- Khủng hoảng kinh tế: 3 năm suy thoái liên tiếp
Hiện Venezuela đang ở trong năm thứ 3 của giai đoạn suy thoái. Theo dự báo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), nền kinh tế quốc gia này sẽ thu hẹp 10% trong năm nay. IMF còn cho biết suy thoái tại Venezuela sẽ kéo dài ít nhất cho đến năm 2019.
Trong khi nền kinh tế trượt dốc nặng nề, giá cả hàng hóa tại Venezuela lại leo thang. Theo dự báo của IMF, lạm phát tại nước này sẽ nhảy vọt 475% trong năm 2016.
Bên cạnh đó, đồng tiền của Venezuela cũng sụt giảm về mặt giá trị. 2 năm về trước, 1 đồng USD có thể đổi lấy 100 đồng Bolivar. Tuy nhiên, hiện tại một đồng USD có thể đổi tới 1,262 đồng Bolivar, dữ liệu từ DolarToday.com cho thấy.
Trong những năm gần đây, chi tiêu vượt mức của Chính phủ cho các chương trình phúc lợi, việc quản lý cơ sở vật chất yếu kém và các trang trại đổ nát đã đẩy nền kinh tế Venezuela rơi vào tình trạng khủng hoảng.
- Dầu – động cơ chính của nền kinh tế Venezuela - trượt dốc nặng nề
Mọi thứ dường như trở nên thật sự tồi tệ khi giá dầu bắt đầu lao dốc trong năm 2014. Mặc dù Venezuela được mệnh danh là quốc gia có trữ lượng dầu lớn nhất thế giới nhưng vấn đề ở đây là dầu lại là nguồn đem lại doanh thu duy nhất của quốc gia này. Kim ngạch xuất khẩu từ dầu chiếm hơn 95% doanh thu từ hoạt động xuất khẩu của Venezuela. Nếu quốc gia này không bán dầu thì cũng chẳng có tiền để xài.
Trong năm 2014, giá dầu đã vượt mốc 100 USD/thùng. Thế nhưng, hiện tại giá dầu chỉ dao động quanh mốc 50 USD/thùng sau khi xuống tới 26 USD/thùng vào đầu năm 2016.
Vấn đề là Venezuela không chăm lo cho những ngành chủ chốt mà lại lãng phí cơ hội để đầu tư vào lĩnh vực dầu trong những lúc thị trường nhiên liệu đang hoạt động tốt. Một phần khác là do Venezuela đã lãng quên việc bảo trì máy móc thiết bị cho hoạt động sản xuất dầu, qua đó khiến sản lượng dầu lao xuống đáy 13 năm.
Công ty dầu nhà nước, PDVSA, vẫn chưa thanh toán tiền cho các công ty trích xuất dầu như Schlumberger. Trong mùa xuân, Schlumberger và các công ty khác đã cắt giảm đáng kể mọi hoạt động với PDVSA do những hóa đơn chưa thanh toán.
Trong tuần trước, PDVSA cảnh báo rằng công ty này có thể mất khả năng thanh toán các khoản nợ nếu trái chủ không chấp nhận kỳ hạn thanh toán mới. Trong ngày thứ Hai, có vừa đủ nhà đầu tư đồng ý một thỏa thuận mới cho phép PDVSA tránh khỏi khả năng vỡ nợ trong năm nay.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho biết điều này chỉ trì hoãn tình trạng vỡ nợ thêm một vài tháng mà thôi.
- Giá lương thực leo thang và các bệnh viện bị hủy hoại
Tình trạng thiếu lương thực tại Venezuela đã trở nên rất trầm trọng trong năm nay. Người dân Venezuela đã phải trải qua nhiều tuần, thậm chí là nhiều tháng, không có các vật phẩm thiết yếu như sữa, trứng, bột, xà phòng và giấy vệ sinh.
Bất chấp đà sụt giảm của đồng Bolivar cũng như doanh thu dầu, Chính phủ Venezuela vẫn tiếp tục thực thi các biện pháp kiểm soát giá chặt chẽ đối với các hàng hóa được bán trong các siêu thị. Điều này đã buộc các nhà nhập khẩu lương thực ngừng nhập hàng hóa về Venezuela vì họ biết rằng họ sẽ bị lỗ nghiêm trọng nếu bán hàng hóa ở đây.
Dựa trên nhiều ước tính khác nhau, trong 6 tháng đầu năm 2016, kim ngạch nhập khẩu lương thực sụt gần 50% so với cùng kỳ năm ngoái.
Chỉ trong thời gian gần đây, Chính phủ Venezuela đã ngừng việc thực thi các biện pháp kiểm soát giá và lương thực cũng trở lại các siêu thị. Tuy nhiên, giá cao đến nỗi chỉ có vài người dân Venezuela mới có đủ tiền để mua thức ăn.
Ngoài ra, đất nước này cũng đang phải chịu cảnh thiếu thuốc uống. Người dân Venezuela đang săn lùng penicillin và nhiều loại thuốc khác tại các hiệu thuốc nhưng đều ra về tay không. Trong khi đó, các bệnh viện công dần dần bị sụp đổ, qua đó khiến nhiều người, ngay cả trẻ sơ sinh, phải tử vong do sự khan hiếm các dịch vụ chăm sóc y tế cơ bản.
- Cạn tiền mặt và vàng
Tiền mặt của Venezuela hết nhanh chóng đến nỗi quốc gia này không có đủ tiền để trả cho những hóa đơn đã quá hạn từ lâu.
Chỉ là bài toán có chút gì đó không hợp lý: Venezuela nợ 15 tỷ USD có kỳ hạn đến hết năm 2017, trong khi Ngân hàng Trung ương của quốc gia này chỉ còn 11.8 tỷ USD dự trữ. Cùng lúc đó, nguồn thu tiền mặt còn lại và cũng là duy nhất của Venezuela, PDVSA, thì lại bơm ít dầu hơn và đang phải đối mặt với rủi ro vỡ nợ.
Phần lớn dự trữ của quốc gia này đều ở dưới dạng vàng. Do đó, để trả nợ trong năm nay, Venezuela đã vận chuyển vàng miếng sang Thụy Điển.
Cuộc biểu tình vào ngày thứ Tư là lời nhắc nhở rõ ràng rằng Venezuela đang cạn kiệt về thời gian, tiền bạc cũng như các phương án một cách nhanh chóng./.