Tôi đem câu hỏi trên hỏi 06 người ở 06 nơi khác nhau và làm 06 công việc khác nhau.
Người đầu tiên là bác nông dân huyện Đan Phượng. Bác tròn mắt: Audi là gì. Tôi giải thích đó là chiếc xe hơi, có giá gần 02 tỷ đồng. Bác bảo vậy cả hai thứ bác đều không nghĩ tới. Quanh năm suốt tháng bác cúi mặt với đất, ngửa lưng với giời, quần quật làm việc, đêm về ngủ tít, nếu có, thì giấc mơ cũng đầy mồ hôi và nước mắt. Cơm ba bữa đủ, nhà không dột là giấc mơ rồi.
Người thứ hai, là trí thức công tác tại một Viện nghiên cứu khoa học xã hội và pháp luật, anh cười rất tươi nói, tôi mà không biết xe Audi cùng các tính năng vượt trội của nó thì khi đứng lớp sinh viên chẳng thèm học, sẽ chê thầy quê. Chiếc xe đó sẽ làm cho vợ tôi nể tôi hơn, nhưng tôi không mơ vì biết có mơ cũng không thể có, trừ phi tôi không nghiên cứu nữa mà chuyển sang làm công việc có dính líu đến tội phạm và tìm cách “thỏa thuận” với tội phạm.
Người thứ ba, là một nhà văn, ông bảo: Bọn mơ xe Audi là bọn ngớ ngẩn. Tớ chỉ cần đủ rượu ngon, và viết được gì thì phổ biến được. Trong mơ thì tớ chỉ gặp toàn gái đẹp nhưng không đòi quà.
Người thứ tư, không công ăn việc làm gì chính thức nhưng trông anh ta nhàn nhã và sung túc. Anh nhìn tôi với đôi mắt nghi ngại, và bảo, thời này anh không tin ai được, nhiều người nói một đằng làm một nẻo. Tôi giải thích tại sao tôi hỏi anh câu ấy. Nghe xong, anh trả lời, nhà anh thuộc diện được đền bù giải phóng mặt bằng. Lấy tiền xong không đủ mua được chỗ ở mới, ba năm thất nghiệp tiêu hết, giờ chỉ mong có nghề nghiệp ổn định, đủ sống.
Anh học ngành y nhưng không “chạy” được một chỗ làm nên giờ đi làm thuê cho một công ty bất động sản. Nghề này buộc phải ăn mặc tiêu pha ra vẻ xông xênh nhưng thực chất là nợ tiền tấn.
Người thứ năm, là người bán hoa quả ở chợ PK. Bà bảo, ở gần khu nhà bà có ông giám đốc ngân hàng, nhà to, vợ đẹp, con giai đi xe Audi trắng, mới bị bắt mấy tháng trước, mơ làm gì. Bà mơ nhà của bà chỉ cần rộng thêm mấy mét chứ 06 người toen hoẻn 30 mét vuông trong hẻm, mùa mưa nào đường vào cũng ngập nước.
Trước khi mấy cái nhà to của mấy ông to to ấy chưa xây thì cống có ngập bao giờ đâu. Nếu mơ thì mơ các ông ấy có cái đầu thương dân nghèo cho dân nhờ. Chứ các ông ấy chỉ biết vun vén cho các ông ấy thôi. Tôi bảo, bà làm cái đơn ra phường hoặc đưa cho nhà báo. Bà ấy bảo, thôi em lạy chị.
Người thứ sáu là dân công nghệ, 38 tuổi nhà ở tại biệt thự cao cấp đường B.L khu đô thị mới. Anh bảo, Audi à, chuyện nhỏ. Chỉ là một thứ phương tiện giúp người ta di chuyển nhanh từ nhà đến chỗ làm việc có gì đâu. Có tiền là có thể có cả Audi lẫn hoa hậu miễn là thu nhập không bất chính. Những người như vợ chồng anh cần là một không gian đẹp cho cả thân xác lẫn cái đầu.
“Cơ hội công bằng cho tất cả mọi người, đất nước mình công bằng, dân chủ, văn minh” Anh nói. (Tôi nghĩ, anh này nói như sách). Thì anh nói tiếp: Ai giỏi nghề gì phải có cơ hội (việc làm) đúng nghề đó, hoặc phải có một môi trường pháp luật để họ tạo dựng một nghề mới tạo ra của cải cho xã hội, chứ không phải chờ mãi một giấy phép không được cấp.
Ngoài ra tài năng nào hưởng lợi đúng từ tài năng đó. Không được tạo ra một chủ nghĩa thân hữu. Cứ con ông cháu cha thì tiếp cận chính sách sớm hơn (chỉ cần biết sớm hơn là con đường mới nào sẽ mở là kiếm tiền tỉ từ những người sẽ được ra mặt tiền…), chạy dự án nhanh hơn, vào cửa công dễ hơn, nói có người nghe đe có người sợ hơn v.v.…
Tôi cười, bây giờ người có tiền cũng được tôn trọng “mạnh vì gạo bạo vì tiền” đấy chứ. Xã hội cũng nhìn nhận người có tiền là người có đầu óc, ai cũng biết làm ra tiền thời nào có dễ gì? Anh nhìn ngược lại tôi, bảo: Chị ngần này tuổi mà “còn non và xanh” lắm. Anh nêu ra một lô ví dụ rồi kết luận, cỡ như anh, nếu xã hội công bằng về cơ hội thì anh chỉ thua kém… Bill Gate một bậc.
Tôi thử lại anh, đem câu chuyện của những người nông dân chỉ mơ ba bữa đủ no, nhà không bị dột, rét đủ áo ấm, mùa mưa cống không ngập, mùa hè đủ nước sạch dùng, trong khi anh chẳng thiếu gì, công bằng ở đâu?
Một lần nữa anh lại bảo tôi “non và xanh” về tư duy. Anh nói: Không cần phải là nhà chính trị, là người có quyền lực điều hành, cũng chưa phải là Bill Gate thì tôi cũng có thể nói với chị rằng, công bằng không phải là cào bằng, là người nông dân cũng nên đeo kính mặc áo blu trắng đi lại phòng thí nghiệm, hiểu như thế là không hiểu gì cả.
Không một bác nông dân chính hiệu nào lại dở hơi muốn là bác trí thức cả. Biết gì mà làm. Người chính trực là người biết làm theo năng lực hưởng theo kết quả... Tôi nói công bằng ở đây, nghĩa là vị trí nào thì phải có khả năng và làm đúng việc của vị trí đó. Chỉ cần các chính trị gia, và những người điều hành đất nước hiểu được, nhà nông cần đất, nghệ sĩ cần một bầu trời mơ mộng, nhà kinh doanh cần sự nghiêm minh của Pháp luật, nhà khoa học phải được chú trọng. Và cái gì thuộc công cộng thì toàn dân được hưởng như nhau, thế là yên bình, là văn minh...
Tôi hỏi, theo anh cái gì là được coi của công cộng? Anh bảo, một ví dụ gọn nhất: Các UBND là công cộng. Bất cứ người dân nào có việc vào đó, người trong ủy ban phải phục vụ. Người của ủy ban không được coi là người dân muốn gì phải xin, mình giải quyết là mình đang cho. Không ở đâu người dân đến cửa công mà lại bị "hành là chính" như ở ta. Bất cứ muốn cái gì cũng phải làm đơn. Chính vì cái đơn ấy mà người xử lý đơn coi là có quyền, là phụ mẫu của dân…
Anh là dân công nghệ, từ Sillicon Valey về, mua mảnh đất, xây nhà ở. Vậy mà rồi phải bán xới đi nơi khác. Tôi hỏi anh có tiếc sự lựa chọn trở về từ cái thung lũng hái ra tiền kia không? Anh bảo, buồn, nhưng không ân hận, vì con chim còn biết quay về tổ. Anh trở về để muốn đóng góp một phần cho đất nước, bước nhanh hơn một bước tới sự công bằng văn minh để không hổ thẹn với thế giới.
Anh cho biết, nỗi băn khoăn lớn nhất là ở giá trị đồng tiền kiếm ra và ở sự tôn trọng công dân. Vẫn cùng một công việc bán hàng, làm móng tay, hay kỹ sư phần mềm đều có thể có xe hơi, một ngôi nhà đẹp, khi đến các cơ quan công quyền thì được đối xử tôn trọng ngang nhau.
Chắc bạn đoán được tại sao tôi lại đem câu đó đi hỏi. Vì, câu trả lời của mọi người sẽ nói lên kỳ vọng của họ với xã hội và nó sẽ tác động đến các cơ quan giữ trách nhiệm điều hành xã hội.
Trần Thị Trường
(Tuần Việt Nam)