Dưới áp lực tăng vốn lên 3,000 tỷ để tồn tại, VietABank đã “gửi phận” cho nhóm cổ đông liên quan đến ông Phương Hữu Việt trong năm 2010. Thương vụ khép lại với nhiều tai tiếng bởi nhóm cổ đông mới đã đem cầm cố lượng cổ phần này khi chưa hoàn tất việc mua với nhiều ngân hàng.
Ngân hàng TMCP Việt Á (VietABank) ra đời từ năm 2003 trên cơ sở hợp nhất Công ty Tài chính Cổ phần Sài Gòn và Ngân hàng TMCP Nông thôn Đà Nẵng. Ngày mới thành lập, VietABank có vốn điều lệ hơn 76 tỷ đồng. Cổ đông sáng lập nắm cổ phần lớn nhất là Ban Tài chính Thành ủy với tỷ lệ 29.8% (Trước hợp nhất, Công ty Tài chính Cổ phần Sài Gòn có đầu tư vào 6 đơn vị, đặc biệt trong đó có Ngân hàng TMCP Á Châu - ACB và Ngân hàng Nông thôn Đà Nẵng).
Qua 8 năm hoạt động và nhiều lần tăng vốn, cổ đông sáng lập vẫn là những thành viên chủ chốt và nắm quyền lực tại ngân hàng. Đảm nhiệm vị trí Chủ tịch HĐQT là ông Đỗ Công Chính, đại diện cho cổ đông lớn S.J.C. Cùng tham gia HĐQT tại VietABank còn có đại diện các cổ đông lớn khác như bà Nguyễn Thị Phụng (Eximbank), ông Lâm Triều (Quỹ ĐTPT Đô Thị TPHCM nắm gần 3% vốn) và ông Phan Văn Tới (CCI).
Đến năm 2010, dưới áp lực phải tăng vốn lên trên 3,000 tỷ đồng để tồn tại theo quy định của NHNN, VietABank đã bán 51 triệu cổ phiếu cho Tập đoàn Đầu tư Việt Phương và vị Chủ tịch Phương Hữu Việt của tập đoàn này. Cơ cấu sở hữu ngân hàng VietABank có sự thay đổi lớn, Tập đoàn Đầu tư Việt Phương và ông Phương Hữu Việt trở thành cổ đông lớn nhất, sở hữu 17.36% vốn điều lệ của Việt Á. Các cổ đông lớn còn lại gồm CTCP Đầu tư và Phát triển Hòa Bình (11.62%), CTCP Phú An Thạnh (8.85%), Eximbank (EIB) và Văn phòng Thành ủy TPHCM.