TẦM NHÌN "ĐỊA-VĂN-CHÍNH-CÔNG-KINH"
QUYẾT ĐỊNH THÀNH CÔNG

I FORESEE TO WIN
NOTHING IS PERMANENT EXCEPT CHANGE

 Không một bộ óc vĩ đại nào có thể lường hết được những bất trắc, nguy cơ tiềm ẩn có thể xảy đến trong mấy chục năm về sau.

Người Việt Nam có quan niệm “Không ai giàu 3 họ”; còn người Trung Quốc cho rằng “Một gia tài không thể thọ nổi 3 thế hệ”. Quan niệm trên cũng xuất hiện ở hầu hết các quốc gia trên thế giới. Đối với người phương Tây thì họ gọi đó là “định luật Midas”… Liệu đây có phải là một “lời nguyền” không thể hoá giải?

Theo bình chọn của Tạp chí Forbes, năm 2014 có 483 tỷ phú quốc tế. Trong danh sách đó thì 321 tỷ phú (chiếm 66,5%) thuộc thế hệ thứ nhất;  khoảng 20% thuộc thế hệ thứ 2; và dưới 10% là thế hệ thứ 3.

Sự giàu có tiếp nối sang thế hệ thứ 4 có 13 gia đình, đến thế hệ thứ 5 còn lại 7 gia đình. Và chỉ 2 gia đình kéo dài sự giàu sang được đến thế hệ thứ 6.

Một thống kê khác ở phương Tây cho thấy rằng: Trong 10 gia đình có tài sản lớn thì có đến 6 gia đình sẽ bị “hao tổn” tài sản ở thế hệ thứ 2; và 9 trong 10 gia đình sẽ “tiêu sạch” toàn bộ tài sản vào thế hệ thứ 3.

Quy luật “thịnh – suy” có sức mạnh chi phối tới vạn vật, từ các quốc gia, dân tộc hùng cường cho tới những cá nhân nhỏ bé trong xã hội. Không có gì thịnh mãi, có thịnh rồi tất sẽ phải đến lúc suy. Vấn đề là thịnh lâu hay chóng, suy sớm hay muộn mà thôi.

“Không ai giàu ba họ” chính là một sự cụ thể hoá của quy luật thịnh - suy đó.

 
 

Một trong những nguyên nhân sâu xa của nó có lẽ bắt nguồn từ nhược điểm tâm lý của con người.

Thần thoại Hy Lạp đã kể về một lối trừng phạt rất quái ác của các vị thần đối với loài người, đó là ban cho loài người vượt quá mức những điều họ ước muốn.

Có lẽ nhiều tỷ phú đã ban phát quá nhiều cho thế hệ kế cận so với nhu cầu và khả năng quản lý, kiểm soát của họ.

Thế hệ thứ nhất - là những người tài giỏi, có nghị lực mạnh mẽ, bền bỉ, có chí tiến thủ và không hài lòng với cuộc sống thiếu thốn hiện tại, vậy nên họ cố gắng vươn lên.

Bước sang thế hệ thứ hai trở đi đã ngay lập tức phải đối mặt với rất nhiều các “nguy cơ” làm hao tổn tài sản - khi họ được sinh ra, hoặc được sống quá lâu trong nhung lụa… thường sẽ làm nảy sinh tâm lý ỷ lại, dựa dẫm.

Ý chí, nghị lực, và cả năng lực, trình độ dần bị mai một. Họ được kế thừa gia sản, song không mấy ai được kế thừa những kinh nghiệm xương máu của thế hệ đi trước.

Nguyên nhân thứ hai cần phải đề cập liên quan tới tố chất, tài năng của những người thừa kế. Điều đó lại phụ thuộc vào rất nhiều các yếu tố khách quan như gen di truyền, môi trường giáo dục của gia đình, nhà trường, hoàn cảnh, điều kiện sống…

Không có gì để đảm bảo chắc chắn rằng cha mẹ thông minh, tài giỏi thì sinh ra con cái cũng thông minh, tài giỏi.

Nguyên nhân thứ ba không thể không nhắc tới đó là sự biến chuyển không ngừng của của thời cuộc.

Những cơn sóng gió dữ dội của lịch sử, của chính trị - xã hội nhiều khi khó có thể lường hết được. Nó không chỉ nhấn chìm sự nghiệp, danh vọng của các chính trị gia, mà còn có thể khiến cho nhiều tỷ phú giàu sang trở nên tay trắng.

Ngoài các nguyên nhân chủ yếu đã đề cập ở trên, hoạt động kinh doanh, sản xuất và đầu tư còn tiềm ẩn rất nhiều rủi ro – là những điều xảy ra trong tương lai không được như mong muốn. Bất kể hoạt động ở lĩnh vực nào, bao giờ cũng có những sự rủi ro tiềm ẩn nhất định như: Rủi ro thị trường, lãi xuất, rủi ro lạm phát, rủi ro về pháp lý, hoặc rủi ro trong xung đột lợi ích, cạnh tranh…

Những tỷ phú thế giới và trong nước với tầm nhìn chiến lược lâu dài, họ đã nỗ lực chống lại “định luật Midas” đó bằng cách tập trung vào huấn luyện, đào tạo thế hệ kế cận các kỹ năng quản lý, sử dụng tiền bạc, hoặc xác định những “lĩnh vực đầu tư an toàn”, hay đưa ra  quy định bắt buộc phải thực hiện đối với người thừa kế…

Song không một bộ óc vĩ đại nào có thể lường hết được những bất trắc, nguy cơ tiềm ẩn có thể xảy đến trong mấy chục năm về sau. Do đó “Không ai giàu ba họ” vẫn thực sự là một thách thức lớn không dễ vượt qua đối với loài người. 

TRẦN DANH TUYÊN

OTHER NEWS