Trong báo cáo "Triển vọng Kinh tế toàn cầu" được công bố 2 lần/năm, WB nhận định kinh tế toàn cầu trong năm nay có thể chỉ tăng trưởng ở mức 2,8%, thay vì mức dự báo 3% đưa ra hồi tháng Một.
Nguyên nhân là do tốc độ tăng trưởng của hai nền kinh tế hàng đầu thế giới là Mỹ và Trung Quốc giảm, cộng với viễn cảnh không mấy sáng sủa của các nền kinh tế Khu vực Đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) và Nhật Bản.
Cụ thể, WB hạ mức dự báo tăng trưởng kinh tế Mỹ năm 2015 xuống còn 2,7% so với mức 3,2% đưa ra hồi đầu năm.
Kinh tế Nhật Bản và các nền kinh tế mới nổi cũng tăng trưởng thấp hơn dự báo, ở mức lần lượt 1,1% và 4,4%.
Trong khi đó, các chuyên gia WB tăng dự báo tăng trưởng của các nền kinh tế châu Âu lên mức 1,5% và khu vực Nam Á ở mức 7,1%, trong khi giữ nguyên dự báo về nền kinh tế Trung Quốc ở mức 7,1%.
Theo tổ chức tài chính lớn nhất thế giới này, sang năm 2016, kinh tế toàn cầu dự báo sẽ tăng trưởng khả quan hơn, ở mức khoảng 3,3%.