Để đọc cuốn Chiếc Lexus và cây ô liu (*), bạn phải chuẩn bị tinh thần sẵn sàng bị tác giả Thomas Friedman khiêu khích, đôi lúc đến chỗ cực đoan. Nhưng dù tán thành hay phản bác quan điểm của tác giả, sách buộc chúng ta phải đọc đến tận trang cuối cùng và mãi băn khoăn về số phận con người trong cơn lốc toàn cầu hóa.
Trong phần nói về chống đối toàn cầu hóa, Friedman nhắc đến những con người không có kỹ năng hay sức lực để gia nhập thế giới toàn cầu hóa là những con rùa. Vấn đề không chỉ ở chỗ những con người không thể chạy nhanh chống đối toàn cầu hóa vì cảm thấy bị thua thiệt, bị hất hủi. Họ cũng không thể đi học lại những kỹ năng mới để đảm nhận những công việc mới khi công việc cũ của họ bị dịch chuyển đến nơi lao động rẻ hơn.
Đơn giản chỉ vì họ không muốn bị đẩy vào thế không còn tự do chọn lựa cách sống, lối sống phù hợp với cá nhân họ, không muốn phải từ bỏ giá trị cũ để chấp nhận giá trị mới cho dù nó có hào nhoáng hơn. Và đấy là bi kịch lớn nhất của toàn cầu hóa mà Friedman quên nhắc đến trong Chiếc Lexus và cây ôliu.