Báo cáo gần đây của tổ chức D&B Country RiskLine (chuyên đánh giá rủi ro của các quốc gia) khi đề cập đến Trung Quốc đã ghi nhận bằng một cụm từ ngắn gọn: “Trend: deteriorating” (Xu hướng: tồi tệ hơn). Sự “tồi tệ hơn” đã thể hiện ở con số các cuộc bạo động quần chúng.
Kinh tế Trung Quốc đang trong giai đoạn xấu nhất nhiều năm qua. Vô số hãng xưởng đóng cửa và vô số công trình nhà ở không một bóng người. Dòng tiền mặt tiếp tục được chuyển ra nước ngoài. Những cảnh báo cách đây vài năm về sự bất ổn trong mô hình phát triển kinh tế Trung Quốc nay bắt đầu lộ rõ…
Tháng 2.2016, dự trữ ngoại hối Trung Quốc đã bốc hơi 29 tỉ USD còn 3,2 ngàn tỉ USD, so với 4 ngàn tỉ USD năm 2014. Giáo sư Đại học Bắc Kinh Michael Pettis nhận định, việc thâm hụt trung bình 150 tỉ USD/tháng trong dự trữ ngoại hối sẽ dẫn đến một cuộc khủng hoảng niềm tin. Cái gọi là “khủng hoảng niềm tin” thật ra đang diễn ra. Trong 6 tháng (quý 2/2014 đến quý 3/2015), tổng cộng có 657 tỉ USD “rời” khỏi Trung Quốc. Sự tụt giảm kinh tế đang đánh mạnh và trực tiếp vào tầng lớp nghèo. The Epoch Times (26.3.2016) cho biết, đình công và biểu tình nổ ra khắp Trung Quốc, ngay thời điểm Bắc Kinh tổ chức “lưỡng hội” vào đầu tháng 3.2016, một sinh hoạt chính trị quan trọng của Trung Quốc (kỳ họp thường niên kéo dài hai tuần với 3.000 đại biểu, gồm kỳ họp Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc và kỳ họp Chính hiệp).
Thống kê của China Labour Bulletin (Hong Kong) cho thấy số vụ đình công và biểu tình tại Trung Quốc năm 2015 lên đến gần 2.800 vụ, gấp đôi năm 2014 và gấp 14 lần năm 2011. Bế mạc “lưỡng hội” ngày 16.3.2016, Thủ tướng Lý Khắc Cường khẳng định, không có lý do gì để hoài nghi Trung Quốc không thể đạt được mục tiêu phát triển 6,5% trong năm nay. Họ Lý nói trong 2 năm qua, sản lượng thép bắt đầu được khống chế và chính phủ cũng lập nguồn quỹ 100 tỉ nhân dân tệ (15,4 tỉ USD) để giúp công nhân tìm việc mới.