1-Tổng quan chung :
Hiện nay, năm trong số bảy chứng khoán được giao dịch nhiều nhất trên thế giới là các chứng chỉ ETF.
ETF là một hình thức quỹ đầu tư theo chỉ số. Danh mục của ETF gồm một rổ chứng khoán có cơ cấu như cơ cấu của chỉ số mà nó mô phỏng.
Ông Jack Bogle, người sáng lập của quỹ quản lý tài sản Vanguard, cho hay từ một khởi đầu khiêm tốn, ETF hiện giữ một vai trò và ảnh hưởng vô cùng lớn trên thị trường chứng khoán Mỹ và hoạt động mua bán các chứng chỉ ETF hiện chiếm gần một nửa tổng số các giao dịch chứng khoán ở nước này.
Tổng giá trị tài sản do các quỹ ETF quản lý hiện cũng đã vượt mức trên 3.000 tỷ USD.
Với triển vọng tăng trưởng của ETF, mô hình tiết kiệm dài hạn không còn là sân chơi riêng của các quỹ tương hỗ truyền thống.
Theo hãng nghiên cứu Morningstar, trong 12 tháng qua, giới đầu tư đã rút khoảng 130,7 tỷ USD khỏi hệ thống quỹ tương hỗ của Mỹ, trong khi đổ vào các quỹ ETF khoảng 240 tỷ USD.
Riêng trong 2 tuần giữa cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 8/11 vừa qua và ngày lễ Tạ ơn ở nước này, các quỹ ETF đã tiếp nhận thêm khoảng 50 tỷ USD, trong khi giới đầu tư thoái một lượng vốn tương đương từ các quỹ đầu tư chứng khoán thu nhập cố định.
Chứng chỉ của các Quỹ đầu tư theo chỉ số (ETF) đang trở thành kênh đầu tư quan trọng trên thị trường chứng khoán, nhất là tại thị trường chứng khoán Mỹ, thậm chí còn được đánh giá là làm thay đổi bộ mặt của thị trường chứng khoán nước này.
Tại châu Âu, hình thức này ít phổ biến hơn. Chứng chỉ ETF được dự báo nhiều khả năng sẽ chiếm lĩnh thị trường chứng khoán thay cho cổ phiếu thông thường.
Tuy nhiên, các chuyên gia trong ngành cũng cảnh báo nguy cơ các chứng chỉ ETF có thể tiềm chứa những rủi ro mang tính hệ thống.
Apple có tổng giá trị cổ phiếu giao dịch đạt trên 3 tỷ USD mỗi ngày, song con số này vẫn khá khiêm tốn so với mức giao dịch đạt trên 14 tỷ USD mỗi ngày của chứng chỉ quỹ đầu tư theo chỉ số chứng khoán S&P500 (SPDR S&P 500).
Apple là doanh nghiệp lớn nhất thế giới về vốn trên thị trường và có cổ phiếu được giao dịch nhiều nhất trên thế giới.
Quỹ tương hỗ được xây dựng theo mô hình quỹ mở, theo đó nhà đầu tư có thể gửi hoặc rút tiền trực tiếp từ quỹ.
Giao dịch này chỉ được thực hiện một lần trong ngày với giá lúc đóng cửa. Ngược lại, với các ETF, nhà đầu tư có thể tự do mua hay bán các chứng chỉ quỹ trên sàn giao dịch mà không phải gửi hay rút tiền từ quỹ.
2-Uu điểm:
Thứ nhất, ETF cho phép nhà đầu tư có thể linh hoạt trong việc quản lý tài sản.
Thứ hai, các quỹ ETF có chi phí hoạt động thấp hơn. Riêng đối với thị trường Mỹ, ETF còn mang lại lợi thế về thuế cho nhà đầu tư.
Ông Matt Hougan, Giám đốc điều hành công ty nghiên cứu Inside ETFs, dự báo rằng ETF sẽ là kênh đầu tư chứng khoán chính trong tương lai.
Các quỹ tương hỗ sẽ bị đào thải, ví như kiểu máy chữ được thay thế bằng máy tính. ETF cung cấp giải pháp công nghệ tốt hơn và vì vậy nó sẽ thay thế các quỹ tương hỗ trong vòng 20 năm tới.
Giới chuyên gia cho rằng các chứng chỉ ETF mang lại tính thanh khoản và minh bạch hơn cho người tiết kiệm và cho phép người dân với số vốn hạn chế có thể đầu tư với chi phí rất thấp.
Các quỹ ETF có triển vọng khá sáng sủa ở Mỹ, còn ở châu Âu, các quỹ này vẫn chưa thực sự phổ biến.
Theo công ty nghiên cứu ETFGI, các quỹ ETF ở châu Âu hiện quản lý khoảng 529 tỷ USD, chưa bang1/4 con số ở thị trường Mỹ.
Trước hết, quy định về thuế đối với hoạt động của các quỹ ETF ở châu Âu không thuận lợi như ở Mỹ.
Thêm nữa, ở châu Âu, quy định về thuế đối với quỹ tương hỗ khác với Mỹ và do đó ETF không được hưởng lợi thế nêu trên.
Về chi phí, thị trường tiết kiệm ở châu Âu vẫn bị chi phối bởi các ngân hàng lớn và các tổ chức này thường cung cấp các sản phẩm có mức phí hoa hồng cao.
ETF không tạo thu nhập từ phí, nên ở châu Âu, ETF không mang lại nhiều lợi ích cho các tổ chức tài chính tạo lập thị trường.
Ngoài ra, Mỹ là một thị trường thống nhất trong khi ở châu Âu, ETF vẫn phải giao dịch trên cơ sở nhiều đồng tiền khác nhau và chịu nhiều quy định về thuế khác nhau.
3-Nhược điểm:
Xét tổng thể, bên cạnh những ưu điểm và lợi thế, người ta cũng lo ngại rằng triển vọng vượt trội hay nói cách khác là thống trị của ETF sẽ có thể tạo ra những rủi ro mang tính hệ thống mới hoặc có thể châm ngòi cho một cuộc khủng hoảng tài chính.
Nguyên nhân chính là do chứng khoán mà các quỹ ETF nắm giữ thường không có tính thanh khoản cao như chứng chỉ của quỹ ETF.
Sự bất cân xứng này có thể buộc các quỹ phải bán tháo tài sản khi thị trường biến động phức tạp.
Sự phát triển của ETF cũng khiến cho các công ty nhỏ gặp không ít khó khăn trong việc huy động vốn, bởi dòng vốn đầu tư vào các ETF thường sẽ luân chuyển về các công ty lớn vốn chiếm tỷ trọng cao trong chỉ số chứng khoán.