1- Những kịch bản có thể xảy ra khi TPP “tan vỡ”:
Hiệp định TPP chỉ có hiệu lực khi quốc hội của ít nhất 6 nước thành viên với ít nhất 85% sản lượng kinh tế của khối phê duyệt. Do vậy khi Mỹ, với hơn 50% GDP của khối, chính thức rút khỏi TPP thì văn bản TPP đã được ký kết có thể coi như bị tự hủy.
Do vậy, có 3 kịch bản có thể diễn ra trong tình huống này.
Một là, những nước còn lại xây dựng chung một hiệp định mới. Với kịch bản này, tuy còn lại 11 quốc gia nhưng tổng sản lượng chỉ còn chưa bằng một nửa và mất đi một thị trường tiêu thụ mạnh nhất thế giới thì như Thủ tướng Nhật Shinzo Abe đã tuyên bố TPP trở thành vô nghĩa nếu không có Mỹ.
Hai là, những quốc gia còn lại mở rộng hiệp đối tác, tìm kiếm quốc gia thay thế Mỹ với một GDP tương đương và nhất là với một thị trường tiêu thụ hấp dẫn. Nếu nằm trong khuôn khổ địa lý xuyên Thái Bình Dương thì khó có quốc gia nào hội đủ tiêu chuẩn. Có hai cường quốc là Trung Quốc và Nga, nhưng đều là những nước mới nổi, GDP còn yếu và thị trường tiêu thụ nội địa còn sơ khai.
Ba là, các nước sẽ không phải mất công đàm phán một hiệp định mới hay kết nạp thêm thành viên mà có thể chuyển sang ngay hiệp định RCEP hiện có với vai trò gần tương đương và có tới 7 quốc gia cũng nằm trong TPP (Việt Nam, Brunei, Malaysia, Australia, New Zealand, Nhật và Singapore). Đó chính là lý do sau khi Mỹ rút khỏi TPP, RCEP lại được nhắc đến nhiều như vậy như một sự thay thế.
2-RCEP khác TPP thế nào?
TPP là hiệp định được ký kết giữa 12 quốc gia (bao gồm Mỹ, Canada, Mexico, Peru, Chile, New Zealand, Australia, Nhật Bản, Singapore, Brunei, Malaysia, Việt Nam và không có Trung Quốc) trong tháng 2/2016 nhưng hiện mới chỉ có Nhật Bản thông qua và Mỹ thì đã rút khỏi hiệp định.
Khác với tương lai “mờ mịt” nếu không muốn nói là gần như bị “xóa sổ” của TPP thì RCEP đang bước vào giai đoạn gấp rút để có thể hoàn tất đàm phán và ký kết vào cuối năm 2017. RCEP hiện có 16 nước thành viên bao gồm 10 nước ASEAN và các nước đối tác Australia, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản.
Điểm khác biệt lớn nhất của TPP và RCEP là việc áp đặt tiêu chuẩn hoạt động thương mại. Không như TPP được coi là một hiệp định thế hệ mới yêu cầu sự đồng nhất chặt chẽ giữa các nước thành viên và có "chất lương cao", RCEP đặt ra các tiêu chuẩn thấp hơn và chấp thuận việc các nước thành viên đặt các rào cản không đồng nhất.
Nói cách khác RCEP “hẹp” hơn TPP, đơn thuần hạ thấp thuế quan và thiếu một số “mục tiêu cao cả” bao gồm việc bảo vệ người lao động, bảo vệ môi trường... Từ góc nhìn này, RCEP có thể tạo ra một số động lực thúc đẩy thương mại, nhưng sự gia tăng trong thương mại sẽ đến chủ yếu dưới dạng các dòng thương mại, sự biến chuyển về “chất” sẽ không nhiều. Vì vậy, RCEP không hoàn toàn là một sự thay thế tốt hoặc thay thế tuyệt đối cho TPP.
3-Sự đổi ngôi trên bản đồ thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc?
Khi TPP mới chỉ có 4 nước thành viên (Brunei, Chile, Singapore và New Zealand) được mở rộng vào năm 2008 để tiếp đón Australia, Canada, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, Peru, Mỹ và Việt Nam, thì ý định của các chiến lược gia Mỹ lúc đó không chỉ nằm ở một hiệp định kinh tế đơn thuần mà đó là chiến lược “xoay trục” của tổng thống Obama. Châu Á – Thái Bình Dương là khu vực trọng tâm của thế giới và Mỹ phải nắm lấy vị thế chủ đạo, do vậy Trung Quốc đã bị loại ra ngay từ ban đầu. Sau đó năm 2012, Trung Quốc đã mở cuộc đàm phán thiết lập một khối kinh tế tương xứng ở châu Á, đó là RCEP. Khi ấy RCEP được lập ra như một đối trọng với TPP.
"Nếu không có TPP, Trung Quốc tự nhiên trở thành một nhà lãnh đạo tạo ra ảnh hưởng hội nhập kinh tế trong khu vực này", David Li, giáo sư kinh tế tại Đại học Thanh Hoa của Trung Quốc, cho biết tại Diễn đàn kinh tế thế giới Davos (WEF 2017).
Sự sụp đổ của TPP cho thấy châu Á sẽ phải đối diện với một thế giới rất khác. Mỹ sẽ không còn chiếm vai trò trung tâm thúc đẩy thương mại tự do, trong khi đó Trung Quốc lại ngày càng càng tích cực thừa nhận vai trò lãnh đạo lớn hơn.
Chính nguy cơ về một sự thay thế vai trò của Mỹ và Trung quốc trong thương mại là điều thúc đẩy các nước còn lại tiến gần hơn với RCEP.
4-RCEP thay thế được bao nhiêu cho TPP?
Xét về mặt tác động phúc lợi trực tiếp của Hiệp định RCEP so với TPP, theo báo cáo của Peter Petri - người sử dụng một mô hình cân bằng tổng thể được phát triển bởi Zhai (2008): Điểm chính yếu là Hiệp định RCEP sẽ đem lại một sự thúc đẩy đáng kể đến GDP toàn phần cho tất cả các quốc gia thành viên, mặc dù chưa đến mức mà Hiệp định TPP đem lại lợi ích cho một số quốc gia chú trọng thương mại của châu Á (biểu đồ 1).
Biểu đồ 1: Hiệp định RCEP có thể không thúc đẩy tăng trưởng sản lượng như TPP có thể làm nhưng những lợi ích sẽ được chia sẻ công bằng hơn khắp châu Á
Kết quả cho thấy rằng Singapore có lợi ít nhất - sau tất cả, Singapore đã ký hiệp định thương mại tự do với tất cả các quốc gia thành viên RCEP (hai bên thông qua khối ASEAN và thỏa thuận song phương trực tiếp). Những lợi ích phúc lợi thể hiện ở trên bắt nguồn từ sức ảnh hưởng mà một hiệp định thương mại rộng lớn hơn như Hiệp định RCEP sẽ có trên các chuỗi cung ứng toàn khu vực ASEAN mà trong đó các ngành công nghiệp của Singapore đều có tham gia.
Ngược lại với Singapore, Việt Nam sẽ được hưởng nhiều lợi ích từ Hiệp định RCEP. Một mặt, Việt Nam sẽ tham gia vào các thỏa thuận mới và sẽ thấy những lợi ích đáng kể đến từ việc nguồn cung ứng sản xuất từ Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc tăng lên. Mặc dù từ Hiệp định RCEP sẽ có một sự thúc đẩy tiềm năng cho sản lượng (mà chưa phải hiệp định đã hoàn tất việc ký kết).
Tuy nhiên RCEP chắc chắn sẽ phải gặp một số trở ngại đến từ Ấn Độ. Vì nhiều nhà sản xuất và các doanh nghiệp Ấn Độ sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh rất khốc liệt từ các nhà xuất khẩu Trung Quốc. Nhất là khi Ấn Độ là một quốc gia có thâm hụt thương mại lớn với Trung Quốc.
Sự sụp đổ của TPP đã không có nghĩa là RCEP sẽ cất cánh, nhưng ít nhiều nó mang lại hi vọng cho các quốc gia còn lại theo đuổi tư tưởng thương mại tự do.