Thực tế nợ công đáng quan ngại hơn nhiều!
PS:CHẲNG THẤY GIẢI PHÁP ĐÂU?!
Theo Đồng hồ nợ công toàn cầu, tính đến tháng 1/2015, nợ công của Việt Nam ở mức 87.063 tỷ USD, chiếm 46.9% GDP, tăng 10.2% so với năm 2013; bình quân nợ công đầu người 960 USD.
Tuy nhiên, Ts. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam tại Diễn đàn Kinh tế Mùa Xuân khai mạc sáng ngày 21/4, đã đưa ra quan ngại về nợ công. Đó là nếu chỉ nhìn vào các con số thống kê kể trên, có thể đưa ra nhận xét rằng khả năng Việt Nam rơi vào một cuộc khủng hoảng nợ công là không cao. Mức độ nợ công luôn được báo cáo ở dưới ngưỡng an toàn, các điều chỉnh về mặt pháp luật là tương đối hợp lý và phù hợp với hoàn cảnh cũng như điều kiện hiện tại.
“Song vấn đề không nằm ở con số nợ công là bao nhiêu, mà là ở xu hướng tăng trưởng của nợ công và khả năng trả nợ. Nghĩa là cần cân nhắc trong tương lai ngắn hạn rất có khả năng nợ công của Việt Nam sẽ tăng vượt ngưỡng 65% và khả năng trả nợ của chúng ta là rất khó khăn và hạn chế, xét trên những rủi ro về nợ công, quản lý nợ công và vấn về thâm hụt ngân sách”, Ts. Trần Đình Thiện nhận định.
Đồng thời, theo Ts. Thiên, mức nợ công của Việt Nam hiện vẫn đang được đánh giá là trong phạm vi kiểm soát, nhưng nếu xét trên cấu trúc nợ của Việt Nam, thực tế có thể nghiêm trọng hơn rất nhiều. Bên cạnh đó, các tính toán về nợ công và nợ nước ngoài của Việt Nam có những sai lệch ở các nguồn khác nhau và tại các thời điểm khác nhau.
Vì vậy, việc đánh giá rủi ro đối với nợ công Việt Nam không thể dựa trên các khoản nợ ghi nhận trên sổ sách. Những khoản nợ xấu của khu vực DNNN dù không được Chính phủ bảo lãnh, nhưng khi gặp vấn đề về khả năng thanh toán, có thể vẫn phải dùng đến ngân sách nhà nước để trả nợ.