1-Venezuela đang trong quá trình thương lượng với các chủ nợ quốc tế về cách thức tái cấu trúc khoản nợ 60 tỷ USD.
Một trong những chủ nợ là Trung Quốc cho biết họ tin vào khả năng trả nợ của Venezuela.
Và bằng một cách nào đó, Quốc gia Nam Mỹ này đã giành được sự hỗ trợ từ phía Nga. Cụ thể, trong ngày thứ Tư, Moscow đã tuyên bố đồng ý tái cấu trúc khoản nợ 1.35 tỷ USD của Venezuela.
Tuy nhiên, những sự hỗ trợ trên vẫn không đủ để thuyết phục các chuyên gia phân tích rằng Venezuela có khả năng thanh toán hoàn toàn nợ nần với các chủ nợ.
2-Vì đâu nên nỗi?
“Sản lượng dầu ngày càng sụt giảm đã làm vấn đề trở nên trầm trọng hơn. Sản lượng dầu nước này rớt mốc 2 triệu thùng/ngày trong tháng 10/2017, mức thấp nhất kể từ thập niên 80”, Nicholas Watson, Phó Chủ tịch cấp cao tại Teneo Intelligence, cho biết trong ngày thứ Tư.
Vốn lệ thuộc vào nguồn thu từ xuất khẩu dầu, kinh tế Venezuela đã bị tác động vô cùng nặng nề trước đà lao dốc của giá dầu trong vài năm trở lại đây. Sản lượng dầu ở dưới mức 2 triệu thùng/ngày, và vì không có nguồn lực tài chính để đầu tư nên lĩnh vực này cứ tiếp tục suy yếu.
Chưa hết, các lệnh trừng phạt còn giánh thêm một đòn nặng nề lên Venezuela. Chính quyền Mỹ đã cấm các thỏa thuận nợ mới từ Chính phủ Venezuela và công ty dầu quốc doanh của nước này.
3-Venezuela đã vỡ nợ chưa?
Venezuela đã không thể thanh toán phần lãi coupon 200 triệu USD đối với các trái phiếu toàn cầu. Kết quả là S&P đã tuyên bố Venezuela rơi vào trường hợp “vỡ nợ có chọn lọc” (selective default), và có xác suất 50% rằng quốc gia này có thể vỡ nợ thêm một lần nữa trong vòng 3 tháng tới.
Chưa hết, Fitch Ratings cũng hạ bậc công ty dầu mỏ quốc doanh của Venezuela PDVSA.
4-Chuyện gì sẽ xảy ra kế tiếp?
Ông Fernando Freijedo, Chuyên gia phân tích về Mỹ Latin tại Economist Intelligence Unit cho hay: “Chúng tôi không kỳ vọng các cuộc đàm phán về nợ của Venezuela sẽ thành công”, vì các lệnh trừng phạt vẫn còn hiệu lực và Tổng thống Maduro không hề có kế hoạch kinh tế để làm hài lòng các chủ nợ.
Các cuộc đàm phán về nợ vẫn đang diễn ra và vẫn chưa rõ khi nào sẽ kết thúc.
“Nếu Chính phủ Venezuela gắn kết với nhau, kiểm soát hoàn toàn các bộ phận của Chính phủ, và không cắt đứt mối quan hệ với Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) thì có lẽ họ có thể tránh được trường hợp vỡ nợ bằng cách quản lý tốt hơn và có sự hỗ trợ từ bên ngoài”, Jan Randolph, Giám đốc dịch vụ đánh giá rủi ro quốc gia tại IHS Markit, cho hay.
“Tuy nhiên, vấn đề ở đây là Chính phủ Venezuela không hề gắn kết và không có được sự hỗ trợ từ phía IMF. Rủi ro cao từ chính sách và quản lý nợ sai lầm và có thể dẫn tới một đợt vỡ nợ khác”.