Lương của người lao động Việt Nam tăng rất ít, và vẫn ở mức rất thấp, theo PGS.TS. Nguyễn Thị Lan Hương, Viện trưởng Viện Khoa học lao động và xã hội.
1-Nghiên cứu của viện cho biết, năng suất lao động của Việt Nam ở vào mức thấp nhất của Châu Á-Thái Bình Dương.
Năm 2013, năng suất lao động của Việt Nam tính theo sức mua tương đương của đồng đô la Mỹ tại thời điểm 2005 ($PPP, 2005) là 5.440 đô la Mỹ, thuộc nhóm bốn nước thấp nhất trong ASEAN (Myanmar, 2.828 đô la Mỹ; Campuchia, 3.900 đô la Mỹ; và Lào, 5.396 đô la Mỹ), thấp hơn của các nước còn lại trong khối ASEAN: chỉ bẳng 55% của Indonesia (9.848 đô la Mỹ); 53% của Philippines (10.026 đô la Mỹ), 40% của Thái Lan (14.754 đô la Mỹ), 20% của Malaysia (35.751 đô la Mỹ), và 1/15 của Singapore (98.072 đô la Mỹ).
2-Cơ cấu lao động của Việt Nam khá tụt hậu trong khối ASEAN với tỷ lệ lao động nông nghiệp cao thứ 4 sau Lào, Indonesia và Myanmar. Tỷ lệ lao động nông nghiệp giảm chậm, năm 2014 vẫn chiếm gần 47% tổng lao động xã hội nhưng giá trị được tạo ra từ ngành này chỉ chiếm 17,16% tổng giá trị GDP của cả nước, cho thấy năng suất lao động trong nội bộ ngành nông nghiệp vẫn còn rất thấp.
3-Tính theo nghề, lao động giản đơn có mức thu nhập thấp nhất (3 triệu đồng/lao động/tháng). Thu nhập bình quân quí 4-2014 của nhóm “lãnh đạo” là cao nhất (6,93 triệu đồng/lao động/tháng, gấp 2,33 lần lao động giản đơn); tiếp đến là nhóm “chuyên môn kỹ thuật bậc cao” (6,38 triệu đồng/lao động/tháng), bằng 2,15 lần nhóm “lao động giản đơn” (3 triệu đồng).