1-Ảnh hưởng gián tiếp đầu tiên là qua kênh thương mại giữa Trung Quốc và Việt Nam. Khi chứng khoán Trung Quốc tụt dốc thì giá trị tài sản của nhiều nhà đầu tư nắm giữ chứng khoán Trung Quốc bốc hơi mạnh, sẽ trực tiếp ảnh hưởng đến tổng cầu của nước này. Mức độ tiêu dùng, mua sắm, đầu tư vào bất động sản, mở rộng đầu tư vào các ngành và lĩnh vực kinh tế của Trung Quốc sẽ sụt giảm khi lượng tài sản khả dụng của đa phần nhà đầu tư trở nên teo tóp. Tổng cầu của Trung Quốc suy giảm sẽ tác động tiêu cực đến xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường nước này. Những ngành xuất khẩu chủ chốt của Việt Nam vào Trung Quốc như nông nghiệp, thủy hải sản, khoáng sản và các loại nguyên liệu khác sẽ bị ảnh hưởng đầu tiên.
2-Ngược lại, với tổng cầu suy yếu trong khi năng lực sản xuất đã và đang tiếp tục dư thừa thì Trung Quốc một mặt sẽ tìm mọi cách bảo hộ thị trường nội địa trước hàng nhập khẩu, mặt khác sẽ nỗ lực thúc đẩy xuất khẩu của họ sang các nước khác bằng nhiều biện pháp và thủ thuật, và Việt Nam có thể sẽ là một trong số những nạn nhân đầu tiên.
3-Chưa hết, tổng cầu suy yếu, tăng trưởng kinh tế giảm sút sẽ dẫn đến áp lực giảm giá đồng bản tệ của Trung Quốc (chủ yếu so với đô la Mỹ). Khi nhân dân tệ giảm giá so với đô la Mỹ, nếu Việt Nam vẫn “cương quyết” với chính sách neo tỷ giá tiền đồng Việt Nam vào đô la Mỹ như hiện nay thì hậu quả lên thương mại và nhập siêu của Việt Nam sẽ càng nghiêm trọng hơn, vì Trung Quốc là nước xuất siêu lớn nhất vào Việt Nam.
4-Ảnh hưởng gián tiếp thứ hai sẽ là lên… chứng khoán Việt Nam. Như đã phân tích ở trên, một số ngành xuất khẩu của Việt Nam có thị trường xuất khẩu chủ yếu là Trung Quốc sẽ bị tác động tiêu cực. Tính hấp dẫn và khả năng sinh lời của những cổ phiếu của các doanh nghiệp trong các ngành này vì thế sẽ bị suy giảm tương ứng với tình trạng sụt giảm doanh thu và lợi nhuận của chúng. Kỳ vọng hiển nhiên sẽ là giá cổ phiếu của nhóm doanh nghiệp này sẽ đi xuống sau đó. Ngược lại, cổ phiếu của các doanh nghiệp nhập khẩu và phân phối, kể cả những doanh nghiệp có nguyên phụ liệu đầu vào nhập khẩu từ Trung Quốc sẽ có cơ hội khởi sắc hơn.
5-Ảnh hưởng gián tiếp thứ ba sẽ rộng hơn nhưng khó lượng hóa hơn. Suy giảm tăng trưởng hay những biến động kinh tế lớn của Trung Quốc luôn là nỗi quan ngại sâu sắc mang tính toàn cầu, đơn giản vì quy mô khổng lồ của nền kinh tế nước này – đứng thứ hai thế giới. Viễn cảnh tiếp theo sự sụp đổ của thị trường chứng khoán Trung Quốc sẽ là áp lực giảm phát mạnh hơn trên phạm vi toàn cầu. Trong bối cảnh khủng hoảng nợ công Hy Lạp đe dọa tính ổn định của châu Âu, và phục hồi chưa chắc chắn của kinh tế Mỹ và Nhật, sự lao đao của Trung Quốc, vốn từng là phao cứu sinh cho nền kinh tế khu vực và toàn cầu, sẽ làm xấu thêm triển vọng tăng trưởng kinh tế thế giới năm nay và năm tới. Và khi tăng trưởng thế giới bị giảm sút thì Việt Nam cũng không thể đứng an toàn ngoài cuộc vì các ảnh hưởng tiêu cực sẽ xảy đến thông qua các kênh thương mại và đầu tư nước ngoài như đã từng chứng kiến mấy năm trước.