Theo kế hoạch, CTCP Xây dựng Faros (mã chứng khoán: ROS) sẽ triệu tập ĐHĐCĐ bất thường trong tháng 11 này để thông qua việc phát hành thêm cổ phiếu tăng vốn điều lệ.
Nội dung và phương án tăng vốn vẫn chưa được chính thức công bố, tuy nhiên nếu việc này được Đại hội đồng cổ đông thông qua, “thần đồng” ROS sẽ có lần tăng vốn thứ 6 trong thời gian ngắn ngủi kể từ năm 2014, để biến một “cậu bé” vô danh thành một gã khổng lồ.
Quá trình lớn nhanh như thổi của Faros diễn ra như sau: Ngày 01/03/2011: Công ty Cổ phần Xây dựng và Đầu tư Hạ tầng Vĩnh Hà (tiền thân của Faros) được thành lập theo Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh số 0105167581 với số vốn điều lệ ban đầu là 1,5 tỷ đồng; Ngày 24/04/2014: Tăng vốn điều lệ lên 225 tỷ đồng thông qua việc phát hành hơn 22,35 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu; Ngày 13/05/2015: Đổi tên thành Công ty Cổ phần Xây dựng Faros; Ngày 04/06/2015: Tăng vốn điều lệ lên 1.125 tỷ đồng; Ngày 16/12/2015: Tăng vốn điều lệ lên 3.037 tỷ đồng; Ngày 27/01/2016: Tăng vốn điều lệ lên 3.500 tỷ đồng; Ngày 21/03/2016: Tăng vốn điều lệ lên 4.300 tỷ đồng thông qua phát hành riêng lẻ 80 triệu cổ phiếu.
Lịch sử phát hành cổ phiếu để tăng vốn của Faros. |
Theo bản cáo bạch của công ty, ROS chỉ có 2 cổ đông lớn là ông Trịnh Văn Quyết (Chủ tịch HĐQT tập đoàn FLC) sở hữu gần 180 triệu cổ phiếu (41,79%) và Công ty TNHH MTV FLC Land sở hữu gần 22,5 triệu cổ phiếu (5,23%). Mới đây, trong tháng 9/2016, cổ đông lớn Trịnh Văn Quyết đã mua vào 99.850.005 cổ phiếu ROS để tăng tỷ lệ sở hữu từ 41,79% lên thành 65,01%, giao dịch được thực hiện chỉ trong vòng 4 ngày từ ngày 22/09 – 26/09/2016. Như vậy, tổng số cổ phiếu ROS đang được ông Quyết nắm giữ là 279.558.755 cổ phần.
Cơ cấu sở hữu đối với cổ đông lớn của Faros. |
Chính thức giao dịch trên sàn HOSE từ ngày 01/09/2016 với giá tham chiếu 10.500 đồng/cổ phiếu, ROS cũng có bước chạy thần tốc về giá hệt như việc tăng vốn của công ty này. Sau chuỗi ngày tăng giá không ngơi nghỉ, ROS đạt đỉnh 120.000 đồng/cổ phiếu trong phiên giao dịch ngày 15/11, tăng 1.042% so với thời điểm mới lên sàn. Cùng với việc liên tục mua vào cổ phiếu, mức tăng này đã giúp ông Trịnh Văn Quyết trở thành người giàu nhất (trên giấy) của sàn chứng khoán Việt Nam với khối tài sản 33.547 tỷ đồng chỉ riêng đối với việc nắm giữ cổ phiếu ROS.
Biểu đồ giá của cổ phiếu ROS kể từ ngày lên sàn. |
Trên các diễn đàn về chứng khoán, nhiều nhà đầu tư nhận định đây không được coi là mức tăng giá của một cổ phiếu trên thị trường xác định bởi cầu và cung mà có lẽ nó được tạo ra bởi những giao dịch thỏa thuận không dùng tiền mặt. Thay vào đó, các giao dịch này cho phép thanh toán bù trừ, do vậy danh hiệu giàu nhất sàn chứng khoán của ông Quyết có thể trở nên “ảo” hơn trong mắt các nhà đầu tư.
Vấn đề là không ai biết trước tương lại giá cổ phiếu ROS sẽ ra sao, do vậy các nhà đầu tư mua bán cổ phiếu ROS trên sàn vẫn tranh thủ lướt sóng kiếm lời trong một tâm trạng kích thích tột độ.
Điểm lại kết quả kinh doanh của ROS trong quý 3/2016, Công ty đạt doanh thu thuần 432,3 tỷ đồng, tăng 75% so với cùng kỳ năm 2015, lợi nhuận ròng ghi nhận 78,7 tỷ đồng, tăng trưởng 59%. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2016, ROS đạt doanh thu thuần 1.504,8 tỷ đồng, gấp 3 lần so với cùng kỳ năm trước và tương đương 46% kế hoạch cả năm. Theo đó, lãi trước thuế 9 tháng cũng tăng gấp 3 lần ghi nhận 290 tỷ đồng và 60% chỉ tiêu năm đề ra.
Kết quả kinh doanh của Faros trong 3 năm qua. |
Điểm lại giao dịch trong vòng 1 tháng qua, ROS đã tăng giá 102%, khối lượng giao dịch bình quân 1,69 triệu cổ phiếu/ngày. Tuy nhiên, so với những bluechip khác, thanh khoản của ROS không phải là cao khi bình quân giao dịch là 1,69 triệu cổ phiếu/ngày. Khối lượng giao dịch cao nhất cũng chỉ 3,12 triệu cổ phiếu trong phiên giao dịch ngày 27/10, trong khi phiên 17/10 chỉ có 666.140 cổ phiếu được chuyển nhượng thành công.