1-Đến thời điểm này có thể nói các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp đã cơ bản đầy đủ. 2-Tuy nhiên, ở đây vẫn xin chỉ ra một số bất cập để các cơ quan liên quan kịp thời điều chỉnh nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho nhà đầu tư như tinh thần của hai luật này hướng đến.
2.Về hồ sơ đăng ký doanh nghiệp:
+ Đối với từng loại hình doanh nghiệp, khi đăng ký thành lập sẽ được yêu cầu chi tiết thành phần hồ sơ tại các điều từ 20-23 của Luật Doanh nghiệp.
+ Để tránh lạm quyền của cơ quan đăng ký kinh doanh, tại khoản 2, điều 9, Nghị định 78/2015/NĐ-CP quy định “Cơ quan đăng ký kinh doanh không được yêu cầu người thành lập doanh nghiệp hoặc doanh nghiệp nộp thêm hồ sơ hoặc giấy tờ khác ngoài các giấy tờ trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp theo quy định”.
+ Quy định là vậy nhưng trên thực tế lại chẳng có mấy giá trị.
+ Cụ thể, khi đăng ký trụ sở công ty tại một căn hộ nằm trong cao ốc phức hợp để ở và thương mại. Sở Kế hoạch Đầu tư buộc nhà đầu tư phải chứng minh quyền được dùng căn hộ để làm trụ sở công ty. Yêu cầu này được hiểu là căn cứ vào Công văn số 2544/BXD-QLN ngày 19-11-2009 của Bộ Xây dựng về việc không cho phép sử dụng nhà chung cư làm văn phòng công ty.
+ Vấn đề đặt ra ở đây là Sở Kế hoạch Đầu tư có quyền yêu cầu nhà đầu tư nộp hồ sơ chứng minh quyền được đặt trụ sở công ty tại căn hộ đã thuê không?
+ Tương tự, đối với một số ngành nghề kinh doanh, khi đăng ký thành lập doanh nghiệp thì cần có giấy phép cho phép thành lập trước của các bộ chuyên ngành. Ví dụ lĩnh vực sản xuất phim do Bộ Văn hóa Thể Thao và Du lịch cấp, tín dụng do Ngân hàng Nhà nước cấp… Vậy Sở Kế hoạch Đầu tư có được quyền yêu cầu nhà đầu tư cung cấp các giấy phép này ngoài thành phần hồ sơ đã ấn định trong Luật Doanh nghiệp? Rõ ràng, nếu yêu cầu nộp thêm, Sở Kế hoạch Đầu tư đã vi phạm quy định của khoản 2, điều 9, Nghị định 78. Song nếu không yêu cầu thì Sở Kế hoạch Đầu tư lại vi phạm các quy định của luật chuyên ngành khác. Có lẽ, cần hướng dẫn thêm nội dung này để cả nhà đầu tư lẫn cơ quan công quyền tuân thủ đúng luật định.
3- Điều chỉnh ERC và IRC
+ Liên quan đến phối hợp giải quyết Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (ERC) và Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (IRC), hiện nay không hề có quy định cần điều chỉnh giấy nào trước. Các cơ quan đăng ký kinh doanh vẫn áp dụng quy định tại Công văn 5122/BKHĐT-PC ngày 24-7-2015 để xử lý điều chỉnh ERC trước, sau đó mới điều chỉnh IRC. Quy định này tuy có nhiều tiến bộ nhưng cũng mang đến không ít khó khăn như sau khi điều chỉnh xong ERC thì có buộc phải điều chỉnh IRC? Nếu không điều chỉnh hoặc chậm điều chỉnh IRC thì doanh nghiệp có bị coi là vi phạm?
+ Một ví dụ khác là Luật Doanh nghiệp quy định muốn tăng vốn điều lệ thì các nhà đầu tư phải góp xong (thực tăng) và trong thời hạn mười ngày phải làm thủ tục điều chỉnh ERC. Ngược lại, đối với doanh nghiệp FDI thì theo quy định quản lý ngoại hối, muốn chuyển vốn góp, nhà đầu tư phải cung cấp cho các ngân hàng thương mại IRC, trong đó ghi rõ thời hạn và số vốn được góp. Rõ ràng ở đây Luật Doanh nghiệp và Pháp lệnh ngoại hối đã “đá” nhau.
+ Việc cấp ERC và IRC là hai thủ tục độc lập. Theo Luật Đầu tư, IRC được cấp trước rồi mới đến ERC vì trên thực tế, hồ sơ của nhà đầu tư nước ngoài phải được hợp pháp hóa lãnh sự rồi mới dịch công chứng. Dù không có văn bản nào quy định nhưng Sở Kế hoạch Đầu tư mặc nhiên hiểu rằng nếu thời hạn dịch công chứng cho đến ngày nộp quá ba tháng thì buộc phải làm lại. Việc làm lại khá mất thời gian và tốn kém chi phí nên không nhà đầu tư nào muốn gặp phải.
+ Nghị định 118/2015/NĐ-CP, tại điều 24 đã quy định rất tiến bộ khi yêu cầu Sở Kế hoạch Đầu tư phải tiếp nhận một lần cả hai hồ sơ cấp IRC và ERC. Dù vậy, quy định này vẫn còn bỏ ngõ là “Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn thực hiện thủ tục quy định tại khoản 1 điều này và các thủ tục khác có yêu cầu phối hợp giữa cơ quan đăng ký đầu tư và cơ quan đăng ký kinh doanh”. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa thấy Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành hướng dẫn.
+ Cần nói thêm, theo quy trình phối hợp để cấp IRC và ERC thì nghị định quy định hồ sơ cho ERC được xem xét tính hợp lệ trước rồi mới đến xem xét IRC. Quy trình này rõ ràng không đúng thực tế.
+ Biết rằng để được cấp IRC, có những lĩnh vực mất từ sáu đến tám tháng hoặc hơn vì Sở Kế hoạch Đầu tư phải chờ kết quả thẩm định dự án của bộ chuyên ngành. Nếu bộ chuyên ngành chưa có ý kiến thì sở không thể cấp IRC. Thêm nữa, nội dung văn bản đề nghị cấp IRC và ERC phải thống nhất với nhau hay trong đơn cấp ERC phải có thông tin mã số IRC, ngày cấp, nơi cấp. Do vậy, sẽ không có thông tin điền vào ERC khi IRC chưa được cấp hoặc khi phải điều chỉnh IRC thì buộc phải điều chỉnh ERC.