Trước đây doanh nghiệp trong nước hoạt động theo Luật Công ty (1990), Luật Doanh nghiệp tư nhân (1990) và sau đó gộp chung thành Luật Doanh nghiệp (1999). Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hoạt động theo Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, lần đầu tiên ra đời năm 1988, sau đó được sửa đổi, bổ sung nhiều lần, lần sau cùng vào năm 2000. Nói chung hai bên đi theo hai con đường khác nhau hoàn toàn.
Đột nhiên nảy sinh chuyện đối xử quốc gia và tối huệ quốc khi Việt Nam khởi động quá trình gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), có nghĩa khi đã trở thành thành viên của WTO thì Việt Nam phải cam kết sự đối xử của quốc gia với doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài như nhau, với một nước thành viên này như thế nào thì với các nước thành viên còn lại phải như thế.
Nguyên tắc đối xử quốc gia như thế buộc Việt Nam phải soạn một Luật Doanh nghiệp chung cho tất cả các loại hình doanh nghiệp, kể cả tư nhân trong nước và nhà đầu tư nước ngoài để khỏi mang tiếng phân biệt đối xử. Soạn một luật như thế thì dễ nhưng vấn đề đặt ra là lúc đó Việt Nam còn muốn bảo vệ nhiều ngành non trẻ, không muốn đầu tư nước ngoài đi vào một số lĩnh vực nhạy cảm như phân phối, không muốn nhà đầu tư nước ngoài sau khi được cấp giấy phép thành lập mà cứ thế mở rộng hoạt động ra khắp cả nước.
Sau năm 2006, Việt Nam có một lộ trình thực hiện các cam kết mở cửa thị trường với WTO nên Luật Đầu tư vẫn được xem là cần thiết như một cái phao để giới quản lý sử dụng một khi muốn ép nhà đầu tư nước ngoài tuân thủ lộ trình. Nay mọi chuyện đã khác, Luật Đầu tư coi như đóng xong vai trò vì hầu như các cam kết WTO Việt Nam đã thực thi hết. |
Từ đó mới có chuyện soạn và ban hành Luật Đầu tư, trên danh nghĩa là áp dụng cho tất cả nhưng thực tế là nhắm đến nhà đầu tư nước ngoài để hạn chế hoạt động của họ như một phương cách bảo hộ sản xuất trong nước mà không vi phạm cam kết WTO. Cả hai luật này ra đời vào năm 2005 và được sửa đổi bổ sung gần đây nhất vào năm 2014.
Ngay từ năm 2005 khi vừa ra đời, Luật Đầu tư đã bị cho là có nhiều điểm bất hợp lý, làm rắc rối môi trường đầu tư một cách không cần thiết. Người bình thường không thể nào phân biệt được vì sao có giấy đăng ký kinh doanh rồi mà vẫn có thêm giấy chứng nhận đầu tư, chúng giống nhau và khác nhau điểm nào, ai cần giấy gì… Nhưng như đã nói ở trên, giai đoạn sau năm 2006 lúc Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư chung có hiệu lực, Việt Nam có một lộ trình thực hiện các cam kết mở cửa thị trường với WTO nên Luật Đầu tư vẫn được xem là cần thiết như một cái phao để giới quản lý sử dụng một khi muốn ép nhà đầu tư nước ngoài tuân thủ lộ trình.
Nay mọi chuyện đã khác, Luật Đầu tư coi như đóng xong vai trò vì hầu như các cam kết WTO Việt Nam đã thực thi hết, đâu còn cái mong muốn bảo vệ, chẳng hạn, hệ thống phân phối trong nước. Thậm chí nhiều người nước ngoài cứ sử dụng người trong nước làm “chân gỗ” để thành lập doanh nghiệp, hoạt động được một thời gian thì “bán lại” một cách hợp pháp và không chịu mảy may ràng buộc nào. Ngược lại Luật Đầu tư giờ lại thành rào cản cho doanh nghiệp trong nước mỗi khi muốn triển khai dự án làm ăn mới.
Cách đây năm năm, TBKTSG từng có bài Giữ hay bỏ Luật Đầu tư?, trong đó nêu một lập luận quan trọng: “Một trong những ví dụ “bức bối” nhất được các chuyên gia dẫn ra là quy định về thủ tục đăng ký, thẩm tra đầu tư. Mục tiêu của quy định này thực sự không rõ. Cụ thể, muốn triển khai một dự án đầu tư, tùy theo tính chất, quy mô nhà đầu tư phải làm thủ tục đăng ký hoặc thẩm tra đầu tư để được cấp giấy chứng nhận đầu tư. Trong đó, nhà đầu tư phải giải trình hàng loạt vấn đề như về sử dụng đất đai; xây dựng; xử lý môi trường… Tuy nhiên, sau khi được cấp giấy chứng nhận đầu tư, nhà đầu tư vẫn phải lặp lại những thủ tục nói trên tại các cơ quan khác theo quy định của các luật chuyên ngành. Như vậy, rõ ràng thủ tục đăng ký, thẩm tra là thừa và chồng lấn”.
Thử hình dung theo lập luận thông thường, một doanh nghiệp, có khó là khó khi ra đời, làm thủ tục thành lập. Chứ một khi đã ra đời rồi, trong quá trình hoạt động chắc chắn sẽ có nhiều dự án đầu tư khác nhau. Không lẽ mỗi dự án đầu tư đều phải bị chi phối bởi Luật Đầu tư này. Vì sao một số loại dự án đầu tư phải được Nhà nước thẩm định trước khi cấp phép đầu tư?
Cái người dân trông mong Luật Đầu tư có thể ngăn ngừa doanh nghiệp có dự án gây ô nhiễm môi trường phải thông qua nhiều công đoạn đánh giá tác động môi trường, đạt rồi mới được cấp giấy chứng nhận đầu tư. Thực tế chuyện này Luật Môi trường đóng vai trò quan trọng hơn, Luật Đầu tư chỉ rối thêm.
TBKTSG cũng từng có bài ghi nhận: “Theo một nghiên cứu Tổ công tác thi hành Luật Đầu tư – Luật Doanh nghiệp thì ngoài sự chồng chéo, trùng lặp còn có sự không tương thích thậm chí mâu thuẫn với luật chuyên ngành. Một ví dụ điển hình là thủ tục thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án đầu tư. Nếu chủ đầu tư thực hiện theo Luật Đầu tư thì vi phạm Luật Bảo vệ Môi trường và ngược lại. Báo cáo cho biết, để cho xong chuyện “đa số các địa phương đã chọn phương án “vi phạm” Luật Môi trường”. Nếu thế chẳng thà không có Luật Đầu tư để chủ dự án phải tuân thủ Luật Môi trường còn hơn.
Luật Đầu tư nói chung là nơi đẻ ra nhiều giấy phép con mà không giúp gì nhiều cho việc quản lý của nhà nước, lại mất đi vai trò là cái cương kiềm tỏa doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Vậy bỏ nó đi là một ý kiến không phải là không hợp lý. Vấn đề là chọn thời điểm thích hợp để tích hợp luật này vào Luật Doanh nghiệp và các luật chuyên ngành khác.
Giả thử đưa ngành nghề cấm đầu tư kinh doanh hay kinh doanh có điều kiện vào Luật Doanh nghiệp thì Luật Đầu tư hầu như không còn gì, có thể tích hợp vào Luật Doanh nghiệp một cách dễ dàng. Còn lại những dự án quốc gia thì cứ đưa vào Luật Đầu tư công là ổn thỏa. Nên nhớ cách làm phổ biến hiện nay của các doanh nghiệp lớn là phải thành lập doanh nghiệp mới mỗi khi có dự án mới; họ làm vậy để khoanh trách nhiệm hữu hạn vào doanh nghiệp mới mà thôi, doanh nghiệp mẹ không liên quan. Chính vì thế Luật Doanh nghiệp mới là quan trọng, là nền tảng cho hoạt động kinh doanh, đầu tư trong nước chứ không phải Luật Đầu tư.