I-Khoanh vùng nợ xấu được "thí điểm" xử lý:
Cụ thể, theo Điều 4 của Nghị quyết, nợ xấu quy định tại Nghị quyết này là các khoản nợ được hình thành trước ngày 15 tháng 8 năm 2017 bao gồm cả khoản nợ xấu được xác định trước và sau ngày 15/8 miễn là trong thời gian Nghị quyết này có hiệu lực thi hành.
Chỉ cần là khoản nợ hình thành trước 15/8, thời điểm nợ trở thành nợ xấu không quan trọng miễn là trong thời hạn hiệu lực của Nghị quyết (5 năm)
Cùng đó, theo Điều 5 Phụ lục về xác định nợ xấu, trong trường hợp khách hàng có từ hai khoản nợ trở lên hình thành trước ngày 15/8/2017 tại một hoặc nhiều TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, nếu một khoản nợ bất kỳ được xác định là nợ xấu này thì toàn bộ các khoản nợ còn lại cũng được xác định là nợ xấu.
Vậy làm sao để xác định nợ xấu có nằm trong diện thí điểm hay không? Về điều này, các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu sẽ là bên có trách nhiệm xác nhận bằng văn bản khoản nợ là nợ xấu khi có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong quá trình xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu theo quy định tại Nghị quyết này.
Nợ xấu sẽ bao gồm các khoản đang hạch toán trong, ngoài bảng cân đối kế toán của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và các khoản nợ xấu mà tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu đã mua của TCTD.
II-Nợ nào là nợ xấu?
Theo định nghĩa, nợ xấu được xác định theo phương pháp định lượng và định tính. Trong khi phương pháp định lượng dựa trên số ngày quá hạn (khá tương đồng với cách xác định về nợ xấu được quy định tại Thông tư 02/201)3 thì phương pháp định tính lại căn cứ vào đánh giá khả năng trả nợ của khách hàng trên cơ sở kết quả hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ, chính sách dự phòng rủi ro.
Cụ thể, nợ xấu xác định theo phương pháp định lượng là Nợ quá hạn từ 91 ngày đến 180 ngày (nhóm 3); từ 181 ngày đến 360 ngày (nhóm 4);trên 360 ngày (nhóm 5).
Nợ gia hạn lần đầu thuộc nhóm 3; Nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ lần đầu quá hạn dưới 90 ngày và nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ lần thứ hai nâng lên nhóm 4. Nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ lần đầu quá hạn từ 90 ngày trở lên, nợ cơ cấu lại lần thứ hai quá hạn hoặc nợ cơ cấu lại lần 3 là nợ nhóm 5.
Còn nợ xấu xác định theo phương pháp định tính sẽ phụ thuộc vào đánh giá của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài ở mức có khả năng tổn thất (nhóm 3);có khả năng tổn thất cao (nhóm 4) hoặc không còn khả năng thu hồi, mất vốn (nhóm 5).
Cả hai phương thức định lượng và định tính đều quy định các khoản nợ được sẽ được phân loại vào nhóm 3/4/5 theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và từ thông tin Trung tâm Thông tin tín dụng Quốc gia (CIC) cung cấp.
Nợ phải thu hồi theo kết luận thanh tra của NHNN nhưng quá thời hạn thu hồi theo kết luận thanh tra cũng là nợ xấu. Cụ thể, trong thời hạn thu hồi sẽ là nợ nhóm 3, đến 60 ngày mà vẫn chưa thu hồi được là nợ nhóm 4 và trên 60 ngày sẽ là nợ nhóm 5.
Nợ xấu còn bao gồm cả các khoản nợ thuộc một số trường hợp đặc biệt đã có quyết định thu hồi nhưng chưa thu hồi được trong thời hạn dưới 30 ngày (nhóm 3), từ 30 ngày đến 60 ngày (nhóm 4) và trên 60 ngày (nhóm 5).
Những trường hợp đặc biệt này là các khoản nợ vi phạm quy định liên quan đến các trường hợp Không được cấp tín dụng (Điều 126), Hạn chế cấp tín dụng (Điều 127) và Giới hạn cấp tín dụng (Điều 128) quy định trong Luật Các tổ chức tín dụng.