https://boxitvn.blogspot.com/2017/11/ngan-hang-nha-nuoc-ong-vnd-on-inh-nhat.html
1-Những năm 1980:
Mugabe được bầu làm Thủ tướng đầu tiên của nước Zimbabwe mới giành được độc lập mới vào năm 1980. Trước đó, ông từng ngồi tù trong nhiều năm vì hoạt động chính trị.
Ông được nhiều người ngưỡng mộ và coi ông là "Nelson Mandela của Zimbabwe", với kỳ vọng sẽ dẫn dắt đất nước đi lên sau nhiều thập niên bị phương Tây đô hộ.
Funmi Akinluyi, một nhà quản lý danh mục đầu tư tại châu Phi và các thị trường cận biên tại Silk Invest, nói: "Ông ấy luôn có lập trường dân túy, có nghĩa là ông muốn làm việc vì lợi ích tốt nhất cho người dân của mình, nhưng thường không tốt về mặt kinh tế.”
Mugabe nổi tiếng thế giới về các chương trình giáo dục và y tế, và đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp và công nghiệp chế tạo của đất nước. Zimbabwe đã nổi tiếng về sản xuất thuốc lá và thời tiết quanh năm thuận lợi cho nông nghiệp.
2-Những năm 1990:
Khi sự ủng hộ dành cho ông Mugabe giảm dần, các nhà phê bình cáo buộc ông sử dụng bạo lực và hối lộ để duy trì quyền lực của mình, dù ông Mugabe vẫn luôn phủ nhận điều này.
Việc ông Mugabe không thể quản lý tốt lĩnh vực nông nghiệp của đất nước là một bước ngoặt dẫn đến một thảm hoạ kinh tế.
Chính sách cải cách ruộng đất đã chấm dứt việc người da trắng có quyền sở hữu đất trong nhiều thập kỉ
Đạo luật Mua đất năm 1992 cho phép ông Mugabe buộc chủ đất phải từ bỏ quyền sở hữu của mình và tái phân phối chúng. Năm 1993, Mugabe đe doạ trục xuất những người chủ đất trắng phản đối các quy định này.
3-Những năm 2000:
Mãi cho đến những năm 2000, chiến dịch của ông Mugabe mới tỏ ra có hiệu quả và ông đã buộc 4000 chủ đất da trắng bỏ đất của họ. Sản lượng nông nghiệp của Zimbabwe vì thế giảm mạnh gần như chỉ sau 1 đêm.
Akinluyi nhớ lại: “Zimbabwe bị thiếu lương thực gần như ngay lập tức. Mọi người ai cũng thiếu ăn."
Đáng buồn hơn, điều này xảy ra khi Zimbabwe vừa trải qua 2 năm mất mùa và một đợt khô hạn kéo dài, dẫn đến nạn đói tồi tệ nhất của đất nước trong 60 năm.
Trước tình trạng thiếu hụt hàng hoá cơ bản, Ngân hàng Trung ương Zimbabwe đã đẩy mạnh in tiền để tài trợ cho nhập khẩu. Hậu quả là lạm phát tăng phi mã.
Vào đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng, mặt bằng giá đã tăng gấp đôi sau mỗi 24 giờ. Các nhà kinh tế học của Viện Cato ước tính lạm phát hàng tháng đạt mức cao nhất là 7,9 tỷ % trong năm 2008. Thất nghiệp tăng vọt, nền kinh tế đất nước (GDP) suy giảm 18% trong năm 2008.
Zimbabwe đã từ bỏ đồng tiền của mình trong năm 2009, và sử dụng USD, đồng rand Nam Phi và bảy loại tiền tệ khác để giao dịch.
4-Từ năm 2010 tới nay:
Mugabe đã đáp trả các biện pháp trừng phạt quốc tế trong năm 2010 bằng cách đe doạ tịch thu tất cả các khoản đầu tư của phương Tây vào nước này.
Lời đe dọa này đã khiến cho các nhà đầu tư tiềm năng rời xa Zimbabwe.
Chính phủ của Mugabe đã chuyển sự tập trung từ nông nghiệp sang khai thác mỏ, yêu cầu các nhà khai thác kim cương phải ngừng hoạt động và bàn giao nhà máy sản xuất của họ. Chính phủ Mugabe muốn một công ty nhà nước tiếp quản các nhà máy này.
Trong khi phải chật vật kiếm tiền từ xuất khẩu, một đợt hạn hán nghiêm trọng đã làm tình thế của Zimbabwe tồi tệ hơn, dẫn đến việc người dân ồ ạt rút tiền ở các ngân hàng ào năm 2016.
Cuối năm ngoái, nước này phát hành cái gọi là bond note (một dạng tiền giấy), trị giá khoảng 1 USD nhằm xoa dịu việc thiếu tiền mặt.
Tuy nhiên, Akinluyi cho biết tình hiện tại vẫn có thể xoay chuyển: "Họ có kim cương, than đá, đồng, quặng sắt ... rất nhiều tài nguyên. Zimbabwe sẽ tốt hơn nhiều nếu có một vị lãnh đạo phù hợp.”