TẦM NHÌN "ĐỊA-VĂN-CHÍNH-CÔNG-KINH"
QUYẾT ĐỊNH THÀNH CÔNG

I FORESEE TO WIN
NOTHING IS PERMANENT EXCEPT CHANGE

GDP là một trong nhiều chỉ tiêu vĩ mô trong Hệ thống các tài khoản quốc gia của Liên hiệp quốc (System of National Accounts - SNA). Theo chuẩn mực, GDP được tính bằng ba phương pháp, bao gồm:

(1) Phương pháp sử dụng cuối cùng (từ phía cầu): GDP = tiêu dùng cuối cùng của hộ gia đình + chi tiêu thường xuyên của Chính phủ + chi đầu tư (tích lũy tài sản cố định và tài sản lưu động) + chênh lệch xuất nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ;

(2) Phương pháp sản xuất (từ phía cung): GDP = Giá trị tăng thêm theo giá cơ bản(1) của các ngành trong nền kinh tế + Thuế sản phẩm (thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu) - trợ giá sản phẩm;

(3) Phương pháp thu nhập: GDP gồm thu nhập của người lao động, thặng dư sản xuất, khấu hao tài sản cố định, thuế sản phẩm trừ trợ giá sản phẩm.

Hiện nay cơ quan thống kê Việt Nam cơ bản tính GDP theo phương pháp sản xuất và phương pháp sử dụng cuối cùng; GDP tính theo phương pháp thu nhập hàng năm không tồn tại, GDP theo phương pháp này chỉ được biết đến khi có bảng cân đối liên ngành.

Một điều ngạc nhiên là khi nhìn vào tăng trưởng GDP theo phương pháp sản xuất và tăng trưởng GDP theo phương pháp sử dụng cuối cùng, ta thấy khác nhau khá nhiều. Có năm tăng trưởng GDP theo phương pháp sản xuất cao hơn tăng trưởng GDP theo phương pháp sử dụng cuối cùng, có năm lại thấp hơn. Trong một số năm sự chênh lệch này là rất lớn, như năm 2006, 2007, 2010, 2012. Năm 2015, tăng trưởng GDP theo phương pháp sản xuất là 6,68% nhưng tăng trưởng GDP từ phía cầu chỉ là 5,77% (xem hình). Điều này xảy ra do việc để sai số giữa hai phương pháp là tương đối tùy tiện.

Mấu chốt của vấn đề là hiệu quả đầu tư và năng suất chứ không phải tăng trưởng bao nhiêu. Tăng trưởng 1% nhưng đất nước và người dân được hưởng còn hơn tăng trưởng 10% mà làm nền kinh tế yếu đi do nợ, do bội chi, do rủi ro về lạm phát!

Về nguyên tắc, GDP tính bằng phương pháp nào (sản xuất, sử dụng cuối cùng hay thu nhập) đều phải bằng nhau. Tăng trưởng GDP về bản chất là tăng trưởng về lượng (loại bỏ yếu tố tăng do giá) nên dù giá thực tế của sản phẩm nông nghiệp hạ, giá dầu hạ, giá bán thấp hơn giá sản xuất (kinh doanh thua lỗ) vẫn làm GDP tăng. Đấy là một trong nhiều hạn chế nếu chỉ nhìn vào tăng trưởng GDP!

Theo thông báo của cơ quan thông kê, tăng trưởng GDP sáu tháng đầu năm là 5,73%, dẫn đến một làn sóng lo lắng về tăng trưởng cả năm có đạt mục tiêu 6,7% hay không. Một số chuyên gia cho rằng nếu không đạt được chỉ tiêu này thì sẽ mất cân đối vĩ mô, tỷ lệ bội chi so với GDP, tỷ lệ nợ công so với GDP sẽ vượt ngưỡng cho phép...

Nhưng nếu tính GDP theo phương pháp sử dụng cuối cùng thì có phải như vậy không? Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội sáu tháng đầu năm của cơ quan thống kê dường như chưa bao gồm doanh thu của thương mại điện tử trong tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ. Theo Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, tỷ trọng của loại hình thương mại này chiếm khoảng 2% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ và tăng trưởng của loại hình thương mại này trên 20%. Như vậy, ước tính tiêu dùng của hộ gia đình ít nhất tăng trưởng trên 8% và ước tính đầu tư tăng trưởng trên 8% trong sáu tháng đầu năm nay.

Để ý rằng theo số liệu của Tổng cục Thống kê (TCTK), xuất khẩu hàng hóa theo giá FOB là 97,8 tỉ đô la Mỹ và nhập khẩu hàng hóa theo giá CIF là 100,5 tỉ đô la Mỹ. Như vậy, trong phần nhập khẩu dịch vụ phải trừ đi phần phí vận tải và bảo hiểm đã nằm trong giá CIF của nhập khẩu hàng hóa. Do đó, trong sáu tháng đầu năm, chênh lệch xuất nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ là dương (xuất siêu) trên hai tỉ đô la Mỹ (xem bảng). Điều này, theo tôi, cho thấy tăng trưởng GDP theo phương pháp sử dụng cuối cùng cao hơn tăng trưởng GDP tính theo phương pháp sản xuất và tăng trưởng GDP trong sáu tháng đầu năm 2017 thực chất đã cao xấp xỉ 7%.

Cũng theo báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội của TCTK, tăng trưởng tín dụng sáu tháng đầu năm 2017 đạt 7,54%, là “mức tăng cao nhất trong sáu năm trở lại đây”, tổng phương tiện thanh toán cũng tăng xấp xỉ 6%. Tuy tỷ lệ cung tiền (M2)/GDP không được công bố nhưng ước tính cũng ở mức khá cao. Điều này cho thấy vấn đề đáng lo ngại là lạm phát quay lại chứ không phải lo về tăng trưởng. Nếu nhìn nhận GDP tăng trưởng từ phía cung thấp có thể dẫn đến những quyết sách sai lầm như một số ý kiến cho rằng tăng cung tiền M2 để hỗ trợ tăng trưởng trong nửa cuối năm 2017(2).

Ngoài ra, từ bảng cân đối liên ngành của TCTK, có thể thấy thu nhập từ sản xuất trong giá trị tăng thêm chỉ bằng 94% GDP, để có thể tiêu dùng và đầu tư, khu vực hộ gia đình cần một lượng thu nhập từ ngoài sản xuất (từ sở hữu và chuyển nhượng từ các khu vực thể chế khác). Do đó, việc tăng GDP một cách gượng ép chỉ làm nguồn lực của nền kinh tế yếu đi trong trung và dài hạn và chính nó là tác nhân gây nên những mất cân đối về vĩ mô.

Do thu nhập từ sản xuất thấp hơn mức tiêu dùng cuối cùng của hộ gia đình, nên có thể hiểu được những kiến nghị về tăng lương cơ bản. Nhưng cũng theo bảng cân đối liên ngành của Việt Nam, hệ số co giãn về lao động đã tăng từ 64% trong giai đoạn 2007-2012 lên 78% trong giai đoạn 2012-2017, điều này đồng nghĩa với hệ số co giãn của vốn giảm từ 36% xuống 22%. Như vậy, có thể thấy trong giai đoạn này phải cần một lượng vốn rất lớn mới có thể tạo ra tăng trưởng, nghịch lý này xảy ra do việc tăng lương không tương ứng với tăng năng suất. Không tăng lương sẽ khiến đời sống người lao động khó khăn (làm không đủ xài), nhưng tăng lương thì lại làm doanh nghiệp và nền kinh tế yếu đi trong những chu kỳ sản xuất tiếp theo.

Tôi cho rằng mấu chốt của vấn đề là hiệu quả đầu tư và năng suất chứ không phải tăng trưởng bao nhiêu. Tăng trưởng 1% nhưng đất nước và người dân được hưởng còn hơn tăng trưởng 10% mà làm nền kinh tế yếu đi do nợ, do bội chi, do rủi ro về lạm phát!

(1) Bao gồm thu nhập của người lao động, thặng dư sản xuất và khấu hao tài sản cố định.

(2) http://vietnambiz.vn/hsc-tang-cung-tien-m2-trong-nua-cuoi-nam-2017-de-dat-muc-tieu-tang-truong-gdp-22611.html

 

OTHER NEWS