TẦM NHÌN "ĐỊA-VĂN-CHÍNH-CÔNG-KINH"
QUYẾT ĐỊNH THÀNH CÔNG

I FORESEE TO WIN
NOTHING IS PERMANENT EXCEPT CHANGE

Thời gian gần đây, việc một số doanh nghiệp bất ngờ báo lỗ lớn hàng trăm tỷ đồng, thậm chí hàng nghìn tỷ đồng đã gây sốc cho không ít nhà đầu tư trên TTCK Việt Nam. Điểm đáng chú ý, nguyên nhân lỗ của những khoản lỗ khổng lồ này hầu hết đến từ việc “bốc hơi” hàng tồn kho hoặc do trích lập dự phòng phải thu quá lớn.

Hầu hết những cổ phiếu của các doanh nghiệp này đều thuộc hàng “hot” trên TTCK với khối lượng khớp lệnh hàng triệu cổ phiếu mỗi phiên. Khi những con số lỗ “nghìn tỷ” bất ngờ công bố đã khiến nhà đầu tư chịu thiệt hại không nhỏ.

Ẩn số mang tên hàng tồn kho

Vụ việc gây chấn động TTCK Việt Nam trong hơn 1 tháng qua là việc CTCP Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành (TTF) đột ngột báo lỗ hơn 1.100 tỷ trong quý 2. Theo báo cáo được kiểm toán bởi EY, khoản mục “Hàng tồn kho phát hiện thiếu khi kiểm kê” của TTF lên tới 980 tỷ đồng, điều này có nghĩa gần 1.000 tỷ đồng hàng tồn kho của TTF bỗng chốc “bay hơi”.

Việc hàng tồn kho biến mất đã khiến chi phí giá vốn hàng bán tăng vọt lên 1.167 tỷ đồng trong quý 2, kéo theo khoản lỗ khổng lồ của TTF.

Không những vậy, số liệu tài chính tại thời điểm cuối năm 2015 của TTF cũng bị điều chỉnh hồi tố 1 số khoản mục, trong đó điều chỉnh lớn nhất là các khoản phải thu ngắn hạn với mức giảm 218 tỷ đồng.

Những thông tin trên thực sự là cú sốc lớn với nhà đầu tư khi TTF đang là cổ phiếu “nóng” trên thị trường với triển vọng kinh doanh được đánh giá tích cực cùng sự hỗ trợ đắc lực của Tân Liên Phát – một thành viên thuộc VinGroup. Vụ việc này đã khiến cổ phiếu TTF rơi một mạch từ mức giá trên 40.000 đồng về dưới 10.000 đồng chỉ trong vòng 1 tháng.

Cũng giống như TTF, CTCP NTACO (ATA) cũng vừa tạo ra một cú sốc lớn cho nhà đầu tư khi dự thảo BCTC kiểm toán năm 2015 của doanh nghiệp này được công bố với khoản lỗ 426 tỷ đồng dù rằng báo cáo tự lập trước đó công ty báo lãi hơn 30 tỷ đồng.

Nguyên nhân khoản lỗ bất thường này do số dư hàng tồn kho 365 tỷ đồng trong năm 2015 của công ty đã “bay hơi” hoàn toàn. Bên cạnh đó, công ty cũng trích lập dự phòng công nợ gần 100 tỷ đồng.

Tại thời điểm cuối năm 2015, lỗ lũy kế của ATA đã lên tới 420,87 tỷ đồng, lỗ lũy kế đến 30/6/2016 là 421,29 tỷ đồng, vượt xa vốn điều lệ công ty (gần 120 tỷ đồng). Nếu không có gì thay đổi ở báo cáo kiểm toán chính thức, ATA sẽ bị hủy niêm yết bắt buộc.

ATA, TTF không phải là những trường hợp đầu tiên ghi nhận sự biến mất của hàng tồn kho. Trước đó, TTCK từng chứng kiến một vụ việc khá tiêu biểu là CTCP Việt An (AVF) khi hơn 500 tỷ đồng hàng tồn kho của doanh nghiệp này bỗng dưng biến mất trong năm 2014. Theo giải trình của AVF, việc thực hiện kiểm kê, đánh giá lại giá trị thành phẩm tồn kho và chi phí dở dang vùng nuôi đã khiến hàng tồn kho sụt giảm.

Tuy vậy, hơn 500 tỷ đồng hàng tồn “bay hơi” của AVF lại không được hạch toán đầy đủ vào chi phí giá vốn mà được hạch toán vào chi phí khác. Kết quả, AVF ghi nhận khoản lỗ lên tới 893 tỷ đồng trong năm 2014 và câu chuyện về số dư hàng tồn kho của doanh nghiệp này vẫn là dấu hỏi chưa có lời giải đáp.

“Ôm hận” với khoản phải thu

Bên cạnh nỗi đau mang tên hàng tồn kho thì các khoản phải thu cũng khiến không ít cổ đông “ôm hận” khi đầu tư vào những doanh nghiệp có quá nhiều các khoản phải thu lớn, tiêu biểu là trường hợp Ocean Group (OGC).

Phần lớn lỗ của Ocean Group đến từ trích lập các khoản phải thu

Với nhiều biến cố xảy ra, Ocean Group đã lỗ trên 2.000 tỷ trong năm 2014. Bên cạnh tác động từ việc Ocean Bank bị mua lại với giá 0 đồng thì một nguyên nhân quan trọng nữa khiến Ocean Group lỗ lớn là do đánh giá lại khả năng thu hồi các khoản phải thu lên đến hàng nghìn tỷ đồng của doanh nghiệp này.

Trong nửa đầu năm 2016, Ocean Group lại lỗ gần 500 tỷ đồng và chi phí trích lập dự phòng phải thu khó đòi tiếp tục ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động kinh doanh công ty.

Tính đến 30/6/2016, Ocean Group có tới 4.785 tỷ đồng phải thu ngắn hạn cùng với 1.732 tỷ đồng phải thu dài hạn và doanh nghiệp đã phải trích lập dự phòng lên tới 3.341 tỷ đồng. Trong đó, ông Hà Trọng Nam – chủ tịch Ocean Group và công ty VNT (do ông Nam làm chủ tịch) cũng nằm trong danh sách “con nợ” khó đòi của Ocean Group với số tiền lần lượt là 628 tỷ đồng và 1.041 tỷ đồng.

Ocean Group là trường hợp tiêu biểu về sự ảnh hưởng của các khoản phải thu tới kết quả kinh doanh và trên TTCK Việt Nam còn rất nhiều trường hợp doanh nghiệp cũng rơi vào tình trạng “khốn đốn” với các khoản phải thu.

Hay trong vụ việc của Gỗ Trường Thành, Thiết bị Y tế Việt Nhật (JVC) và Thủy sản NTACO mới đây, việc đánh giá lại các khoản phải thu cũng khiến các doanh nghiệp này lỗ thêm cả trăm tỷ đồng.

Từ những sự việc kể trên, có thể thấy hàng tồn kho và khoản phải thu thực sự là những vấn đề lớn với doanh nghiệp và kết quả kinh doanh hoàn toàn có thể “lật ngược” chỉ bởi 2 khoản mục này. Do đó, với nhà đầu tư trên thị trường thì rủi ro là điều khó khỏi và khi có vấn đề xảy ra, họ cũng là những đối tượng bị tổn thương nặng nề nhất.

OTHER NEWS