TẦM NHÌN "ĐỊA-VĂN-CHÍNH-CÔNG-KINH"
QUYẾT ĐỊNH THÀNH CÔNG

I FORESEE TO WIN
NOTHING IS PERMANENT EXCEPT CHANGE

CASE STUDY N0.988 :ĐẶC KHU KINH TẾ :NHỮNG BÀI HỌC XƯƠNG MÁU

1-Đặc khu kinh tế (Special Economic Zone – SEZ) là vùng có diện tích địa lý nhất định và có quy định và luật lệ liên quan đến kinh doanh và thương mại khác biệt với các vùng khác trong một quốc gia. Do đó, các đơn vị hoạt động trong vùng sẽ được hưởng những đặc quyền, ưu đãi riêng.

2-SEZ tạo ra nhiều lợi ích

 

Theo giáo sư Selim Raihan, giảng viên kinh tế của Đại học Dhaka (Bangladesh), SEZ có thể tạo ra đồng thời những lợi ích động và tĩnh.

Lợi ích tĩnh bao gồm tạo ra việc làm, tăng trưởng xuất khẩu, tăng thu ngân sách cho chính phủ sở tại.

Lợi ích động bao gồm đa dạng hóa nền kinh tế, đổi mới và chuyển giao công nghệ thông qua đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI và nâng cao kỹ năng, tay nghề lao động.

Khi mô hình đặc khu thương mại tự do hiện đại đầu tiên được thiết lập tại sân bay Shannon (Ireland) năm 1959, không mấy ai ngoài lãnh thổ Ireland quan tâm tới mô hình này. Nhưng giờ đây, tất cả đều thích thú với các SEZ, những đặc khu có sự kết hợp giữa ưu đãi thuế, thủ tục hành chính được tối giản và các quy định được nới lỏng.

3/4 các nước trên thế giới đều có ít nhất một SEZ

Thế giới hiện có khoảng 4.300 SEZ và số SEZ này ngày càng nhiều lên qua thời gian. Myanmar và Qatar vừa ra mắt nhiều SEZ mới. Chính quyền Ấn Độ gọi tham vọng SEZ của họ là “mang tính cách mạng”. Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cũng khẳng định các SEZ chiến lược sẽ nằm trong lộ trình cải tổ kinh tế của ông.

Những người yêu thích SEZ có thể chỉ ra một vài ví dụ thành công của mô hình này. Lớn nhất có thể kể đến SEZ gần Hong Kong của Trung Quốc, được thiết lập vào năm 1980 và sau này được gọi với cái tên “Phép màu Thâm Quyến”. Đây là nơi các lãnh đạo Trung Quốc đã thử nghiệm các chính sách cải tổ kinh tế một cách thận trọng trước khi áp dụng đại trà trên toàn lãnh thổ Trung Quốc.

SEZ tại Thâm Quyến đã thu hút hàng ngàn nhà đầu tư nước ngoài và các chính sách áp dụng tại đây đã được nhân rộng đi nhiều thành phố khác của Trung Quốc.

SEZ là cơ hội nhưng cũng là thách thức

Tuy nhiên, sự hào hứng thái quá đã khiến nhiều chính phủ tin rằng SEZ là giải pháp vừa dễ làm, vừa dễ thành công. Thông báo rộng rãi, vạch riêng một khoảng đất, cung cấp ưu đãi thuế và một cách thần kỳ các khu vực hoặc các ngành công nghiệp đang gặp khó khăn đột nhiên phát triển mạnh mẽ, có lẽ đây là điều mà chính phủ tin SEZ có thể mang lại.

Với sự phổ biến của mình, SEZ không phải lúc nào cũng mang màu hồng. Các SEZ ở châu Phi tràn ngập phân voi nhưng vắng bóng nhà đầu tư. Ấn Độ có hàng trăm SEZ thất bại, trong đó riêng tại bang Maharashtra đã có tới 60 SEZ bết bát chỉ trong vòng vài năm.

Hơn nữa, những nỗ lực phát triển SEZ không hề miễn phí. Các ưu đãi rộng rãi về thuế để thu hút nhà đầu tư nước ngoài đống nghĩa với việc thất thu thuế (ít nhất trong ngắn hạn).

Các SEZ cũng tạo ra sự méo mó trong nền kinh tế, đó là lý do vì sao các giải pháp đồng bộ trên toàn lãnh thổ bao giờ cũng tốt hơn những nỗ lực chắp vá tại một đặc khu.

Rửa tiền tại các SEZ cũng là một xu hướng ngày càng phổ biến, ví dụ như thông qua lập khống hóa đơn xuất khẩu. Để những chi phí này bù đắp được bởi lượng việc làm tạo ra và các khoản đầu tư, các chính phủ cần học hỏi từ những sai lầm.

3-Với SEZ, làm thế nào để thành công?

Chỉ đưa ra những ưu đãi về tài chính có thể giúp một đặc khu phát triển mạnh hơn so với các vùng xung quanh. Tuy nhiên, giải pháp này không bền vững.

Những SEZ thành công nhất là những đặc khu gắn liền hoạt động với kinh tế nội địa. Lấy ví dụ như tại Hàn Quốc, nước này đã có nhiều tiến bộ trong việc thúc đẩy liên kết giữa các doanh nghiệp trong SEZ và các nhà cung cấp trong nước.

Các SEZ cần được kết nối với thị trường quốc tế. Nâng cấp cơ sở hạ tầng cho mục đích này có hiệu quả lớn hơn nhiều so với ưu đãi về thuế. Công tác này thường đòi hỏi nguồn vốn nhà nước để nâng cấp đường, ray xe lửa và cảng biển để chuyên chở hàng hóa, giảm chi phí vận chuyển.

Thiếu sự đầu tư đồng bộ về cơ sở hạ tầng là nguyên nhân khiến rất nhiều SEZ tại châu Phi thất bại. Tương tự, những SEZ có nguồn điện năng thiếu ổn định hoặc quá xa cảng biển cũng sẽ nắm chắc phần thua.

 

Sự cân bằng giữa giám sát từ chính quyền và sự nới lỏng quản lý bên trong SEZ cũng là điều cần thiết. Quá nhiều sự can thiệp từ chính quyền trung ương sẽ cản trở cơ hội thử nghiệm. Có lý do chính đáng để lo ngại rằng các SEZ mới của Nhật Bản sẽ đi vào ngõ cụt vì các quan chức trung ương loại bỏ các ý tưởng nới lỏng quy định vì lo sợ sẽ ảnh hưởng tới các quyền lợi sát sườn. 

Đấu thầu cho các nhà phát triển SEZ tư nhân có thể giúp giải quyết nút thắt này và đã từng được áp dụng hiệu quả tại Philippines. Tuy nhiên, ý tưởng tham vọng về những “thành phố đặc khu” – những khu vực ngoại ô các thành phố mới với khả năng tự đưa ra luật lệ riêng, có thể trở nên quá nhạy cảm.

4-Giới hạn của mô hình SEZ

Mô hình SEZ cũng có những giới hạn. Các đặc khu tập trung vào xuất khẩu chỉ hiệu quả nhất khi sản xuất gia công hàng hóa có hàm lượng giá trị gia tăng thấp và sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề khi hàng rào thuế quan tăng đột biến, lấy ví dụ như các SEZ về dệt may tại Bangladesh.

SEZ mới của Trung Quốc tại Thượng Hải, tập trung vào dịch vụ tài chính, đang làm nhưng không tới do việc bãi bỏ các quy định về các hoạt động như giao dịch ngoại hối là điều rất khó khăn và có thể gây mất ổn định kinh tế.

Nếu khuyến khích tính thử nghiệm trong một môi trường kinh tế đang phần cứng nhắc, SEZ có thể là lời giải. Những cái giá phải trả có thể rất xứng đáng nếu SEZ đó thành công được như mô hình tại Thâm Quyến năm 1980.

Tuy nhiên, việc phát triển các SEZ đòi hỏi kiên nhẫn và quá trình lên kế hoạch tỉ mỉ và chắc chắn sẽ không thể bằng được các cuộc cải cách toàn diện trên phạm vi quốc gia ngằm cắt giảm các rào cản thương mại và tăng khả năng cạnh tranh của nền kinh tế.

CASE STUDY N0.987:CHỨNG KHOÁN PHÁI SINH :BÀI HỌC XƯƠNG MÁU

Trước khi phải “bán mình” cho một tổ chức khác vào ngày 26/02/1995, Barings PLC là một ngân hàng bán buôn lâu đời nhất tại Vương quốc Anh và nổi bật hơn so với các ngân hàng bán buôn khác.

Mặc dù không phải là ngân hàng lớn nhất hoặc quan trọng nhất của Vương quốc Anh, nhưng Barings từng được xem là một trong những tổ chức uy tín nhất tại đất nước này nhờ gây dựng uy tín từ đầu những năm 1800. Cụ thể, Barings đã từng giúp một nước Mỹ non trẻ giàn xếp thương vụ tài trợ cho Louisiana Purchase trong năm 1803. Bên cạnh đó, khách hàng của Barings còn có cả Nữ hoàng Anh và các thành viên khác của gia đình hoàng gia.

Được cho là một tổ chức được điều hành vô cùng cẩn trọng, thế nhưng danh tiếng đó đã bị phá vỡ vào ngày 24/02/1995 khi ngân hàng này rơi vào tình trạng thua lỗ nặng nề do vụ đầu cơ của một chuyên viên giao dịch ở chi nhánh Singapore – Nick Leeson.

Lúc đầu, Leeson được cấp trên phê chuẩn việc thực hiện kinh doanh chênh lệch giá (arbitrage), cụ thể là tìm lợi nhuận từ sự chênh lệch giá của các hợp đồng tương lai chỉ số Nikkei 225 (Nikkei stock index futures contract) được niêm yết trên thị trường chứng khoán Osaka của Nhật và Sở giao dịch tiền tệ quốc tế Singapore. Tuy nhiên, thay vì thực hiện kinh doanh chênh lệch giá giữa các sàn giao dịch khác nhau để có những khoản lợi nhuận từ chênh lệch giá nhỏ với rủi ro thấp, Leeson lại tiến hành thiếp lập các chiến lược mang tính chất đầu cơ dựa trên các phán đoán của mình về tương lai.

Các phán đoán sai lầm

Chiến lược chính của ông Leeson bao gồm bán các quyền chọn (option) dựa trên tài sản cơ sở là các hợp đồng tương lai chỉ số Nikkei 225.

Người bán một quyền chọn sẽ nhận được khoản phí và đổi lại họ phải chịu trách nhiệm bán hoặc mua tài sản cơ sở tại mức giá thực hiện trong hợp đồng theo ý muốn của người mua quyền chọn. Nếu quyền chọn kết thúc trong vùng mất tiền (out of the money) – tức giá thực hiện cao hơn giá tài sản cơ sở đối với quyền chọn bán hoặc giá thực hiện thấp hơn giá tài sản cơ sở đối với quyền chọn mua – thì người mua quyền chọn sẽ không thực hiện quyền và do đó, người bán quyền chọn sẽ hưởng phí quyền chọn. Tuy nhiên, nếu giá biến động nhiều hơn dự kiến thì khoản lỗ tiềm ẩn của người bán quyền chọn dường như là không giới hạn.

Và tại một vài thời điểm trong năm 1994, ông Leeson đã bắt đầu bán một lượng lớn các quyền chọn “straddles” – một chiến lược bao gồm bán đồng thời cả quyền chọn mua lẫn quyền chọn bán dựa trên tài sản cơ sở là hợp đồng tương lai chỉ số Nikkei 225.

Từ các sản phẩm phái sinh trên, ông Leeson đã xây dựng một chiến lược để đặt cược rằng thị trường chứng khoán Nhật Bản sẽ không giảm điểm hoặc tăng quá mạnh – bất kỳ một sự sụt giảm hoặc sự gia tăng quá mức trong giá cổ phiếu Nhật Bản sẽ dẫn tới thua lỗ cho ông Leeson. Cụ thể, vào ngày 01/01/1995, ông Leeson đã bán đồng thời 37,925 quyền chọn mua Nikkei 225 và 32,967 quyền chọn bán Nikkei 225. Ngoài ra, ông còn nắm giữ vị thế mua 1,000 hợp đồng tương lai chỉ số Nikkei 225 – một chiến lược đem lại lợi nhuận nếu thị trường chứng khoán Nhật Bản tăng cao.

Tuy nhiên, vào ngày 17/01/1995, một cơn động đất kinh hoàng đã diễn ra ở Kobe (Nhật Bản), đẩy thị trường chứng khoán Nhật Bản tụt dốc không phanh. Chỉ trong vòng 5 ngày sau khi cơn động đất xảy ra, chỉ số Nikkei 225 sụt hơn 1,500 điểm – các vị thế quyền chọn của ông Leeson bị thua lỗ gần 68 triệu bảng Anh và các hợp đồng tương lai chỉ số Nikkei 225 của ông cũng lỗ nặng.

Và khi giá cổ phiếu đang trên đà giảm sút, ông Leeson bắt đầu mua thêm một lượng lớn các hợp đồng tương lai chỉ số Nikkei 225. Đồng thời, ông cũng thực hiện vụ đặt cược nhỏ về lãi suất Nhật Bản, bằng cách bán hàng ngàn các hợp đồng tương lai trái phiếu Chính phủ Nhật Bản với kỳ vọng lãi suất sẽ tăng lên.

Chiến lược của ông Leeson dường như tỏ ra hiệu quả trong một khoản thời gian ngắn. Cụ thể, vào ngày 06/02/1995, thị trường chứng khoán Nhật Bản đã hồi phục hơn 1,000 điểm, qua đó giúp ông bù đắp phần lớn khoản lỗ do sự sụt giảm của thị trường chứng khoán Nhật Bản trong những ngày xảy ra trận động đất ở Kobe. Tính tới thời điểm này, khoản lỗ tích lũy của ông là 253 triệu bảng Anh, tăng 20% so với thời điểm đầu năm.

Tuy nhiên, chỉ trong vài ngày kế tiếp, thị trường lại bắt đầu sụt giảm, khoản lỗ của ông Leeson lại tăng theo cấp số nhân. Ông tiếp tục mua vào hợp đồng tương lai khi thị trường giảm sút. Cụ thể, vào ngày 23/02, ông Leeson đã mua hơn 61,000 hợp đồng tương lai chỉ số Nikkei 225. Đồng thời, ông còn nắm giữ vị thế bán 26,000 hợp đồng tương lai trái phiếu Chính phủ Nhật Bản. Bên cạnh đó, ông còn mở vị thế vào các hợp đồng Euroyen tương lai. Trong năm 1995, ông đã bắt đầu mở vị thế mua hợp đồng Euroyen tương lai (với kỳ vọng lãi suất Nhật Bản sẽ giảm) nhưng sau đó lại chuyển sang vị thế bán hợp đồng này. Tuy nhiên, mọi thứ đều không diễn ra đúng như phán đoán của ông Leeson.

Biểu đồ dưới đây cho thấy các khoản lỗ từ hoạt động giao dịch của ông Leeson từ năm 1992 tới hết tháng 2/1995. Vào cuối năm 1992 – một vài tháng sau khi ông Leeson bắt đầu giao dịch – ông đã có khoản lỗ tích lũy là 2 triệu bảng Anh. Con số này vẫn không thay đổi và cho tới tháng 10/1993 thì khoản thua lỗ tăng mạnh. Ông đã mất thêm 21 triệu bảng Anh trong năm 1993 và 185 triệu bảng Anh trong năm 1994. Tổng khoản lỗ tích lũy cho tới cuối năm 1994 là 208 triệu bảng Anh. Và trong năm 1995, ông lại thua lỗ thêm 619 triệu bảng Anh. Và con số tổng cộng cuối cùng là 827 triệu bảng, lớn hơn rất nhiều so với vốn chủ sở hữu của Barings là 440 triệu bảng Anh.

Với việc không thể bù đắp nổi khoản thua lỗ do ông Leeson gây ra, Barings đã phải cầu cứu tới Bank of England. Tuy nhiên, vào ngày 26/02/1995, Bank of England đã buộc phải thực hiện tiến trình tương tự với chương 11 (tái cấu trúc) của bộ luật phá sản Mỹ.

Cuối cùng, Barings đã được Internationale Nederlanden Groep (IGN) – một tập đoàn tài chính của Hà Lan – mua lại./.

CASE STUDY N0.984:6 BÀI HỌC QUÝ GIÁ VỀ CHỌN CỔ PHIẾU ĐẦU TƯ

Dưới đây là 6 tuyệt chiêu được các chuyên gia quản lý quỹ tại Fidelity Investments, Franklin Templeton Invesments, Davis Advisors & Selected Funds áp dụng để chọn cổ phiếu. Theo CNN Money, mỗi chuyên gia này đa phần đang quản lý ít nhất 100 tỷ USD tại các quỹ.

  1. Bỏ qua lịch sử giá

Phần lớn người chơi chứng khoán thường tập trung quá nhiều vào lịch sử giao dịch gần đây của một cổ phiếu. Các nhà đầu tư giá trị có thể loại vài mã do chúng đã qua một giai đoạn tăng giá nhất định. Trong khi đó, những nhà đầu tư tăng trưởng nhiều khi ra quyết định ngược lại.

Dù vậy, Chris Davis – Chuyên gia Quản lý  Danh mục đầu tư tại Davis Advisors & Selected Funds lại đánh giá cả hai chiến lược trên, trong thực tế lại không hẳn đúng.

“Mọi người sẽ không muốn bỏ qua cơ hội mua cổ phiếu với giá 20 USD rồi nhìn nó tăng lên tới 40 USD. Diễn biến cổ phiếu không có quy luật nhất định, cho nên giá trị trong quá khứ của nó cũng không nói lên điều gì. Rất khó để vượt qua suy nghĩ này”, Chris đánh giá.

Còn Will Danoff – Chuyên gia đang quản lý 100 tỷ USD tại Fidelity Investments nhấn mạnh, nhà đầu tư nên chú trọng nhiều vào các chỉ tiêu cơ bản của công ty, hướng phát triển cũng như tính đa dạng ngành.

“Nếu một cổ phiếu đã tăng giá gấp đôi hay gấp ba mà bạn vẫn chưa kịp mua, cũng không nên tỏ ra tiếc nuối. Trường hợp lợi nhuận của công ty niêm yết tăng gấp 5 lần thì cũng đành cắn răng mà mua với mức giá như vậy”, Will Danoff chia sẻ.

  1. Tìm lãnh đạo có khả năng thích ứng cao

Công nghệ đang biến đổi với tốc độ nhanh chóng trong nhiều lĩnh vực khác nhau, do vậy việc đi trước xu thế hiện là yếu tố quan trọng đối với những nhà quản lý. “Lợi thế cạnh tranh chỉ là yếu tố thời gian. Vấn đề thực sự ở đây là khả năng thích nghi của đội ngũ quản lý”, Davis đánh giá.

Chuyên gia quản lý danh mục tại Davis Advisors & Selected Funds nhấn mạnh, rất nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực như truyền thông, dược phẩm hay bán lẻ đang gặp khó khăn.

Một phần lý do là họ cứ mải đi theo chiến lược kinh doanh cứng nhắc với những người lãnh đạo luôn tự mãn về bản thân. “Thế giới đang thay đổi. Và nếu không chịu tiếp nhận những cái mới, bạn sẽ bị bỏ lại phía sau”, Davis nói.

Một ví dụ về khả năng thích ứng nhanh phải kể đến Mark Zuckerberg – CEO Facebook. Vị lãnh đạo trẻ này đã phát triển Facebook theo hướng chú trọng thương mại hóa trên nền tảng thiết bị di động từ sau khi công ty IPO (chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng). Chiến lược này đã đáp ứng theo sự thay đổi đáng kể về hành vi người sử dụng.

“Mark và những đồng nghiệp nhìn ra tiềm năng phát triển nhanh chóng của điện thoại thông minh. Anh ta cũng gặp sai lầm nhưng lại thay đổi rất nhanh sau đó”, Will Danoff nhận xét.

  1. Rút kinh nghiệm từ những sai lầm

Năm 2004, một công ty trong lĩnh vực công nghệ-Internet IPO và được quảng cáo rầm rộ, Davis đã bỏ qua cơ hội sở hữu cổ phần doanh nghiệp này. Sau 10 năm, công ty ngày đó là Google hiện đạt giá trị tới 375 tỷ USD và vẫn tiếp tục tăng trưởng tốt.

Davis cho biết sẽ không bao giờ quên mình đã bỏ lỡ cơ hội này. Thậm chí ông còn gắn một chứng chỉ cổ phiếu Google lên “bức tường nhục nhã” ở công ty – nơi ghi dấu những sai lầm lớn nhất trong năm của các thành viên. Theo ông, vấn đề nằm ở chỗ nhà đầu tư học hỏi gì từ những sai lầm này và thay đổi chúng ra sao.

  1. Xác định trước rủi ro

Song song với học hỏi từ sai lầm, nhà đầu tư cần chú trọng việc lường trước rủi ro trong mọi thời điểm. Davis tiết lộ ông thích lập kế hoạch cho một cổ phiếu và đặt ra những giả thiết xấu nhất trong vòng 5 năm tới. Chẳng hạn, nếu một mã đang có triển vọng rất tốt, 5 năm nữa trong kế hoạch của Davis, nó có thể lao dốc sâu đến mức nào và ông tìm mọi nguyên nhân để lý giải.

Phương pháp này giúp nhà đầu tư duy trì cái nhìn đa chiều về một cổ phiếu và cân nhắc kỹ lưỡng chuyện ngoại cảnh tác động ra sao đến chiến lược kinh doanh trước khi ra quyết định đầu tư.

  1. Khảo sát thị trường thực tế

Đầu tư vào thị trường mới nổi có thể xem là vô cùng khó khăn, nhất là trong bối cảnh khác biệt về văn hóa, phương tiện truyền thông và cả tệ tham nhũng. Đó là lý do Michael Hasenstab – Chuyên gia quản lý quỹ tại Franklin Templeton Investments dành 80% thời gian để đến tận những thị trường như Trung Quốc, Trung Âu và châu Phi khảo sát, nghiên cứu trong năm nay.

“Việc đến quan sát tận nơi rất quan trọng. Nó giúp ta có cái nhìn chính xác về bối cảnh kinh doanh và đặt câu hỏi thật chuẩn cho các khoản đầu tư” – Michael chia sẻ. Hiện ông quản lý 190 tỷ USD tại Franklin Templeton Investments.

Trước đó, từng có thời điểm Michael đánh giá thị trường Trung Quốc đang tăng trưởng nhờ những thay đổi về thu nhập và sức tiêu thụ của người dân trong một đợt thị sát tại các quốc gia châu Á. Cách nghiên cứu này có thể không phù hợp với hầu hết các nhà đầu tư cá nhân, nhưng Michael cho rằng họ vẫn nên lưu tâm và có thể áp dụng ngay mỗi khi ra nước ngoài.

  1. Không phải thiên nga nào cũng đen

Thuyết “Thiên nga đen” được Nassim Nicholas Taleb –Giáo sư Tài chính đồng thời là chuyên gia chứng khoán tại Phố Wall nhắc đến trong một cuốn sách xuất bản vào năm 2007. Khái niệm này chỉ những sự kiện lớn, rất tiêu cực và khó có thể xảy ra theo tính toán thông thường, chẳng hạn chiến tranh, khủng hoảng tài chính hay thảm họa thiên nhiên (bão lũ, động đất…).

Dù vậy, Chuyên gia quản lý quỹ Davis cho rằng không phải sự kiện nào được coi là “thiên nga đen” cũng để lại tác động xấu. Thế giới vẫn luôn tiến về phía trước và có rất nhiều đổi thay mang tính đột phá như sự ra đời của mạng Internet hay khái niệm toàn cầu hóa.

Thậm chí sự bùng nổ về chuyện khai thác khí đá phiến ở Mỹ đang làm thay đổi bức tranh về ngành năng lượng nước này cũng được Davis xem như một “thiên nga đen” tích cực.

“Những tin tốt và xấu vẫn luôn song hành cùng nhau. Chuyện chúng ta có thể cân bằng ra sao và tính toán rủi ro thế nào mới là bí mật của thành công”, Davis chia sẻ.

CASE STUDY N0.985:NỢ XẤU & XỬ LÝ NỢ XẤU THEO NGHỊ QUYẾT MỚI

I-Khoanh vùng nợ xấu được “thí điểm” xử lý:

Cụ thể, theo Điều 4 của Nghị quyết, nợ xấu quy định tại Nghị quyết này là các khoản nợ được hình thành trước ngày 15 tháng 8 năm 2017 bao gồm cả khoản nợ xấu được xác định trước và sau ngày 15/8 miễn là trong thời gian Nghị quyết này có hiệu lực thi hành.

Chỉ cần là khoản nợ hình thành trước 15/8, thời điểm nợ trở thành nợ xấu không quan trọng miễn là trong thời hạn hiệu lực của Nghị quyết (5 năm)

Cùng đó, theo Điều 5 Phụ lục về xác định nợ xấu, trong trường hợp khách hàng có từ hai khoản nợ trở lên hình thành trước ngày 15/8/2017 tại một hoặc nhiều TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, nếu một khoản nợ bất kỳ được xác định là nợ xấu này thì toàn bộ các khoản nợ còn lại cũng được xác định là nợ xấu.

Vậy làm sao để xác định nợ xấu có nằm trong diện thí điểm hay không? Về điều này, các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu sẽ là bên có trách nhiệm xác nhận bằng văn bản khoản nợ là nợ xấu khi có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong quá trình xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu theo quy định tại Nghị quyết này.

Nợ xấu sẽ bao gồm các khoản đang hạch toán trong, ngoài bảng cân đối kế toán của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và các khoản nợ xấu mà tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu đã mua của TCTD.

II-Nợ nào là nợ xấu?

Theo định nghĩa, nợ xấu được xác định theo phương pháp định lượng và định tính. Trong khi phương pháp định lượng dựa trên số ngày quá hạn (khá tương đồng với cách xác định về nợ xấu được quy định tại Thông tư 02/201)3 thì phương pháp định tính lại căn cứ vào đánh giá khả năng trả nợ của khách hàng trên cơ sở kết quả hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ, chính sách dự phòng rủi ro.

Cụ thể, nợ xấu xác định theo phương pháp định lượng là Nợ quá hạn từ 91 ngày đến 180 ngày (nhóm 3); từ 181 ngày đến 360 ngày (nhóm 4);trên 360 ngày (nhóm 5).

Nợ gia hạn lần đầu thuộc nhóm 3; Nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ lần đầu quá hạn dưới 90 ngày và nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ lần thứ hai nâng lên nhóm 4. Nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ lần đầu quá hạn từ 90 ngày trở lên, nợ cơ cấu lại lần thứ hai quá hạn hoặc nợ cơ cấu lại lần 3 là nợ nhóm 5.

Còn nợ xấu xác định theo phương pháp định tính sẽ phụ thuộc vào đánh giá của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài ở mức có khả năng tổn thất (nhóm 3);có khả năng tổn thất cao (nhóm 4) hoặc không còn khả năng thu hồi, mất vốn (nhóm 5).

Cả hai phương thức định lượng và định tính đều quy định các khoản nợ được sẽ được phân loại vào nhóm 3/4/5 theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và từ thông tin Trung tâm Thông tin tín dụng Quốc gia (CIC) cung cấp.

Nợ phải thu hồi theo kết luận thanh tra của NHNN nhưng quá thời hạn thu hồi theo kết luận thanh tra cũng là nợ xấu. Cụ thể, trong thời hạn thu hồi sẽ là nợ nhóm 3, đến 60 ngày mà vẫn chưa thu hồi được là nợ nhóm 4 và trên 60 ngày sẽ là nợ nhóm 5.

Nợ xấu còn bao gồm cả các khoản nợ thuộc một số trường hợp đặc biệt đã có quyết định thu hồi nhưng chưa thu hồi được trong thời hạn dưới 30 ngày (nhóm 3), từ 30 ngày đến 60 ngày (nhóm 4) và trên 60 ngày (nhóm 5).

Những trường hợp đặc biệt này là các khoản nợ vi phạm quy định liên quan đến các trường hợp Không được cấp tín dụng (Điều 126), Hạn chế cấp tín dụng (Điều 127) và Giới hạn cấp tín dụng (Điều 128) quy định trong Luật Các tổ chức tín dụng.

CASE STUDY N0.986:IMF CẢNH BÁO VIỆT NAM ĐỐI MẶT NHIỀU RỦI RO

1-Hạ dự báo tăng trưởng:

+Hạ dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam xuống 6,3% trong năm 2017 so với mức 6,5% đưa ra hồi tháng Năm.

+ Dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2018 vẫn giữ nguyên ở mức 6,3%.

+ Quy mô nền kinh tế Việt Nam dự kiến đạt 215,4 tỷ USD cuối năm 2017 và tăng lên 232,7 tỷ USD năm 2018, tương ứng với mức GDP bình quan đầu người là 2.301 USD và 2.460 USD.

+ Lạm phát được dự báo ở quanh mức 5% do các loại phí do Nhà nước quản lý như giáo dục, y tế được điều chỉnh theo lộ trình. Cụ thể, chỉ số CPI bình quân sẽ tăng 4,9% trong năm 2017 và 4,8% năm 2018.

2-Rủi ro nào cho Việt Nam?

+ Dù triển vọng trong ngắn hạn của Việt Nam là tích cực, IMF chỉ ra một số rủi ro đối với Việt Nam trong thời gian tới.

+ Trong số các rủi ro bên ngoài:

 – Rủi ro tăng cao đối với các thị trường mới nổi hoặc sự lên giá của đồng đô la Mỹ có thể dẫn tới việc rút vốn và tạo sức ép đối với tỷ giá.

– Ngoài ra, chủ nghĩa bảo hộ gia tăng và Mỹ rút khỏi Hiệp định TPP có thể ảnh hưởng tới dòng vốn FDI và giảm đà cải cách doanh nghiệp nhà nước.

– Bên cạnh đó, đà tăng trưởng toàn cầu chậm lại và sự giảm tốc của kinh tế Trung Quốc có thể kéo giảm xuất khẩu.

– Giá dầu thấp có thể làm giảm doanh thu ngân sách, nhưng cũng có tác động tích cực đối với cán cân thương mại.

+ Về các rủi ro trong nước:

 -Rủi ro trong lĩnh vực ngân hàng xuất phát từ tiến trình cấp vốn và xử lý nợ xấu chậm, và tốc độ tăng trưởng tín dụng vẫn cao.

– Nợ công cao làm hạn chế dư địa của Chính phủ trong việc xử lý các điểm yếu của ngành ngân hàng và doanh nghiệp nhà nước, và đáp ứng nhu cầu đầu tư lớn của nền kinh tế.

-Với việc chính sách tiền tệ vẫn phụ thuộc nhiều vào sự ổn định của tỷ giá, lạm phát tăng có thể gây áp lực lên tỷ giá và khiến nhà đầu tư rút vốn.

– Chậm trễ trong cải cách khu vực doanh nghiệp nhà nước sẽ hạn chế sự phát triển của khu vực tư nhân và tác động tiêu cực đến tâm lý đầu tư.

3-IMF khuyến nghị gì?

+Các chuyên gia IMF ghi nhận nỗ lực của Việt Nam trong việc tăng trưởng kinh tế nhanh đồng thời vẫn kìm chế lạm phát, tiến hành các cải cách nhằm tạo điều kiện cho khu vực tư nhân, cải thiện tài chính công và giải quyết các vấn đề tồn dư trong hệ thống tài chính.

+Các chuyên gia cho rằng việc thắt chặt tài khóa hiện nay là phù hợp, đồng thời ủng hộ kế hoạch giảm thâm hụt tài khóa xuống 3,5% GDP đến năm 2020 và giữ trần nợ công ở mức 65% GDP.

+Các chuyên gia IMF cho rằng Việt Nam nên giữ nguyên chính sách tiền tệ và chú ý tới các dấu hiệu lạm phát lõi tăng. Họ cũng khuyến nghị Việt Nam cần cải thiện điều hành chính sách tiền tệ, bằng việc cho phép tỷ giá hối đoái linh động hơn, và chuyển dần sang sử dụng lạm phát là mục tiêu.

+ IMF cũng khuyến nghị Việt Nam đẩy mạnh cải cách khu vực ngân hàng, tăng cường năng lực cho Công ty VAMC, và tiếp tục cải cách để đẩy mạnh thu hồi nợ và tăng cường kỷ luật thị trường.

CASE STUDY NO.984: TỪ CHAEBOL HÀN QUỐC ĐẾN NHỮNG “GIA TỘC KHỦNG” TẠI VIỆT NAM

Theo VCCI, những doanh nghiệp thành đạt nhất trong những năm qua là những doanh nghiệp tư nhân, những doanh nghiệp gia tộc chứ không phải là doanh nghiệp nhà nước. Đánh giá chung, 100 doanh nghiệp gia đình lớn nhất Việt Nam đã đóng góp khoảng 1/4 GDP của cả nước.

 

1-MÔ HÌNH CHAEBOL TẠI XỨ KIM CHI :

Hán tự của chaebol là hai chữ “tài phiệt”, được ghép từ hai bộ chữ có ý nghĩa là “giàu có” và “dòng họ”. Khái niệm này được dùng để chỉ các tập đoàn khổng lồ của Hàn Quốc, kiểm soát phần lớn bởi các thành viên của một gia tộc giàu có và quyền lực. Các chaebol Hàn Quốc thường được so sánh với mô hình keiretsu của Nhật Bản – mô hình kế tục trực tiếp của các tài phiệt Nhật (zaibatsu) thời trước năm 1945.

Sự hình thành các chaebol bắt đầu từ sau thế chiến 2. Sau khi quân Nhật rút khỏi năm 1945, một số doanh nhân Hàn Quốc được sở hữu các tài sản của một số doanh nghiệp Nhật Bản, một vài trong số này đã phát triển thành các chaebol. Các chaebol được hình thành bao gồm nhiều công ty có mối quan hệ liên kết về tài chính, chiến lược kinh doanh và sự điều phối chung trong hoạt động. Nét đặc trưng của các chaebol là toàn bộ các công ty thành viên thường do một hoặc một số ít gia đình sáng lập và nắm giữ cổ phần chi phối.

Các chaebol nổi tiếng nhất tại Hàn Quốc phải kể đến các tập đoàn lớn như Hyundai, LG, Samsung, Lotte, SK,… Các siêu tập đoàn này bao gồm hàng loạt công ty con, xuất hiện trong đủ mọi ngành nghề. 

 Gia đình lãnh đạo tập đoàn Samsung

Hiện cổ phiếu của các chaebol Hàn Quốc chiếm khoảng 50% trong chỉ số Kospi của Hàn Quốc. Chaebol đóng vai trò quan trọng để biến Hàn Quốc từ một nền kinh tế bé nhỏ tới nhà xuất khẩu lớn thứ 5 thế giới, tuy nhiên mối quan hệ giữa chaebol với chính phủ xứ sở kim chi cũng là vấn đề đang gây tranh cãi.

2-MÔ HÌNH “GIA TỘC” TẠI XỨ RAU MUỐNG :

Câu chuyện về các chaebol – những tập đoàn được xem là “gia đình trị” ở Hàn Quốc – đã trở thành đề tài lớn được nhiều chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước nhắc đến trong định hướng phát triển kinh tế tư nhân tại Việt Nam. Đặc biệt trong bối cảnh nhiều tập đoàn tư nhân đang hình thành, các tỷ phú đô la và giới siêu giàu tăng nhanh chóng.

Tại Hội thảo “Chuyên nghiệp hóa doanh nghiệp gia đình” diễn ra mới đây, theo đánh giá của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), các doanh nghiệp gia đình chiếm tỷ trọng lớn trong khu vực kinh tế tư nhân, thể hiện vai trò tiên phong trong việc đẩy mạnh sự phục hồi kinh tế sau khủng hoảng, thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đóng vai trò như một hạt nhân quan trọng của nền kinh tế. Những doanh nghiệp thành đạt nhất trong những năm qua là những doanh nghiệp tư nhân, những doanh nghiệp gia đình chứ không phải là doanh nghiệp nhà nước.

Theo đánh giá chung, 100 doanh nghiệp gia đình lớn nhất Việt Nam đã đóng góp khoảng 1/4 GDP của cả nước.

+ Tập đoàn Phú Thái: Việt Nam gần như cần có ruột thịt trong công ty

Ông Phạm Đình Đoàn, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Phú Thái Holdings, đồng thời là chủ tịch Hội đồng Doanh nhân và Gia đình Việt Nam từng khẳng định rằng “ở Việt Nam gần như cần có ruột thịt trong công ty, chứ góp vốn ở ngoài, dù lỗ hay lãi cũng gặp trục trặc”.

Cũng theo ông Đoàn, công ty gia đình còn “thống trị” trong khoảng 30-40 năm nữa. Do vậy, cần hỗ trợ của nhà nước, ngay như các tập đoàn lớn của Hàn Quốc như Samsung, Hyundai… đều có sự hậu thuẫn của chính phủ nước này.

Ở Tập đoàn Phú Thái, con cháu của ông Đoàn đều được ông định hướng cả chục năm trước để tiếp quản công ty. Thậm chí ông đích thân “lên lớp” để dạy cho các con cháu về kinh doanh, gia đình.

Ông Phạm Đình Đoàn, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Phú Thái 

Tập đoàn Phú Thái (Phú Thái Holdings) bao gồm nhiều công ty con như Phu Thai CAT (lắp ráp xe), Kowil (thời trang), GreenVet (thú y), Phú Thái Group (hàng tiêu dùng), Phú Thái H&B (sức khỏe và sắc đẹp), Phú Thái Invest (giáo dục, nhà hàng, dược phẩm). Trong đó, Tập đoàn BJC của Thái Lan đã sở hữu 64,55% cổ phần của Phú Thái Group – thành viên của Phú Thái Holdings – từ năm 2013 và thông qua đó sở hữu các công ty con của Phú Thái Group.

Hiện nay, Tập đoàn này có gần 30 đơn vị trực thuộc gồm các công ty thành viên, trung tâm phân phối và trung tâm kho vận trên toàn quốc. Ông Phạm Đình Đoàn, Chủ tịch HĐQT Phú Thái Holdings đang là cổ đông lớn nhất của Tập đoàn này tới tỷ lệ sở hữu 90%.

+ Đế chế mía đường Thành Thành Công

Gia đình ông Đặng Văn Thành, bà Huỳnh Bích Ngọc ghi dấu ấn trong 3 lĩnh vực gồm: ngân hàng, mía đường, bất động sản. Ông Đặng Văn Thành là người từng gây dựng nên Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương tín (Sacombank) và cùng người vợ Huỳnh Bích Ngọc dựng nên đế chế Thành Thành Công (TTC).

Tuy nhiên đến năm 2012, gia đình ông Đặng Văn Thành để tuột mất quyền kiểm soát ngân hàng Sacombank vào nhóm nhà đầu tư mới đến từ Eximbank và SouthernBank.

Một thời gian im ắng trên thương trường sau khi rời Sacombank, năm 2014 ông Đặng Văn Thành quay trở lại với công việc kinh doanh với vai trò Chủ tịch Hội đồng chủ tịch Tập đoàn Thành Thành Công.

 Gia đình ông Đặng Văn Thành – Tập đoàn Thành Thành Công

Thành Thành Công là cái tên không mấy xa lạ trong ngành mía đường. Trước khi rút khỏi Sacombank, ông Thành là người dẫn dắt ngân hàng này phát triển trong 20 năm từ hợp tác xã tín dụng Thành Công. Trong khi đó bà Ngọc lại được ví là nữ hoàng mía đường với việc điều hành tập đoàn mía đường có tầm ảnh hưởng lớn nhất hiện này là Thành Thành Công. Thành Thành Công được ông Thành sáng lập từ 26 năm trước với xuất phát điểm là doanh nghiệp kinh doanh cồn, mật rỉ.

Hiện Thành Thành Công đã là tập hợp của hơn 20 đơn vị thành viên hoạt động trên nhiều lĩnh vực. Qua các thương vụ mua bán sáp nhập, Thành Thành Công hiện nắm cổ phần lớn tại Đường Biên Hòa, đường Bourbon Tây Ninh, Đường Ninh Hòa,.. cũng như tham gia vào bất động sản, du lịch, năng lượng và đầu tư tài chính.

Một số doanh nghiệp thành viên của tập đoàn đang niêm yết, giao dịch trên sàn chứng khoán như: Sacomreal (SCR), Du lịch Thành Thành Công (VNG), Đường Biên Hòa (BHS), Mía đường Thành Thành Công Tây Ninh (SBT), Công ty Cổ phần Điện Gia Lai (GEG),…

Con gái Đặng Huỳnh Ức Micủa ông Thành hiện là người kế nghiệp và giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT Thành Thành Công và thành viên HĐQT Công ty Cổ phần Mía đường Thành Thành Công Tây Ninh.

+ Gia đình ông Đỗ Minh Phú: Tập đoàn Doji, Ngân hàng Tiên phong

Gia đình ông Phú vốn là gia đình có truyền thống 3 đời kinh doanh với thế hệ đầu tiên là cụ Đỗ Thế Sử. Năm 38 tuổi khi đang làm Tổng biên tập báo Sơn Tây, cụ xin nghỉ để làm kinh doanh.

Năm 73 tuổi cụ Sử thành lập công ty TNHH Phát triển xuất nhập khẩu may mặc – GAMEXCO, tiền thân của Tập đoàn Doji. Ông Đỗ Minh Phú là người đem lại thành công lớn cho sự nghiệp kinh doanh gia đình với thương vụ đình đám là gây dựng nên công thương hiệu nổi tiếng Diana cạnh tranh với thương hiệu ngoại Kotex, sau này được bán lại cho tập đoàn Unicharm với giá từ 180-200 triệu USD.

Ông  Đỗ Minh Phú – Chủ tịch Tập đoàn Doji

Hiện ông Phú và hai người con nắm giữ toàn bộ cổ phẩn Doji Group. Doji hiện có 7 công ty con và 6 công ty liên kết góp vốn và nằm trong top 3 ngành trang sức Việt Nam. Ông Phú còn là chủ tịch HĐQT Ngân hàng Tiên Phong (TPBank). Trong gia đình, các em ông là Đỗ Anh Tú, Đỗ Anh Tuấn, Đỗ Quốc Bình, Đỗ Xuân Mai, Đỗ Kim Dung đều tham gia vào công việc kinh doanh tại nhiều công ty khác nhau.

+ IPP – Đế chế hàng hiệu đình đám nhất Việt Nam

Được giới truyền thông gọi với danh xưng “Vua hàng hiệu” – ông Johnathan Hạnh Nguyễn, Chủ tịch tập đoàn Liên Thái Bình Dương (Imex Pan Pacific – IPP) cùng gia đình hiện nắm giữ danh mục hàng chục thương hiệu thời trang hàng đầu như Burberry, Chanel, Versace, CK, Salvatore Ferragamo, phân phối rượu cao cấp Moet-Hennessy, Camus cho tới nhượng quyền thương mại Burger King, Donimo Pizza, Illy Café…

Bài liên quan

Bố chồng Hà Tăng trước cơ hội mua đứt Tràng Tiền Plaza – TTTM đắc địa nhất Hà Nội

Ngoài ông Johnathan Hạnh Nguyễn, các thành viên trong gia đình ông cũng góp mặt vào công việc kinh doanh như chị em gái của ông, vợ ông là bà Lê Hồng Thủy Tiên được tạp chí Forbes bình chọn là một trong những nữ doanh nhân trẻ đáng chú ý năm 2015, 4 người con trai cũng quản lý 4 công ty và được ông Hạnh Nguyễn xem là 4 cột trụ.

Gia đình ông  Johnathan Hạnh Nguyễn

Những siêu thị tên tuổi một thời như Citimart, Maximark, Miền Đông và Bình Dân đều do gia đình ông mở và điều hành từ những năm đầu thập niên 90. Citimart và Maximark do hai chị em gái của ông là bà Nguyễn Thị Ánh Hoa và Nguyễn Ánh Hồng làm chủ. Không chỉ dừng lại ở cửa hàng miễn thuế tại sân bay, ông Hạnh Nguyễn còn phát triển mạng lưới cửa hàng miễn thuế tại cửa khẩu Tịnh Biên, Mộc Bài, Lao Bảo, Lào Cai, Dinh Bà.

Sau khi tiến vào mảng dịch vụ hàng không năm 2014, thông qua các công ty của mình, ông Johnathan Hạnh Nguyễn đã dần nâng tỷ lệ sở hữu lên 43,7% cổ phần tại SASCO, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ hàng không lớn nhất nước. Tháng 4 vừa qua, “Vua hàng hiệu” đã chính thức được bầu làm Chủ tịch HĐQT công ty này.

Và còn nhiều tập đoàn, công ty gia đình khác như gốm sứ Geleximco, Minh Long, Bitas, May Hồ Gươm, Bia Đại Việt, Kinh Đô… đã trở thành những thương hiệu mạnh, phổ biến trên thị trường Việt Nam nhiều năm qua.

CASE STUDY N0.983 : MÔ HÌNH KINH TẾ CHÂU Á LIỆU ĐÃ HẾT THỜI SAU NHIỀU THẬP KỶ TỒN TẠI ?

PS: Kẻ thất bại trong cuộc chơi này chắc chắn sẽ là những nước nghèo, sống dựa vào các hoạt động sản xuất truyền thống & mô hình gia đình trị.

30 phút lái xe sâu vào sa mạc khô cằn bên ngoài Korla, thuộc khu vực Tân Cương, Trung Quốc là nơi đặt một nhà máy dệt may thuộc sở hữu của tập đoàn Jinsheng. Bên trong khu tổ hợp trị giá 16 tỷ tệ, tương đương 2,4 tỷ USD là hàng loạt các nhà xưởng được bao quanh bởi những bãi cỏ nhân tạo. Nguyên liệu sản xuất khiến người xem cảm thấy choáng ngợp. Tuy nhiên, hầu như không có công nhân trong nhà máy.

Thi thoảng, người ta nhìn thấy một vài kỹ sư người Đức đi lang thang trong nhà máy, đảm bảo các thiết bị vận hành trơn tru với hiệu quả cao nhất. Những gì diễn ra trong nhà máy của Jinsheng chính là tương lai của ngành công nghiệp giúp hàng triệu người châu Á thoát khỏi đói nghèo.

Nhà máy của Jinsheng nằm trên khoảng diện tích lớn gấp 5 lần diện tích mặt sàn của tòa nhà Empire lừng danh. Tuy nhiên, ở đây chỉ có vài trăm công nhân làm việc mỗi ca. Pan Xueping, Chủ tịch kiêm CEO của Jinsheng, cho biết: “Dệt may là ngành công nghiệp sử dụng nhiều lao động. Tuy nhiên, thay vì chuyển các nhà máy tới những khu vực có nhân công giá rẻ, những nhà máy dệt thế hệ mới có thể tự động hóa và không cần sự hiện diện của con người”.

2-Cơn ác mộng của những nước nghèo

Nhà máy ở Tân Cương đã chứng minh cho những gì Xueping nói. Tuy nhiên, những nhà máy tự động hóa có thể tàn phá những quốc gia nghèo nhất châu Á. Sản xuất quần áo giá rẻ từng là nấc thang đầu tiên trong mô hình kinh tế châu Á, vốn đã giúp Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc cũng như nhiều quốc gia khác thoát khỏi đói nghèo sau Thế chiến II.

Trong nhiều thập kỷ, quá trình này hình thành nên một mô hình quen thuộc, khi các nước phát triển hơn tiến vào những ngành công nghiệp phừc tạp như điện tử, Internet, dịch vụ tài chính, các nước nghèo hơn lại thế chân họ trong ngành dệt may bằng việc cung cấp lao động giá rẻ và làm việc theo phương thức truyền thống. Hàng hóa được tạo ra bởi lao động giá rẻ có mặt ở khắp nơi trên thế giới trong khi người lao động có thêm lựa chọn mưu sinh ngoài nông nghiệp.

Lúc này, Bangladesh, Campuchia và Myanmar đang bước trên bậc thang đầu tiên. Tuy nhiên, tự động hóa đang đe dọa bước tiến của họ. Thay vì mở các nhà máy ở những nước có nhân công giá rẻ, các công ty Trung Quốc đầu tư vào tự động hóa để mở ra các nhà máy ngay tại quê nhà. Cai Fang, một nhà phân tích nhân khẩu học tại Bắc Kinh, nhấn mạnh: “Cánh cửa đang ngày càng hẹp hơn với những nước đi sau. Họ sẽ không bao giờ có những cơ hội mà Trung Quốc có được trong quá khứ bởi tự động hóa làm đảo lộn mọi thứ”.

Đáng quan ngại, sự chuyển đổi từ lao động truyền thống sang tự động hóa sẽ diễn ra rất nhanh. Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) ước tính việc thay thế hàng loạt công nhân tay nghề thấp bằng robot sẽ diễn ra trong 2 năm. Cùng với sự phát triển này, 80% công nhân làm việc trong lĩnh vực dệt may ở Đông Nam Á đang phải đối mặt với nguy cơ mất việc do tự động hóa. Kết quả của nó có thể là sự bất ổn sâu sắc trong xã hội.

3-Nước đến chân chưa nhảy

Thời gian gần đây, robot thậm chí còn có thể thay thế con người trong nhiều ngành phức tạp như sản xuất ô tô hoặc động cơ máy bay phản lực. Tuy nhiên, ngành may mặc lại đòi hỏi sự khéo léo của những ngón tay con người. Hiện tại, robot chưa thay thế được công nhân trong khi các ông lớn cũng không mặn mà phát triển công nghệ tinh vi cho một ngành với lợi nhuận thấp như may mặc.

Chính điều này dẫn tới sự tự mãn trong một bộ phận ngành công nghiệp dệt. Phát biểu tại Hội chợ Thương mại ngành dệt may tại Quảng Châu, Trung Quốc hồi tháng 5, Sahil Dhamija, lãnh đạo một nhà máy chuyên sản xuất khăn và ga trải giường xuất khẩu của Ấn Độ, cho rằng: “Máy móc chưa thể thay thế con người trong việc làm ra các sản phẩm thủ công”.

Dhamija nói không sai nhưng chưa hẳn đã đúng. Tại Atlanta, Mỹ, một nhóm giáo sư kỹ thuật và tự động hóa đã thành lập công ty khởi nghiệp SoftWear Automation năm 2007 với nhiệm vụ phát minh ra những cỗ máy có thể làm những việc không tưởng. Chẳng hạn, máy móc có thể xác định độ mềm của vải hay xác định vị trí cần cắt và khâu. Sau 7 năm phát triển với khoản trợ cấp ít ỏi 1,75 triệu USD, sản phẩm đầu tiên của SoftWear Automation là Sewbot đã được thử nghiệm.

Dù khởi đầu khó khăn nhưng năm 2015, công ty này đã bán được sản phẩm đầu tiên cho khách hàng ở Mỹ. Năm ngoái, doanh thu của công ty tăng tới 1.000% và theo kế hoạch, mức tăng trưởng tương tự cũng sẽ được duy trì trong năm nay. Bước đột phá của quá trình này chính là khả năng vượt trội của robot, cho phép nó quan sát, cắt và may quần áo thông qua những thao tác phức tạp.

Hiện tại, Sewbot có thể sản xuất được khăn, đệm và gối, vốn đòi hỏi nhiều hơn 10 công đoạn để tạo ra thành phẩm. Công ty đang tiếp tục phát triển những cỗ máy có thể tạo ra áo phông trước khi sản xuất những sản phẩm phức tạp hơn như quần jean và áo sơ mi. Theo đại diện của công ty, mục tiêu cuối cùng là tự động hóa từ khâu nguyên liệu đầu vào tới thành phẩm đầu ra.

4-Cuộc chơi không công bằng

Khi tự động hóa gia tăng, không chỉ châu Á mà cả thế giới đều sẽ thấy quỹ đạo công nghiệp bị ảnh hưởng. Khi chi phí lao động không còn là yếu tố chính của quy trình sản xuất, chẳng có lý do gì mà người ta phải chuyển công ty tới các nước đang hoặc chậm phát triển. Quần áo, giày dép có thể lại được sản xuất ở Bắc Mỹ hay châu Âu, những nơi mà chi phí lao động quá cao từng khiến quá trình này trở nên bất khả thi.

Trên thực tế, quá trình này đã bắt đầu diễn ra. Tập đoàn sản xuất đồ thể thao Adidas của Đức đã chuyển một số mẫu giày về sản xuất tại nhà máy tự động hóa tốc độ cao ở quê nhà Ansbach, dự kiến đi vào hoạt động trong năm nay. Trong tháng 5, Tập đoàn công nghệ Ruyi Sơn Đông của Trung Quốc, công ty sở hữu các thương hiệu cao cấp như Sandro và Maje, đã tuyên bố đầu tư nhà máy trị giá 410 triệu USD ở Thành phố Forrest, Arkansas, Mỹ.

Frederic Neumann, chuyên gia cấp cao của HSBC Holdings tại Hồng Kông, nhận định: “Tự động hóa, về cơ bản, làm cân bằng lại cuộc chơi. Cả thế giới sẽ bị kéo vào một trò chơi chiến lược khổng lồ, khi mỗi nước đều tìm cách lôi kéo các ngành công nghiệp về mình”.

CASE STUDY N0.982 :Mô hình đầu tư Ponzi và những vụ vỡ nợ điển hình

  1. Định nghĩa mô hình Ponzi

Mô hình Ponzi là trò vay tiền của người này để trả nợ người khác. Kẻ đi vay đưa ra cam kết trả lợi tức cao cho người cho vay và quảng cáo với họ về những tấm gương đã từng nhận được lợi tức cao trước đây để hấp dẫn người cho vay. Người cho vay bị hấp dẫn bởi lợi tức cao lại thậm chí giới thiệu những người cho vay mới hơn (vai trò quảng cáo). Bằng hình thức này, kẻ đi vay càng ngày càng vay được những khoản tiền lớn hơn từ nhiều người cho vay mới hơn (để duy trì và đánh bóng hình ảnh kinh doanh thành công).

Người chủ của các mô hình Ponzi thường lôi kéo các nhà đầu tư mới bằng cách cung cấp lợi nhuận cao hơn so với các khoản đầu tư khác, với lợi nhuận ngắn hạn hoặc là cao bất thường hoặc kéo dài một cách bất thường.

Mô hình Ponzi đôi khi bắt đầu như một doanh nghiệp kinh doanh hợp pháp, cho đến khi doanh nghiệp không đạt được lợi nhuận kỳ vọng. Doanh nghiệp trở thành một mô hình Ponzi nếu nó sau đó tiếp tục các hành vi gian lận. Dù tình hình ban đầu như thế nào, việc phải trả lợi nhuận cao đòi hỏi một dòng chảy tiền ngày càng tăng từ các nhà đầu tư mới để duy trì mô hình này.

Ý tưởng này xuất hiện trong các tiểu thuyết Martin Chuzzlewit năm 1844 và Little Dorrit năm 1857 của Charles Dickens, nhưng Ponzi thực hiện nó trong đời thực và lấy được nhiều tiền đến nỗi mô hình này trở nên nổi tiếng toàn nước Mỹ.

  1. Vụ lừa đảo của Charles Ponzi

Charles Ponzi không phải là người đầu tiên “thiết kế” ra kiểu lừa đảo Ponzi, nhưng kiểu lừa này được đặt theo tên ông ta vì cú lừa mà ông ta thực hiện đã khiến cả nước Mỹ phải chấn động vào thời đó.

Charles Ponzi sinh năm 1882 tại Ý. Dù được nhận vào học tại Đại học Rome, Ponzi xem đó như là một kỳ nghỉ dài để rồi khi hết tiền, ông buộc phải bỏ học và lên tàu tới kiếm sống ở Boston, Massachusetts (Mỹ). Toàn bộ số tiền mang theo cũng bị ông nướng sạch vào các cuộc đỏ đen và chỉ còn vỏn vẹn $2.50 khi tàu cập bến.

Nguồn elistmania.com

.

Tại xứ sở mới, Ponzi dành ra vài năm làm nhiều việc để kiếm sống. Thậm chí, có lúc ông rửa bát cho một nhà hàng và ngủ ngay trên sàn nhà. Nhưng nhờ làm việc chăm chỉ, Ponzi được thăng cấp lên vị trí bồi bàn để rồi bị sa thải vì tội lừa gạt khách hàng và trộm cắp.

Thất nghiệp, Ponzi tìm tới Montreal, Canada và trở thành người thu ngân trong chi nhánh mới mở của ngân hàng Banco Zarossi. Để thu hút khách, ông chủ Zarossi trả khoản lợi tức gấp đôi các đối thủ cạnh tranh cho bất cứ ai chịu gửi tiền vào ngân hàng của ông ta. Dù ăn nên làm ra, kì thực ngân hàng đang gặp rắc rối vì các khoản nợ xấu và hoàn toàn không có bất kì một khoản đầu tư nào. Để duy trì hoạt động, Zarossi thường lấy tiền của người sau trả cho người trước. Zarossi trốn sang Mexico trước khi ngân hàng sụp đổ.

Khi thành công đến

Sau một thời gian lang bạt và nhiều lần bị bắt vào tụ vì tội lừa đảo, Ponzi trở về Boston, yêu và cưới một cô gái trẻ có tên Rose Gnecco. Muốn cho vợ mình sớm được hưởng đời nhung lụa, Ponzi lao vào kiếm tiền. Ông từng đưa ra ý tưởng mà sau này người ta hình thành cuốn niên giám Yellow Pages để bán quảng cáo cho khách hàng, nhưng thất bại.

Nguồn: ponzisscheme.com

Một hôm Ponzi nhận được lá thư từ một công ty ở Tây Ban Nha đề nghị trao đổi về ý tưởng kinh doanh của anh. Trong thư có một tấm phiếu IRC. IRC có thể sử dụng như một con tem và đã được nhiều nước chấp nhận. Vì giá tem mỗi nơi một khác, Ponzi phát hiện ra cơ hội làm giàu béo bở: Mua IRC tại Ý và các nước ngoài Mỹ, nơi giá rất rẻ và bán nó với giá cao tại Mỹ. Ponzi nhẩm tính khoản lợi nhuận thu được, sau khi trừ chi phí, có thể vượt quá 400% và việc này hoàn toàn hợp pháp.

Có kế hoạch, Ponzi bắt đầu mở công ty mang tên “Securities Exchange Company” ở Boston và tìm sự giúp đỡ tài chính. Ông kêu gọi bạn bè cho mượn tiền và hứa trả họ lãi suất lên tới 50% trong vòng 45 ngày. Một vài người mạnh dạn bỏ tiền đầu tư và được trả lãi như đã cam kết. Tiếng lành đồn xa, các khoản đầu tư thi nhau chảy về. Ponzi thuê mướn hàng loạt nhân viên và hứa sẽ trả khoản lợi tức khổng lồ cho các nhà đầu tư. Tới tháng 2/1920, Ponzi đã có trong tay 5.000 USD, một khoản tiền khổng lồ khi đó. Đến tháng 3, ông đã có 30.000 USD. Tiền làm Ponzi lóa mắt. Ông thuê mướn hàng loạt nhân công và gom tiền tại toàn bộ các khu vực New England và New Jersey. Nhà đầu tư được trả lãi lớn đã mạnh dạn động viên bạn bè, người thân tham gia.

Nguồn: fritzbreland.wordpress.com

.

Tới tháng 5, Ponzi đã có 420.000 USD. Người người bán nhà, đập lợn tiết kiệm, mang tới cho Ponzi. Phần lớn khi nhận được tiền lãi lại tái đầu tư cho Ponzi với hy vọng sẽ được hưởng lợi tức lên tới 100%. Vào tháng 7, Ponzi đã có gần 8 triệu USD.

Xuống dốc không phanh

Thành công trong việc huy động vốn nhưng Ponzi lại chẳng thể nào kiếm đủ IRC để đầu tư và sinh lãi. Dù vậy, ông sống rất xa hoa, mua cả lâu đài, xe hạng sang, đầu tư vào các ngân hàng, doanh nghiệp… Tới tháng 8 cùng năm, người ta phát hiện Ponzi đang trả lãi cho nhà đầu tư cũ bằng tiền của nhà đầu tư mới. Hành động này vốn được gọi là “cướp người này trả cho người kia”, giờ đã có cái tên chính thức là “kiểu lừa Ponzi”. Cho tới khi đổ bể, bằng cách lừa đảo này Ponzi đã khiến các nhà đầu tư mất trắng 20 triệu USD, đồng thời khiến 6 ngân hàng phá sản.

Năm 1920, Ponzi bị truy tố vì tội lừa đảo và phải thụ án một thời gian trong các nhà tù liên bang trước khi bị trục xuất về Italy vào năm 1934. Ông ta chết trong cảnh trắng tay tại Rio de Janeiro (Brazil) vào năm 1949 và được chôn trong một nghĩa trang của người nghèo.

.

III. Các vụ đổ bể đình đám khác

  1. Allen Stanford (Mỹ)

Stanford từng là một trong những tỷ phú tài chính nổi tiếng của Mỹ, có lối sống xa hoa, sở hữu nhiều biệt thự, du thuyền, và thậm chí cả một sân bóng cricket ở quần đảo Antigua. Ở thời kỳ đỉnh cao cuối những năm 80, giá trị tài sản của Stanford lên tới 2,2 tỷ USD. Năm 2009, ông từng được Tạp chí Ford xếp hạng giàu thứ 605 thế giới. Làm từ thiện hào phóng, Stanford thậm chí còn được phong tước hiệp sỹ tại Antigua.

Tuy nhiên, tất cả đã đặt dấu chấm hết cho nhà tài phiệt có thế lực này khi ông bị bắt vào năm 2009. Theo đó, các nhà chức trách đã tiến hành bắt giữ Stanford sau khi xác định đối tượng này đã lợi dụng những người không giàu có, bao gồm giáo viên nghỉ hưu, cựu chiến binh, công nhân, thậm chí theo như lời của một nạn nhân, Stanford “đã ăn cắp cả cuộc sống” của họ để làm giàu cho bản thân.

.

Hình thức lừa đảo của Allen Stanford thực chất là kinh doanh trá hình theo kiểu “mô hình Ponzi”- hình thức trong đó tiền gửi của người gửi sau sẽ được dùng để trả lãi cho những người gửi trước, hình thành một mạng lưới của những người muốn hưởng lãi suất cao nhưng thực chất lại không có sự đâu tư tạo giá trị thực sự nào.

Tỷ phú nước Mỹ đã dựng lên một kế hoạch đầu tư “ma” trị giá nhiều tỷ USD với nhiều “lời hứa giả mạo và các cơ sở dữ liệu ngụy tạo”. Ngân hàng Quốc tế Stanford International (SIB) thuộc quyền sở hữu của Stanford và được điều hành bởi một vòng tròn khép kín bao gồm gia đình và bạn bè Stanford để bán ra các chứng chỉ ký thác đầu tư trị giá hơn 7 tỷ USD với lời hứa trả lãi suất cao.

.

Nhờ lãi suất cao (11% -16%), cao gấp đôi so với lãi suất của các ngân hàng thương mại cùng với các chiến dịch quảng cáo của mình, chỉ riêng trong năm 2005, SIB đã “nhử” được 35.000 khách hàng với tổng số vốn góp 3,8 tỷ USD và đến cuối năm 2007, con số đón góp của các nhà đầu tư là 6,7 tỷ USD. Tuy nhiên, thay vì mang tiền đi đầu tư, Stanford lại tiêu xài hết vào những trò ăn chơi, giải trí cá nhân.

Tính đến thời điểm vụ lừa đảo này bị phát giác, công ty của Standford đã thu hút được hơn 50.000 khách hàng ở 131 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó tập trung chủ yếu ở Mỹ, châu Mỹ Latinh và vùng biển Caribê.

.

Sau nhiều lần bị trì hoãn, đến giữa năm 2012, phiên tòa xét xử Allen Standford mới kết thúc với mức án 110 năm tù dành cho kẻ lừa đảo. Đây là vụ lừa đảo mà Ủy ban Chứng khoán và hối đoái Mỹ – SEC cho rằng có tính chất nghiêm trọng, gây chấn động tới giới tài chính và đầu tư trên phạm vi toàn cầu.

.

  1. William Miller (Anh) – “cha đẻ” của Ponzi

.

.

Nhiều thập kỷ trước khi mô hình lừa đảo đa cấp được gán cho cái tên Ponzi, kiểu lừa đảo này đã được một thủ thư có tên William Miller ởBrooklyn khởi xướng. Nhiều người đã vét sạch những đồng tiền mồ hôi nước mắt của mình để góp vào công ty đầu tư mang tên Franklin Syndicate do Miller lập ra vào năm 1899, với hy vọng sẽ được trả lãi suất 10% mỗi tuần. Miller được đặt biệt danh “520%” – chỉ mức lãi suất cả năm mà ông ta hứa với các nhà đầu tư.

Siêu lừa này tuyên bố ông ta có một bí quyết để nắm bắt cách kinh doanh của các công ty ăn nên làm ra. Tuy nhiên, vụ việc rồi cũng đến lúc vỡ lở. Miller lừa của các nhà đầu tư 1 triệu USD, tương đương với 25 triệu USD ngày nay. Ông ta bị kết án 10 năm, nhưng chỉ phải ngồi 5 năm trong nhà đá. Sau khi được thả tự do, Miller đến Long Island kiếm sống bằng cách mở một cửa hiệu tạp hóa.

.

  1. Tom Petters (Mỹ)

Vào năm 2010, một doanh nhân ở bang Minnesota, Mỹ, có tên Tom Petters bị kết án 50 năm tù giam sau khi vụ lừa đảo Ponzi 3,65 tỷ USD do ông ta “đạo diễn” bị lôi ra ánh sáng. Đây được xem là vụ Ponzi lớn thứ ba trong lịch sử sau vụ Bernie Madoff và vụ Alan Stanford.

Với tư cách là CEO kiêm Chủ tịch của công ty Petters Group Worldwide, Petters thuyết phục các nhà đầu tư góp tiến để mua hàng điện tử để bán lại cho các hãng bán lẻ lớn Costco và Sam’s Club. Nhưng trên thực tế, Petters dùng tiền này cho các hoạt động kinh doanh khác của ông ta và trả lãi cho các nhà đầu tư khác. Lĩnh án khi đã 52 tuổi, có lẽ Petters đến chết vẫn chưa ra khỏi nhà đá.
.
4. Norman Hsu (Mỹ)

.

Nguyên là một nhà huy động tài chính cho đảng Dân chủ của Mỹ, Norman Hsu bị cáo buộc vận hành một chương trình lừa đảo kiểu Ponzi với quy mô 60 triệu USD vào năm 2009. Với phương thức không mới, Hsu “thịt” các nhà đầu tư bằng cách mời chào họ góp vốn, hứa trả lãi cao, dùng tiền của nhà đầu tư trả cho người góp vốn trước.

Sau khi Hsu bị tố giác, tất cả những chính trị gia từng được ông ta huy động tài chính như Hillary Clinton, Eliot Spitzer, Andrew Cuomo, Barack Obama và Al Franken để chuyển số tiền đã nhận từ nhân vật này vào quỹ từ thiện. Mức án mà tòa dành cho Hsu là 24 năm “bóc lịch”.

5. Lou Pearlman (Mỹ)

Sau thất bại nghề nghiệp trong ngành hàng không, Lou Pearlman chuyển sang lĩnh vực giải trí và trở thành một ông trùm âm nhạc sừng sỏ, có công thành lập những ban nhạc nam lớn của thập niên 1990 như Backstreet Boys, NSYNC, O-Town… Tuy nhiên, Pearlman chỉ trở nên nổi tiếng như cồn sau khi chương trình lừa đảo Ponzi quy mô 300 triệu USD của ông ta bị phát giác vào năm 2006.

Để lừa các nhà đầu tư, Pearlman đã lập ra một công ty hàng không “ma”. Pearlman đã tìm cách bỏ trốn, nhưng bị bắt khi đang trên đường tẩu thoát sang Indonesia. Năm 2008, ông ta bị đem ra xét xử và kết án 25 năm tù giam.

6. Những vụ lừa đảo Ponzi ở Albania

Vào năm 1997, một vụ Ponzi khổng lồ ở Albiania đổ bể, đẩy nước này rơi vào cảnh hỗn loạn tài chính, đồng thời châm ngòi cho một cuộc nổi dậy lớn, lật đổ chính phủ và khiến hơn 2.000 người dân thiệt mạng. Mấy năm trước đó, Albania bước vào thời kỳ quá độ sang cơ chế thị trường tự do sau nhiều năm nằm dưới sự thống trị của chế độ độc tài Enver Hoxha. Hệ thống tài chính còn sơ khai ở thời điểm quá độ của Albania nằm dưới sự thống trị của một loạt những kế hoạch Ponzi hứa trả nhà đầu tư mức lãi lớn.

Hơn 2/3 người dân Albania đã sập bẫy chiêu lừa này vì lóa mắt trước cơ hội giàu lên nhanh chóng. Thậm chí, Chính phủ Albania còn công khai phê chuẩn hoạt động của một số công ty lừa đảo này. Đến đầu năm 1997, người dân Albania bị mất tổng cộng hơn 1,2 tỷ USD. Mất tiền, người dân đổ ra đường để phản đối Chính phủ, cho rằng nhà chức trách hưởng lợi từ những kẻ lừa đảo. Về sau, Liên hiệp quốc phải can thiệp để lập lại trật tự ở nước này.

7. Gerald Payne (Mỹ)

Vụ lừa đảo Ponzi của Gerald Payne lấy mất của các nhà đầu tư gần 500 triệu USD, nhưng gây ấn tượng hơn cả là cách rút tiền của siêu lừa này. Vào giữa thập niên 1990, Payne dùng nhân danh nhà thờ để thuyết phục gần 18.000 người góp vốn cho ông ta, hứa sẽ trả lãi lớn thông qua việc đầu tư vào vàng, bạc và trái phiếu nước ngoài.

Trên thực tế, Payne đã dùng séc để rút tiền dưới mức giới hạn thông báo 10.000 USD nhằm không bị phát hiện. Tuy nhiên, do Payne rút tiền bằng séc rất nhiều lần nên đã bị Thuế vụ Mỹ chú ý. Khi ra tòa, Payne cho biết, số tiền đã bị dùng làm quà biếu chứ không phải được đầu tư. Payne lĩnh án 27 năm, còn vợ ông ta là Betty ngồi tù 12 năm rưỡi.

8. David Dominelli (Mỹ)

Năm 1979, Domilelli mở một công ty ở California, Mỹ và hứa trả cho những nhà đầu tư góp vốn sớm mức lãi 40-50%. Đây là một vụ lừa đảo Ponzi kinh điển, trong đó Dominellini dùng tiền của nhà đầu tư đến sau trả cho nhà đầu tư đến trước, huy động được tới 80 triệu USD. Đến năm 1983, gần 1.500 nhà đầu tư đã mắc bẫy của siêu lừa này, khiến ông ta dần dần không thể đáp ứng được khả năng rút vốn nữa. Vào năm 1985, Dominelli bị kết án 20 năm tù giam và được tha bổng sau khi thụ án 10 năm. Ông ta qua đời vào năm 2009 tạiChicago.

9. Bernie Madoff (Mỹ)

Bernard Lawrence Madoff (sinh ngày 29 tháng 4 năm 1938) là một doanh nhân người Mỹ. Madoff bắt đầu sự nghiệp tài chính ở tuổi 22 với 5.000 USD trong tay, khoản tiền ông tự kiếm được nhờ làm các công việc trong kỳ nghỉ hè, chẳng hạn như lắp đặt hệ thống tưới vườn ở New York. Đến năm 1960, Ông sáng lập hãng Bernard L. Madoff Investment Securities LLC ở phố Wall và là chủ tịch hãng này đến ngày 11 tháng 12 năm 2008. Ông nguyên là chủ tịch của sàn giao dịch chứng khoán NASDAQ. Bernie Madoff được xem là biểu tượng của tội phạm tài chính hiện đại. Năm 2008, ông bị cáo buộc vận hành một vụ lừa đảo Ponzi trị giá 50 tỷ USD, lớn nhất trong lịch sử. Với uy tín ở Phố Wall, các quỹ đầu tư của công ty Madoff hấp dẫn các nhà đầu tư bởi lời hứa lợi nhuận cao và chi phí thấp. Vì thế hàng chục ngàn nhà đầu tư (cá nhân và doanh nghiệp) đã đầu tư vào quỹ của Madoff thông qua các đối tác của công ty này và ký gửi cho ông ta hàng chục tỷ USD. Đồng thời các nhà đầu tư đó đã được Madoff trả lãi suất rất cao, luôn ở mức 2 con số (10,5% lãi mỗi năm) mà không hề biết rằng số tiền lãi đó chỉ đơn giản là lấy tiền của nhà đầu tư sau trả cho nhà đầu trướctheo như mô hình lừa đảo kiểu Ponzi.

Hàng loạt ngân hàng, tổ chức tài chính trên thế giới sau đó đã phải thừa nhận họ đã sập bẫy của Madoff. Danh sách những nạn nhân của Madoff ngày một dài hơn và trong đó có rất nhiều tên tuổi các ngân hàng hàng đầu trên thế giới như Santander của Tây Ban Nha, ngân hàng Anh HSBC, ngân hàng Hoàng gia Scotland, ngân hàng BNP của Pháp, ngân hàng Nomura (Nhật Bản)… Không chỉ có các thể chế tài chính mà những tổ chức nhân đạo cũng bị ảnh hưởng. Nhiều tổ chức nhân đạo đã phải đóng cửa và sa thải nhân viên sau khi bị mất toàn bộ tiền vào quỹ của Madoff.

“Nạn nhân” của Madoff bao gồm từ những nhân vật nổi tiếng như Elie Wiesel, người đoạt giải Nobel Hòa Bình năm 1986, đạo diễn Steven Spielberg (Mỹ) đến các triệu phú, các công ty tư vấn đầu tư và quỹ phòng hộ (hedge)… Thậm chí siêu lừa Allen Stanford cũng trở thành 1 nạn nhân của Madoff với số tiền đầu tư lên đến 400.000 USD. Có thể nói cú lừa thế kỷ này của Madoff chẳng khác nào thảm hoạ sóng thần quét sạch các tổ chức tài chính trên thế giới và đây được coi là vụ “vỡ hụi” khủng khiếp nhất trong lịch sử thế giới với tổng thiệt hại lên đến 64.8 tỷ USD.

Kết thúc vụ án, Madoff phải ra vành móng ngựa vào tháng 12 năm 2008 chịu mức án phạt 150 năm tù. Tuy nhiên, mức phạt này chưa phải là kết cục làm hài lòng những “nạn nhân” của siêu lừa Bernard Madoff. Bởi với họ, những người đã mất toàn bộ tài sản, gia đình tan nát, thậm chí có người đã tự tử vì tay trắng thì quãng đời còn lại trong lao tù của Madoff vẫn là sự trừng phạt “nhẹ nhàng”.

  1. Scott Rothstein và đường dây bán hàng đa cấp

Scott Rothstein, sinh ngày 10 tháng 6 năm 1962 là một luật sư người Mỹ, đồng thời là chủ tịch hội đồng quản trị kiêm giám đốc điều hành công ty luật Rothstein Rosenfeldt Adler. Năm 2005, Rothstein bỗng phất lên “như diều gặp gió” nhờ kinh doanh đa cấp và trở thành cái tên nổi tiếng không chỉ trong giới luật sư, mà còn trong giới tài chính Mỹ.

Ở 47 tuổi, Scott Rothstein đã trở thành triệu phú Mỹ và nắm trong tay khối tay sản lên đến hàng tỷ USD. Không những thế, Scott Rothstein còn có một cuộc sống vô cùng xa hoa với hàng hiệu, xe xịn và gái đẹp.

Cũng theo mô hình Ponzi, bắt đầu từ năm 2005, lợi dụng uy tín và sự thành công của công ty luật, Rothstein đã mời chào để bán cổ phần các khu đất giả mạo cho nhiều nhà đầu tư với lí lẽ rằng khách hàng sẽ được giảm giá lớn nếu tiền tới sớm và chồng cả cục.

Theo John Gillies, trợ lý đặc biệt phụ trách văn phòng Miami của FBI, Scott Rothstein dường như có một sức hút kỳ lạ từ một luật sư uy tín để tất cả các nhà đầu tư có thể tin rằng số tiền đầu tư của họ sẽ tạo ra được khoản lợi nhuận khổng lồ. Số lợi nhuận Rothstein thu về từ việc làm ăn phi pháp này lên tới 1,2 tỉ USD.

Cũng kể từ khi bắt đầu sự nghiệp bán hàng đa cấp, Rothstein cũng bắt đầu hình thành thói quen sưu tập xế khủng, đồng hồ hàng hiệu và mải mê lao vào những cuộc tình ngắn ngủi, bỏ bê vợ con, gia đình.

Sự việc được phanh phui vào đầu tháng 11 năm 2009, Scott Rothstein bị kêt tội lừa đảo và chiếm đoạt tài sản lên tớ 1,2 tỷ USD. Tất cả những tài sản giá trị của Rothstein được đem ra bán đấu giá để đền bù một phần cho người bị hại.

Với hành vi lừa đảo của mình, ngày 9 tháng 6 năm 2010, Scott Rothstein đã phải lãnh mức án 50 năm tù.

.

  1. Ding Ning (Trung Quốc)

21 người tham gia vào hoạt động gây quỹ lừa đảo trực tuyến để trục lợi 50 tỉ nhân dân tệ (gần 7,6 tỉ USD) từ hơn 900.000 nhà đầu tư.

Từ trái qua: Ding Ning, Zhang Min và Yong Lei. Ảnh: SCMP

.Đây được xem là vụ lừa đảo qua mạng lớn nhất từ trước đến giờ ở Trung Quốc tính về số tiền thiệt chiếm đoạt và số lượng nhà đầu tư tham gia.

Các nghi phạm làm việc cho Công ty Ezubao – hoạt động bằng phương pháp chia sẻ mạng ngang hàng (P2P). Thực chất đây là cách thức lừa đảo kiểu Ponzi (lừa đảo tín dụng đa cấp) vì 95% dự án tài chính mà họ đưa lên mạng internet để thu hút nguồn vốn đều không tồn tại.

Tổng cộng hơn 900.000 nhà đầu tư Trung Quốc đã sập bẫy và số tiền những kẻ lừa đảo bỏ túi tròm trèm 7,6 tỉ USD.

Một trong số các nghi phạm bị bắt là Ding Ning (34 tuổi). Tên này khởi xướng Ezubao – được xem là dự án kinh doanh tài chính trực tuyến lớn nhất Trung Quốc – từ tháng 7-2014 tại tỉnh An Huy và cũng là Chủ tịch điều hành Công ty Yucheng. Họ Ding cùng đồng bọn đưa ra lợi nhuận hàng năm ở mức dao động từ 9-14,6% để làm mờ mắt các nhà đầu tư.

Nhưng trên thực tế, hầu hết dự án liệt kê trên trang web của bọn chúng đều là dự án “ma” và những kẻ lừa đảo sử dụng nguồn vốn từ các nhà đầu tư mới để trả nợ cũ. Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (Hồng Kông) cho biết Ding dùng tiền lừa đảo để phục vụ cuộc sống ăn chơi xa hoa của bản thân.

Vụ lừa đảo quy mô lớn nói trên đặt ra nguy cơ đối với ngành công nghiệp quản lý tài sản tăng trưởng nhanh của Trung Quốc. Nhiều sản phẩm được bán thông qua các kênh với quy định lỏng lẻo, như nền tảng đầu tư tài chính trực tuyến và sàn giao dịch được tư nhân điều hành.

Tầng lớp trung lưu ngày càng tăng ở Trung Quốc ngày càng bị thu hút vào các dự án đầu tư trực tuyến để nhanh chóng trở nên giàu có. Ngành công nghiệp quản lý tài sản ở nước này trị giá ước tính 2,6 ngàn tỉ USD.

  1. Mạng ảo bán hàng MB24 (Việt Nam)

Ba sếp tại Công ty MB24 bị cáo buộc đã chiếm đoạt tiền

.

Công ty cổ phần Đào tạo và Mua bán trực tuyến (MB24) thông qua trang web muaban24.vn thì một số trang web khác cũng có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua việc bán các gian hàng ảo trên trang web muaban24.vn theo hình thức gần giống như dạng bán hàng đa cấp.

Các đối tượng cầm đầu đã chiếm đoạt hàng chục tỷ đồng của hàng trăm nghìn người tham gia.

Cơ quan công tố cáo buộc, với chiêu khi hội viên giới thiệu nhiều người tham gia sẽ được tích điểm, nâng lên cấp độ VIP, được làm phó giám đốc, MB24 khiến hàng trăm nghìn người tưởng các gian hàng ảo là thật nên đã nộp tiền và rủ bạn bè, người thân tham gia để kiếm hoa hồng và chia nhau lợi nhuận. Từ tháng 5/2011 đến tháng 7/2012, MB24 đã bán hơn 120.000 gian hàng ảo thu hơn 630 tỷ đồng.