Theo các DN, năm 2015 kinh tế đã khởi sắc hơn nhưng năng suất lao động chưa tăng, nhiều DN vẫn hết sức khó khăn. Do đó, mức tăng tiền lương tối thiểu vùng mà phía sử dụng lao động đề xuất cho năm 2016 sẽ vẫn chỉ ở mức hơn 10%, tương đương với năm 2015 chứ khó có thể tăng mạnh.
Với mức tăng lương tối thiểu như vậy, cuộc sống của người lao động trong năm 2016 có thể nói vẫn chưa được cải thiện, cũng như năng lực cạnh tranh của DN còn thấp, vì bất cứ giải pháp nào về tiền lương đều phải tính đến khả năng duy trì được sự cạnh tranh của DN.
Tăng không quá 10%
Đại diện một số DN cho rằng, cần xem lại chuẩn "mức sống tối thiểu" để định tiền lương tối thiểu cho hợp lý. Nhiều năm qua, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam lấy căn cứ mức sống tối thiểu do Viện Nghiên cứu công nhân và công đoàn tính toán, mức đề xuất tỷ lệ tăng hằng năm rất cao (từ 20 - 30%) để đạt mức sống tối thiểu vào năm 2018.
Tuy nhiên, nhiều DN đã không chịu nổi mức chi phí tiền lương tăng thêm quá cao, nên đã phải đóng cửa, một số DN đã và đang có kế hoạch rút khỏi Việt Nam.
Do vậy, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho biết hiện nay nhiều hiệp hội DN trong và ngoài nước cũng đề nghị VCCI đề xuất với Hội đồng Tiền lương quốc gia, mức tăng lương tối thiểu hằng năm (trong giai đoạn DN đang gặp nhiều khó khăn) chỉ nên tăng bằng mức trượt giá hằng năm cộng thêm 3% (mức tăng năng suất lao động), như vậy mức tăng chỉ ở khoảng 5 - 8%/năm…