TẦM NHÌN "ĐỊA-VĂN-CHÍNH-CÔNG-KINH"
QUYẾT ĐỊNH THÀNH CÔNG

I FORESEE TO WIN
NOTHING IS PERMANENT EXCEPT CHANGE

CASE STUDY N0. 977 : Mười điều cần biết khi đầu tư chứng khoán

Đối với những người vừa mới bước chân vào thị trường chứng khoán hay những ai đã dày dạn kinh nghiệm trên thương trường, thua lỗ nhiều khi là điều không thể tránh khỏi. Không hề có một công thức nào chính xác cho việc đầu tư chứng khoán.

Một đặc điểm không thể nhầm lẫn của con người là sự đan xen của hy vọng và lo sợ.

Trong đầu cơ, khi diễn biến của thị trường không như mong muốn của bạn, bạn sẽ hy vọng rằng tất cả mọi ngày đều là ngày cuối cùng, và bạn sẽ thua lỗ nhiều hơn nếu bạn làm theo những gì bạn hy vọng là sẽ mang lại lợi nhuận.

Và khi thị trường biến động đúng theo kỳ vọng của bạn, bạn sẽ lo sợ rằng ngày mai mình sẽ mất hết lợi nhuận và bạn quyết định bỏ cuộc quá sớm.

Nỗi lo sợ khiến cho bạn không thể kiếm lợi nhiều như bạn có thể làm được.

Một nhà đầu tư thành công là người biết dung hoà hai bản năng gốc rễ này. Người đó phải biết cách kiềm chế sự “bốc đồng” của mình.

Thay vì hi vọng, anh ta sẽ phải lo lắng hay thay vì lo sợ, anh ta phải có hi vọng. Người đầu tư phải lo rằng những mất mát của mình sẽ lớn hơn và cũng phải hy vọng rằng lợi nhuận của mình có thể tăng lên rất cao.

 Việc đầu cơ chứng khoán theo cách thông thường mà mọi người vẫn làm là một điều hoàn toàn sai lầm.

 Tuy nhiên, bạn có thể áp dụng một số “mẹo” mà chúng tôi giới thiệu dưới đây để có thể thành công trong các giao dịch.

  1. Nên nhớ rằng không có chứng khoán nào là quá cao để bạn không thể mua được hay quá thấp để bán. Tuy nhiên, sau giao dịch đầu tiên, bạn đừng nên nghĩ đến giao dịch tiếp nếu giao dịch trước đó không mang lại lợi nhuận cho bạn.
  2. Nếu một chứng khoán nào đó đang biến động khó lường, hãy suy nghĩ thật kỹ và đừng “manh động” vì khi bạn không thể nhận biết chính xác điều gì đang xảy ra thì bạn không thể biết được chứng khoán đó sẽ theo chiều hướng biến động như thế nào. Không xác định được thì không chẩn đoán được. Và nếu không chẩn đoán được thì sẽ không thể nào có được lợi nhuận.
  3. Hãy luôn sẵn sàng bán đi những chứng khoán có nguy cơ lỗ và giữ lại những chứng khoán hứa hẹn mang lại lợi nhuận cho bạn.
  4. Nguyên tắc để thành công trong đầu cơ chứng khoán thường dựa trên giả định rằng trong tương lai, người ta sẽ tiếp tục mắc sai lầm mà họ đã mắc phải trong quá khứ.
  5. Đừng phủ nhận sự thật. Không nên tìm mọi cách để lấy lại lợi nhuận. Hãy từ bỏ khi còn kịp và khi chưa bị thua lỗ quá nhiều.
  6. Đừng bao giờ mua một chứng khoán khi nó đang từ mức giá cao giảm nhanh xuống mức thấp.
  7. Thị trường chứng khoán chỉ có một chiều hướng; và nó không phải là theo chiều hướng giá lên hay giá xuống mà là “giá hợp lý”.
  8. Đừng bao giờ hành động theo các lời khuyên.
  9. Kẻ thù chủ yếu của các nhà đầu cơ chính là việc bản thân họ luôn có xu hướng cảm thấy nhàm chán rất nhanh.
  10. Bạn phải tin tưởng vào bản thân mình và những quyết định của mình nếu bạn muốn kiếm lời từ trò chơi trí tuệ và may rủi này.

CASE STUDY N0. 976 : ROS VS ETF

Giao dịch bất thường của cổ phiếu ROS trong ngày tái cơ cấu của quỹ FTSE cuối tuần qua đã thu hút chú ý của toàn thị trường. Hàng loạt câu hỏi được đặt ra sẽ gợi mở khả năng biến động giá trong những ngày tới.

Dấu vết của “đội lái”

Giá cổ phiếu ROS biến động rất bất thường trong một thời gian dài và nghi vấn “đội lái” kéo giá lên đã được đặt ra từ lâu. Phiên giao dịch cuối tuần qua đã xuất hiện những trạng thái lệnh cực kỳ bất thường mà rất có thể là dấu vết của “đội lái”.

Trong suốt quá trình tăng giá của ROS, điều dễ nhận thấy nhất là thanh khoản cực lớn, có phiên lên tới hơn 960 tỷ đồng như ngày 16/3 vừa qua. Thêm nữa, giao dịch hàng ngày của ROS luôn có một khối lượng cổ phiếu cực lớn đặt mua theo kiểu đỡ giá. Lượng mua tổng hợp trong 3 bước giá có khi tới cả triệu cổ, với thị giá khoảng 160.000 -170.000 đồng thì đó đã là một lượng tiền khổng lồ.

Câu hỏi lớn nhất đối với khối lượng đỡ giá này, là liệu sức mua đó xuất phát từ số rất đông các nhà đầu tư bình thường, hay chỉ xuất phát từ một số tài khoản rất lớn? Việc tập trung tiền mua tới cả ngàn tỷ vào một cổ phiếu là điều chưa từng có trên thị trường chứng khoán.

Đối với nhà đầu tư bình thường quan sát giao dịch, sẽ không thể biết được liệu có bao nhiêu người đang đổ tiền vào mua ROS và có bao nhiêu “đội lái” đang đỡ giá ROS. Tuy nhiên, những dấu vết đã bộc lộ một chút vào phiên giao dịch cuối tuần trước.

Truy vết qua lịch sử diễn biến trên bảng điện với ROS ngày 17/3/2017 có nhiều bất thường: Trong suốt cả phiên giao dịch, trạng thái lệnh mua của ROS diễn ra bình thường như mọi ngày, luôn có khối lượng rất lớn chặn đỡ. Cụ thể, đến 14h15’, tại 3 bước giá mua cao nhất sẵn có của ROS là 173.600 đồng, 173.500 đồng và 173.400 đồng, vẫn có khối lượng chặn mua tương ứng: 417.788 cổ phiếu, 305.710 cổ phiếu và 424.900 cổ phiếu. (Xem bảng 1).

Tại thời điểm đó (14h15’), tổng khối lượng giao dịch được ghi nhận là 2.415.570 cổ phiếu và nhà đầu tư nước ngoài đã mua 51.820 cổ phiếu.

Đến 14h19, ROS xuất hiện hiện tượng hủy lệnh mua cực nhanh ở tất cả các bước giá. Thay đổi rõ nhất chính là ở 3 bước giá nói trên. Chỉ trong vài phút, tất cả các bước giá chỉ còn sót lại vài ngàn cổ phiếu đặt mua, mặc dù trước đó vẫn bày ra hàng trăm ngàn cổ phiếu (Xem bảng 2).

Khối lượng giao dịch thành công trước và sau khi hủy lệnh chỉ được ghi nhận tăng thêm hơn 54.000 cổ phiếu. Số liệu giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài vẫn giữ nguyên. Như vậy, lệnh mua ROS đã được hủy đồng loạt chứ không phải được giao dịch.

Chưa hết, chỉ 1 phút sau đó, ROS còn bị hủy lệnh mua toàn bộ, tới tận giá sàn và chỉ còn rớt lại vài trăm cổ. Trong khi đó khối lượng giao dịch vẫn không tăng lên. Như vậy lệnh mua ROS được hủy ở tất cả các bước giá (Xem bảng 3).

Điều gì có thể rút ra sau sự thay đổi bất thường nói trên? Nếu là các lệnh mua bình thường từ số đông các nhà đầu tư bình thường, sẽ không thể có hiện tượng hủy lệnh đồng loạt quá nhanh như vậy vì mỗi người có quyết định khác nhau. Hơn nữa, đó là lúc ROS vẫn đang giao dịch bình thường, không có hiện tượng bán tháo gì để khiến nhà đầu tư hoảng hốt phải hủy lệnh nhanh như vậy.

Việc hủy được cùng lúc một khối lượng rất lớn ở tất cả các bước giá là dấu vết thường thấy của “đội lái”, khi các thao tác lệnh được chỉ đạo thống nhất, thậm chí là được điều khiển chung vì chỉ cần có mật khẩu giao dịch là có thể ngồi bất cứ đâu để điều khiển tài khoản của bất cứ ai.

Cuối cùng, việc hủy lệnh làm lộ ra những lệnh mua rất nhỏ còn sót lại, có lẽ là của các nhà đầu tư cá nhân, từ vài chục cổ đến vài trăm cổ. Như thế rất có khả năng chỉ số ít nhà đầu tư bình thường lao vào ROS và lâu nay thanh khoản được tạo ra không hoành tráng một cách thực chất.

 

 

 

 

Hơn 9,73 triệu bán ATC của ai?

Việc ROS được đẩy giá lên liên tục nhằm lọt vào các quỹ ETF đi đến kết quả cuối cùng. Phiên cuối tuần qua các quỹ mua bán cực mạnh và ROS được quan tâm nhất vì kết quả của việc bán ra sẽ như thế nào?

Theo kết quả giao dịch thì nhà đầu tư nước ngoài mua tổng cộng 3.120.480 cổ phiếu ROS trong ngày 17/3/2017. Trong đó, lúc 14h49 xuất hiện 2 lệnh giao dịch thỏa thuận của ROS tại giá sàn 160.100 đồng. Lệnh thứ nhất 1,3 triệu cổ phiếu, lệnh thứ hai 1,4 triệu cổ phiếu. Tổng cộng có 2,7 triệu ROS được giao dịch thỏa thuận và 420.480 ROS được khớp trực tiếp.

Điều bí ẩn nhất là quỹ FTSE đã mua ROS từ ai, là của “đội lái” đánh lên để bán, hay đã có “đội” khác hớt tay trên? Người rõ nhất chắc chắn là công ty chứng khoán đã thực hiện hai lệnh thỏa thuận trên. Chỉ có điều không có thông tin nào tiết lộ về việc này và càng khiến thị trường đồn đoán nhiều hơn.

Một thực tế trên bảng điện là trong giây đầu tiên của đợt khớp lệnh đóng cửa xuất hiện khối lượng bán ATC tới 8.643.800 cổ phiếu. Sau 1 phút, lượng bán ATC tăng lên 8.802.250 cổ phiếu. Lệnh mua xuất hiện chậm hơn và chỉ có chặn đỡ giá sàn cộng với vài lệnh che.

Đến trước khi đóng cửa, ROS có tổng cộng 9.731.490 cổ phiếu bán giá ATC và 158.930 cổ phiếu bán giá sàn. (Xem bảng 4 ở trên)

Nếu quen với thông lệ mua của các quỹ ETF là sử dụng lệnh ATC thì việc tranh bán bằng ATC cũng là điều hợp lý. Bán bằng ATC là cách bán quyết liệt nhất. Vậy hơn 9,73 triệu cổ bán ATC nói trên là của ai? Liệu đó có phải là toàn bộ khối lượng của những người đầu cơ đã mua từ trước để chờ bán cho quỹ FTSE?

Khối lượng trôi nổi của ROS là điều bí ẩn nhất từ trước tới nay. Trong suốt quá trình tăng giá, nhiều phiên ROS tăng giảm mạnh trong ngày và khối lượng duy trì ở mức rất cao. Việc “đội lái” tạo thanh khoản là điều hoàn toàn có thể xảy ra như đã nói ở trên, nhưng cũng có thể một phần các giao dịch do các nhà đầu tư khác thực hiện. Nói đơn giản, nếu đã xuất hiện một thương vụ thỏa thuận thì hoàn toàn có thể tích trữ được một lượng cổ phiếu phù hợp. 

Hiện tại chỉ có thể biết rằng việc tung ra bán 9,73 triệu cổ phiếu là hành động cướp lệnh vì lệnh ATC cũng ưu tiên thời gian. Khối lượng đó có thể bao gồm cả khối lượng “đội lái” muốn xả cũng như các nhà đầu cơ khác. Nói cách khác, đó là tổng khối lượng muốn chạy ngày hôm đó, lớn hơn nhiều so với khả năng mua của quỹ FTSE.

Các giao dịch thỏa thuận với quỹ ETF trước đây cũng đã thực hiện nhiều lần. Bản chất của giao dịch thỏa thuận là các đối tác dàn xếp trước giao dịch và chỉ vào hệ thống đúng thời điểm. Liệu có bao nhiêu phần trăm khả năng là đại diện giao dịch của quỹ ETF bỏ thời gian trực tiếp tìm kiếm đối tác, hay nhận “chào hàng” từ một đối tác vô danh nào đó trên thị trường? Khả năng lớn hơn là quỹ thông qua các đại diện công ty chứng khoán làm trung gian tìm kiếm đối tác, hoặc dễ nhất là dàn xếp với trực tiếp các công ty chứng khoán: Công ty có nhiệm vụ tìm hàng, quỹ có nghĩa vụ mua. Trước đây các thương vụ ETF mua vào những cổ phiếu thanh khoản rất kém như MSN cũng đã được thực hiện như vậy.

Cũng cần lưu ý rằng giá giao dịch thỏa thuận chỉ cần nằm trong biên độ dao động của ngày hôm đó mà thôi. Việc giao dịch thỏa thuận của ROS được thực hiện sau giờ đóng cửa, tức là đã chốt giá cuối cùng đóng cửa, thì không nhất thiết phải đè giá để thỏa thuận giá sàn.

Câu hỏi lớn nhất đối với ROS ngày 17/3 là liệu “đội lái” có biết rằng quỹ FTSE sẽ mua ROS qua hình thức thỏa thuận hay không? Đa số nhà đầu cơ thông thường ít tính đến khả năng này. Nếu chính “đội lái” thỏa thuận bán cho ETF thì thương vụ có thể xem là thành công.

Ngược lại, nếu thỏa thuận là của “đội” khác hớt tay trên và 9,73 triệu cổ tranh nhau bán ATC hôm đó dù chỉ một phần là hàng của “đội lái” cướp lệnh để bán cho ETF thì thương vụ đã thất bại. Mặc dù về bản chất vẫn là ROS được bán cho quỹ ngoại, nhưng có thể là mức giá không như mong muốn hay đối tượng thực sự muốn bán đã không thực hiện được ý đồ. Điều này xảy ra thì tổn thất là quá lớn vì vừa không bán được, vừa chịu phí tổn đẩy giá lên, vừa bộc lộ quá nhiều dấu vết. Đặc biệt là làm lộ việc thao túng khối lượng mua sẽ khiến các nhà đầu cơ nhìn thấy bản chất của cung cầu và sợ hãi.

CASE STUDY N0.975: ĐẠO LUẬT DODD-FRANK vs DONALD TRUMP

FYR: http://ndh.vn/chu-tich-fed-janet-yellen-vach-tran-vu-tong-thong-trump-huy-bo-dao-luat-dodd-frank-20170215045451521p145c151.news

  1. Lý do ra đời Đạo luật

Đạo luật Dodd-Frank ra đời bắt nguồn từ sự nhận thức lại của chính giới Mỹ về vai trò nhà nước và từ thực tiễn kinh tế – tài chính của nước Mỹ trong suốt 3 thập kỷ trước đó. Cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ khởi nguồn ở Mỹ từ năm 2007 đã bộc lộ những điểm yếu của hệ thống tài chính Mỹ nói riêng và cơ chế kinh tế thị trường của Mỹ nói chung. Đặc biệt là sự thái quá của cơ chế thị trường tự do, thiếu giám sát của Chính phủ, kích thích xu hướng chạy theo các hoạt động rủi ro cao vì mục tiêu lợi nhuận ngắn hạn, trong khi hệ thống các quy định cũng như hệ thống giám sát tài chính chưa theo kịp sự phát triển của các định chế tài chính và sản phẩm dịch vụ tài chính phức tạp, công cụ phái sinh. Bên cạnh những giải pháp tình thế, như hỗ trợ thanh khoản, bảo lãnh các khoản vay nhằm giải tỏa tình trạng đóng băng tín dụng, thực hiện các gói cứu trợ đối với hệ thống tài chính ngân hàng, tăng hạn mức bảo hiểm tiền gửi tạm thời, Chính phủ của Tổng thống Barack Obama cũng đã nhận thức được sự cần thiết phải đưa ra giải pháp dài hạn, mang tính tái cấu trúc và thay đổi tổng thể hệ thống tài chính Mỹ nhằm ngăn chặn hữu hiệu và vững chắc các nguy cơ khủng hoảng tương tự trong tương lai. Và Đạo luật Dodd-Frank là một phần của bước chuyển này, theo đó Chính phủ sẽ được can dự sâu hơn vào ngành tài chính.

  1. Những điểm mới nổi bật của Đạo Luật

Như tên gọi của mình, Đạo luật đã đề cập và điều chỉnh đến hầu hết các vấn đề trọng yếu của thị trường tài chính tại Mỹ, bao gồm cấu trúc hệ thống giám sát, mối quan hệ của các cơ quan giám sát, các trung gian tài chính, sản phẩm dịch vụ và bảo vệ người gửi tiền, người sử dụng dịch vụ… với các nội dung đáng chú ý như sau:

Thứ nhất, thành lập mới Văn phòng bảo vệ tài chính tiêu dùng (CFPB) và tăng cường vai trò của Tổng công ty bảo hiểm tiền gửi Mỹ (FDIC) nhằm tăng cường bảo vệ người tiêu dùng

CFPB được thành lập với nhiệm vụ bảo vệ người tiêu dùng khỏi các sản phẩm tài chính không công bằng hoặc mang tính lừa đảo. Cơ quan này cũng đảm bảo cung cấp thông tin một cách đầy đủ và rõ ràng liên quan đến các khoản tín dụng cũng như các sản phẩm tài chính liên quan đến tổ chức phát hành thẻ tín dụng, mua bán tài sản thế chấp. CFPB có quyền hoạt động độc lập và phối hợp với các cơ quan quản lý khác trong việc kiểm tra ngân hàng.

Bên cạnh việc thành lập CFPB, Đạo luật cũng tăng thêm quyền hạn cho Tổng công ty bảo hiểm tiền gửi Mỹ (FDIC), cụ thể:

  • Tăng hạn mức bảo hiểm tiền gửi tối đa lến 250.000 USD đối với mỗi người gửi tiền so với mức cũ trước đây là 100.000 USD (dù đã được tạm thời tăng lên đến 250.000 USD đối với mỗi người gửi tiền được áp dụng lần đầu từ ngày 3/10/2008 đến ngày 31/12/2010 như một phần của gói cứu trợ kinh tế 700 tỷ USD. Ngày 20/5/2009, Quốc hội Mỹ đã chấp thuận kéo dài quy định này đến ngày 31/12/2013). Người gửi tiền tin tưởng và yên tâm rằng tiền của họ là an toàn tuyệt đối miễn là số dư tiền gửi trong giới hạn bảo hiểm. Điều này, trên thực tế sẽ đồng nghĩa với việc giảm thiểu nguy cơ các hoạt động rút vốn, tiền gửi “vượt khung” 100.000 USD khỏi các ngân hàng, tăng tính ổn định về tiền gửi và khả năng thanh khoản của các ngân hàng Mỹ.
  • Mở rộng thẩm quyền của FDIC trong việc xử lý các công ty tài chính có khả năng tác động đến ổn định hệ thống (bao gồm công ty sở hữu ngân hàng, tổ chức tài chính phi ngân hàng như các công ty môi giới và kinh doanh chứng khoán, các quĩ phòng ngừa rủi ro)
  • FDIC được tiếp cận với hạn mức tín dụng đặc biệt từ Bộ Tài chính Mỹ; đồng thời bỏ quy định giới hạn Quỹ bảo hiểm tiền gửi ở mức tối đa 1,5% số dư tiền gửi được bảo hiểm.
  • Phí bảo hiểm tiền gửi được tính trên tổng tài sản (trừ đi vốn hữu hình) thay vì tổng số dư tiền gửi như trước đây. Đây được coi là biện pháp mang tính thị trường nhằm hạn chế các tổ chức tài chính có quy mô tài sản quá lớn, đồng thời tăng tốc độ tích lũy quỹ bảo hiểm tiền gửi
  • Tăng cường vai trò giám sát của FDIC

Việc thành lập mới Văn phòng bảo vệ tài chính tiêu dùng và tăng thẩm quyền của FDIC thể hiện quyết tâm của nhà làm luật Mỹ trong việc bảo vệ người tiêu dùng sản phẩm dịch vụ tài chính nói chung và người gửi tiền nói riêng. Hai cơ quan được kỳ vọng sẽ phối hợp, hỗ trợ nhau và nâng cao hiệu quả hoạt động chung.

Thứ hai, thành lập Hội đồng giám sát ổn định tài chính (FSOC) nhằm tăng cường giám sát và giải quyết vấn đề rủi ro hệ thống đối với khu vực tài chính – ngân hàng.

Nhiệm vụ của Hội đồng là xác định và xử lý những rủi ro mang tính hệ thống từ đó đảm bảo ổn định tổng thể hệ thống tài chính của nước Mỹ. Hội đồng này sẽ do Bộ trưởng Tài chính đứng đầu, có 9 thành viên đến từ các cơ quan quản lý tài chính liên bang, trong đó có FDIC. Đạo luật quy định các hoạt động và cán bộ của Cơ quan giám sát Tiết kiệm (OTS) sẽ chuyển giao một phần cho Cơ quan kiểm soát tiền tệ (OCC) và một phần cho FDIC, theo đó, FDIC sẽ tiếp nhận thêm nhiệm vụ giám sát các tổ chức tiết kiệm cấp bang của OTS.

Đạo luật yêu cầu Hội đồng giám sát bình ổn tài chính hợp tác cùng với FED trong việc yêu cầu các ngân hàng “có nhiều khả năng phá sản” áp dụng các giới hạn nghiêm ngặt về vốn và đòn bẩy; hướng dẫn Chính phủ tổ chức các cuộc kiểm toán bất thường và liên tục đối với các chương trình tín dụng của FED; và thành lập “Quy tắc Volcker” để giới hạn các hoạt động giao dịch độc quyền của các ngân hàng lớn. Đồng thời, Đạo luật phân chia trách nhiệm giám sát rõ ràng:

  • Tổng công ty bảo hiểm tiền gửi Mỹ (FDIC): giám sát các ngân hàng và tổ chức tiết kiệm cấp bang, tập đoàn ngân hàng tổng hợp cấp bang có tổng tài sản dưới 50 tỷ USD.
  • Cơ quan kiểm soát tiền tệ (OCC): giám sát các ngân hàng cấp quốc gia và tổ chức tiết kiệm liên bang, công ty sở hữu 2 đối tượng trên có tổng tài sản dưới 50 tỷ USD.
  • Cục Dự trữ liên bang (FED): giám sát các tập đoàn ngân hàng tổng hợp với tổng tài sản trên 50 tỷ USD.

Thứ ba, Đạo luật đưa ra quy định các ngân hàng lớn phải rút dần vốn ra khỏi các quỹ đầu cơ, quỹ tư nhân và chỉ được nắm giữ tối đa 3% số cổ phiếu của các quỹ này. Các thể chế tài chính sẽ phải tái cơ cấu nhằm giảm bớt các ngân hàng có quy mô khổng lồ như Lehman. Đạo luật sẽ áp dụng các khoản phí và hạn chế mới đối với các ngân hàng lớn trong nước, đặt ra các giới hạn đối với thị trường phái sinh trị giá 450.000 tỷ USD, cũng như bảo vệ người tiêu dùng trước các tài sản thế chấp và thẻ tín dụng. Biện pháp này sẽ giảm thiểu tác động xấu đến nền kinh tế nếu các thể chế tài chính sụp đổ.

Tóm lại, Đạo luật đề ra những cách thức mới để giám sát rủi ro trong hệ thống tài chính, tạo điều kiện dễ dàng hơn cho việc đóng cửa các công ty tài chính lớn bị thua lỗ, đề ra những luật lệ mới cho việc kinh doanh các sản phẩm chứng khoán phái sinh phức tạp – đầu mối gây ra cuộc khủng hoảng kinh tế 2008 và thành lập một cơ quan mới bảo vệ người tiêu dùng tài chính. Đạo luật cũng áp đặt những hạn chế mới lên các ngân hàng lớn, có liên hệ chặt chẽ với nhau, đòi hỏi ngân hàng khi cho vay phải có chứng cớ cho thấy người vay có khả năng thanh toán, nghĩa là người vay tiền phải chứng minh mình có thu nhập ổn định và đủ để thanh toán lãi và vốn vay hàng tháng, nói như Tổng thống Obama thì  “Mục đích của chúng tôi không phải là trừng phạt các ngân hàng, mà để bảo vệ nền kinh tế và người dân Mỹ khỏi những rối loạn mà chúng ta đã chứng kiến trong mấy năm qua”.

  1. Tác động của Đạo luật đối với nền kinh tế – tài chính của Mỹ và thế giới

Tác động tích cực của Đạo luật là sẽ chấm dứt tình trạng xảy ra những vụ “mờ ám” đã đẩy hệ thống tài chính Hoa Kỳ vào tình trạng khủng hoảng năm 2008, làm rối loạn nền kinh tế Mỹ và gây thiệt hại cho người dân đóng thuế. Các nghị sỹ ủng hộ Đạo luật thì cho rằng họ đã thành công trong việc bảo vệ quyền lợi của cử tri, và ca ngợi Đạo luật là sự phản ứng có hiệu quả đối với tình trạng lạm dụng trên thị trường tài chính, sự yếu kém trong điều hành và phán đoán sai lầm của người tiêu dùng – những yếu tố đã đẩy nước Mỹ vào cuộc suy thoái kinh tế. Thông qua việc triển khai các tiêu chuẩn an toàn chặt chẽ hơn, trong đó có các yêu cầu về vốn, chất lượng tín dụng, tỷ lệ đòn bẩy, thanh khoản và quản trị ngân hàng, nâng cao chất lượng chung của cả hệ thống tài chính, các ý kiến ủng hộ Đạo luật hy vọng qua đó duy trì lòng tin của người tiêu dùng và người gửi tiền, ngăn ngừa hoảng loạn và đảm bảo quá trình phát triển bền vững của hoạt động tài chính ngân hàng. Theo Tổng thống Obama, Đạo luật sẽ gia tăng trách nhiệm của các định chế tài chính, nhưng không làm tê liệt thị trường tự do, thậm chí không chỉ có lợi cho người tiêu dùng, mà còn có tác động tích cực đối với nền kinh tế và giúp các nhà đầu tư đưa ra quyết định khôn ngoan hơn, chấm dứt việc dùng tiền nộp thuế của người dân để tung ra các gói cứu trợ.

Người tiêu dùng và các nhà đầu tư Mỹ là những người được chia sẻ lợi ích nhiều nhất từ Đạo luật này. Tổ chức người tiêu dùng cho rằng, Đạo luật này có thể bảo hộ người tiêu dùng tránh được các vụ lừa đảo khi vay tín dụng nhà ở và thẻ tín dụng v.v, song Tổ chức người tiêu dùng đồng thời nêu rõ, việc thiết lập cơ quan mới này sẽ khiến việc xem xét các khoản vay tín dụng càng nghiêm khắc hơn, cũng có nghĩa là người dân gặp khó khăn nhiều hơn trong việc xin vay tín dụng, phạm vi lựa chọn bị giảm, nhưng giá thành thì lại tăng cao, đặc biệt là cộng đồng thu nhập thấp càng thiệt thòi hơn. Chủ tịch đảng Cộng hòa Thượng Nghị sỹ Mắc-cô-nen cho rằng, kết quả của cuộc cải cách này sẽ khiến vấn đề thất nghiệp càng thêm trầm trọng.

Tuy nhiên, những người phản đối thì cho rằng Quốc hội đã thất bại trong việc phản ánh và bảo vệ nguyện vọng của cử tri Mỹ, vì Đạo luật mới gia tăng quyền hạn của Chính phủ đối với hoạt động của các công ty tài chính tư nhân, vi phạm nguyên tắc cơ bản của kinh tế thị trường và sẽ gây ra những hệ quả không mong muốn. Họ cho rằng, Đạo luật này như là một gánh nặng đối với các ngân hàng cỡ nhỏ và những doanh nghiệp dựa vào chúng, sẽ khiến người tiêu dùng tốn kém và cản trở tăng trưởng việc làm. Thượng nghị sĩ Judd Gregg (Đảng Cộng hòa) cáo buộc Đạo luật “đặt ra những lớp quy định mới chồng lên những lớp quy định cũ và không cần thiết đối với các định chế tài chính, chắc chắn sẽ gây cản trở cho việc tiếp cận tín dụng của các gia đình và doanh nghiệp Mỹ”. Nghị sĩ Richard Shelby (Đảng Cộng hòa), cho rằng: “quyết định của Thượng viện Mỹ hôm nay sẽ tác động đến cuộc sống của người Mỹ trong nhiều thập niên sắp tới. Sự phán xét phải do thị trường đưa ra”… Hơn nữa, họ còn chỉ trích rằng trong tình hình chưa có đủ việc làm và tỉ lệ thất nghiệp vẫn còn cao như hiện nay, thì những can thiệp trực tiếp vào nền kinh tế của Nhà nước sẽ khiến nhiều hoạt động và việc làm trong lĩnh vực tài chính chuyển ra nước ngoài, ảnh hưởng tiêu cực đối với lợi nhuận của các ngân hàng, nhiều doanh nghiệp và người tiêu thụ không vay được vốn ngân hàng, làm tổn hại cho việc sản xuất của kinh tế nước Mỹ. Về nguyên tắc, hướng quy định khắc nghiệt hơn của Đạo luật có thể buộc các tổ chức tài chính phải dành nhiều nguồn lực hơn để tuân thủ và do đó thị trường tài chính sẽ khó có thể phát triển nhanh, mạnh như trước đây và có thể làm giảm tỷ suất lợi nhuận trung bình ngành.

Hơn nữa, sự phản đối còn biện giải rằng việc áp dụng Đạo luật này sẽ ít nhiều làm tổn thương nguyên tắc kinh doanh tự do vốn được sùng bái như một công cụ làm tăng thịnh vượng nền kinh tế Mỹ suốt mấy thập kỷ qua; cũng như làm tăng nghĩa vụ tài chính, chi phí và hạn chế quyền lợi, trong đó có quyền tự do kinh doanh khó giới hạn và lợi nhuận của các tổ chức tài chính – ngân hàng Mỹ; Những tổ chức “chứng khoán hóa” các khoản vay sẽ phải giữ lại nhiều rủi ro hơn; Cái gọi là quy tắc Volcker sẽ hạn chế giao dịch tự doanh và đầu tư vào các quỹ đầu cơ và quỹ vốn cổ phần của ngân hàng; Thị trường công cụ phái sinh sẽ không còn được để mặc cho tự hoạt động nữa…

Đạo luật Dodd-Frank có thể tác động đến đời sống tài chính thế giới theo 2 hướng: Một mặt, Đạo luật truyền đi các thông điệp cần thiết từ đó làm thay đổi nhận thức và tạo ra làn sóng mới việc hoàn thiện cơ sở luật pháp trong mỗi nước và quốc tế, cũng như thành lập thêm các định chế cần thiết, tăng cường các hoạt động và công cụ hữu hiệu nhằm hỗ trợ giám sát tài chính Nhà nước và bảo vệ người tiêu dùng trong hoạt động của các thị trường tài chính quốc gia và quốc tế; từ đó góp phần giữ gìn sự ổn định chung các hoạt động tài chính quốc gia và quốc tế trong tương lai. Mặt khác, Đạo luật có thể kéo theo sự thu hẹp nhất đinh về quy mô các hoạt động đầu tư và tín dụng, nhất là đầu tư mang tính đầu cơ và mạo hiểm, từ đó làm thu hẹp quy mô và cường độ nóng của các thị trường tài chính khu vực và quốc tế. Khi các quy định chặt chẽ hơn được áp dụng đối với các ngân hàng, có thể nhà đầu tư sẽ phải cân nhắc nhiều hơn trước khi rót vốn vào bất kỳ thị trường nào; các ngân hàng có thể  hạn chế cho vay vì sợ bị trách nhiệm, hoặc cho vay với lãi suất cao hơn, lệ phí nặng hơn. 

Riêng đối với Việt Nam, Mỹ đã, đang và sẽ tiếp tục là đối tác kinh tế quan trọng của Việt Nam. Năm 2009, mặc dù đang chịu tác động nặng nề bởi khủng hoảng tài chính, nhưng Mỹ vẫn là nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất. Đây cũng là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Có thể, trong thời gian tới, khả năng vốn đầu tư từ Mỹ vào Việt Nam sẽ trở nên khó khăn hơn ít nhiều. Tuy nhiên, rất khó có thể định lượng mức độ ảnh hưởng này bởi dòng vốn đầu tư chảy vào mỗi quốc gia còn chịu tác động của nhiều yếu tố khác như tiềm năng nội tại, lợi thế so sánh và chính sách ưu đãi … Việt Nam đã nhận thức được, và thông qua việc Mỹ áp dụng Đạo luật Dodd – Frank, càng cũng cố hơn nhận thức của mình về yêu cầu giám sát tài chính, bảo đảm an toàn hệ thống tài chính – ngân hàng quốc gia, nên đã và đang có nhiều động thái càn thiết và đúng hướng theo tinh thần này. Chẳng hạn, việc thực hiện các chỉ thị của Chính phủ về kiềm chế lạm phát, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, điều tiết gói kích cầu và mới đây là thực hiện Thông tư 13 của NHNN về tăng cường yêu cầu bảo đảm an toàn trong hoạt động cho vay của các ngân hàng thương mại Việt Nam. Về tổng thể và dài hạn, việc liên tục đánh giá và cải cách cơ sở pháp lý điều chỉnh hệ thống tài chính là việc làm cần thiết nhằm ngăn ngừa khủng hoảng trong tương lai. Trong đó, cần xác định hướng phát triển tổng thể của hệ thống tài chính, xác định chức năng nhiệm vụ của các cơ quan có chức năng giám sát, ổn định tài chính. Các bộ luật điều chỉnh từng lĩnh vực cụ thể như Luật Ngân sách, Luật Ngân hàng nhà nước, Luật tổ chức tín dụng, Luật bảo hiểm tiền gửi, Luật giám sát an toàn, Luật kinh doanh chứng khoán cần được xây dựng bám sát vào định hướng chung nói trên, đồng thời nên hình thành khái niệm Mạng an toàn tài chính quốc gia và quy định rõ ràng mối quan hệ phối hợp giữa các cơ quan có liên quan. Đây là giải pháp quan trọng nhằm đảm bảo tính đồng bộ của cơ sở pháp lý và đời sống lâu dài của các văn bản Luật. Trong thời gian tới, cần tiếp tục các hoạt động này, đặc biệt là việc tăng cường năng lực và hiệu lưc của hệ thống các định chế, các quy tắc và các hoạt động giám sát an toàn tài chính các cấp và bảo vệ người gửi tiền tiết kiệm, kể cả việc tăng mức bảo hiểm tiền gửi để bảo vệ lợi ích người gửi tiền và giữ ổn định lượng tiền gửi trong các ngân hàng, đồng thời tăng các hoạt động thông tin, tuyên truyền và kiểm soát nhằm giảm thiểu các khoản đầu tư có tính đầu cơ cao, ngắn hạn, dễ gây các hiệu ứng tiêu cực trên thị trường tài chính trong nước.

CASE STUDY N0.974: CHÍNH SÁCH KINH TẾ CỦA TT DONALD TRUMP LIỆU CÓ KHẢ THI?

1. Một trong những quan điểm cơ bản và quan trọng nhất mà Trump được phần lớn người dân có thu nhập thấp hoặc người thấp nghiệp tại Mỹ ủng họ là muốn tạo ra nhiều công ăn việc làm cho người Mỹ.

+ Vậy để làm được điều này Trump thực hiện những chính sách sau đây:

– Tăng thuế đánh hàng hóa sản xuất từ các quốc gia chủ yếu như Mexico và Trung quốc nhằm bảo hộ sản xuất trong nước.

– Giảm thuế doanh nghiệp trong nước.

– Hạn chế nhập cư, đặc biệt trục xuất những thành phần nhập cư lao động bất hợp pháp tại Mỹ.

2- Mục tiêu kéo việc làm về cho người Mỹ sẽ vấp phải những hạn chết sau đây:

– Nếu các doanh nghiệp sử dụng nhân công Mỹ và mở nhà máy tại Mỹ thì chi phí tạo ra sản phẩm sẽ khá cao và khó cạnh tranh với các nước đang phát triển như Mexico và Trung Quốc và các nước đang phát triển khác. Việc Mỹ đánh thuế cao các quốc gia khác sẽ làm cho các quốc gia này áp thuế cao trở lại đối với hàng sản xuất từ Mỹ. Và đương nhiên không chỉ có các nước chủ yếu như là Trung Quốc, Mexico bị áp thuế cao, Mỹ cũng buộc phải áp thuế cao với các sản phẩm tiêu dùng từ các nước đang phát triển khác ví dụ như Việt Nam, vì nếu không hàng Trung Quốc dán mác Việt Nam sẽ tràn vào Mỹ. Các công ty Mỹ thường là công ty mang tính toàn cầu, họ sản xuất không chỉ bán sản phẩm cho người Mỹ mà toàn bộ người tiêu dùng trên thế giới. Khi giá hàng hóa bán ra bởi các sản phẩm của Mỹ cao hơn các nước khác như vậy khả năng cạnh tranh của hàng hóa Mỹ thấp hơn nhiều các nước khác trên thế giới. Những hàng hóa tiêu dùng đơn giản thì rõ ràng không cạnh tranh được với sản phẩm như của Trung Quốc và Mexico. Còn những hàng hóa cần kỹ thuật và chất lượng cao thì hàng Mỹ lại không cạnh tranh được với Châu Âu, Nhật, Hàn Quốc bởi các quốc gia phát triển còn lại họ vẫn dùng lợi thế của toàn cầu hóa để giảm giá thành sản phẩm . Ví dụ đơn giản là Samsung dùng nhân côn g tại Việt Nam. Nếu Iphone mà sử dụng phần lớn nhân công Mỹ thì tính cạnh tranh của Iphone sẽ kém đi hơn nhiều so với Samsung.

– Việc hạn chế dân nhập cư cũng làm cho chi phí sản xuất của Mỹ tăng cao. Phần lớn những dân lao động bất hợp pháp là làm việc với mức lương thấp trả tiền mặt, môi trường và điều kiện lao động khắc nghiệt. Nếu người Mỹ làm những công việc như vậy lương phải trả khá cao và doanh nghiệp phải trang bị đầy đủ các thiết bị bảo hộ theo quy định. Ngay kể cả những ngành cần lao động kỹ thuật cao như công nghệ thông tin thì người Ấn Độ cũng sang Mỹ làm việc rất nhiều để giảm chi phí lao động cho các công ty Mỹ và nhiều lĩnh vực người Mỹ vẫn thiếu hụt lao động trầm trọng cần dân nhập cư.

– Giới doanh nhân tư bản là người tính toán chi phí từng xu. Nên họ luôn có xu hướng cắt giảm chi phí nếu có thể. Thường các công ty mở tại những quốc gia phát triển có chi phí đắt về nhân cộng, các vấn đề thuế má, môi trường… thì buộc họ sẽ áp dụng công nghệ vào sản xuất. Và việc đó sẽ không làm tăng thêm việc tuyển dụng nhiều nhân công. Khi mở nhà máy tại các nước nghèo thì chi phí sử dụng lao động đơn giản sẽ tiết kiệm hơn so với áp dụng công nghệ cao nên họ thuê nhiều lao động. Nhưng ngược lại tại Mỹ thì họ sẽ thích sử dụng robot hơn là tuyển dụng người.

– Nhiệm kỳ của Trump cũng chỉ 4 năm. Nên việc quyết định mở một nhà máy tại Mỹ hay tại nước ngoài sẽ buộc các doanh nghiệp tính toán kỹ lưỡng. Họ không dại gì quyết định mang nhà máy về Mỹ luôn vì điều này quá rủi ro. Chi phí xây dựng triển khai một nhà máy rất tốn kém. Có chăng những chính sách hiện tại của Mỹ có thể làm chậm tiến độ của một số công ty muốn chuyển nhà máy từ Mỹ sang các nước thứ ba hoặc hỗ trợ thêm một số nhà máy tại Mỹ nhưng có chí nhánh toàn cầu mở rộng tuyển dụng hơn tại chi nhánh ở Mỹ và tuyển dụng ít hơn tại các công ty trực thuộc tại nước ngoài.

– Việc các sản phẩm đều tăng giá tại Mỹ. Các sản phẩm trong nước sản xuất ra thì chi phí cao, các sản phẩm nhập khẩu bị đánh thuế thì giá cũng cao. Sẽ đẩy chi phí tại Mỹ tăng cao và người tiêu dùng có xu hướng tiết kiệm chi tiêu, mua sắm. Điều này lại hạn chế phát triển sản xuất trong nước.

– Khi mở nhà máy tại các nước nghèo thì chi phí sử dụng lao động đơn giản sẽ tiết kiệm hơn so với áp dụng công nghệ cao nên họ thuê nhiều lao động. Nhưng ngược lại tại Mỹ thì họ sẽ thích sử dụng robot hơn là tuyển dụng người. Càng ngày càng tự động hóa, tin học hóa quá nhanh, những công việc tay chân bình thường sẽ giảm bớt dần và những người không có trình độ kỹ thuật sẽ bị mất job, ở ngoài rìa thị trường lao động ! Ngay cả những jobs chuyên môn như bác sĩ, phiên dịch, viết báo, … cũng bị các robots cạnh tranh !

– Chính sách thuế giảm của Trump dự kiến làm tốn kém 9.500 tỷ USD cho ngân sách liên bang, trong khi chính sách của bà Clinton thì dự kiến mang lại thu thêm cho liên bang 200-500 triệu USD. Trong khi đó Trump còn tăng cường mạnh chi phí quốc phòng, chi phí cho an ninh trong nước để tìm kiếm và trục xuất người nhập cư bất hợp pháp, tăng chi phí chống khủng bố trong nước và quốc tế. Chi phí cho xây dựng bức tường ngăn giữa Mỹ và Mexico. Trong khi việc mở rộng sản xuất của các doanh nghiệp trong nước chưa rõ ràng. Không rõ Trump sẽ lấy nguồn bù đắp từ đâu.

CASE STUDY N0.972 :RCEP vs TPP

 Hiệp định TPP chỉ có hiệu lực khi quốc hội của ít nhất 6 nước thành viên với ít nhất 85% sản lượng kinh tế của khối phê duyệt. Do vậy khi Mỹ, với hơn 50% GDP của khối, chính thức rút khỏi TPP thì văn bản TPP đã được ký kết có thể coi như bị tự hủy.

Do vậy, có 3 kịch bản có thể diễn ra trong tình huống này.

Một là, những nước còn lại xây dựng chung một hiệp định mới. Với kịch bản này, tuy còn lại 11 quốc gia nhưng tổng sản lượng chỉ còn chưa bằng một nửa và mất đi một thị trường tiêu thụ mạnh nhất thế giới thì như Thủ tướng Nhật Shinzo Abe đã tuyên bố TPP trở thành vô nghĩa nếu không có Mỹ.

Hai là, những quốc gia còn lại mở rộng hiệp đối tác, tìm kiếm quốc gia thay thế Mỹ với một GDP tương đương và nhất là với một thị trường tiêu thụ hấp dẫn. Nếu nằm trong khuôn khổ địa lý xuyên Thái Bình Dương thì khó có quốc gia nào hội đủ tiêu chuẩn. Có hai cường quốc là Trung Quốc và Nga, nhưng đều là những nước mới nổi, GDP còn yếu và thị trường tiêu thụ nội địa còn sơ khai.

Ba là, các nước sẽ không phải mất công đàm phán một hiệp định mới hay kết nạp thêm thành viên mà có thể chuyển sang ngay hiệp định RCEP hiện có với vai trò gần tương đương và có tới 7 quốc gia cũng nằm trong TPP (Việt Nam, Brunei, Malaysia, Australia, New Zealand, Nhật và Singapore). Đó chính là lý do sau khi Mỹ rút khỏi TPP, RCEP lại được nhắc đến nhiều như vậy như một sự thay thế.

2-RCEP khác TPP thế nào?

TPP là hiệp định được ký kết giữa 12 quốc gia (bao gồm Mỹ, Canada, Mexico, Peru, Chile, New Zealand, Australia, Nhật Bản, Singapore, Brunei, Malaysia, Việt Nam và không có Trung Quốc) trong tháng 2/2016 nhưng hiện mới chỉ có Nhật Bản thông qua và Mỹ thì đã rút khỏi hiệp định.

Khác với tương lai “mờ mịt” nếu không muốn nói là gần như bị “xóa sổ” của TPP thì RCEP đang bước vào giai đoạn gấp rút để có thể hoàn tất đàm phán và ký kết vào cuối năm 2017. RCEP hiện có 16 nước thành viên bao gồm 10 nước ASEAN và các nước đối tác Australia, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản.

Điểm khác biệt lớn nhất của TPP và RCEP là việc áp đặt tiêu chuẩn hoạt động thương mại. Không như TPP được coi là một hiệp định thế hệ mới yêu cầu sự đồng nhất chặt chẽ giữa các nước thành viên và có “chất lương cao”, RCEP đặt ra các tiêu chuẩn thấp hơn và chấp thuận việc các nước thành viên đặt các rào cản không đồng nhất.

Nói cách khác RCEP “hẹp” hơn TPP, đơn thuần hạ thấp thuế quan và thiếu một số “mục tiêu cao cả” bao gồm việc bảo vệ người lao động, bảo vệ môi trường… Từ góc nhìn này, RCEP có thể tạo ra một số động lực thúc đẩy thương mại, nhưng sự gia tăng trong thương mại sẽ đến chủ yếu dưới dạng các dòng thương mại, sự biến chuyển về “chất” sẽ không nhiều. Vì vậy, RCEP không hoàn toàn là một sự thay thế tốt hoặc thay thế tuyệt đối cho TPP.

3-Sự đổi ngôi trên bản đồ thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc?

Khi TPP mới chỉ có 4 nước thành viên (Brunei, Chile, Singapore và New Zealand) được mở rộng vào năm 2008 để tiếp đón Australia, Canada, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, Peru, Mỹ và Việt Nam, thì ý định của các chiến lược gia Mỹ lúc đó không chỉ nằm ở một hiệp định kinh tế đơn thuần mà đó là chiến lược “xoay trục” của tổng thống Obama. Châu Á – Thái Bình Dương là khu vực trọng tâm của thế giới và Mỹ phải nắm lấy vị thế chủ đạo, do vậy Trung Quốc đã bị loại ra ngay từ ban đầu. Sau đó năm 2012, Trung Quốc đã mở cuộc đàm phán thiết lập một khối kinh tế tương xứng ở châu Á, đó là RCEP. Khi ấy RCEP được lập ra như một đối trọng với TPP.

“Nếu không có TPP, Trung Quốc tự nhiên trở thành một nhà lãnh đạo tạo ra ảnh hưởng hội nhập kinh tế trong khu vực này”, David Li, giáo sư kinh tế tại Đại học Thanh Hoa của Trung Quốc, cho biết tại Diễn đàn kinh tế thế giới Davos (WEF 2017).

Sự sụp đổ của TPP cho thấy châu Á sẽ phải đối diện với một thế giới rất khác. Mỹ sẽ không còn chiếm vai trò trung tâm thúc đẩy thương mại tự do, trong khi đó Trung Quốc lại ngày càng càng tích cực thừa nhận vai trò lãnh đạo lớn hơn.

Chính nguy cơ về một sự thay thế vai trò của Mỹ và Trung quốc trong thương mại là điều thúc đẩy các nước còn lại tiến gần hơn với RCEP.

4-RCEP thay thế được bao nhiêu cho TPP?

Xét về mặt tác động phúc lợi trực tiếp của Hiệp định RCEP so với TPP, theo báo cáo của Peter Petri – người sử dụng một mô hình cân bằng tổng thể được phát triển bởi Zhai (2008): Điểm chính yếu là Hiệp định RCEP sẽ đem lại một sự thúc đẩy đáng kể đến GDP toàn phần cho tất cả các quốc gia thành viên, mặc dù chưa đến mức mà Hiệp định TPP đem lại lợi ích cho một số quốc gia chú trọng thương mại của châu Á (biểu đồ 1).

Biểu đồ 1: Hiệp định RCEP có thể không thúc đẩy tăng trưởng sản lượng như TPP có thể làm nhưng những lợi ích sẽ được chia sẻ công bằng hơn khắp châu Á

Kết quả cho thấy rằng Singapore có lợi ít nhất – sau tất cả, Singapore đã ký hiệp định thương mại tự do với tất cả các quốc gia thành viên RCEP (hai bên thông qua khối ASEAN và thỏa thuận song phương trực tiếp). Những lợi ích phúc lợi thể hiện ở trên bắt nguồn từ sức ảnh hưởng mà một hiệp định thương mại rộng lớn hơn như Hiệp định RCEP sẽ có trên các chuỗi cung ứng toàn khu vực ASEAN mà trong đó các ngành công nghiệp của Singapore đều có tham gia.

Ngược lại với Singapore, Việt Nam sẽ được hưởng nhiều lợi ích từ Hiệp định RCEP. Một mặt, Việt Nam sẽ tham gia vào các thỏa thuận mới và sẽ thấy những lợi ích đáng kể đến từ việc nguồn cung ứng sản xuất từ Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc tăng lên. Mặc dù từ Hiệp định RCEP sẽ có một sự thúc đẩy tiềm năng cho sản lượng (mà chưa phải hiệp định đã hoàn tất việc ký kết).

Tuy nhiên RCEP chắc chắn sẽ phải gặp một số trở ngại đến từ Ấn Độ. Vì nhiều nhà sản xuất và các doanh nghiệp Ấn Độ sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh rất khốc liệt từ các nhà xuất khẩu Trung Quốc. Nhất là khi Ấn Độ là một quốc gia có thâm hụt thương mại lớn với Trung Quốc.

Sự sụp đổ của TPP đã không có nghĩa là RCEP sẽ cất cánh, nhưng ít nhiều nó mang lại hi vọng cho các quốc gia còn lại theo đuổi tư tưởng thương mại tự do.

CASE STUDY N0.973:WHO IS WHO TRONG CUỘC CHIẾN THƯƠNG MẠI-TIỀN TỆ MỸ -TRUNG?

Nếu như Trung Quốc tẩy chay hàng hóa Mỹ như đã làm với hàng hóa Nhật Bản, các thương hiệu như Nike, General Motors, Ford và Tiffany sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực. Ở chiều ngược lại, Mỹ có thể ra lệnh cấm vận và gây áp lực lên một số công ty điện tử của Trung Quốc như Lenovo và ZTE.

 

Trong bối cảnh tân Tổng thống Mỹ Donald Trump chính thức bước vào Nhà Trắng và có nhiều tuyên bố chống lại Trung Quốc, giới phân tích đang vẽ ra danh sách người thắng và kẻ thua trong trường hợp căng thẳng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới leo thang.

Ở thời điểm này, ông Trump vẫn chưa đưa ra bất cứ kế hoạch cụ thể nào về vấn đề này. Tuy nhiên có một điều chắc chắn, đó là Trung Quốc sẽ phản ứng mạnh mẽ đối với bất kỳ động thái nào đi theo chủ nghĩa bảo hộ. Có thể nhận ra điều này nếu nhìn vào cuộc chiến thương mại Nhật – Trung năm 2012.

Theo ngân hàng Credit Suisse, nếu như Trung Quốc tẩy chay hàng hóa Mỹ như đã làm với hàng hóa Nhật Bản, các thương hiệu như Nike, General Motors, Ford và Tiffany sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực. Ở chiều ngược lại, Mỹ có thể ra lệnh cấm vận và gây áp lực lên một số công ty điện tử của Trung Quốc như Lenovo và ZTE. Nhưng trong kịch bản này thì các nhà sản xuất trong nước ở cả Trung Quốc và Mỹ sẽ là người hưởng lợi.

Hao Hong, chuyên gia phân tích tại Bocom International Holdings, cho biết hầu hết những người mà ông nói chuyện đều nghĩ rằng chiến tranh thương mại là một “chú thiên nga đen” trên thị trường, tức là hiện tượng kinh tế mà nhà đầu tư không thể nào dự đoán về hậu quả và do hiện tượng này bắt đầu từ những thay đổi trong chính sách.

Tuy nhiên, Hong nhận định khả năng xảy ra một cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc là khá lớn. Trump từng tuyên bố sẽ áp thuế 45% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc (dù sau đó đã bác bỏ). Sau lễ nhậm chức của ông hôm 20/1, tờ Thời báo hoàn cầu của Trung Quốc ngay lập tức có bài viết nhận định bài phát biểu của Trump báo hiệu “khả năng cao” sẽ có sự va chạm trong mối quan hệ thương mại giữa hai nước.

Trung Quốc vẫn là đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ. Nguồn: Bloomberg.

Theo Reto Hess, trưởng nhóm nghiên cứu chứng khoán tại Credit Suisse, về phía Trung Quốc các công ty xuất khẩu hàng điện tử gia dụng, dệt may và đồ gia dụng sẽ là những “nạn nhân” lớn nhất nếu xung đột nóng lên. Nguyên nhân là bởi họ có một phần không nhỏ doanh thu đến từ các khách hàng Mỹ.

Ví dụ, những công ty như GoerTek (chuyên về công nghệ không dây) và công ty dệt may Regina Miracle International Holdings có hơn 70% doanh thu đến từ thị trường Mỹ. Xét theo góc độ này đây sẽ là 2 công ty bị ảnh hưởng nhiều nhất trên TTCK Trung Quốc, theo Morgan Stanley.

Những công ty Trung Quốc chịu ảnh hưởng từ thị trường Mỹ nhiều nhất. Nguồn: Bloomberg.

Ở chiều ngược lại, các nhà sản xuất chip của Mỹ như Ambrella Inc. và Texas Instruments Inc. đứng đầu nhóm những cổ phiếu bị ảnh hưởng mạnh nhất bởi có hầu hết doanh thu đến từ thị trường Trung Quốc.

Và những công ty Mỹ chịu ảnh hưởng từ thị trường Trung Quốc nhiều nhất. Nguồn: Bloomberg.

Nếu người tiêu dùng Trung Quốc tẩy chay các thương hiệu Mỹ (giống như đã làm với hàng hóa Nhật Bản năm 2012), các nhà sản xuất nội địa như công ty ô tô BYD và nhà sản xuất đồ thể thao Anta sẽ hưởng lợi.

Các thương hiệu nước ngoài ở Trung Quốc cũng sẽ có thêm thị phần vì trở thành một lựa chọn thay thế. “Người tiêu dùng Trung Quốc có thể quyết định mua một chiếc xe hơi của Đức thay vì Mỹ, hoặc mua áo phông của Adidas thay vì Nike”.

Theo Jonathan Garner, chuyên gia đến từ ngân hàng Morgan Stanley, nhìn chung thì phía Mỹ sẽ thiệt hại nhiều hơn nếu một cuộc chiến thương mại nổ ra. Trong khi gần 10% các công ty trên sàn chứng khoán Mỹ có ít nhất 10% tổng doanh thu đến từ thị trường Trung Quốc, tỷ lệ ở Trung Quốc là chưa đến 2%.

Trong trường hợp hai bên thương lượng được một thỏa thuận hợp lý thay vì đối đầu với nhau, Garner nhận định bên hưởng lợi nhiều nhất là các công ty năng lượng, giải trí, công nghệ và du lịch của Trung Quốc. Nhóm công ty Mỹ hưởng lợi là viễn thông và các nhà sản xuất chip.

Tuy nhiên kịch bản tích cực có ít khả năng xảy ra hơn vì Trump đã đưa ra nhiều lời cảnh báo. “Khó có thể xảy ra trường hợp nội các của ông Trump không có bất cứ động thái nào. Nếu căng thẳng bắt đầu leo thang, gần như chắc chắn các cổ phiếu có liên quan sẽ bị bán tháo”, David Cui – chiến lược gia của ngân hàng Bank of America – nhận định.

CASE STUDY N0.971:NHÀ ĐẦU TƯ vs BÁO CÁO TÀI CHÍNH ĐÃ KIỂM TOÁN

1-Tuy đã được kiểm toán độc lập,nhưng thực tế cho thấy báo cáo kiểm toán (BCKT) vẫn có những kẽ hở che mắt nhà đầu tư.

Vậy nhà đầu tư biết tin vào ai, làm thế nào để đánh giá được đúng thực trạng và chỉ ra được nguyên nhân tại sao chất lượng BCTC đã được kiểm toán vẫn tồn tại quá nhiều vấn đề, gây thiệt hại cho nhà đầu tư, gây mất niềm tin của thị trường, tác động xấu đến môi trường đầu tư khiến nhà đầu tư nước ngoài đang rút dần vốn khỏi Việt Nam, cả vốn trực tiếp và gián tiếp…là câu hỏi cần lời giải đáp.

2-Các nguyên nhân:

+Từ phía doanh nghiệp lập BCTC:

Yếu tố đầu tiên dẫn đến việc sửa số liệu trên BCTC là do cổ đông lớn đồng thời là người điều hành “lộng quyền” che dấu và bưng bít thông tin. Điều này xuất phát từ tình trạng quản trị công ty yếu kém cộng với hệ thống giám sát lỏng lẻo trong đó vai trò của Ban kiểm soát không đáng kể. Để làm được điều này, ban lãnh đạo cần có sự “giúp sức” từ kế toán công ty (năng lực yếu và đạo đức chưa cao); thiếu vai trò của kiểm toán nội bộ hoặc nếu có thì trực thuộc Ban điều hành, năng lực kiểm toán nội bộ kém. Các công ty ở dạng này sẽ có thói quen điều chỉnh số liệu BCTC, với tư duy mình làm không ai biết hoặc mình không làm thì người khác cũng làm.

+Từ góc độ kiểm toán:

Có nhiều lí do dẫn đến sai sót trong báo cáo kiểm toán.

-Lý do khách quan có thể dẫn đến từ việc năng lực chuyên môn của một số kiểm toán viên bị giới hạn; Kiểm toán viên không được trang bị kỹ năng phát hiện gian lận; Hệ thống chuẩn mực kiểm toán chưa cập nhật; Công nghệ yếu kém, chưa ứng dụng hỗ trợ nâng cao năng lực kiểm toán viên; Phương pháp kiểm toán dựa nhiều vào thủ tục, tính xét đoán chuyên môn và thận trọng nghề nghiệp không cao…

-Ngoài ra, lý do chủ quan có thể bắt nguồn từ gian lận ở cấp lãnh đạo công ty kiểm toán, sức ép quá lớn từ “kinh doanh” và cạnh tranh cùng với yếu kém trong cơ chế quản trị công ty khiến tính độc lập rất thấp, kiểm toán dễ “chiều” theo ý khách hàng. Sức ép quá lớn từ công việc khiến chính các kiểm toán viên không đủ thời gian, nguồn lực để đưa ra xét đoán chuyên môn phù hợp.

-Giá phí kiểm toán ngày càng thấp do cạnh tranh và thiếu lành mạnh của thị trường kiểm toán dẫn đến mức đầu tư cho một cuộc kiểm toán ngày càng thấp.

+Từ góc độ nhà đầu tư

-Thông thường, cổ đông không kiểm soát được vấn đề lựa chọn công ty kiểm toán mà ủy quyền cho HĐQT, HĐQT lại chỉ đạo Giám đốc, và rồi đến kế toán trưởng chọn công ty kiểm toán. Điều này giảm tính độc lập và hiệu lực của kiểm toán.

-Thứ hai, nhận thức của cổ đông và nhà đầu tư chưa cao đối với chất lượng BCTC. Năng lực đọc BCTC của nhà đầu tư chưa cao, ngay cả phân biệt các dạng ý kiến kiểm toán khác nhau cũng chưa rành. Điều này dẫn đến việc lãnh đạo công ty có thể thay đổi số liệu trên báo cáo tài chính để đánh lạc hướng thông tin.

+Từ góc độ hệ thống

-Hệ thống chuẩn mực kế toán của Việt Nam hiện tại chưa hoàn chỉnh, thiếu hụt nhiều chuẩn mực quan trọng, tạo nhiều cơ hội để gian lận báo cáo tài chính. Ví dụ, chưa có chuẩn mực “Thanh toán trên cơ sở cổ phiếu” dẫn đến dùng ESOP như một công cụ thay đổi lợi nhuận.

-Cơ chế bảo vệ cổ đông thiểu số không đủ mạnh, dẫn tới BCTC bị các cổ đông lớn kiểm soát. Chế tài đối với gian lận BCTC quá thấp. Đây cũng là động cơ lớn để gian lận gia tăng.

-Năng lực của các cơ quan tạo lập thị trường bị giới hạn.

-Cơ chế giám sát hoạt động kiểm toán chưa đủ mạnh, mang tính hình thức và thủ tục, có thể tạo sức ép vô hình cho kiểm toán “thủ tục hoá” hoạt động kiểm toán dẫn tới tính xét đoán chuyên môn yếu.

Cơ chế giám sát việc công bố thông tin còn yếu.

+Từ góc độ truyền thông tài chính

-Truyền thông đôi lúc không dám đối mặt với thực tế và sự thật.

– Cần phải có khảo sát và đánh giá toàn diện các vấn đề về chất lượng BCTC, làm căn cứ để đưa ra các giải pháp thiết thực nâng cao chất lượng thông tin tài chính trên thị trường.

CASE STUDY N0.970 :Thế lực nào điều khiển VN-Index?

1-    Vốn hóa thị trường đang đạt 74 tỷ USD;

2-     Về cơ bản sẽ có 3 lực lượng chính tham gia trên thị trường chứng khoán là:

   + khối ngoại : hiện sở hữu 17 tỷ USD (chiếm 23%),

  + nhà nước: hiện sở 29 tỷ USD (chiếm 39%).

  + Phần còn lại là khối nội, lực lượng đông đảo và “hung hăng” nhất với khoảng 1,6 triệu tài khoản giao dịch, chiếm 38% vốn hóa.

2-Nhà đầu tư nước ngoài dù chỉ chiếm sở hữu khoảng gần ¼ thị trường, lại luôn là đối tượng được quan tâm nhiều nhất. Mỗi đợt di chuyển của dòng vốn ngoại lại làm cho thị trường bị biến động thấy rõ.

+ Có thể chia khối ngoại ra thành nhiều thành phần:

-Hoạt động tích cực và hay phát biểu trên diễn đàn là các quỹ đầu tư nước ngoài có văn phòng tại Việt Nam:

 Nhóm này có thể đang nắm giữ khoảng 4 tỷ USD tài sản chứng khoán (có một phần là private equity) ;

 Những cái tên tiêu biểu gồm có Vina Capital, Dragon Capital, VietnamHolding, cùng hàng chục cái tên lớn nhỏ khác.

Chiến lược của họ thường là đầu tư và nắm giữ dài hạn, với tâm thế luôn tin vào triển vọng sáng sủa của Việt Nam.

-Một thành phần khác thích gây bất ngờ và hoạt động tích cực hơn của khối ngoại là các sản phẩm quỹ được phát hành bởi các tổ chức quốc tế. Đó có thể là chứng chỉ quỹ mở do JP Morgan AM phát hành, ETF do Van Eck quản lý, hay P Notes. Với khả năng vào – ra nhanh bất thường và khó lường, điều duy nhất có thể lôi kéo dòng vốn này là thị trường Việt Nam phải chứng minh khả năng tăng trưởng xuất sắc.

-Cuối cùng, lực lượng nhiều tiền nhưng kín tiếng nhất, là những nhà đầu tư chiến lược trong các doanh nghiệp Blue Chips. Thường thì họ sẽ ít giao dịch, và thường mang hộ chiếu Nhật Bản, Hàn Quốc hoặc Thái Lan.

3-Khối nội đông đảo, nhưng cũng là thành phần phức tạp nhất trên thị trường. Trong khi các nhà đầu tư chuyên nghiệp, bao gồm các quỹ đầu tư, tự doanh các công ty chứng khoán đang quản lý khoảng 7 tỷ đô trên thị trường, bao gồm cả danh mục ủy thác và quỹ đầu tư, lực lượng còn lại là các nhà đầu tư cá nhân và các sở hữu chéo chằng chịt tại rất nhiều công ty.

Gọi là phức tạp, bởi vì trong khi các quỹ có chiến lược đầu tư bài bản, phần còn lại là sự đan xen của rất nhiều chiến thuật, cảm xúc, mô hình và kỳ vọng khác nhau. “Đám đông bầy đàn” là từ chúng ta hay dùng để miêu tả thành phần này, và đám đông này có thể hưng phấn ngay phiên hôm trước và trở nên hoảng loạn ngay phiên hôm sau.

4-Và cuối cùng, đối tượng ít hoạt động nhưng thỉnh thoảng cũng gây xáo trộn thị trường là sở hữu nhà nước.

+ Trong khi SCIC (nắm khoảng 4,4 tỷ đô) và

+ Petro Vietnam (nắm khoảng 5,9 tỷ đô) đang tìm cách bán bớt;

+ Ngân hàng nhà nước (sở hữu 9 tỷ đô tại 3 ngân hàng VCB, CTG và BID) lâu nay không có tuyên bố gì.

+ Các bộ ngành nắm danh mục lớn như Bộ tài chính, Bộ công thương có lẽ cũng phải chờ ý kiến từ Chính Phủ.

Và như vậy, chúng ta có thể vẽ bức tranh tương đối chi tiết về các đối tượng tham gia trên thị trường chứng khoán sau đây:

KL: Trở lại với câu hỏi đầu tiên:”Thế lực nào điều khiển Index?”

+ Nếu nhìn đồ thị trên, chính những nhà đầu tư cá nhân có thể nắm quyền tự quyết. Tuy nhiên, chưa bao giờ đám đông này có thể đồng thuận quá lâu.

+ Trong khi đó, ở một vài thời điểm nhất định của quá khứ, Index đã bị méo mó bởi hoạt động mạnh của 1 nhóm nhà đầu tư nào đó. Biểu hiện rõ nhất là thời kỳ ETF xuất hiện, liên tục mua vào các cổ phiếu lớn khiến chỉ số không thể hiện đúng bản chất thị trường. Nhưng thời kỳ đó đã qua, với việc niêm yết nhiều cổ phiếu lớn có thể chi phối Index cùng với sự tăng quy mô vốn hóa, sẽ rất khó để một lực lượng điều khiển chỉ số trong một giai đoạn kéo dài.