Nói về quá trình tăng vốn, trong khi CTD rất dè dặt trong việc tăng vốn điều lệ, 5 năm mới tăng gấp đôi vốn từ gần 320 tỷ đồng lên 655 tỷ đồng thì ROS chỉ trong 2 năm tăng vốn 19 lần, từ 225 tỷ đồng lên 4.300 tỷ đồng. Quá trình tăng vốn này thực hiện trước thềm ROS niêm yết.
Tổng tài sản của hai công ty xây dựng này tương đương nhau. Tài sản của CTD đạt hơn 9.000 tỷ đồng trong khi tài sản của ROS gần 8.000 tỷ đồng. Song, tại thời điểm 30/9/2016, theo báo cáo tài chính hợp nhất 9 tháng, tiền và tương đương tiền của CTD lên tới hơn 3.880 tỷ (chiếm 42% tổng tài sản) trong khi tiền và tương đương tiền của ROS chưa nổi 9 tỷ đồng, còn lại là hàng tồn kho và các khoản phải thu.
ROS là công ty xây dựng, tuy nhiên doanh nghiệp này chi tới hơn 3.500 tỷ đầu tư tài chính vào các công ty và các cá nhân nhưng không hề trích lập dự phòng. Đầu năm nay, ROS đã đầu tư tiền vào các cá nhân 1.984 tỷ đồng bao gồm bà Nguyễn Thị Hiên (137 tỷ đồng), Nguyễn Minh Điểm (101 tỷ đồng), bà Hồ Thị Hiền (370 tỷ đồng), ông Nguyễn Quang Trung (225 tỷ đồng), ông Trần Văn Toàn (400 tỷ đồng), bà Nguyễn Thị Hồng Dung (360 tỷ đồng), bà Lê Thị Thơm (390 tỷ đồng). Khoản đầu tư này tại thời điểm 30/9 đã không còn.
Trên báo cáo tài chính quý III, ROS có hạch toán doanh thu tài chính 9 tháng đạt 167 tỷ đồng, gấp 2,5 lần cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên ROS vẫn tiếp tục rót vốn cho 3 cá nhân là ông Nguyễn Văn Quang (69 tỷ đồng), ông Ngô Trí Lý (65 tỷ đồng), ông Ngô Văn Minh (59,4 tỷ đồng).
Quá trình giao dịch này trên báo cáo lưu chuyển tiền tệ của ROS xuất hiện dòng tiền cho vay và mua công cụ nợ của đơn vị khác hơn 2.500 tỷ đồng. Trong khi dòng tiền từ hoạt động kinh doanh của ROS âm 100 tỷ đồng còn CTD dương gần 1.240 tỷ đồng.
Lưu chuyển tiền tệ 9 tháng đầu năm của ROS |
Về kết quả kinh doanh, 9 tháng CTD lãi sau thuế 961 tỷ đồng, gấp đôi cùng kỳ năm trước, ROS lãi 232 tỷ đồng, gấp 2,7 lần cùng kỳ năm trước, tuy nhiên nếu tính theo EPS thì CTD lên tới 19.445 đồng/cp trong khi ROS chỉ đạt 568 đồng/cp.
Vậy nhưng, vốn hóa thị trường của ROS đang gấp 3 lần CTD sau khi cổ phiếu ROS 2 tháng lên sàn tăng 9 lần từ 10.500 đồng/cp lên 90.000 đồng/cp. Thị trường đang đặt câu hỏi điều gì đã khiến cổ phiếu ROS tăng một cách “điên cuồng” như vậy.
Đáng chú ý, ROS lên sàn ngày 1/9/2016 tức là mới được 2 tháng, do đó ROS chưa nằm trong diện được cho vay margin. Theo tìm hiểu của chúng tôi, ban quản trị rủi ro của các CTCK đã họp rất nhiều đánh giá cổ phiếu này khi nhận được lời đề nghị cho vay với cổ phiếu ROS nhưng hầu hết đều từ chối bởi cổ phiếu này đã tăng quá xa giá trị thực.