hữu tương đương, lợi nhuận sau thuế tương đương, thậm chí thua kém đáng kể về tổng tài sản nhưng giá trị vốn hóa của Vietcombank lại lớn hơn cả của VietinBank và BIDV cộng lại