TẦM NHÌN "ĐỊA-VĂN-CHÍNH-CÔNG-KINH"
QUYẾT ĐỊNH THÀNH CÔNG

I FORESEE TO WIN
NOTHING IS PERMANENT EXCEPT CHANGE

 Không chỉ là vấn đề thủ tục, các quy định liên quan đến định giá doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) khi chuyển đổi thành công ty cổ phần có thể khiến quá trình cổ phần hóa bị chậm lại. Thậm chí, NĐT có nguy cơ phải… khóc ròng vì cách định giá doanh nghiệp hiện tại.

Món hời Vinacomin Power?

Dự kiến, ngày 16/4 tới, Sở GDCK Hà Nội sẽ tổ chức bán đấu giá gần 236,392 triệu cổ phần trên tổng vốn điều lệ dự kiến khoảng 6.800 tỷ đồng sau cổ phần hóa của Tổng công ty Điện lực Vinacomin (Vinacomin Power), với mức giá khởi điểm 10.000 đồng/CP.

Theo bản công bố thông tin của Vinacomin Power, Tổng công ty đã, đang và sẽ thực hiện 14 dự án điện với tổng công suất 5.880 MW, trở thành một nhà sản xuất điện lớn của Việt Nam.

Với các nhà đầu tư chuyên nghiệp, thông tin về các dự án của Vinacomin Power có thể sẽ là điểm được chú ý nhiều nhất. Nhưng thông tin về việc Tổng công ty đang sở hữu 12,8 triệu cổ phiếu NT2 của CTCP Điện lực Dầu khí Nhơn Trạch 2 hiện đang đăng ký giao dịch trên UPCoM cũng gây  chú ý với không ít NĐT cá nhân cũng như tổ chức. Thậm chí, có ý kiến cho rằng, đây là nhân tố tạo… món hời cho NĐT khi tham gia đấu giá cổ phần Vinacomin Power.

Lý do được nhiều người quan tâm bởi thời điểm xác định giá trị Vinacomin để thực hiện cổ phần hóa là 1/4/2014. Tại thời điểm này, giá cổ phiếu NT2 là 8.200 đồng/CP (nếu lấy theo giá tham chiếu ngày 1/4/2014). Kết thúc phiên giao dịch ngày 2/4/2015, thời điểm Vinacomin Power sắp được tổ chức đấu giá, NT2 đang có giá 23.600 đồng/CP, tức là gần gấp 3 lần giá của 1 năm về trước.

Một phép tính được nhiều người đặt ra, chỉ riêng với NT2, giá trị của Vinacomin sau định giá đã tăng thêm hơn 200 tỷ đồng. So với giai đoạn cao điểm, giá NT2 chạm mốc 25.000 đồng/CP, khoản chênh lệch này còn lớn hơn và giá cổ phiếu NT2 có thể còn tăng nữa.

Thế nhưng, giả định này có thể trở thành “cái bẫy” với nhà đầu tư. Bởi theo Điều 10, Thông tư 127/2014/TT-BTC ban hành ngày 5/9/2014 hướng dẫn xử lý tài chính và xác định giá trị doanh nghiệp khi thực hiện chuyển đổi doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước thành công ty cổ phần, phần chênh lệch tăng giá trị đầu tư tài chính phát sinh xác định tại thời lập báo cáo tài chính chuyển đổi thành CTCP so với thời điểm định giá sẽ được hạch toán tăng vào phần vốn góp của cổ đông Nhà nước.

Giả sử, tại thời điểm chính thức chuyển đổi mô hình hoạt động sang CTCP, giá NT2 tăng lên mức 30.000 đồng/CP, thì các cổ đông tham giá đấu giá Vinacomin Power sẽ coi như bị mua NT2 với mức giá 30.000 đồng/CP, quy mô vốn điều lệ của Tổng công ty sẽ tăng thêm tương ứng khoảng 280 tỷ đồng. 

Không nhất quán trong định giá DNNN

Nếu NT2 tiếp tục tăng giá, đó sẽ là nỗi ám ảnh của các NĐT tham gia vào Vinacomin Power, bởi đơn giản, mức giá này được xác định trên diễn biến tăng lợi nhuận đột biến của NT2. Với hiện trạng kinh doanh của NT2, đây có thể không phải là mức giá phù hợp cho nắm giữ lâu dài.

“Cái bẫy” mà NĐT gặp với Vinacomin Power, nếu không nắm vững về pháp lý sẽ có thể diễn ra tại nhiều DN khác. Để khắc phục tình trạng này, có một cách đơn giản mà Vinacomin Power có thể làm là bán NT2 trước khi chính thức chuyển đổi thành CTCP. Nhưng có những “cái bẫy” khác, mà NĐT có thể sẽ gặp phải nhưng lại không dễ nhận ra xuất phát từ cách nhìn nhận không nhất quán trong định giá DN.

Thông tư 127 là văn bản hướng dẫn cho Nghị định 59/2011/NĐ-CP của Chính phủ về chuyển doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước thành công ty cổ phần, nên kế thừa một điểm rất đáng lưu ý là cách định giá DNNN. Theo đó, khi định giá doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa, doanh nghiệp… không phải trích lập dự phòng các khoản nợ, khoản phải thu, khoản đầu tư, hàng tồn kho. Quay trở lại với tình huống của Vinacomin Power, giả sử giá NT2 tại thời điểm xác định giá trị DN cổ phần hóa là 30.000 đồng/CP, giá tại thời điểm chuyển đổi mô hình là… 5.000 đồng/CP thì điều gì sẽ xảy ra? NĐT đừng hy vọng có một sự điều chỉnh ngược! Nguyên tắc là chỉ điều chỉnh tăng hoặc… thôi.

Với các khoản đầu tư tài chính, nhất là đầu tư vào các DN đã niêm yết, NĐT có thể dễ dàng lượng hóa được giá trị tài sản, mức độ tác động về giá trị DN trước và sau thực hiện cổ phần hóa. Nhưng với các khoản phải thu, hàng tồn kho…, nếu không có được sự đánh giá công tâm, trích lập dự phòng đầy đủ trường hợp có phát sinh, thì liệu NĐT có đủ khả năng để đánh giá mức độ phù hợp của giá trị DN, trong khi thứ thông tin mà NĐT đại chúng tiếp cận chỉ là 1 trang phản ánh tổng giá trị DN?   Bùi Sưởng

OTHER NEWS

Read more

Sau khi Công ty TNHH Kiểm toán VACO tiến hành kiểm toán lại BCTC năm 2013 của Vinaplast do ACC thực hiện, hàng loạt số liệu được điều chỉnh thay đổi hàng chục và hàng trăm tỷ trên Bảng cân đối kế toán hay Báo cáo kết quả kinh doanh. Cụ thể, so với BCTC kiểm […]

Read more