TẦM NHÌN "ĐỊA-VĂN-CHÍNH-CÔNG-KINH"
QUYẾT ĐỊNH THÀNH CÔNG

I FORESEE TO WIN
NOTHING IS PERMANENT EXCEPT CHANGE

CASE STUDY N0.995: CHỈ SỐ PMI

Chỉ số Purchasing Managers Index (Quản lý thua mua) – PMI

Chỉ số Quản lý Thu mua (PMI) là chỉ số đo lường “sức khoẻ” kinh tế của ngành sản xuất. PMI dựa trên năm chỉ số thành phần chính: đơn đặt hàng mới, mức tồn kho, sản xuất, giao hàng từ nhà cung ứng và môi trường lao động. Mục đích của PMI là cung cấp thông tin về các điều kiện kinh doanh hiện tại cho các nhà hoạch định chính sách, các nhà phân tích và quản lý mua hàng của các công ty/tập đoàn.

Dữ liệu để tạo thành báo cáo PMI được thu thập bằng cách sử dụng các cuộc khảo sát hàng tháng gửi đến các giám đốc điều hành mua hàng tại khoảng 300 công ty. PMI trên 50 tương ứng với sự mở rộng hoạt động sản xuất so với tháng trước. Một chỉ số PMI dưới 50 cho thấy sự chững lại, và một chỉ số ở ngay mức 50 nghĩa là không có thay đổi. Viện Quản lý Cung ứng (The Institute of supply Management) là cơ quan công bố chỉ số PMI mỗi tháng. Mặc dù ISM còn phát hành một số chỉ số khác, PMI là dữ liệu được áp dụng rộng rãi nhất và đôi khi nó còn được gọi là chỉ số ISM.

 

 

PMI ảnh hưởng các quyết định của các quản lý thu mua trong doanh nghiệp như thế nào?

PMI là một công cụ ra quyết định quan trọng cho các nhà quản lý trong nhiều vai trò khác nhau. Ví dụ, một nhà sản xuất ô tô đưa ra quyết định sản xuất dựa trên đơn đặt hàng mới mà họ mong đợi từ khách hàng trong những tháng tới. Những đơn đặt hàng mới sẽ thúc đẩy các quyết định mua hàng của quản lý về số lượng phụ tùng và nguyên liệu, như thép và nhựa. Số dư hàng tồn kho hiện tại cũng giúp các công ty dự đoán được lượng sản xuất mà nhà sản xuất cần hoàn thành để hoàn tất đơn hàng mới và giữ một số hàng tồn kho vào cuối tháng.

Các nhà cung ứng cũng đưa ra các quyết định dựa trên PMI. Một nhà cung cấp phụ tùng cho nhà sản xuất sẽ dựa trên PMI để ước lượng lượng nhu cầu trong tương lai cho các sản phẩm của mình. Nếu đơn đặt hàng mới của nhà sản xuất đang mở rộng, ví dụ, họ có thể tăng giá khách hàng và chấp nhận sự tăng giá từ các nhà cung cấp của nó. Mặt khác, khi các đơn đặt hàng mới giảm, nhà sản xuất có thể phải giảm giá bán và yêu cầu chi phí thấp hơn cho các linh kiện thu mua.

Một công ty sử dụng tất cả thông tin PMI này để lập kế hoạch ngân sách hàng năm, số lượng nhân viên và dự báo dòng tiền.

 

 

Vai trò của PMI trong nhập khẩu và xuất khẩu

PMI cũng cung cấp thông tin về hàng nhập khẩu và xuất khẩu, đây là số liệu thống kê quan trọng cho các doanh nghiệp hoạt động ở nước ngoài. Giả sử, ví dụ, nhà sản xuất ô tô mua thép tại Hoa Kỳ và từ Trung Quốc. Nếu nhập khẩu đang gia tăng, xu hướngđó sẽ có tác động tiêu cực đến các công ty Mỹ khi bán cùng một sản phẩm. Mặt khác, nếu xuất khẩu của các nhà sản xuất phụ tùng tăng lên, thì một nhà cung cấp linh kiện có thể yêu cầu giá cao hơn từ các công ty Mỹ khi cần mua sản phẩm của họ.

PMI trong việc xác định tình hình nền kinh tế quốc gia

Chỉ số PMI cho thấy tình hình kinh tế khá tổng quát trong cả ngành sản xuất lẫn dịch vụ. Do đó, đây có thể được xem là một thước đo quan trọng cho mức độ phát triển của nền kinh tế, đặc biệt là khi xem xét lĩnh vực sản xuất. PMI cho thấy mức độ “sôi động” của việc mua bán trong lĩnh vực sản xuất trong một 1 tháng và các thay đổi qua hàng tháng sẽ phản ánh rõ ràng tốc độ tăng trưởng/suy yếu của khu vực dịch vụ và sản xuất. Đồng thời, nó cũng cho các Trader đánh giá được tiềm năng của các chỉ số khác như giá tiêu dùng CPI, tổng sản phẩm quốc nội GDP… và từ giúp chúng ta dần đoán biết được nền kinh tế Hoa Kỳ đang ở vị trí nào, có như mong đợi của các nhà hoạch định chính sách hay không.

 

PMI là một chỉ số trong top “các chỉ báo kinh tế cần được theo dõi bởi Trader” và mỗi tháng vào thời điểm công bố PMI của một trong các đồng tiền tệ chính, thị trường đều sẽ biến động mạnh. Trader nắm bắt được điều này có thể giảm thiểu rủi ro và nắm lấy cơ hội giao dịch từ chỉ số PMI.

CASE STUDY N0.994 :DỰNG SỔ – CÔNG CỤ GỌI VỐN HỮU HIỆU CHO DOANH NGHIỆP

1-Phương pháp dựng sổ là gì?

Phương pháp dựng sổ là quá trình mà qua đó nhà bảo lãnh phát hành chính cố gắng xác định mức giá chào bán chứng khoán dựa trên nhu cầu của các nhà đầu tư tổ chức.

Một công ty bảo lãnh phát hành chính dựng sổ dựa trên nhu cầu bằng cách nhận lệnh từ các công ty quản lý quỹ đầu tư, xác định số lượng cổ phần họ mong muốn và mức giá họ sẵn sàng trả.

Dù là một thương vụ mua bán cổ phần, hay một đợt phát hành lần đầu (IPO), trên cơ sở cam kết dài hạn với nhà đầu tư, nhà bảo lãnh phát hành chính là kênh duy nhất cung cấp các thông tin về doanh nghiệp phát hành, cũng như về đợt chào bán.

2-Đặc điểm của phương thức dựng sổ

Tất cả các phương thức dựng sổ đều có những đặc điểm:

– Được thực hiện trong một khung thời gian nhất định (vài giờ cho tới 2 tuần);

– Thông tin về nhu cầu theo thời gian thực được minh bạch hóa tới các nhà bảo lãnh phát hành, các cổ đông chào bán và đơn vị phát hành;

– Các điều khoản (bao gồm khoảng giá, ngày công bố) có thể được thay đổi trong quá trình dựng sổ để phù hợp với phản ứng của thị trường;

– Kết thúc bằng việc đàm phá về mức giá và phân bổ chứng khoán tối ưu mà các cổ đông đều đồng ý. Sau khi định giá, việc phân bổ được công ty bảo lãnh phát hành chính đảm bảo thực hiện;

– Các công ty bảo lãnh phát hành chính đảm bảo với các cổ đông chào bán và bên phát hành rằng, việc phân bổ chứng khoán sẽ được thực hiện theo đúng cam kết.

3-Nguyên tắc trong hoạt động dựng sổ

Theo sau một hoạt động dựng sổ và xác định giá thành công, công ty bảo lãnh phát hành chính sẽ khuyến nghị việc phân bổ cho các cổ đông chào bán và bên phát hành dựa trên các nguyên tắc:

– Ưu tiên nhà đầu tư với khối lượng mua lớn, tập trung vào dài hạn;

– Khả năng mua trên thị trường thứ cấp và hỗ trợ thanh khoản cho cổ phiếu;

– Đóng góp vào việc phản hồi thông tin và định;

– Sự đồng nhất giữa lệnh đặt và khả năng tài chính của nhà đầu tư;

– Giảm trường hợp “ăn theo” và khả năng điều khiển giá cả trên thị trường thứ cấp.

Có một yếu tố cần đặc biệt lưu ý là việc ổn định trên thị trường thứ cấp. Theo đó, có thể có 3 kịch bản:

Thứ nhất, giá cổ phiếu diễn biến tích cực, không cần mua vào để ổn định giá. Các phương án phát hành vượt mức được thực hiện, quy mô thương vụ tăng khi kích hoạt phương thức “greenshoe” (cho phép phát hành thêm không quá 15%).

Thứ hai, giá cổ phiếu ban đầu giảm, nhưng sau đó hồi phục, một số giao dịch ổn định giá được thực hiện khi giá rơi xuống mức giá chào bán.

Có thể thực hiện một phần hoặc toàn bộ việc kích hoạt lựa chọn phát hành thêm (phương thức “overallotment” cho phép nhà bảo lãnh phát hành được phát hành thêm 15%) trong trường hợp các cổ phiếu mua trước đó được bán lại trên thị trường.

Thứ ba, giá cổ phiếu giảm và tiếp tục giảm bất kể mọi nỗ lực bình ổn giá. Các cổ phiếu được phát hành thêm được thực hiện mua lại. Phương án phát hành thêm không được thực hiện và quy mô thương vụ cuối cùng giữ nguyên như quy mô ban đầu.

4-Kinh nghiệm tham khảo

Tại đợt chào bán cổ phiếu lần đầu trị giá 1,9 tỷ USD theo phương pháp dựng sổ của Google năm 2004, Morgan 
Stanley giành vị trí chủ chốt trong việc dựng sổ và vận hành hệ thống sổ lệnh tổng.

Quá trình chào bán được Google lựa chọn nhằm đạt được các mục tiêu: Thực hiện một quy trình công bằng cho cả nhà đầu tư lớn và nhỏ; đảm bảo một kết quả thành công cho Google và cổ đông; xác định giá cổ phần phản ánh đúng giá trị thị trường và đảm bảo giá giao dịch thứ cấp ổn định.

Quy trình đấu giá của Google bao gồm 5 bước chính: duyệt hồ sơ (từ 30/7 đến 12/8); bỏ thầu đấu giá (từ 13/8 đến 18/8); kết thúc đấu giá (18/8); định giá (18/8); phân bổ (18/8).

Theo đó, tất cả nhà đầu tư đều có ID đấu thầu trước khi tiến hành đợt đấu giá. Các mức giá đấu đều là chào mua có điều kiện. Tất cả các đơn thầu đều được cộng dồn trên sổ lệnh tổng, trong đó các mức giá thầu được liệt kê trên cơ sở từng tài khoản. Tất cả các bên bỏ thầu được yêu cầu chấp nhận việc chuyển giao hồ sơ và các thông báo thông qua thư điện tử liên quan tới vụ IPO.

Định giá dựa trên giá thanh toán theo công bố của tất cả các giá bỏ thầu và phân tích phân bổ thầu được đưa vào trong quá trình đấu giá. Phân bổ dựa trên công thức và không có ưu tiên cho bất kỳ nhà đầu tư nào, hay mức bỏ thầu nào. Kết quả là giá thị trường đạt được cho phiên chào bán cổ phần đạt tới 24,6 tỷ USD.

CASE STUDY N0.990 : Không phải “Sell in May”, tháng 11 mới là ác mộng thực sự với TTCK Việt Nam

1-Tháng 11, cơn “ác mộng” thực sự với TTCK Việt Nam

Trái với những quan niệm mang tính truyền thống, trên thực tế không phải tháng 5, tháng 8, tháng 9 mà thời điểm xấu nhất với TTCK Việt Nam lại rơi vào tháng 11.

Đối với nhà đầu tư chứng khoán, câu nói “Sell in May and go away” có lẽ không còn quá xa lạ với ám chỉ thị trường trong tháng 5 thường diễn biến khá phức tạp và không thực sự thuận lợi cho việc đầu tư.

Tuy nhiên, đối với TTCK Việt Nam thì dường như “Sell in May” có lẽ không hoàn toàn chính xác. Thống kê từ năm 2008 đến nay cho thấy diễn biến trên TTCK Việt Nam khá cân bằng với 5 lần tăng và 5 lần giảm.

Tháng 7 âm lịch, thường rơi vào tháng 8 hoặc tháng 9 dương theo quan niệm dân gian cũng là thời điểm không thích hợp cho đầu tư. Tuy nhiên, cũng giống như “Sell in May”, thống kê cho thấy diễn biến TTCK Việt Nam trong giai đoạn tháng 7 âm cũng không quá xấu với số lần tăng, giảm điểm bằng nhau.

Trái với những quan niệm mang tính truyền thống, trên thực tế không phải tháng 5, tháng 8, tháng 9 mà thời điểm xấu nhất với TTCK Việt Nam lại rơi vào tháng 11.

Tính từ năm 2008 đến nay chỉ số VnIndex có tới 8 lần giảm điểm trong tháng 11, chỉ có duy nhất 1 lần tăng điểm vào năm 2013 với mức tăng vỏn vẹn 2,08%. Trong khi đó, những lần điều chỉnh vào tháng 11 thường có biến động khá mạnh, thậm chí có những năm giảm trên 5% như 2008; 2009; 2011; 2014 và 2015.

Ngược lại, diễn biến tích cực của TTCK Việt Nam thường rơi vào giai đoạn tháng 3, tháng 4 với số lần tăng điểm áp đảo.

Xu hướng TTCK Việt Nam thường tiêu cực trong tháng 11 (biến động %)

Việc TTCK thường có biến động xấu vào tháng 11 có nguyên nhân bởi đây là quãng thời gian khối ngoại, đặc biệt các quỹ ETF thường tiến hành bán ròng sau khi thực hiện mua ròng trước đó. Ngoài ra, tháng 11 cũng là lúc mùa KQKD quý 3 qua đi, trong khi KQKD cả năm chưa tới khiến thị trường rơi vào vùng trũng thông tin hỗ trợ, khiến tâm lý giới đầu tư trở nên thận trọng hơn.

2-Tháng 11 năm nay ra sao?

Chưa cần đến tháng 11, TTCK Việt Nam hiện đang có những biến động khá dữ dội. Mặc dù chỉ số VnIndex liên tục tăng điểm trong thời gian gần đây nhưng đà tăng chỉ đến từ một vài Bluechips dẫn tới hiện tượng “xanh vỏ đỏ lòng” và không ít nhà đầu tư đã đánh mất thành quả từ đầu năm, thậm chí thua lỗ.

Kết thúc phiên giao dịch cuối tháng 10, VnIndex đã đảo chiều giảm gần 8 điểm với áp lực bán lan rộng trên toàn thị trường. Trong khi đó, một số cổ phiếu chủ chốt giúp VnIndex đứng vững trong giai đoạn vừa qua đã có dấu hiệu suy yếu khiến thị trường thiếu đi lực đỡ và đối mặt với nguy cơ tiếp tục điều chỉnh. Nhận định của các CTCK hiện đang nghiêng về kịch bản không tích cực trong ngắn hạn.

Mùa báo cáo KQKD quý 3 cũng đã khép lại với số lượng doanh nghiệp có lợi nhuận sụt giảm chiếm áp đảo và điều này càng khiến thị trường thêm phần ảm đạm.

Tuy vậy, thị trường hiện không chỉ toàn gam màu xám mà vẫn có một số điểm tích cực. Trong 4 phiên giao dịch gần nhất, khối ngoại đã trở lại mua ròng, dù con số vẫn chưa thực sự thuyết phục nhưng nếu lực mua tiếp tục được duy trì thì đây sẽ là yếu tố hỗ trợ cho thị trường.

Bên cạnh đó, diễn đàn hợp tác kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương (Apec) chuẩn bị khai mạc trong tháng 11 tại Việt Nam cũng được kỳ vọng sẽ mang đến cú huých cho thị trường.

Trên thị trường quốc tế, chỉ số Dow Jones vẫn liên tiếp chinh phục đỉnh cao mới, trong khi giá dầu Brent đã vượt đỉnh 2 năm cũng có thể là những yếu tố tích cực cho TTCK Việt Nam nói chung và nhóm cổ phiếu dầu khí nói riêng.

 

 

CASE STUDY N0.989 : CÓ PHẢI G.SOROS LÀ “KẺ GIẬT DÂY “ CUỘC KHỦNG HOẢNG TÀI CHÍNH CHÂU Á 1977 ?

Trước năm 1997, kinh tế ở các nước Đông Á có thể nói là rất ổn, vẫn tiếp tục phát triển sau một thời gian dài tăng trưởng ngoạn mục. Ngoại trừ một số vướng mắc nho nhỏ, như sự gắn chặt đồng nội tệ với đồng USD, chính sách tự do tài khoản vốn, lỏng lẻo trong kiểm soát tài chính… Thế mà, đùng một cái – khủng hoảng tiền tệ. Trước hết, đồng Baht mất giá thê thảm ở Thái Lan, sau đó nhanh chóng lan tỏa sang Hàn Quốc, Indonesia, rồi tới Hồng Kông, Malaysia, Philippines. Không dừng lại, chỉ mấy tháng sau, cuộc khủng hoảng đã mang tính toàn cầu khi lôi kéo Nga, Brasil vào vòng xoáy. Rất may, cùng với Trung Quốc, Đài Loan, Singapore, Việt Nam nằm trong nhóm các nước ở châu Á ít bị ảnh hưởng nhất.1 Vì sao khủng hoảng lại xảy ra nhanh như vậy? Đây là hiện tượng mang tính qui luật tất yếu hay có một bàn tay tàng hình nào đó giật dây? Thực tế diễn biến khủng hoảng tiền tệ tại các nước Đông Á luôn cho chúng ta cảm giác, có một thỏa thuận ngầm nào đó, khiến người ta đang hợp sức để phá giá đồng tiền của các quốc gia ASEAN. Có thật vậy không? Và nếu có thì để làm gì? Hơn 10 năm trôi qua, đã có hàng nghìn trang sách về sự kiện này, nhưng các nhà kinh tế vẫn tiếp tục đi tìm câu trả lời thỏa đáng.

Nguy cơ tiềm ẩn
Mùa hè năm 1997, Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Philippines, Singapore và Hàn Quốc, các con rồng con hổ châu Á, đang là điểm đến lý tưởng của giới đầu tư trên khắp thế giới. Tăng trưởng kinh tế cao, ổn định (trung bình 8-10%), lãi suất đầu tư hấp dẫn, thị trường chứng khoán và nhu cầu tiêu dùng cao cấp phát triển vượt bậc. Bấy nhiêu thôi cũng đủ thu hút dòng tiền đầu tư trên toàn thế giới đổ dồn về đây, đặc biệt là dòng đầu cơ tài chính ngắn hạn.
Mô hình kinh tế của các nước Đông Á lúc này cơ bản là theo mô hình của chủ nghĩa vị tiền hiện đại (monetarism).2 Chính sách tài chính tiền tệ vĩ mô sẽ quyết định hiệu quả sản xuất. Lạm phát, tỷ giá, thu hút đầu tư là những vấn đề quan tâm hàng đầu của chính phủ. Cũng không có gì lạ, vì lý thuyết này đến thời nay vẫn rất thịnh hành ở các nước phương Tây. Duy chỉ có hai điểm đặc biệt đáng lưu ý. Thứ nhất, sản xuất tập trung vào xuất khẩu và quan tâm đặc biệt để đáp ứng nhu cầu trên thị trường Mỹ. Thứ hai, gắn chặt đồng tiền quốc gia vào đồng USD. Làm như vậy rõ ràng có nhiều cái lợi, nhưng cũng không ít cái hại. Tự nhiên nền sản xuất trong nước lại phụ thuộc quá nhiều vào nhu cầu trên thị trường Mỹ, cơ sở hạ tầng cũng thế. Trong khi đó, nhu cầu của thị trường nội địa gần như bị lãng quên. Về lâu dài, nền kinh tế quốc gia sẽ mất dần tính chủ động. Đó là cái hại thứ nhất. Gắn chặt đồng tiền quốc gia vào đồng USD, cảm giác an toàn sẽ tăng lên. Chỉ có điều khi chính sách tiền tệ của USD thay đổi, đồng tiền quốc gia bắt buộc cũng phải thay đổi theo, bất chấp tình hình thực tế trong nước như thế nào. Đơn cử, bắt đầu từ giữa những năm 1990, Cục dự trữ Liên bang Mỹ, dưới dự lãnh đạo của Alan Greenspan bắt đầu thực hiện chính sách tăng lãi suất tín dụng của đồng USD để giảm thiểu nguy cơ lạm phát. Lãi suất tăng, tiền từ các khu vực vốn có lợi nhuận cao bắt đầu đổ ngược về Mỹ. Phản ứng của các thành viên Đông Á, không có gì ngạc nhiên, là đồng loạt tăng lãi suất (vốn đã quá cao) hòng giữ chân các nhà đầu tư. Đồng tiền quốc gia tăng giá, dĩ nhiên là năng lực cạnh tranh, đặc biệt lợi thế xuất khẩu sẽ giảm đi rất nhiều. Trong khi, tại Mỹ, uy tín của đồng USD ngày càng tăng, mà sản phẩm nội quốc cũng được đà phát triển.

 

Bàn về vấn đề này, ngay từ năm 1994, nhà kinh tế Mỹ Paul Krugman (MIT) đã lên tiếng cảnh báo về sự thật của các “thần kỳ kinh tế Đông Á”. Ông cho rằng tăng trưởng kinh tế nhờ “bơm” nguồn vốn đầu tư không mệt mỏi từ bên ngoài mà không tạo được những bước tiến thực chất trong sản xuất cũng như nâng cao năng suất sản xuất tổng hợp thì khó có thể mang lại sự thịnh vượng lâu dài.3 Các nước Đông Á có nghe nhưng không mấy để tâm tới lời cảnh báo này. Đơn giản là vì trong thâm tâm họ vẫn nghĩ, sẽ không thể có chuyện gì xảy ra, bởi bên cạnh họ đã có một người bạn lớn, như bức thành trì vững chãi – Hoa Kỳ. 

Diễn biến
Thế rồi, chuyện gì phải đến đã đến.
Thái Lan. Đầu năm 1997, một số quỹ đầu cơ tài chính sừng sỏ như Quantum (George Soros) hay Tiger Management Corp. (Julian Robertson) đã ký hàng loạt các hợp đồng mua bán ngoại tệ có thời hạn (bán đồng Baht Thái, với thời hạn thanh toán chậm từ 6 tháng đến 1 năm) với tổng trị giá lên tới 15 tỷ USD. Người ta đang đánh cược là trong tương lai đồng Baht sẽ phá giá. Trong bối cảnh nền kinh tế khan hiếm USD tiền mặt, những kiểu hợp đồng mua bán ngoại tệ có kỳ hạn như thế này rất thông dụng. Do đó đến Ngân hàng Nhà nước Thái Lan cũng cảm thấy không có chuyện gì đáng ngại, thậm chí còn xem đây là một trong những phương pháp hữu hiệu đảm bảo vốn lưu thông cho nền kinh tế. Mãi phải đến giữa tháng 5, khi những dấu hiệu tiền khủng hoảng xuất hiện, Ngân hàng Thái Lan mới ra quyết định tạm ngừng những kiểu hợp đồng như thế, nhưng đã quá muộn. Ngày 14-15 tháng 6 năm 1997, thị trường tiền tệ ở Thái tràn ngập lệnh bán đồng Baht. Ngân hàng Nhà nước cố sức giữ giá, trong suốt 2 tuần đã chi ra gần 10 tỷ USD để mua đồng Baht và giữ tỷ giá hối đoái ở mức bình thường 25 baht 1 USD. Nhưng không ăn nhằm gì với làn sóng “rũ bỏ” đồng Baht loang ngày càng rộng trên khắp thế giới. Chính phủ Thái đã vùng vẫy bằng mọi cách: từ dụ dỗ, dọa nạt, răn đe giới tài chính cũng như giới báo. Thậm chí cả làm động tác giả. Ngày 30 tháng 6, Thủ tướng Thái Lan Chavalit Yongchaiyudh vẫn cố sống cố chết “sẽ không phá giá baht”, thế mà chỉ 2 ngày sau, 2 tháng 7, baht lập tức mất giá gần 50%. Vào tháng 1 năm 1998, nó đã xuống đến mức 56 baht/1USD. Chỉ số thị trường chứng khoán Thái Lan tụt từ mức 1.280 cuối năm 1995 xuống còn 372 cuối năm 1997. Đồng thời, mức vốn hóa thị trường vốn giảm từ 141,5 tỷ USD xuống còn 23,5 tỷ USD. Finance One, công ty tài chính lớn nhất của Thái Lan bị phá sản.

 

Tại Phippines sự kiện cũng phát triển theo một kịch bản tương tự. Duy có khác là chính phủ nơi đây đã kịp thời ngăn chặn được các đợt tấn công trực tiếp của giới đầu cơ tài chính toàn cầu. Thay vì trực tiếp ra mặt mua peso để giữ giá, chính phủ Philippines đã cho tăng lãi suất ngắn hạn (cho vay qua đêm) từ 15% lên tới 24% (03.07.1997). Cách này có hiệu quả, tuy không ngăn chặn được xu hướng mất giá đồng peso, nhưng giảm thiểu tối đa thiệt hại. Đồng peso mất giá từ: 26peso/1 USD trước khủng hoảng, xuống 38 peso/1 USD vào năm 2000. Đây được xem là một thành công lớn.Kịch bản khủng hoảng ở các nước khác như Malaysia, Indonesia, Hàn Quốc, Hồng Kông đều diễn ra với những nét tương đồng. Tuy nhiên, hậu quả thì mỗi nơi mỗi khác, phụ thuộc vào khả năng ứng phó trong điều kiện khủng hoảng của chính phủ và năng lực cũng như cơ cấu của nền kinh tế. Duy chỉ có điều ai cũng biết, thiệt hại mà khủng hoảng đưa lại cho các nước châu Á là quá lớn, dư âm của nó vẫn còn tồn tại cho đến tận ngày hôm nay.4

Thực chất đã xảy ra chuyện gì?
10 năm là một khoảng thời gian đủ dài để chúng ta nhìn nhận những gì đã qua. Rõ ràng khủng hoảng tài chính châu Á 1997 hoàn toàn không ngẫu nhiên. Đó là một cuộc tấn công các nền kinh tế mới nổi, những con rồng con hổ châu Á, một cách có tổ chức. Vấn đề là ai tấn công và tấn công để làm gì? Thủ tướng Malaysia, Mahathir Mohamad, ngay sau khủng hoảng, đã chỉ mặt gọi tên thủ phạm gây ra mọi chuyện chính là các tập đoàn đầu cơ tài chính với đầu chòm là tỷ phú quốc tịch Mỹ, người Hungary gốc Do Thái George Soros. Quả thật, G. Soros và đồng đội đã kiếm được hàng tỷ USD lợi nhuận sau vụ đầu cơ này. Bản thân G. Soros không phủ nhận việc mình đã kiếm bạc tỷ trong đợt khủng hoảng tiền tệ, Nhưng lại phủ nhận hoàn toàn động cơ của nó. Ông và các đồng nghiệp đơn gian chỉ là những nhà tài chính nhạy cảm, dám mạo hiểm và gặp may. Khủng hoảng kinh tế châu Á, theo G. Soros đó là hệ quả tất yếu báo hiệu một cuộc khủng hoảng lớn hơn nhiều – khủng hoảng tư bản toàn cầu.5
Một luồng ý kiến thứ 2 cho rằng, G. Soros nhận nhiệm vụ của các nước phương Tây, đứng đầu là Mỹ, tạo khủng hoảng để ra đòn cảnh báo ASEAN. Còn nhớ, tháng 5-1997, có nghĩa chỉ 2 tháng trước cuộc khủng hoảng, ASEAN đã phớt lờ sự phản đối của Mỹ và EU khi chính thức kết nạp Myanma làm thành viên. Cũng có thể, nhưng chưa thuyết phục. Đơn giản là vì chế độ quân sự ở Myanma đã được thiết lập từ năm 1962. Biết bao nhiêu chuyện đã xảy ra trong chừng ấy năm, biết bao nhiêu cơ hội, đâu cần chờ đến 35 năm mới ra tay.
Vậy thì ai? Ai là chủ nhân đích thực của khủng khoảng?
Kể ra cũng không khó lắm để nhìn thấy. Ai là người được hưởng lợi nhiều nhất từ khủng hoảng tiền tệ châu Á 1997 – người đó là chủ nhân.
G. Soros – dĩ nhiên, nhưng không phải mình ông ta. Chỉ xin liệt kê dưới đây một danh sách ngắn những công ty đã kịp thời “chiếm hữu” tài sản của các tập đoàn châu Á với giá bèo bọt:
– BNP Paribas thôn tính Peregrine, một trong những tập đoàn tài chính hàng đầu châu Á. Đây là kết quả của đồng rupee Indonesia bị phá giá;
– Procter & Gamble nuốt chửng Ssanyong Paper của Hàn Quốc;
– General Motors mua với giá gần như cho không Daewoo Motor;
– Prudential Securities nắm quyền kiểm soát Nava Finance & Securities;
– First Pacific vươn tay tới San Miguel, công ty bia hàng đầu của Philippines;
– Citibank định thôn tính First Bangkok City Bank nhưng chưa thành công.
Danh sách này vẫn còn có thể kéo dài nữa, nhưng thôi. Rõ ràng, các chú hổ mới lớn châu Á, đang bị nhóm thợ săn dày dạn kinh nghiệm phương Tây săn đuổi với vai trò dẫn đường là các tay đầu cơ tài chính G. Soros và đồng đội. Yểm trợ phía sau chính là hai đại xạ thủ IMF và WB, với những khoản vay kèm điều kiện khắc nghiệt, mà nếu thực thi thì chỉ làm khủng hoảng ngày một trầm trọng thêm. Tài sản “săn” được cuối cùng sẽ được phân chia cho số đông theo danh sách kể trên, có tính đến sở thích và tích cách từng người.
Dĩ nhiên, để tổ chức một cuộc săn bắn qui mô như vậy không thể thiếu được người cầm chịch. Người đó là ai? Chẳng nhẽ lại là Mỹ – siêu cường số một thế giới? Hồ đồ, hãy học cách loại bỏ thói quen, buôn bán thua lỗ –  đổ lỗi cho số phận. Thất thế trong cạnh tranh quốc tế – đổ lỗi cho nước giàu. Nước Mỹ thì được lợi lộc gì trong vụ đi săn này?
Bị khủng hoảng tài chính “quần” cho một trận nên thân, các nước Đông Nam Á, sau đó là Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Nga, Brasil, rồi loang rộng ra tất cả các nước thuộc thế giới thứ ba, ngậm ngùi nhận ra một chân lý bất di bất dịch: muốn phòng chống được khủng hoảng tài chính phải tích trữ thật nhiều ngoại tệ. Càng nhiều càng tốt. Càng nhiều càng yên tâm. Và dĩ nhiên, đã là ngoại tệ thì không có loại nào chắc chắn bằng USD. Thế là các nước đua nhau tích trữ USD, mà không hề nghĩ rằng mình đang tự nguyện tài trợ vốn, không lãi hoặc lãi suất rất thấp cho nền kinh tế Mỹ phát triển.
 Cái bẫy cuối cùng của khủng hoảng tiền tệ châu Á 1997 có phải là ở đây?

Và những cạm bẫy nào còn chờ ta phía trước?
Dù cái bẫy trên có có thật hay không, suy diễn của chúng tôi có đúng hay không, thì ta cũng hết sức cảm ơn cuộc khủng hoảng tài chính cách đây mười năm. Cuộc khủng hoảng đã cho chúng ta những bài học quí giá. Mà nhờ đó biết đâu, chúng ta có thể tránh được nhiều cạm bẫy khác trong tương lai. Bài học thứ nhất, phải chủ động trong mọi tình huống, đừng quá phụ thuộc và hy vọng vào một thứ, cho dù là thứ ta tưởng như chắc chắn nhất (ví như sức mạnh của nền kinh tế Mỹ và độ bền vững của đồng USD). Thứ hai, tự do hóa thị trường vốn là một việc làm nguy hiểm, hãy cảnh giác. Hãy lượng sức mình để cởi và mở hệ thống tài chính, bởi đó là huyết mạch của nền kinh tế quốc gia. Nếu để người ngoài dễ dàng kiểm soát và điều khiển ví tiền của nhà mình thì ôi thôi, còn gì để nói nữa. Thứ ba, đừng quá tin tưởng vào các đơn thuốc của các tổ chức tài chính quốc tế (như IMF hay WB), bởi nhiều khi chính họ cũng là đồng tác giả của các trò chơi toàn cầu. Thứ tư, kêu gọi đầu tư, vay mượn tín dụng, làm gì cũng phải hết sức thận trọng. Mục tiêu tăng trưởng cao là tốt. Nhưng không tăng trưởng bằng vay mượn, bằng thu hút đầu tư thiếu thanh lọc. Nếu đảm bảo được mức tăng trưởng ổn định nhờ tăng hiệu suất và sức mạnh sản xuất thực tế là quí nhất. Thứ năm, sống trong thế giới đa cực hôm nay, mỗi quốc gia cũng như mỗi con người đều phải hết sức tỉnh táo, minh mẫn để nhìn rõ bản chất của vấn đề, thấu hiểu sự vận động xung quanh mình. Quyền lực thực sự hiện nay, nếu không thuộc về các cường quốc thì cũng đang nằm trong tay các công ty đa quốc gia và các tập đoàn tài chính khổng lồ. Thế giới luôn thuộc về kẻ mạnh. Những kẻ cùng mạnh sẽ dễ dàng liên kết, điều khiển cuộc chơi toàn cầu để cùng hưởng lợi. Những nền kinh tế nhỏ như chúng ta, nếu không thể lớn mạnh lên được như họ thì không có cách nào khác là phải học được cách ứng xử thông minh. Chí ít cũng phải như Singapore, Hồng Kông, Philippines, hay Trung Quốc 10 năm trước đây.
Thật khó nói, những gì đang chờ đợi chúng ta ở phía trước. Chỉ có điều này là chắc chắn. Kinh tế Mỹ đang đứng trước những thử thách lớn. Đồng đô la đang mất giá cả về giá trị thực và giá trị niềm tin trong cộng đồng thế giới. Với sự xuất hiện của đồng Euro và sự hồi phục của kinh tế Nhật Bản, sự lớn mạnh của kinh tế Trung Quốc, đại đa số các nước đang tái cấu trúc lại nguồn dự trữ quốc gia. Và dĩ nhiên, thị phần của đồng USD đang ngày một thu hẹp. Đó là tín hiệu bất an cho nền kinh tế Mỹ và cũng là nỗi lo của chúng ta, có thể một cuộc khủng hoảng tiền tệ mới đang chờ nhân loại ở phía trước.
Tài liệu tham khảo
1. Geogre Soros. The Crisis of Global Capitalism. N.Y.: PuplicAffairs, 1999. M.: INFRA-M, 1999. pp. 149-190.
2. Margaret Thatcher. Statecraft. London. Harper Collins Publishers. 2003. pp.141-146.
3. Deliagin M. World Crisis: General Theory of Globalization. M.: INFRA-M, 2003. pp.304-323.
——–
1 Công đầu thuộc về chính phủ và ngành tài chính Việt Nam. Tuy nhiên, cũng cần nói thêm, 10 năm trước, nền kinh tế của chúng ta vẫn chưa được xem là một nền kinh tế mở. Chính “khiếm khuyết” này đã giúp chúng ta “né” được nhiều đòn tấn công của của khủng hoảng tiền tệ toàn cầu.
2  Mô hình này khác với mô hình của Hàn Quốc. Hàn Quốc phát triển dựa chủ yếu các gia đình đại gia (chaebol), chính sách tín dụng nội quốc và mối quan hệ trên mức mật thiết giữa chính phủ và chaebol.
http://web.mit.edu/krugman/www/myth.html
4 Chi tiết diễn biến của cuộc khủng hoảng có thể xem thêm tại: Bách khoa toàn thư mở Wikipedia. //vi.wikipedia.org
5 Xem thêm Geogre Soros. The Crisis of Global Capitalism. N.Y.: PuplicAffairs, 1999.

CASE STUDY N0.988 :ĐẶC KHU KINH TẾ :NHỮNG BÀI HỌC XƯƠNG MÁU

1-Đặc khu kinh tế (Special Economic Zone – SEZ) là vùng có diện tích địa lý nhất định và có quy định và luật lệ liên quan đến kinh doanh và thương mại khác biệt với các vùng khác trong một quốc gia. Do đó, các đơn vị hoạt động trong vùng sẽ được hưởng những đặc quyền, ưu đãi riêng.

2-SEZ tạo ra nhiều lợi ích

 

Theo giáo sư Selim Raihan, giảng viên kinh tế của Đại học Dhaka (Bangladesh), SEZ có thể tạo ra đồng thời những lợi ích động và tĩnh.

Lợi ích tĩnh bao gồm tạo ra việc làm, tăng trưởng xuất khẩu, tăng thu ngân sách cho chính phủ sở tại.

Lợi ích động bao gồm đa dạng hóa nền kinh tế, đổi mới và chuyển giao công nghệ thông qua đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI và nâng cao kỹ năng, tay nghề lao động.

Khi mô hình đặc khu thương mại tự do hiện đại đầu tiên được thiết lập tại sân bay Shannon (Ireland) năm 1959, không mấy ai ngoài lãnh thổ Ireland quan tâm tới mô hình này. Nhưng giờ đây, tất cả đều thích thú với các SEZ, những đặc khu có sự kết hợp giữa ưu đãi thuế, thủ tục hành chính được tối giản và các quy định được nới lỏng.

3/4 các nước trên thế giới đều có ít nhất một SEZ

Thế giới hiện có khoảng 4.300 SEZ và số SEZ này ngày càng nhiều lên qua thời gian. Myanmar và Qatar vừa ra mắt nhiều SEZ mới. Chính quyền Ấn Độ gọi tham vọng SEZ của họ là “mang tính cách mạng”. Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cũng khẳng định các SEZ chiến lược sẽ nằm trong lộ trình cải tổ kinh tế của ông.

Những người yêu thích SEZ có thể chỉ ra một vài ví dụ thành công của mô hình này. Lớn nhất có thể kể đến SEZ gần Hong Kong của Trung Quốc, được thiết lập vào năm 1980 và sau này được gọi với cái tên “Phép màu Thâm Quyến”. Đây là nơi các lãnh đạo Trung Quốc đã thử nghiệm các chính sách cải tổ kinh tế một cách thận trọng trước khi áp dụng đại trà trên toàn lãnh thổ Trung Quốc.

SEZ tại Thâm Quyến đã thu hút hàng ngàn nhà đầu tư nước ngoài và các chính sách áp dụng tại đây đã được nhân rộng đi nhiều thành phố khác của Trung Quốc.

SEZ là cơ hội nhưng cũng là thách thức

Tuy nhiên, sự hào hứng thái quá đã khiến nhiều chính phủ tin rằng SEZ là giải pháp vừa dễ làm, vừa dễ thành công. Thông báo rộng rãi, vạch riêng một khoảng đất, cung cấp ưu đãi thuế và một cách thần kỳ các khu vực hoặc các ngành công nghiệp đang gặp khó khăn đột nhiên phát triển mạnh mẽ, có lẽ đây là điều mà chính phủ tin SEZ có thể mang lại.

Với sự phổ biến của mình, SEZ không phải lúc nào cũng mang màu hồng. Các SEZ ở châu Phi tràn ngập phân voi nhưng vắng bóng nhà đầu tư. Ấn Độ có hàng trăm SEZ thất bại, trong đó riêng tại bang Maharashtra đã có tới 60 SEZ bết bát chỉ trong vòng vài năm.

Hơn nữa, những nỗ lực phát triển SEZ không hề miễn phí. Các ưu đãi rộng rãi về thuế để thu hút nhà đầu tư nước ngoài đống nghĩa với việc thất thu thuế (ít nhất trong ngắn hạn).

Các SEZ cũng tạo ra sự méo mó trong nền kinh tế, đó là lý do vì sao các giải pháp đồng bộ trên toàn lãnh thổ bao giờ cũng tốt hơn những nỗ lực chắp vá tại một đặc khu.

Rửa tiền tại các SEZ cũng là một xu hướng ngày càng phổ biến, ví dụ như thông qua lập khống hóa đơn xuất khẩu. Để những chi phí này bù đắp được bởi lượng việc làm tạo ra và các khoản đầu tư, các chính phủ cần học hỏi từ những sai lầm.

3-Với SEZ, làm thế nào để thành công?

Chỉ đưa ra những ưu đãi về tài chính có thể giúp một đặc khu phát triển mạnh hơn so với các vùng xung quanh. Tuy nhiên, giải pháp này không bền vững.

Những SEZ thành công nhất là những đặc khu gắn liền hoạt động với kinh tế nội địa. Lấy ví dụ như tại Hàn Quốc, nước này đã có nhiều tiến bộ trong việc thúc đẩy liên kết giữa các doanh nghiệp trong SEZ và các nhà cung cấp trong nước.

Các SEZ cần được kết nối với thị trường quốc tế. Nâng cấp cơ sở hạ tầng cho mục đích này có hiệu quả lớn hơn nhiều so với ưu đãi về thuế. Công tác này thường đòi hỏi nguồn vốn nhà nước để nâng cấp đường, ray xe lửa và cảng biển để chuyên chở hàng hóa, giảm chi phí vận chuyển.

Thiếu sự đầu tư đồng bộ về cơ sở hạ tầng là nguyên nhân khiến rất nhiều SEZ tại châu Phi thất bại. Tương tự, những SEZ có nguồn điện năng thiếu ổn định hoặc quá xa cảng biển cũng sẽ nắm chắc phần thua.

 

Sự cân bằng giữa giám sát từ chính quyền và sự nới lỏng quản lý bên trong SEZ cũng là điều cần thiết. Quá nhiều sự can thiệp từ chính quyền trung ương sẽ cản trở cơ hội thử nghiệm. Có lý do chính đáng để lo ngại rằng các SEZ mới của Nhật Bản sẽ đi vào ngõ cụt vì các quan chức trung ương loại bỏ các ý tưởng nới lỏng quy định vì lo sợ sẽ ảnh hưởng tới các quyền lợi sát sườn. 

Đấu thầu cho các nhà phát triển SEZ tư nhân có thể giúp giải quyết nút thắt này và đã từng được áp dụng hiệu quả tại Philippines. Tuy nhiên, ý tưởng tham vọng về những “thành phố đặc khu” – những khu vực ngoại ô các thành phố mới với khả năng tự đưa ra luật lệ riêng, có thể trở nên quá nhạy cảm.

4-Giới hạn của mô hình SEZ

Mô hình SEZ cũng có những giới hạn. Các đặc khu tập trung vào xuất khẩu chỉ hiệu quả nhất khi sản xuất gia công hàng hóa có hàm lượng giá trị gia tăng thấp và sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề khi hàng rào thuế quan tăng đột biến, lấy ví dụ như các SEZ về dệt may tại Bangladesh.

SEZ mới của Trung Quốc tại Thượng Hải, tập trung vào dịch vụ tài chính, đang làm nhưng không tới do việc bãi bỏ các quy định về các hoạt động như giao dịch ngoại hối là điều rất khó khăn và có thể gây mất ổn định kinh tế.

Nếu khuyến khích tính thử nghiệm trong một môi trường kinh tế đang phần cứng nhắc, SEZ có thể là lời giải. Những cái giá phải trả có thể rất xứng đáng nếu SEZ đó thành công được như mô hình tại Thâm Quyến năm 1980.

Tuy nhiên, việc phát triển các SEZ đòi hỏi kiên nhẫn và quá trình lên kế hoạch tỉ mỉ và chắc chắn sẽ không thể bằng được các cuộc cải cách toàn diện trên phạm vi quốc gia ngằm cắt giảm các rào cản thương mại và tăng khả năng cạnh tranh của nền kinh tế.

CASE STUDY N0.987:CHỨNG KHOÁN PHÁI SINH :BÀI HỌC XƯƠNG MÁU

Trước khi phải “bán mình” cho một tổ chức khác vào ngày 26/02/1995, Barings PLC là một ngân hàng bán buôn lâu đời nhất tại Vương quốc Anh và nổi bật hơn so với các ngân hàng bán buôn khác.

Mặc dù không phải là ngân hàng lớn nhất hoặc quan trọng nhất của Vương quốc Anh, nhưng Barings từng được xem là một trong những tổ chức uy tín nhất tại đất nước này nhờ gây dựng uy tín từ đầu những năm 1800. Cụ thể, Barings đã từng giúp một nước Mỹ non trẻ giàn xếp thương vụ tài trợ cho Louisiana Purchase trong năm 1803. Bên cạnh đó, khách hàng của Barings còn có cả Nữ hoàng Anh và các thành viên khác của gia đình hoàng gia.

Được cho là một tổ chức được điều hành vô cùng cẩn trọng, thế nhưng danh tiếng đó đã bị phá vỡ vào ngày 24/02/1995 khi ngân hàng này rơi vào tình trạng thua lỗ nặng nề do vụ đầu cơ của một chuyên viên giao dịch ở chi nhánh Singapore – Nick Leeson.

Lúc đầu, Leeson được cấp trên phê chuẩn việc thực hiện kinh doanh chênh lệch giá (arbitrage), cụ thể là tìm lợi nhuận từ sự chênh lệch giá của các hợp đồng tương lai chỉ số Nikkei 225 (Nikkei stock index futures contract) được niêm yết trên thị trường chứng khoán Osaka của Nhật và Sở giao dịch tiền tệ quốc tế Singapore. Tuy nhiên, thay vì thực hiện kinh doanh chênh lệch giá giữa các sàn giao dịch khác nhau để có những khoản lợi nhuận từ chênh lệch giá nhỏ với rủi ro thấp, Leeson lại tiến hành thiếp lập các chiến lược mang tính chất đầu cơ dựa trên các phán đoán của mình về tương lai.

Các phán đoán sai lầm

Chiến lược chính của ông Leeson bao gồm bán các quyền chọn (option) dựa trên tài sản cơ sở là các hợp đồng tương lai chỉ số Nikkei 225.

Người bán một quyền chọn sẽ nhận được khoản phí và đổi lại họ phải chịu trách nhiệm bán hoặc mua tài sản cơ sở tại mức giá thực hiện trong hợp đồng theo ý muốn của người mua quyền chọn. Nếu quyền chọn kết thúc trong vùng mất tiền (out of the money) – tức giá thực hiện cao hơn giá tài sản cơ sở đối với quyền chọn bán hoặc giá thực hiện thấp hơn giá tài sản cơ sở đối với quyền chọn mua – thì người mua quyền chọn sẽ không thực hiện quyền và do đó, người bán quyền chọn sẽ hưởng phí quyền chọn. Tuy nhiên, nếu giá biến động nhiều hơn dự kiến thì khoản lỗ tiềm ẩn của người bán quyền chọn dường như là không giới hạn.

Và tại một vài thời điểm trong năm 1994, ông Leeson đã bắt đầu bán một lượng lớn các quyền chọn “straddles” – một chiến lược bao gồm bán đồng thời cả quyền chọn mua lẫn quyền chọn bán dựa trên tài sản cơ sở là hợp đồng tương lai chỉ số Nikkei 225.

Từ các sản phẩm phái sinh trên, ông Leeson đã xây dựng một chiến lược để đặt cược rằng thị trường chứng khoán Nhật Bản sẽ không giảm điểm hoặc tăng quá mạnh – bất kỳ một sự sụt giảm hoặc sự gia tăng quá mức trong giá cổ phiếu Nhật Bản sẽ dẫn tới thua lỗ cho ông Leeson. Cụ thể, vào ngày 01/01/1995, ông Leeson đã bán đồng thời 37,925 quyền chọn mua Nikkei 225 và 32,967 quyền chọn bán Nikkei 225. Ngoài ra, ông còn nắm giữ vị thế mua 1,000 hợp đồng tương lai chỉ số Nikkei 225 – một chiến lược đem lại lợi nhuận nếu thị trường chứng khoán Nhật Bản tăng cao.

Tuy nhiên, vào ngày 17/01/1995, một cơn động đất kinh hoàng đã diễn ra ở Kobe (Nhật Bản), đẩy thị trường chứng khoán Nhật Bản tụt dốc không phanh. Chỉ trong vòng 5 ngày sau khi cơn động đất xảy ra, chỉ số Nikkei 225 sụt hơn 1,500 điểm – các vị thế quyền chọn của ông Leeson bị thua lỗ gần 68 triệu bảng Anh và các hợp đồng tương lai chỉ số Nikkei 225 của ông cũng lỗ nặng.

Và khi giá cổ phiếu đang trên đà giảm sút, ông Leeson bắt đầu mua thêm một lượng lớn các hợp đồng tương lai chỉ số Nikkei 225. Đồng thời, ông cũng thực hiện vụ đặt cược nhỏ về lãi suất Nhật Bản, bằng cách bán hàng ngàn các hợp đồng tương lai trái phiếu Chính phủ Nhật Bản với kỳ vọng lãi suất sẽ tăng lên.

Chiến lược của ông Leeson dường như tỏ ra hiệu quả trong một khoản thời gian ngắn. Cụ thể, vào ngày 06/02/1995, thị trường chứng khoán Nhật Bản đã hồi phục hơn 1,000 điểm, qua đó giúp ông bù đắp phần lớn khoản lỗ do sự sụt giảm của thị trường chứng khoán Nhật Bản trong những ngày xảy ra trận động đất ở Kobe. Tính tới thời điểm này, khoản lỗ tích lũy của ông là 253 triệu bảng Anh, tăng 20% so với thời điểm đầu năm.

Tuy nhiên, chỉ trong vài ngày kế tiếp, thị trường lại bắt đầu sụt giảm, khoản lỗ của ông Leeson lại tăng theo cấp số nhân. Ông tiếp tục mua vào hợp đồng tương lai khi thị trường giảm sút. Cụ thể, vào ngày 23/02, ông Leeson đã mua hơn 61,000 hợp đồng tương lai chỉ số Nikkei 225. Đồng thời, ông còn nắm giữ vị thế bán 26,000 hợp đồng tương lai trái phiếu Chính phủ Nhật Bản. Bên cạnh đó, ông còn mở vị thế vào các hợp đồng Euroyen tương lai. Trong năm 1995, ông đã bắt đầu mở vị thế mua hợp đồng Euroyen tương lai (với kỳ vọng lãi suất Nhật Bản sẽ giảm) nhưng sau đó lại chuyển sang vị thế bán hợp đồng này. Tuy nhiên, mọi thứ đều không diễn ra đúng như phán đoán của ông Leeson.

Biểu đồ dưới đây cho thấy các khoản lỗ từ hoạt động giao dịch của ông Leeson từ năm 1992 tới hết tháng 2/1995. Vào cuối năm 1992 – một vài tháng sau khi ông Leeson bắt đầu giao dịch – ông đã có khoản lỗ tích lũy là 2 triệu bảng Anh. Con số này vẫn không thay đổi và cho tới tháng 10/1993 thì khoản thua lỗ tăng mạnh. Ông đã mất thêm 21 triệu bảng Anh trong năm 1993 và 185 triệu bảng Anh trong năm 1994. Tổng khoản lỗ tích lũy cho tới cuối năm 1994 là 208 triệu bảng Anh. Và trong năm 1995, ông lại thua lỗ thêm 619 triệu bảng Anh. Và con số tổng cộng cuối cùng là 827 triệu bảng, lớn hơn rất nhiều so với vốn chủ sở hữu của Barings là 440 triệu bảng Anh.

Với việc không thể bù đắp nổi khoản thua lỗ do ông Leeson gây ra, Barings đã phải cầu cứu tới Bank of England. Tuy nhiên, vào ngày 26/02/1995, Bank of England đã buộc phải thực hiện tiến trình tương tự với chương 11 (tái cấu trúc) của bộ luật phá sản Mỹ.

Cuối cùng, Barings đã được Internationale Nederlanden Groep (IGN) – một tập đoàn tài chính của Hà Lan – mua lại./.

CASE STUDY N0.984:6 BÀI HỌC QUÝ GIÁ VỀ CHỌN CỔ PHIẾU ĐẦU TƯ

Dưới đây là 6 tuyệt chiêu được các chuyên gia quản lý quỹ tại Fidelity Investments, Franklin Templeton Invesments, Davis Advisors & Selected Funds áp dụng để chọn cổ phiếu. Theo CNN Money, mỗi chuyên gia này đa phần đang quản lý ít nhất 100 tỷ USD tại các quỹ.

  1. Bỏ qua lịch sử giá

Phần lớn người chơi chứng khoán thường tập trung quá nhiều vào lịch sử giao dịch gần đây của một cổ phiếu. Các nhà đầu tư giá trị có thể loại vài mã do chúng đã qua một giai đoạn tăng giá nhất định. Trong khi đó, những nhà đầu tư tăng trưởng nhiều khi ra quyết định ngược lại.

Dù vậy, Chris Davis – Chuyên gia Quản lý  Danh mục đầu tư tại Davis Advisors & Selected Funds lại đánh giá cả hai chiến lược trên, trong thực tế lại không hẳn đúng.

“Mọi người sẽ không muốn bỏ qua cơ hội mua cổ phiếu với giá 20 USD rồi nhìn nó tăng lên tới 40 USD. Diễn biến cổ phiếu không có quy luật nhất định, cho nên giá trị trong quá khứ của nó cũng không nói lên điều gì. Rất khó để vượt qua suy nghĩ này”, Chris đánh giá.

Còn Will Danoff – Chuyên gia đang quản lý 100 tỷ USD tại Fidelity Investments nhấn mạnh, nhà đầu tư nên chú trọng nhiều vào các chỉ tiêu cơ bản của công ty, hướng phát triển cũng như tính đa dạng ngành.

“Nếu một cổ phiếu đã tăng giá gấp đôi hay gấp ba mà bạn vẫn chưa kịp mua, cũng không nên tỏ ra tiếc nuối. Trường hợp lợi nhuận của công ty niêm yết tăng gấp 5 lần thì cũng đành cắn răng mà mua với mức giá như vậy”, Will Danoff chia sẻ.

  1. Tìm lãnh đạo có khả năng thích ứng cao

Công nghệ đang biến đổi với tốc độ nhanh chóng trong nhiều lĩnh vực khác nhau, do vậy việc đi trước xu thế hiện là yếu tố quan trọng đối với những nhà quản lý. “Lợi thế cạnh tranh chỉ là yếu tố thời gian. Vấn đề thực sự ở đây là khả năng thích nghi của đội ngũ quản lý”, Davis đánh giá.

Chuyên gia quản lý danh mục tại Davis Advisors & Selected Funds nhấn mạnh, rất nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực như truyền thông, dược phẩm hay bán lẻ đang gặp khó khăn.

Một phần lý do là họ cứ mải đi theo chiến lược kinh doanh cứng nhắc với những người lãnh đạo luôn tự mãn về bản thân. “Thế giới đang thay đổi. Và nếu không chịu tiếp nhận những cái mới, bạn sẽ bị bỏ lại phía sau”, Davis nói.

Một ví dụ về khả năng thích ứng nhanh phải kể đến Mark Zuckerberg – CEO Facebook. Vị lãnh đạo trẻ này đã phát triển Facebook theo hướng chú trọng thương mại hóa trên nền tảng thiết bị di động từ sau khi công ty IPO (chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng). Chiến lược này đã đáp ứng theo sự thay đổi đáng kể về hành vi người sử dụng.

“Mark và những đồng nghiệp nhìn ra tiềm năng phát triển nhanh chóng của điện thoại thông minh. Anh ta cũng gặp sai lầm nhưng lại thay đổi rất nhanh sau đó”, Will Danoff nhận xét.

  1. Rút kinh nghiệm từ những sai lầm

Năm 2004, một công ty trong lĩnh vực công nghệ-Internet IPO và được quảng cáo rầm rộ, Davis đã bỏ qua cơ hội sở hữu cổ phần doanh nghiệp này. Sau 10 năm, công ty ngày đó là Google hiện đạt giá trị tới 375 tỷ USD và vẫn tiếp tục tăng trưởng tốt.

Davis cho biết sẽ không bao giờ quên mình đã bỏ lỡ cơ hội này. Thậm chí ông còn gắn một chứng chỉ cổ phiếu Google lên “bức tường nhục nhã” ở công ty – nơi ghi dấu những sai lầm lớn nhất trong năm của các thành viên. Theo ông, vấn đề nằm ở chỗ nhà đầu tư học hỏi gì từ những sai lầm này và thay đổi chúng ra sao.

  1. Xác định trước rủi ro

Song song với học hỏi từ sai lầm, nhà đầu tư cần chú trọng việc lường trước rủi ro trong mọi thời điểm. Davis tiết lộ ông thích lập kế hoạch cho một cổ phiếu và đặt ra những giả thiết xấu nhất trong vòng 5 năm tới. Chẳng hạn, nếu một mã đang có triển vọng rất tốt, 5 năm nữa trong kế hoạch của Davis, nó có thể lao dốc sâu đến mức nào và ông tìm mọi nguyên nhân để lý giải.

Phương pháp này giúp nhà đầu tư duy trì cái nhìn đa chiều về một cổ phiếu và cân nhắc kỹ lưỡng chuyện ngoại cảnh tác động ra sao đến chiến lược kinh doanh trước khi ra quyết định đầu tư.

  1. Khảo sát thị trường thực tế

Đầu tư vào thị trường mới nổi có thể xem là vô cùng khó khăn, nhất là trong bối cảnh khác biệt về văn hóa, phương tiện truyền thông và cả tệ tham nhũng. Đó là lý do Michael Hasenstab – Chuyên gia quản lý quỹ tại Franklin Templeton Investments dành 80% thời gian để đến tận những thị trường như Trung Quốc, Trung Âu và châu Phi khảo sát, nghiên cứu trong năm nay.

“Việc đến quan sát tận nơi rất quan trọng. Nó giúp ta có cái nhìn chính xác về bối cảnh kinh doanh và đặt câu hỏi thật chuẩn cho các khoản đầu tư” – Michael chia sẻ. Hiện ông quản lý 190 tỷ USD tại Franklin Templeton Investments.

Trước đó, từng có thời điểm Michael đánh giá thị trường Trung Quốc đang tăng trưởng nhờ những thay đổi về thu nhập và sức tiêu thụ của người dân trong một đợt thị sát tại các quốc gia châu Á. Cách nghiên cứu này có thể không phù hợp với hầu hết các nhà đầu tư cá nhân, nhưng Michael cho rằng họ vẫn nên lưu tâm và có thể áp dụng ngay mỗi khi ra nước ngoài.

  1. Không phải thiên nga nào cũng đen

Thuyết “Thiên nga đen” được Nassim Nicholas Taleb –Giáo sư Tài chính đồng thời là chuyên gia chứng khoán tại Phố Wall nhắc đến trong một cuốn sách xuất bản vào năm 2007. Khái niệm này chỉ những sự kiện lớn, rất tiêu cực và khó có thể xảy ra theo tính toán thông thường, chẳng hạn chiến tranh, khủng hoảng tài chính hay thảm họa thiên nhiên (bão lũ, động đất…).

Dù vậy, Chuyên gia quản lý quỹ Davis cho rằng không phải sự kiện nào được coi là “thiên nga đen” cũng để lại tác động xấu. Thế giới vẫn luôn tiến về phía trước và có rất nhiều đổi thay mang tính đột phá như sự ra đời của mạng Internet hay khái niệm toàn cầu hóa.

Thậm chí sự bùng nổ về chuyện khai thác khí đá phiến ở Mỹ đang làm thay đổi bức tranh về ngành năng lượng nước này cũng được Davis xem như một “thiên nga đen” tích cực.

“Những tin tốt và xấu vẫn luôn song hành cùng nhau. Chuyện chúng ta có thể cân bằng ra sao và tính toán rủi ro thế nào mới là bí mật của thành công”, Davis chia sẻ.

CASE STUDY N0.985:NỢ XẤU & XỬ LÝ NỢ XẤU THEO NGHỊ QUYẾT MỚI

I-Khoanh vùng nợ xấu được “thí điểm” xử lý:

Cụ thể, theo Điều 4 của Nghị quyết, nợ xấu quy định tại Nghị quyết này là các khoản nợ được hình thành trước ngày 15 tháng 8 năm 2017 bao gồm cả khoản nợ xấu được xác định trước và sau ngày 15/8 miễn là trong thời gian Nghị quyết này có hiệu lực thi hành.

Chỉ cần là khoản nợ hình thành trước 15/8, thời điểm nợ trở thành nợ xấu không quan trọng miễn là trong thời hạn hiệu lực của Nghị quyết (5 năm)

Cùng đó, theo Điều 5 Phụ lục về xác định nợ xấu, trong trường hợp khách hàng có từ hai khoản nợ trở lên hình thành trước ngày 15/8/2017 tại một hoặc nhiều TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, nếu một khoản nợ bất kỳ được xác định là nợ xấu này thì toàn bộ các khoản nợ còn lại cũng được xác định là nợ xấu.

Vậy làm sao để xác định nợ xấu có nằm trong diện thí điểm hay không? Về điều này, các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu sẽ là bên có trách nhiệm xác nhận bằng văn bản khoản nợ là nợ xấu khi có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong quá trình xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu theo quy định tại Nghị quyết này.

Nợ xấu sẽ bao gồm các khoản đang hạch toán trong, ngoài bảng cân đối kế toán của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và các khoản nợ xấu mà tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu đã mua của TCTD.

II-Nợ nào là nợ xấu?

Theo định nghĩa, nợ xấu được xác định theo phương pháp định lượng và định tính. Trong khi phương pháp định lượng dựa trên số ngày quá hạn (khá tương đồng với cách xác định về nợ xấu được quy định tại Thông tư 02/201)3 thì phương pháp định tính lại căn cứ vào đánh giá khả năng trả nợ của khách hàng trên cơ sở kết quả hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ, chính sách dự phòng rủi ro.

Cụ thể, nợ xấu xác định theo phương pháp định lượng là Nợ quá hạn từ 91 ngày đến 180 ngày (nhóm 3); từ 181 ngày đến 360 ngày (nhóm 4);trên 360 ngày (nhóm 5).

Nợ gia hạn lần đầu thuộc nhóm 3; Nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ lần đầu quá hạn dưới 90 ngày và nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ lần thứ hai nâng lên nhóm 4. Nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ lần đầu quá hạn từ 90 ngày trở lên, nợ cơ cấu lại lần thứ hai quá hạn hoặc nợ cơ cấu lại lần 3 là nợ nhóm 5.

Còn nợ xấu xác định theo phương pháp định tính sẽ phụ thuộc vào đánh giá của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài ở mức có khả năng tổn thất (nhóm 3);có khả năng tổn thất cao (nhóm 4) hoặc không còn khả năng thu hồi, mất vốn (nhóm 5).

Cả hai phương thức định lượng và định tính đều quy định các khoản nợ được sẽ được phân loại vào nhóm 3/4/5 theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và từ thông tin Trung tâm Thông tin tín dụng Quốc gia (CIC) cung cấp.

Nợ phải thu hồi theo kết luận thanh tra của NHNN nhưng quá thời hạn thu hồi theo kết luận thanh tra cũng là nợ xấu. Cụ thể, trong thời hạn thu hồi sẽ là nợ nhóm 3, đến 60 ngày mà vẫn chưa thu hồi được là nợ nhóm 4 và trên 60 ngày sẽ là nợ nhóm 5.

Nợ xấu còn bao gồm cả các khoản nợ thuộc một số trường hợp đặc biệt đã có quyết định thu hồi nhưng chưa thu hồi được trong thời hạn dưới 30 ngày (nhóm 3), từ 30 ngày đến 60 ngày (nhóm 4) và trên 60 ngày (nhóm 5).

Những trường hợp đặc biệt này là các khoản nợ vi phạm quy định liên quan đến các trường hợp Không được cấp tín dụng (Điều 126), Hạn chế cấp tín dụng (Điều 127) và Giới hạn cấp tín dụng (Điều 128) quy định trong Luật Các tổ chức tín dụng.